Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Nhu cầu xây dựng, ban hành các quy định kỹ thuật phục vụ quản lý hoạt động nhận chìm ở biển

18/03/2019

     Triển khai thực hiện Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (TN,MTB &HĐ) năm 2015, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TN,MTB &HĐ về quản lý hoạt động nhận chìm ở biển, trong thời gian qua, Bộ TN&MT, UBND các tỉnh/ thành phố (TP) trực thuộc Trung ương có biển đã cấp một số giấy phép nhận chìm ở biển theo thẩm quyền (Thanh Hóa, Bình Định cấp cấp 2 giấy phép; Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa cấp 1 giấy phép).

     Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện cho thấy, còn có những khó khăn, vướng mắc trong cấp phép và thực hiện hoạt động nhận chìm ở biển liên quan đến vấn đề đánh giá vật, chất nhận chìm; đánh giá, lựa chọn, xác định vị trí khu vực biển sử dụng để nhận chìm; quan trắc, giám sát môi trường trong hoạt động nhận chìm... Để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành các quy định kỹ thuật cụ thể phục vụ quản lý hoạt động nhận chìm ở biển.

     Các quy định kỹ thuật về đánh giá vật, chất được phép nhận chìm ở biển

     Luật TN,MTB &HĐ quy định tại Điều 57 và Điều 58 về các yêu cầu, điều kiện đối với vật, chất nhận chìm ở biển. Điều 60 Nghị định số 40/2016/NĐ-CP đã quy định Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển. Tuy nhiên, còn thiếu các quy định kỹ thuật cụ thể về việc khảo sát, điều tra, quan trắc, lấy mẫu, phân tích, đánh giá vật, chất nhận chìm để xem xét, chứng minh việc đáp ứng các yêu cầu, điều kiện theo quy định.

     Do đó, cần phải nghiên cứu, xây dựng, ban hành các quy định kỹ thuật đánh giá vật, chất được phép nhận chìm ở biển. Trước hết, cần có quy định cụ thể việc đánh giá để lựa chọn các phương án xử lý khác nhau ngoài phương án nhận chìm ở biển như tái chế, tái sử dụng, dùng làm vật liệu san lấp, lưu giữ, xử lý trên đất liền với các tiêu chí có tính định lượng, có thang điểm cụ thể để đánh giá, bao gồm cả các đánh giá về hiệu quả kinh tế - xã hội (KT-XH). Quy định kỹ thuật cụ thể về việc khảo sát, quan trắc, lấy mẫu, mô tả chi tiết đặc tính hóa học, vật lý và sinh học của vật, chất đề nghị nhận chìm; việc xử lý để bảo đảm vật, chất nhận chìm không còn các thành phần gây tác động, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường, hệ sinh thái  (HST) biển. Trước mắt, cần sớm xây dựng, ban hành văn bản đánh giá đối với chất nạo vét là loại hình chủ yếu, phổ biến nhất đề nghị nhận chìm ở biển hiện nay.

     Các quy định kỹ thuật về đánh giá, lựa chọn khu vực biển sử sụng để nhận chìm

     Theo hướng dẫn của Tổ chức Hàng hải thế giới cũng như kinh nghiệm của một số quốc gia cần đánh giá, lựa chọn, quy hoạch các khu vực biển sử dụng để nhận chìm nhằm chủ động ngăn ngừa, kiểm soát tốt hơn đối với hoạt động nhận chìm.

     Khoản 3 Điều 57 Luật đã quy định “Khu vực biển được sử dụng để nhận chìm phải phù hợp với quy hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ”. Đến nay, các quy hoạch này chưa được xây dựng, phê duyệt. Thực tế quản lý hoạt động nhận chìm trong thời gian vừa qua, nhất là các khó khăn, vướng mắc trong cấp giấy phép nhận chìm thì một trong những vấn đề đặt ra đối với cơ quan quản lý cũng như sự quan tâm của dư luận chính là việc lựa chọn vị trí khu vực biển sử sụng để nhận chìm. Một trong những nguyên nhân là do chưa có văn bản quy định cụ thể về các tiêu chí xác định cũng như việc đánh giá để lựa chọn khu vực nhận chìm.

     Về cơ bản, vị trí nhận chìm phải đảm bảo xa khu vực có HST, ĐDSH cao; không phải là vùng rủi ro ô nhiễm môi trường; khi tiến hành hoạt động nhận chìm phải bảo đảm không tác động có hại đến môi trường, HST, nguồn lợi thủy sản tại khu vực biển sử dụng để nhận chìm cũng như các khu vực biển ở (gần) xung quanh khu vực nhận chìm và không được ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp pháp khác tại khu vực biển đó.

     Để lựa chọn được các vị trí đáp ứng các yêu cầu, điều kiện đó phải dựa trên các tiêu chí cụ thể về các điều kiện tự nhiên, KT-XH, an ninh, quốc phòng, môi trường, HST, ĐDSH  và phải được phân tích, đánh giá để lựa chọn phương án tối ưu nhất. Bên cạnh đó, để phù hợp về kinh tế, tính khả thi cho hoạt động nhận chìm nên vị trí cần được xem xét không quá xa nơi phát sinh các vật, chất nhận chìm.

