Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Nhà sàn - Nơi ẩn chứa tình yêu thiên nhiên bao la của Bác

31/01/2018

   Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới gìn giữ, bảo vệ và xây dựng môi trường sống trong lành. Người đã chọn việc trồng cây xanh làm điểm tựa, đòn bẩy cho hoạt động BVMT. Tới thăm nhà sàn, nơi Bác đã ở và làm việc trong 11 năm cuối đời, mới thấy hết được phong cách và lối sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên của vị lãnh tụ hết lòng vì nhân dân. Nơi đây như 1 bảo tàng sống về các loài cây, trong đó có nhiều giống quý đến từ các nước trên thế giới.

Quanh nhà sàn, mỗi gốc cây, ngọn cỏ đều gắn liền với cuộc sống, tư tưởng của Bác

   Sau 4 năm tiến hành công cuộc khôi phục kinh tế, đời sống nhân dân được nâng cao, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mong muốn xây dựng một ngôi nhà mới để Chủ tịch có nơi ở, làm việc được tốt hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý với ý định này. Người nói với anh em: Trung ương đề nghị xây cho Bác một ngôi nhà mới, Bác nghĩ, nên làm một căn nhà nho nhỏ ở phía bên kia bờ ao theo kiểu nhà đồng bào dân tộc ở Việt Bắc, giống như ngôi nhà Bác đã từng ở trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

   Theo Bác, mùa hè năm 1958, Cục thiết kế cơ bản thuộc Tổng cục Hậu cần đã thi công ngôi nhà. Kiến trúc sư là ông Nguyễn Văn Ninh, Cục trưởng Cục thiết kế Dân dụng, Bộ Kiến trúc. Ông Ninh là một trong tám người Việt Nam học kiến trúc khóa đầu tiên ở trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương. Chính ông là người thiết kế lễ đài Ba Đình đón Bác và Trung ương Đảng, Chính phủ trở về Thủ đô. Nhà sàn được thiết kế theo kiểu nhà của đồng bào dân tộc (chiều dài 10,5 m; rộng 6,2 m) với 2 tầng, tầng trên 2 phòng: mỗi phòng rộng 10 m2 dùng làm phòng ngủ và phòng làm việc về mùa đông, tầng dưới là nơi Bác thường làm việc vào mùa hè. Trước nhà là khu vườn nhỏ, trồng nhiều loại hoa thơm. Phía ngoài là hàng rào dâm bụt gợi nhớ hình ảnh quê hương Nghệ An, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên. Khi biết các đồng chí phục vụ có ý định chặt bỏ một cây bụt mọc đã bị mối xông quá nửa thân, Bác đã khuyên không nên chặt bỏ rồi trực tiếp hướng dẫn các đồng chí cách cứu chữa cho cây. Theo Bác, chặt 1 cây thì dễ nhưng trồng thêm cây mới để phát triển được như cũ thì mất rất nhiều thời gian. Sau này, tại Hội nghị Cán bộ quản lý ở thị xã Sơn Tây, Bác đã kể lại câu chuyện cứu chữa cây bụt nhằm nhắc nhở về việc quản lý, giáo dục cán bộ. Bác dạy rằng, việc giúp đỡ cán bộ phạm khuyết điểm cũng giống như cứu chữa một cây bị hư, không phải cứ thấy cán bộ phạm lỗi là đưa ra kỷ luật, bài trừ mà phải tạo điều kiện giúp đỡ để họ khắc phục khuyết điểm và trở thành người có ích. Qua câu chuyện về cây, Bác đã dạy cho chúng ta bài học sâu sắc về cách ứng xử đầy vị tha, nhân hậu đối với con người. Tình yêu thương và lòng bao dung nhân ái chính là cách tốt nhất để cảm hóa được con người lầm lỗi, giúp họ trở thành người tốt. Đối với cây cỏ, thiên nhiên cũng vậy, chỉ có tình yêu thương, lòng quý trọng mới biến thiên nhiên thành người bạn thực sự của chúng ta.

   Bên cạnh nhà sàn là cây vú sữa đồng bào miền Nam kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng ngày, dù bận nhiều công việc nhưng trước giờ làm việc buổi sáng, hay sau giờ làm việc buổi chiều, Bác đều tự tay chăm sóc, vun xới cho cây như gửi gắm vào trong đó tất cả tình cảm Bác dành cho đồng bào miền Nam. Những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, nỗi nhớ miền Nam da diết trong lòng Bác. Không có dịp vào thăm miền Nam, Bác dành hết tình cảm của mình vào việc chăm sóc những cây dừa miền Nam trước ngôi nhà sàn hay cây vú sữa mà đồng bào miền Nam tặng Bác. Trước lúc đi xa, Bác căn dặn đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác, tìm thêm các giống xoài miền Nam trồng xen kẽ giữa những cây xoài cổ thụ trên con đường xoài để cây có thời gian kịp phát triển thay thế cây đã già cỗi.

   Phía trước nhà sàn là ao cá Bác Hồ rộng hơn 3000 m2 với nhiều loại cá khác nhau như: trắm, chép, mè, rô phi... Bác thường ra cầu ao cho cá ăn. Khi cho cá ăn, Bác thường vỗ tay gọi cá, dần dần tiếng vỗ tay của Bác đã tạo cho cá một phản xạ quen: hễ nghe tiếng vỗ tay thì bơi về cầu ao đợi ăn. Cứ đến dịp sinh nhật Bác hay ngày lễ, tết cổ truyền, Bác nhắc anh em phục vụ đánh cá để biếu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tặng anh em trong đơn vị bảo vệ và các gia đình trong cơ quan có cháu nhỏ. Bác cũng mong muốn các địa phương khác trong nước cũng phát triển nghề nuôi cá để cải thiện và nâng cao đời sống kinh tế.

   Bờ ao trước nhà sàn Bác cho trồng 2 cây y lan với dáng đứng vươn thẳng lên bầu trời và đặt tên là cây vũ trụ để chúc mừng nhân dân Liên Xô phóng thành công 2 con tàu vũ trụ Phương Đông 5 và Phương Đông 6. Vào mỗi độ hè sang, khu vườn của Bác được tô điểm với những sắc màu rực rỡ của các loài hoa phượng, liễu đỏ, bằng lăng tím, phong lan đủ màu sắc quanh ao cá. Mảnh vườn nhỏ với những luống cam, bưởi mang đến cho ta một cảm giác bình yên và thật sự gần gũi như hình ảnh quê hương trong tâm khảm của mỗi con người.

   Nhà sàn là nơi Bác sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng. Tại đây, Người cùng Bộ Chính trị đề ra đường lối chiến lược, sách lược cho cách mạng Việt Nam, tiếp tục lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Tại ngôi nhà này, tháng 5/1965, vào dịp sinh nhật lần thứ 75 của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt bút viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc, trong đó khẳng định: Dù khó khăn gian khổ đến mấy nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi... Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ xum họp một nhà...

   Cuối năm 1959, cũng từ đây, Bác phát động Tết trồng cây với mục tiêu: Trong mười năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta. Lời kêu gọi của Bác đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của các địa phương trong cả nước. Cũng từ sau Tết trồng cây đầu tiên, phong trào trở thành nếp sống đẹp, truyền thống gắn bó không thể thiếu trong mỗi người dân Việt Nam khi Xuân về.

   Có thể nói, nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất gần gũi thiên nhiên với hồ nước mát; thảm cỏ xanh; vườn cây đủ loại cây ăn quả, cây bóng mát, cây lấy gỗ, các loại tre và các khóm cây bụi, thân mềm, cây cảnh... Tất cả chung sống hòa hợp, phát triển, tạo nên bức tranh non xanh nước biếc. Sau khi Bác qua đời, nhà sàn trở thành di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của quốc gia, di sản văn hóa vô giá của dân tộc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong tác phẩm Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh đã viết: "Nhà sàn của Bác từ nhiều năm nay được người dân ở nước ta và trên thế giới đã biết và xúc động lúc viếng thăm nhà sàn ấy. Ở đây, Hồ Chí Minh đã sống với thiên nhiên. Đây không chỉ là khung cảnh mà còn là lối sống đem lại những niềm vui quý báu đối với con người mà cái xã hội văn minh ngày nay hầu như muốn tước đoạt với những thành phố khổng lồ, những nhà nhiều tầng đầy đủ tiện nghi. Trong đó có những thứ không cần thiết, môi trường bị ô nhiễm, phá hoại thiên nhiên và nguy hại cho con người".

ThS. Nguyễn Đình Việt
Học viện Chính trị Công an nhân dân

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2018

Ý kiến của bạn