Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững

16/08/2018

    Ngày 9/8/2018, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Diễn đàn Năng lượng Việt Nam, với chủ đề “Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững”.

    Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với tốc độ cao, kéo theo đó là sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu về năng lượng. Đây là vấn đề đang đặt ra nhiều thách thức rất lớn khi mà các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí… đang cạn kiệt, không đủ cho nhu cầu trong nước. Trong đó, yêu cầu về bảo vệ môi trường đang tạo ra áp lực đối với việc thực hiện chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững. Để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cần nhanh chóng nâng cao việc ứng dụng công nghệ vào phát triển năng lượng, nhất là những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0.

 


 
    Tham dự Diễn đàn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải cho biết, dự báo, đến năm 2020, Việt Nam có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện. Cụ thể, theo ông Ngô Sơn Hải, trong giai đoạn đến năm 2030 nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Theo tính toán, các năm 2019-2020, nhìn chung cung ứng điện có thể được đảm bảo, nhưng đến các năm 2021-2023, hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu điện và nhiều khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam. Theo tính toán, mỗi dự án nhiệt điện than từ 1.000 - 1.200 MW tại miền Nam bị chậm tiến độ sẽ làm mức độ thiếu điện tại miền Nam tăng thêm từ 7,2 đến 7,5 tỷ kWh/năm. Do đó, theo ông Ngô Sơn Hải, để đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới, cần đảm bảo tốt đồng hành 2 giải pháp là kiểm soát nhu cầu phụ tải và đảm bảo về nguồn cung điện, khuyến khích phát triển điện mặt trời…

     Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thời gian qua, Bộ Công Thương với vai trò là Bộ quản lý ngành đã có nhiều giải pháp nhằm phát triển năng lượng bền vững, trong quy hoạch nguồn điện cũng như thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, về lâu dài, cần giải bài toán cân đối cung - cầu, cũng như hài hòa lợi ích giữa nhà nước - nhà đầu tư và người sử dụng điện, giữa quản lý và tiêu dùng, an sinh xã hội, cũng như các vấn đề về môi trường bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cần có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện mới, cũng như đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo; có chính sách về giá điện phù hợp, người dân và các doanh nghiệp sử dụng điện an toàn, hiệu quả…

 

Nam Việt

Ý kiến của bạn