 

Cần có các quy định cụ thể để bảo đảm vật, chất nhận chìm không tác động đến môi trường, HST biển

 

     Do vậy, cần phải điều tra, thu thập, đánh giá đầy đủ thông tin, dữ liệu về TN,MTB khu vực biển dự kiến sử dụng để nhận chìm, với các số liệu về đặc điểm vật lý, hóa học, sinh học của khối nước và đáy biển khu vực biển; hiện trạng HST, ĐDSH biển khu vực nghiên cứu; giá trị vị thế và giá trị sử dụng của khu vực biển đó cũng như các quy hoạch có liên quan; nghiên cứu, đánh giá động lực biển khu vực nghiên cứu; dự báo một số biến đổi bất thường ở quy mô lớn thường xảy ra do biến đổi khí hậu, các cơn bão… ; tính khả thi về kinh tế và kỹ thuật thi công khi tiến hành nhận chìm tại khu vực biển đó...

     Những yêu cầu đặt ra nêu trên đòi hỏi cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, ban hành văn bản quy định kỹ thuật cụ thể về việc điều tra, đánh giá, xác định, lựa chọn vị trí nhận chìm với các tiêu chí cụ thể làm cơ sở cho tổ chức, cá nhân áp dụng lập Hồ sơ đề nghị cấp phép cũng như làm căn cứ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thẩm định, quyết định cấp giấy phép nhận chìm.

     Bên cạnh đó, cần sớm lập, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia; tiến hành lập Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, trong đó quy hoạch các khu vực biển sử dụng để nhận chìm.

     Xây dựng, ban hành quy định kỹ thuật vđánh giá tác động của hoạt động nhận chìm

     Việc đánh giá tác động của hoạt động nhận chìm đối với môi trường, HST biển là vấn đề quan trọng, là cơ sở khoa học, căn cứ vững chắc để cơ quan có thẩm quyền quyết định việc có cấp giấy phép nhận chìm hay không. Đây cũng là vấn đề được các nhà khoa học, cơ quan quản lý và cộng đồng xã hội quan tâm trong thời gian qua.

     Vì vậy, cần có văn bản quy định cụ thể về đánh giá tác động của hoạt động nhận chìm theo các yêu cầu, điều kiện đặt ra trước khi xem xét, cấp phép. Trong văn bản cần quy định quy trình đánh giá gồm các bước cơ bản (yêu cầu đánh giá cụ thể các tác động của hoạt động nhận chìm đến môi trường, HST, ĐDSH; đánh giá tác động của hoạt động nhận chìm tới các khu vực biển lân cận; đánh giá tác động đến các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp pháp khác tại khu vực biển đó). Trong đánh giá cũng cần đặt ra yêu cầu đối với dự kiến diện tích, độ sâu khu vực nhận chìm để đủ rộng, sâu để chứa các vật, chất nhận chìm cũng như bảo đảm kiểm soát được các tác động của vật, chất nhận chìm khi tiến hành. Phải tính toán mức độ phân tán, lan truyền của vật, chất trong khu vực nhận chìm cũng như khu vực xung quanh trong một khoảng thời gian nhất định, nhất là khả năng lan truyền vật, chất nhận chìm đến các khu vực nhạy cảm như thảm cỏ biển, rạn san hô, khu bảo tồn, ngư trường khai thác chủ yếu, khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Quy định việc đánh giá tác động cũng cần nêu rõ về các phương pháp áp dụng, thời gian, tần suất, dữ liệu đầu vào, nguồn dữ liệu, phần mềm sử dụng, điều kiện và năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện việc đánh giá...

     Các quy định kỹ thuật về quan trắc, giám sát môi trường trong hoạt động nhận chìm

     Điều 62 TN,MTB &HĐ có quy định về kiểm soát hoạt động nhận chìm ở biển, chủ yếu liên quan đến phương tiện chuyên trở vật, chất nhận chìm và quy định trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, còn thiếu các quy định cụ thể về quan trắc, giám sát môi trường trong hoạt động nhận chìm, bao gồm quan trắc, giám sát từ vị trí phát sinh vật, chất nhận chìm, khối lượng vận chuyển trên phương tiện, tuyến đường đi, các thông số môi trường cần quan trắc, vị trí, tần suất quan trắc,...

     Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung, quy định cụ thể việc lập và thực hiện Chương trình quan trắc, giám sát môi trường trong hoạt động nhận chìm, trong đó có các yêu cầu về diện, điểm, vị trí, tần suất, các thông số cơ bản phải quan trắc, giám sát (như các thông số pH, DO, tổng chất rắn lơ lửng và độ đục của nước biển); trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép nhận chìm ở biển và tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động nhận chìm phải bảo đảm việc quan trắc, giám sát chặt chẽ chất lượng và các tác động đến môi trường trong quá trình nhận chìm cũng như sau khi hoàn thành việc nhận chìm để bảo đảm có thể kiểm soát kịp thời nguồn gây tác động và đối tượng bị tác động, đề ra biện pháp xử lý.

 

Nguyễn Thanh Tùng

Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2019)

Ý kiến của bạn