Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Diễn biến chất lượng môi trường không khí và nước khu vực phía Bắc

08/10/2019

     Theo Quyết định số 2387/QĐ-TCMT ngày 28/12/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc đã triển khai Chương trình Quan trắc quốc gia đối với môi trường không khí và nước trên phạm vi các tỉnh miền Bắc, theo đó thực hiện quan trắc môi trường không khí tại 31 điểm thuộc địa bàn các tỉnh vùng  kinh tế trọng điểm phía Bắc và một số điểm nóng về ô nhiễm môi trường không khí ở khu đô thị, KCN… thuộc địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Quan trắc môi trường nước trên 5 lưu vực sông (LVS): Cầu, Nhuệ - Đáy, Mã - Chu, Hồng - Thái Bình và Lam - La. Chất lượng môi trường nước được đánh giá dựa theo chỉ số chất lượng nước (WQI) do Tổng cục Môi trường xây dựng và ban hành. Chỉ số WQI được tính từ một số thông số quan trắc chất lượng nước đặc trưng (bao gồm: Nhiệt độ, pH, độ đục, DO, COD, BOD5, N-NH4 và TSS), chất lượng môi trường không khí được đánh giá, đối chiếu với QCVN 05:2013/BTNMT (TB 01h). Sau đây là diễn biến chất lượng môi trường không khí và nước được sử dụng từ kết quả quan trắc đợt 3/2019 (tháng 6/2019), so sánh với đợt 2/2019 (tháng 5/2019).

     Chất lượng môi trường không khí đợt 3/2019

     Kết quả quan trắc môi trường không khí đợt 3/2019 cho thấy, môi trường không khí các tỉnh miền Bắc tiếp tục bị ô nhiễm tổng bụi lơ lửng (TSP), tiếng ồn tại các trục giao thông lớn và KCN. Các thông số khác PM10, NO2, CO, SO2, Pb nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 05:2013/BTNMT (TB 1h). 

 

Quan trắc môi trường không khí ở khu dân cư TP. Hưng Yên

 

     Mức độ ô nhiễm bụi biểu hiện rõ nhất tại các trục giao thông và KCN, tăng nhẹ ở phần lớn các KCN ở Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc so với đợt 2/2019. Giá trị TSP trung bình lớn nhất là 324µg/m3 tại KCN Quang Minh -Hà Nội, vượt QCVN 05:2013/BTNMT (TB 1h). Đây là điểm quan trắc gần cổng KCN, đường lớn, đông xe cộ, nơi mật độ phương tiện giao thông lớn.

 

Biểu đồ 1. Giá trị TSP tại KCN và trục giao thông đợt 3/2019

 

     Tại khu dân cư mức độ ô nhiễm bụi thấp hơn so với các trục giao thông và các KCN, có 03/09 điểm quan trắc có giá trị vượt giới hạn quy định theo QCVN 05:2013/BTNMT (TB 1h), đây là các dân cư nằm gần trục giao thông (TP. Bắc Ninh, gần nhà máy bia Hà Đông và KDC TP. Vĩnh Yên), nồng độ bụi có tăng nhẹ so với đợt 2/2019.

 

Biểu đồ 2. Giá trị TSP tại các khu dân cư đợt 3/2019

 

     Ô nhiễm tiếng ồn tập trung tại các điểm quan trắc trên tuyến giao thông lớn và điểm gần KCN, đặc biệt vào các giờ cao điểm, mức ồn giao động trong khoảng 70 - 86 dBA, đã chạm và vượt ngưỡng giới hạn cho phép của QCVN 26:2010/BTNMT.

 

  Biểu đồ 3. Giá trị tiếng ồn các tỉnh miền Bắc đợt 3 năm 2019

 

     Chất lượng nước các LVS đợt 3/2019

     Kết quả tính toán giá trị WQI cho thấy, trong số 5 LVS thực hiện quan trắc khu vực phía Bắc, LVS Lam - La và Mã - Chu có chất lượng môi trường nước sông đạt mức tốt khá cao, nước sông sử dụng được cho mục đích nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt và các mục đích tương đương khác. LVS Nhuệ - Đáy và LVS Cầu vẫn là các LVS có giá trị WQI ở mức xấu (WQI:10-25).

 

Biểu đồ 4. Chất lượng môi trường nước theo chỉ số WQI trên các LVS phía Bắc đợt 3/2019

 

     Lưu vực sông Cầu

     Chất lượng nước trên dòng chính sông Cầu giảm dần ở khu vực hạ lưu (từ Cầu Vát đến Yên Dũng), giá trị WQI: 29-75, nước sông sử dụng cho mục đích nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác do ảnh hưởng của hoạt động dân sinh (hoạt động đò thuyền tại điểm Phúc Lộc Phương, khai thác cát sỏi ở Hương Lâm) và do tiếp nhận nước ô nhiễm từ sông Ngũ Huyện Khê (điểm Hòa Long). 

