Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu gom, xử lý vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Nam Định

09/11/2018

     Trong những năm qua, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã góp phần quan trọng để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh, gia tăng sản lượng nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, tình trạng người dânvứt vỏ bao bì thuốc BVTV bữa bãi trên đồng ruộng và sử dụng thuốc không đúng liều lượng, chủng loại vẫn diễn ra tại một số địa phương, gây tác động lớn đến môi trường.

     Nam Định là tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, với các cây trồng chủ lực như lúa, lạc, ngô, khoai, đậu tương và các loại rau màu.Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường cộng với yêu cầu thâm canh, tăng vụ đã làm cho tình hình dịch bệnh gây hại trên cây trồng phức tạp, kéo theo nhu cầu sử dụng thuốc BVTV ngày càng tăng cả về số lượng và chủng loại thuốc.Thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Nam Định cho thấy, lượng thuốc BVTV sử dụng trên địa bàn tỉnh đã tăng từ 382.468, 93 kg (năm 2016) lên 511.521,16 kg (năm 2017). Trong đó, năm 2017,toàn tỉnh đã thu gom được 100 tấn bao bì thuốc BVTV (chai nhựa, thủy tinh, gói ni lông) đã qua sử dụng.

     Tại một số địa phương, mặc dù, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con nông dân sử dụng và thu gom thuốc BVTV đúng cách nhưng tình trạng lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp vẫn tăng cao.Ở nhiều vùng trồng rau màu, nhiều vỏ bao bì thuốc BVTV vứt bừa bãi trên bờ ruộng chưa được thu gom. Bên cạnh đó, sau khi phun thuốc xong, người dân vẫn có thói quen rửa bình phun rồi đổ ra sông, kênh mương gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, việc lạm dụng thuốc BVTV, nhất là thuốc trừ cỏ, làm cho đất bị ô nhiễm, độ chua cao dẫn đến cây trồng khó hấp thu dinh dưỡng khiến năng suất cây trồng giảm; tiêu diệt sinh vật có ích, tạo điều kiện cho sinh vật có hại phát triển làm cây trồng dễ nhiễm sâu bệnh, sinh trưởng kém. Mặt khác, các đại lý kinh doanh thuốc BVTV vì lợi nhuận đã tự ý phối trộn nhiều loại thuốc, không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất và gây ô nhiễm môi trường. Qua đợt kiểm tra năm 2017, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Nam Định cùng các đơn vị liên quan đã thực hiện 18 cuộc thanh tra đối với 622 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV,phát hiện 94 trường hợp vi phạm, phạt cảnh cáo 28 trường hợp, phạt tiền 33 trường hợp gần 35 triệu đồng; Kiểm tra tình hình sử dụng thuốc BVTV tại 1.176 hộ nông dân và phát hiện được 200 hộ sử dụng thuốc BVTV không đúng hướng dẫn ghi trên nhãn và không đảm bảo thời gian cách ly.

 

Người dân thu gom vỏ, bao bì thuốc BVTV vào bể chứa

 

     Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh Nam Định đã hỗ trợ kinh phí cho một số địa phương xây dựng mô hình bể chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 10.380 bể chứa bao bì thuốc BVTV. Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con nông dân thu gom các loại chất thải, bao bì thuốc BVTV vào các bể chứa theo quy định. Mô hình này đang nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương và người dân. Huyện Mỹ Lộc là một trong những địa phương tích cực đầu tư xây dựng các bể chứa bao bì thuốc BVTV, với 660 bể. Các bể chứa được đặt lối đi đầu bờ ruộng, cách xa mương dẫn nước để bà con thuận tiện trong việc thu gom vỏ bao bì thuốc  BVTV sau khi sử dụng, hạn chế tình trạng vất bừa bãi trên các kênh, mương. Sau mỗi vụ canh tác, vỏ bao bì thuốc  BVTVđược thu gom từ bể chứa ngoài cánh đồng, tập kết vào kho chứa (kho chứa có mái che, có biển báo đảm bảo quy định) của 11 xã, thị trấn. Sau đó,Công ty cổ phần môi trường ETC sẽ về thu gom, vận chuyển để mang đi xử lý theo đúng quy định.Có thể nói, sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của người dân khi tham gia mô hình thu gom, xử lý bao bì, vỏ thuốc BVTV trên đồng ruộng có vai trò quan trọng trong việc tạo nên những cánh đồng sạch, an toàn. Đây cũng là thành công lớn của mô hình.

     Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực hiện, tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Một số địa phương vào cuộc chưa quyết liệt; ý thức và nhận thức của một bộ phận nông dân về vệ sinh môi trường, an toàn sức khỏe lao động còn hạn chế, chủ quan nên chưa chủ động, tự giác thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV. Qua khảo sát thực tế cho thấy, phần lớn các mẫu thiết kế bể thu gom bao bì thuốc BVTV chưa theo quy chuẩn về kích thước, chất liệu, cấu tạo, vì vậy, phần lớn các bể chứa được xây bằng xi măng không có nắp đậy nên chưa đáp ứng yêu cầu thu gom an toàn (do hóa chất tồn dư trong bao gói, chai lọ vẫn có thể khuếch tán vào không khí). Ở một số nơi, do thiếu khu vực lưu chứa, phương án xử lý nên sau khi thu gom lại tập kết chung với rác thải sinh hoạt tại bãi chôn lấp của xã, hoặc xử lý bằng cách đốt cả các loại chất thải chứa hóa chất BVTV tại các bể chứa để tiêu hủy làm phát sinh khí thải độc hại, hình thành các điểm ô nhiễm cục bộ. Ngoài ra, ngân sách địa phương hạn hẹp nên kinh phí hỗ trợ xây dựng bể chứa, khu vực lưu chứa và thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng còn hạn chế.

     Trong thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý, sử dụng, thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV, tỉnh Nam Định cần tiến hành điều tra cơ bản đặc điểm các vùng canh tác nông nghiệp tập trung, sử dụng nhiều thuốc BVTV, qua đó, xác định, lựa chọn địa điểm xây dựng các bể chứa, khu vực lưu chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng phù hợp. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa ở từng địa phương và hướng dẫn các đơn vị này lập sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định;hàng năm, lập kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sử dụng, phát sinh nhiều bao gói thuốc BVTV; các địa phương tổng hợp, báo cáo tình hình phát sinh, thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn quản lý.

     Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền phổ biến, tổ chức các buổi tập huấn về thu gom, sử dụng thuốc BVTV, các văn bản liên quan đến quản lý thuốc BVTV;  Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng,trước mắt tập trung kiểm tra việc chấp hành thu gom xử lý theo quy định tại những nơi sử dụng nhiều thuốc BVTV như: Vùng trồng hoa, cây cảnh, chuyên canh rau màu..; thực hiện vận chuyển, xử lý tiêu hủy bao bì thuốc BVTV sau sử dụng theo quy định về xử lý chất thải nguy hại. Mặt khác, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “ 4 đúng” nhằm đạt hiệu quả phòng trừ sâu bệnh cao, an toàn đối với người, vật nuôi và môi trường; kịp thời phát hiện thuốc BVTV không đảm bảo chất lượng để xử lý theo quy định; tiếp tục vận động các địa phương xây dựng các bể chứa bao bì thuốc BVTV đáp ứng yêu cầu thực tế, đảm bảo thuận lợi cho người nông dân khi làm việc trên đồng ruộng.

 

Trần Ngọc Ngoạn

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2018)

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn