Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Hội Nông dân Thành phố TP. Hà Nội: Đóng góp thiết thực cho môi trường nông thôn

02/07/2018

     Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) TP. Hà Nội luôn phát huy vai trò và trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật BVMT, tham gia xử lý các điểm nóng về môi trường; Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân và cộng đồng cùng chung tay BVMT… Đồng thời, tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công lao động để xây dựng các công trình dân sinh, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn TP.

     Theo đó, HND TP. Hà Nội đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể phát động phong trào “Nông dân thi đua xây dựng NTM”; Đưa nội dung xây dựng NTM vào ký kết giao ước thi đua hàng năm; Lồng ghép tuyên truyền việc xây dựng, củng cố tổ chức Hội và phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở phải gắn với xây dựng NTM vào các buổi sinh hoạt, cuộc họp, hội nghị chuyên đề. Bên cạnh đó, phát động ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống thoát nước, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường Xanh - Sạch - Đẹp; Tập huấn, xây dựng mô hình điểm về BVMT và tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng để thu hút sự hưởng ứng, tham gia của toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân…

 


Đường giao thông nông thôn xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm - Công trình có sự tham gia của hội viên HND Gia Lâm

 

     Đặc biệt, thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020", HND TP đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể kêu gọi hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, tổ hợp tác, hình thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh cho giá trị kinh tế cao, giúp nông dân tăng thu nhập, ổn định đời sống, từng bước hình thành ý thức BVMT. Tiêu biểu như HND huyện Gia Lâm với phong trào “5 điểm, 10 việc HND tham gia phát triển kinh tế”, đã xây dựng được nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế, cụ thể: Mô hình chăn nuôi bò thịt ở Lệ Chi; chăn nuôi bò sữa ở Phù Đổng; trồng rau an toàn ở Văn Đức, trồng hoa ly ở Đa Tốn… Hội viên nông dân xã Xuân Phú (huyện Phúc Thọ) hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung như vùng lúa hàng hóa chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn, vùng cây ăn quả; Thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tạo ra sản phẩm có giá trị cao, an toàn. Đến nay, xã Xuân Phú đã hoàn thành 17/19 tiêu chí và đang phấn đấu về đích xây dựng NTM trong năm 2018. HND huyện Sóc Sơn nổi bật với việc xây dựng 7 hợp tác xã, 5 chi hội nghề, 3 tổ hội nghề nghiệp, 34 nhóm sản xuất rau hữu cơ; Tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà đồi, nuôi trồng thủy sản, canh tác lúa chất lượng cao, rau hữu cơ, cây ăn quả, nuôi giun quế, xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi... cho trên 60.000 lượt hội viên. Cùng với đó, hỗ trợ các hội viên, hợp tác xã trưng bày và bán các sản phẩm nông nghiệp an toàn của địa phương; Tăng cường quảng bá các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông sản có thương hiệu của huyện để thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân...

     Cùng với đó, dựa trên nhu cầu thực tiễn, thế mạnh của từng địa phương, HND TP. Hà Nội có kế hoạch kêu gọi, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tình nguyện đóng góp kinh phí, ngày công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Năm 2017, hội viên HND TP đã tự nguyện hiến 14.600 m2 đất, đóng góp hơn 7.000 ngày công lao động để làm mới, nâng cấp 356 cầu cống, sửa chữa 576 km đường giao thông... Đặc biệt, HND huyện Sóc Sơn có 25 HND các xã trên toàn huyện đăng ký 69 đầu việc trọng tâm ở cơ sở tham gia xây dựng NTM; 480 hội viên nông dân tự nguyện hiến 10.742 m2 đất, đóng góp 20.335 ngày công cùng nhiều vật tư trị giá 8,3 tỷ đồng để xây dựng NTM; Hội viên, nông dân các thôn, xã đóng góp, lắp đặt mới 28,5 km hệ thống chiếu sáng đường ngõ; Giúp đỡ 269 hộ gia đình thoát nghèo.

 

Mô hình trồng rau an toàn của hội viên nông dân huyện Sóc Sơn cho năng suất cao

 

     Xác định môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện tại địa bàn nông thôn, các cấp HND TP đã chỉ đạo HND các huyện, thị xã phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện mô hình “5 không, 3 sạch”, “Sạch nhà, tốt ruộng”; Phong trào “Ngày Thứ bảy, Chủ nhật xanh”… Đồng thời, các cơ sở Hội đã thành lập, duy trì sinh hoạt nhiều loại hình câu lạc bộ (CLB) BVMT, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng NTM; Khuyến khích tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau sản xuất kinh doanh và thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn môi trường nông thôn… Qua đó, các cấp Hội đã chỉ đạo xây dựng được 469 mô hình nông dân tham gia BVMT; thành lập gần 300 CLB “Thu gom vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật” trên đồng ruộng; Các chi hội đăng ký đảm nhận 2.174 đoạn đường tự quản BVMT; 56.000 lượt hội viên nông dân đăng ký tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào các ngày Thứ bảy, Chủ nhật hàng tuần.

     Để giữ lửa phong trào xây dựng NTM trong toàn dân, thời gian tới, các cấp HND TP. Hà Nội sẽ giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã hoàn thành; thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động; tiếp tục phổ biến các tiêu chí về xây dựng NTM, phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của lực lượng nông dân trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, góp phần đưa phong trào xây dựng NTM đi vào chiều sâu và hiệu quả.

 

Nguyễn Thu Hà

Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2018)

 

 

 

Ý kiến của bạn