 

Biểu đồ 5. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên sông Cầu đợt 3/2019

 

     Trên các phụ lưu sông Cầu: Hạ lưu sông Công (khu vực Cầu Đa Phúc), sông Ngũ Huyện Khê, suối Loàng và suối Bóng Tối chất lượng môi trường nước sông ở mức trung bình và ít biến động so với thời điểm quan trắc đợt 2/2019. Giá trị WQI dao động từ 26-50, nước sông chỉ có thể sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác, thậm chí tại một số điểm giá trị WQI khá thấp, điểm cầu Đào Xá (WQI=23), suối Bóng Tối (WQI=18), nước sông bị ô nhiễm nặng cần các biện pháp xử lý trong tương lai.

 

Biểu đồ 6. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên sông Công và các sông khác đợt 3/2019

 

     Lưu vực sông Nhuệ - Đáy

     Môi trường nước trên LVS Nhuệ - Đáy tiếp tục bị ô nhiễm tại nhiều khu vực đi qua khu dân cư, làng nghề, cơ sở sản xuất công nghiệp. Các sông nội thành vẫn đang bị ô nhiễm và chưa có dấu hiệu được cải thiện so với đợt 2/2019. 

 

Biểu đồ 7. Diễn biến chất lượng nước trên các sông nội thành Hà Nội đợt 3/2019

 

     Trên dòng chính sông Nhuệ, chất lượng môi trường nước sông ở mức trung bình (WQI:25-50) và giảm so với thời điểm quan trắc đợt 2/2019, thậm chí tại đoạn sông Nhuệ qua TP. Hà Nội (từ điểm Cầu Tó đến Cự Đà) chất lượng nước sông ở mức xấu, nước ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai (WQI: 10-25).

 

Biểu đồ 8. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên sông Nhuệ đợt 3/2019

 

     Trên sông Đáy, nước sông có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu, giao thông thủy và các mục đích tương đương khác (WQI:50 - 83) và ít biến động so với đợt 2/2019. 

     Sông Hoàng Long, Châu Giang và sông Đào, môi trường nước sông khá tốt, nước sông sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác (WQI: 50-79). 

     Lưu vực sông Hồng - Thái Bình

     Kết quả quan trắc đợt 3/2019 trên LVS Hồng - Thái Bình khá tốt, tuy nhiên cục bộ tại một số đoạn sông như đoạn cầu Phú Lu (Lào Cai); đoạn từ Quy Mông đến cầu Yên Bái (Yên Bái) chất lượng môi trường nước sông giảm so với đợt 2/2019, nước sông chỉ có thể sử dụng được cho mục đích giao thông thủy và các mục đích tương đương khác (WQI: 26-50). Nguyên nhân do ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt TP. Lào Cai và hoạt động khai thác cát sỏi tại Yên Bái.

     Trên sông Đà, sông Lô, sông Thái Bình chất lượng môi trường nước sông vẫn duy trì trạng thái sạch và chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm.

 

Biểu đồ 9. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên sông Hồng đợt 3/2019

 

       Chất lượng nước LVS Mã - Chu

     Chất lượng nước LVS Mã - Chu thời điểm quan trắc đợt 3/2019 khá tốt, nước sông sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác, giá trị WQI >76.

     Các phụ lưu: sông Chu và sông Bưởi, chất lượng nước sông tốt hơn dòng chính sông Mã, nước sông sử dụng tốt cho mục đích nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt. 

     LVS Lam - La và các sông phụ lưu

     Chất lượng môi trường nước LVS Lam - La và các sông phụ lưu chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm, giá trị WQI nằm trong khoảng 76 - 93, phản ánh nước sông có thể sử dụng được cho mục đích tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt.         

     Như vậy, môi trường không khí bị ô nhiễm bởi TSP và tiếng ồn và gia tăng so với đợt 2/2019. Giá trị TSP tăng cao tập trung tại các trục giao thông, khu nội đô của Hà Nội và Quảng Ninh. Các thông số khác (CO, NO2, SO2 và Pb) đều nằm trong giới hạn quy định theo QCVN 05-MT:2013/BTNMT.

     Môi trường nước trên các LVS (Hồng - Thái Bình, Mã - Chu và Lam - La) duy trì ở mức tốt đến rất tốt, nước sông có thể dùng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác. Trong đó, LVS Nhuệ Đáy, LVS Cầu vẫn là các LVS có giá trị WQI ở mức xấu và trung bình cao, chưa có dấu hiệu được cải thiện so với đợt 2/2019, đặc biệt tại đoạn sông Tô Lịch, Sét, Lừ chảy qua TP. Hà Nội trên LVS Nhuệ Đáy; sông Ngũ Huyện Khê và khu vực suối Loàng, cầu Bóng Tối trên LVS Cầu.

 

TS. Trần Thị Minh Hương, ThS. Nguyễn Hữu Thắng
Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2019)

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn