Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long

02/05/2019

    Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 417/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết số 120). Chương trình đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính, gồm: Rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách; cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản; xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu; đầu tư và phát triển hạ tầng; phát triển và huy động nguồn lực.

    Từ tháng 11/2017, sau Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120 với phương hướng và những vấn đề cần triển khai từ hội nghị trên. Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 120, đến nay đã có 9 bộ, 6 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL ban hành kế hoạch hành động thực hiện; rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách để triển khai nghị quyết.

 

 

     Cùng với đó là hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản, trong đó Bộ TN&MT đã cập nhật dữ liệu khí tượng, thủy văn, hải văn và bùn cát của vùng, dữ liệu về tài nguyên nước. Bộ NN&PTNT đã tập trung khảo sát đánh giá tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển làm cơ sở đề xuất các giải pháp.

    Về nguồn lực, đến nay đã có kế hoạch bố trí khoảng 18.000 tỷ đồng tiền vốn để triển khai các chương trình, dự án. Nghị quyết số 120 là bước đột phá về đổi mới tư duy tiếp cận, tuy nhiên, theo Bộ TN&MT, một số cơ quan, địa phương chưa thực sự đổi mới theo tinh thần này, còn trông chờ vào hướng dẫn và nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương.

     Tại cuộc họp về công tác chuẩn bị hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết số 120 cuối tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là nghị quyết được nghiên cứu xây dựng bài bản về quan điểm phát triển, mô hình phát triển và giải pháp cụ thể, được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao. Thủ tướng đánh giá, các bộ, ngành, địa phương có chuyển biến trong tổ chức thực hiện nghị quyết, trong đó có các đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và một số lĩnh vực ở vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng thiếu quyết liệt trong triển khai nghị quyết, tư duy và hành động còn nhiều vấn đề đặt ra; thiếu sự chủ động, vận động nhân dân trong thực hiện nghị quyết.

     Nghị quyết số 120 thể hiện cách tiếp cận tổng hợp, tư duy kiến tạo, thích ứng thuận theo tự nhiên và yêu cầu quy hoạch tích hợp cho ĐBSCL. Đến nay đã có nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức, nhưng phần nhiều nội dung được kỳ vọng vẫn còn nằm trên giấy. Trong đó nổi lên là các điểm nghẽn về nguồn vốn đầu tư, tổ chức bộ máy thực thi và thiếu các sản phẩm quy hoạch tích hợp phục vụ yêu cầu liên kết vùng, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của trung ương và địa phương.

     Phát triển vùng vẫn còn nguyên những tồn tại, vướng mắc do chồng chéo, níu kéo nhau của hơn 2.500 bản quy hoạch, tính khả thi không cao. Trong khi thể chế hiện hành xác định rõ cấp trung ương và cấp địa phương, đến nay vẫn chưa rõ “chủ thể vùng”, mặc dù Nghị quyết số 120 đã quyết nghị việc thành lập Hội đồng điều phối vùng, nhưng đến nay chưa định được hình hài. Việc phân bổ ngân sách cho các chương trình, dự án đầu tư liên kết vùng mang tính tích hợp, vượt ra ngoài không gian hành chính tỉnh và nội bộ một ngành đến giờ vẫn luôn bị vướng mắc bởi nhiều quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

    Nhiều nội dung quan trọng, then chốt như thực hiện “cơ chế tài chính sáng tạo” để tạo vốn đầu tư chương trình, dự án liên kết vùng đến nay chưa thực hiện được. Yêu cầu xây dựng trung tâm thông tin, dữ liệu vùng thì làm chậm, đang có xu hướng chỉ đi theo chuyên ngành.

    Sắp tới, Chính phủ sẽ tổ chức sơ kết quá trình thực hiện Nghị quyết số 120; những điểm yếu, mặt mạnh cũng đã được phân tích, đánh giá kỹ. Quyết định số 417/QĐ-TTg của Thủ tướng vừa ban hành đặt ra yêu cầu hết sức cấp bách, cụ thể, nhất là giai đoạn đến 2020 phải rà soát các cơ chế, chính sách, xác định và trình phê duyệt các chính sách mới. Thí điểm các mô hình chuyển đổi kinh tế; triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng đã được phê duyệt.

     Trong đó, các dự án đầu tư để chuyển đổi mô hình kinh tế của vùng nhằm phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; rà soát, xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp đa ngành; triển khai thực hiện các chương trình, đề án đã được xác định và phê duyệt. Rà soát, cập nhật và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành và liên ngành về ĐBSCL; xây dựng và phê duyệt các đề án tăng cường công tác điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường và phòng chống thiên tai; nâng cấp hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo về tài nguyên và môi trường.

    Đây là những nhiệm vụ trọng tâm, nếu hoàn thành đúng tiến độ và khối lượng như mong muốn của Thủ tướng, sẽ là nền tảng để phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong tương lai.

 

Lê Chính

Ý kiến của bạn