Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Nhận diện thách thức, xác định mục tiêu và thực thi đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển ngành năng lượng ở Việt Nam

18/01/2018

     Theo dự báo từ Bộ Công Thương, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng cao cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, đến năm 2020 đạt khoảng 100 - 110 triệu TOE, đến năm 2025 đạt khoảng 110 - 120 triệu TOE và số lượng này tăng lên khoảng 310 - 320 TOE vào năm 2050.

     Để đạt được mục tiêu đề ra trong chiến lược này, các chuyên gia định hướng, cần phát triển ngành năng lượng theo quan điểm phát triển hài hòa các phân ngành năng lượng, đảm bảo an ninh cung cấp năng lượng.

     Trong đó, cần ưu tiên khai thác trong nước cho mục đích sản xuất điện, khoảng 80% sản lượng than trong nước dành cho phát điện, còn lại cho các nhu cầu công nghiệp, dân dụng khác và chỉ xuất khẩu hạn chế than chất lượng cao. Đồng thời, tăng cường tìm kiếm thăm dò để tăng trữ lượng và đưa vào khai thác khí đốt. Khoảng 80% sản lượng khí đốt trong nước dùng cho sản xuất điện, chỉ 20% còn lại cho các nhu cầu công nghiệp chế biến sâu, sản xuất phân đạm, các ngành công nghiệp khác và dân dụng. Việc thúc đẩy phát triển đa dạng năng lượng tái tạo (NLTT) cũng không thể bỏ qua. Làm sao đến năm 2035, duy trì được tỷ trọng NLTT khoảng trên mức 30% trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp.

 

Điện gió là giải pháp phát triển NLTT hiệu quả (Ảnh: Hội NSNA Việt Nam​)

 

     Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, để đạt được các mục tiêu và định hướng trên, nhóm giải pháp hàng đầu cần tăng tỷ lệ các nguồn điện sử dụng nguồn NLTT bằng các giải pháp như: Xây dựng chương trình, cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật với các cơ chế khuyến khích phù hợp để đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng NLTT, trong đó tập trung vào cơ chế giá hỗ trợ cho các dự án sử dụng năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt...

     Dưới góc độ các nhà đầu tư tài chính, Giám đốc quốc gia Việt Nam, Campuchia, Lào - Kyle Kelhofer (Công ty Tài chính Quốc tế nhóm Ngân hàng Thế giới - IFC) nhìn nhận, để giảm chi phí NLTT, một quốc gia nên khuyến khích các nhà phát triển có kinh nghiệm đầu tư thời gian và nguồn lực cho lĩnh vực này. Đồng thời, cung cấp khuôn khổ hợp đồng đủ để thu hút trình độ chuyên môn và vốn quốc tế và tính tới phương án đấu thầu cạnh tranh (đấu giá) về NLTT.

     Theo đánh giá của IFC, Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi từ sự thay đổi cơ bản trong ngành Kinh tế năng lượng. Cụ thể để đạt được mức giảm chi phí đáng kể theo ước tính khoảng 25%, thì Việt Nam cần lập các dự án có khả năng được tài trợ bởi các ngân hàng quốc tế để thu hút các nhà phát triển quốc tế cung cấp khả năng tiếp cận các khoản nợ USD dài hạn, lãi cố định, giảm chi phí và giảm rủi ro...

     Cùng với nhóm giải pháp về tăng tỷ lệ các nguồn điện sử dụng nguồn NLTT, cần tăng cường đa dạng hóa nguồn năng lượng từ các chương trình trao đổi điện với các nước láng giềng; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và chuyển đổi thay thế nhiên liệu để đem lại lợi ích kinh tế, giảm phát thải khí nhà kính cũng như cải thiện an ninh năng lượng quốc gia...

     “Năng lượng là yếu tố thiết yếu để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và cũng là thành phần quan trọng trong phát triển bền vững. Do vậy, nhận diện thách thức, xác định mục tiêu và thực thi đồng bộ các giải pháp phát triển ngành năng lượng Việt Nam nhằm góp phần đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường mà Việt Nam đã đặt ra: Mục tiêu thiên niên kỷ, Chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược tăng trưởng xanh và các Chương trình mục tiêu quốc gia khác” - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định.

 

Thanh Huyền

 

Ý kiến của bạn