Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Phát huy sức mạnh cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường

18/09/2018

     Thực hiện Chương trình Quản lý môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng, đến nay TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng gần 300 mô hình Tổ tự quản BVMT. Thời gian tới, những mô hình này sẽ được Sở TN&MT TP lồng ghép với các chương trình nông thôn mới, đô thị văn minh để tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng trong công tác BVMT.

     Sức ép với môi trường sống

     Cùng với sự phát triển không ngừng của kinh tế, các làng nghề, khu công nghiệp, khu chế xuất được xây dựng đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của địa phương cũng như giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, sự phát triển này đang tạo ra sức ép lớn đối với môi trường sống. Trong sinh hoạt hàng ngày và sản xuất dịch vụ thương mại không tránh khỏi phát sinh chất thải; nếu chất thải phát sinh không được thải bỏ, thu gom đúng quy định sẽ làm xấu cảnh quan, mất vệ sinh và gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

     Đơn cử, tại huyện Bình Chánh, là 1 trong 5 huyện ngoại thành, lại là cửa ngõ phía Tây Nam của TP. Hồ Chí Minh, huyện có quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra nhanh nhưng cũng gánh nhiều hậu quả từ mặt trái của sự phát triển, đó là suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh cho biết, tại xã Vĩnh Lộc A, hầu hết kênh rạch ở các khu công nghiệp và khu dân cư đều có màu đen kịt, bốc mùi hôi khó chịu.

 

Vệ sinh kênh, rạch tại huyện Bình Chánh (Nguồn: ITN)

 

     Tương tự, tại xã Lê Minh Xuân và xã Phạm Văn Hai, các tuyến kênh trong khu dân cư đều bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước kênh có màu đen, bốc mùi hôi. Đặc biệt, nước kênh có nhiều váng dầu mỡ xuất hiện, đặc quánh thành từng mảng lớn, gây ách tắc dòng chảy. Theo người dân ở đây, dù đã nhiều lần phản ánh qua các buổi họp tổ dân phố nhưng vẫn không có gì thay đổi. Chưa kể, người dân ở đây còn phải đối mặt với tình trạng rác thải sinh hoạt bị xả vô tội vạ ra môi trường, rất nhiều bãi đất trống đã trở thành nơi đổ rác chung.

     Nhân rộng mô hình điểm

     Trước thực trạng rác thải, nước thải tràn lan, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Hồng cho biết, huyện đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình để giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, chú trọng các Đề án nâng cao chất lượng thực hiện công tác thu gom, xử lý chất thải, nước thải sinh hoạt và sản xuất; xử lý nước thải chăn nuôi và cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện Bình Chánh.

     Chi cục trưởng Chi cục BVMT TP. Hồ Chí Minh Trần Nguyên Hiền cho hay, để xử lý môi trường ở huyện Bình Chánh, Sở TN&MT TP đã phối hợp với UBND huyện triển khai mô hình tổ tự quản BVMT, có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân thực hiện đúng quy định trong xả rác, phân loại rác; hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy. Trong năm 2018, huyện Bình Chánh cũng phối hợp với Sở triển khai Chương trình Quản lý môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng, lựa chọn thực hiện thí điểm tại xã Bình Chánh, sau đó đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình trên địa bàn 15 xã, thị trấn còn lại.

     Mục tiêu của Chương trình hướng đến việc thành lập và đưa vào các hoạt động tổ tự quản BVMT, nhằm vận động nhân dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường làng, ngõ xóm; trồng và chăm sóc cây xanh, cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ, phát triển cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

     Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ nhấn mạnh, BVMT là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay và kết quả chỉ đạt được nếu có sự tham gia, chung tay của cả cộng đồng, trong đó người dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Không ai khác ngoài người dân - nhân tố bảo vệ môi trường sống hiệu quả nhất.

 

Châu Long (Theo daibieunhandan.vn)

 

     Cuối năm 2017, Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình Quản lý môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng ở xã Thạnh An, huyện Cần Giờ và trong tháng 8/2018 triển khai tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh. Sau thời gian triển khai, sẽ tổng hợp, đánh giá kết quả để tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai tại các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi.

 

Ý kiến của bạn