Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn: Cần áp dụng những mô hình thu gom, xử lý rác hiệu quả

02/05/2019

     Trong thời gian qua, sự gia tăng dân số cùng với phát triển kinh tế - xã hội đã làm tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, đồng thời làm phát sinh khối lượng lớn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), với thành phần ngày càng phức tạp đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý ở Việt Nam nói chung và khu vực nông thôn nói riêng. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và BVMT thuộc Liên hiệp hội các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).

 

PGS.TS. Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn và BVMT

 

     PV: Ông có thể cho biết tình hình phát sinh CTRSH khu vực nông thôn tại Việt Nam hiện nay?

     Ông Nguyễn Văn Lâm: Quản lý, thu gom và xử lý CTRSH không còn là vấn đề cấp bách của riêng các đô thị và thành phố (TP) lớn, mà trở thành vấn đề đáng báo động cả ở các vùng nông thôn. Nguyên nhân chính là do sự phát triển mạnh mẽ các ngành nghề, việc thay đổi tập quán sinh sống làm cho lượng CTRSH khu vực nông thôn gia tăng cả về thành phần và tính độc hại, trong khi đó việc quản lý, xử lý tại khu vực này còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Sức ép đối với môi trường nông thôn ở nước ta đến từ các hoạt động dân sinh và các hoạt động sản xuất như: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và chế biến thủy sản, chế biến nông sản thực phẩm... Các hoạt động sản xuất ở nông thôn phần lớn ở quy mô hộ gia đình, gần khu dân cư; hình thức sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, chưa đầu tư cho hoạt động BVMT.

     Kết quả nghiên cứu năm 2018 tại 49/63 tỉnh/TP tập trung đông dân cư nông thôn nước ta cho thấy, lượng CTRSH nông thôn phát sinh là 6.731.347,9 tấn/năm, lượng phát sinh trung bình mỗi tỉnh dao động từ 126 - 657,5 tấn/ngày. Thành phần hữu cơ dễ phân hủy chiếm từ 53 - 65% trong lượng CTRSH nông thôn phát sinh. CTRSH khu vực nông thôn có tỷ lệ khá cao chất hữu cơ, chủ yếu là từ thực phẩm thải, chất thải làm vườn và phần lớn đều là chất thải hữu cơ dễ phân hủy (tỷ lệ các thành phần dễ phân hủy chiếm tới 65% trong chất thải sinh hoạt gia đình ở nông thôn). Về cơ bản, lượng phát sinh CTRSH ở nông thôn phụ thuộc vào mật độ dân cư và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nhìn chung, khu vực đồng bằng có lượng phát sinh CTRSH cao hơn khu vực miền núi; dân cư khu vực có mức tiêu dùng cao thì lượng rác thải sinh hoạt cũng nhiều hơn.

     Hiện nay, tại khu vực nông thôn, việc thu gom, vận chuyển CTRSH phần lớn là do các hợp tác xã, tổ đội thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận với người dân đồng thời có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển ở khu vực nông thôn thường chỉ dừng lại tại điểm trung chuyển, do đó chưa giải quyết được toàn bộ vấn đề thu gom rác ở khu vực này.

     PV: Thực hiện tiêu chí 17 của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương đã đẩy mạnh áp dụng các mô hình thu gom và xử lý CTRSH nông thôn, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

     Ông Nguyễn Văn Lâm: Nhìn chung có 3 mô hình thu gom và xử lý CTRSH nông thôn đang được áp dụng bao gồm:

     Nhà nước thực hiện: Tại hầu hết các xã gần trung tâm huyện/thị, dọc các tuyến đường lớn, CTRSH nông thôn đều được xử lý bởi các đơn vị như Công ty môi trường đô thị, Ban quản lý công trình công cộng các huyện.

     Doanh nghiệp tư nhân đầu tư: Được chia thành 3 loại hình: Thứ nhất, mô hình doanh nghiệp tư nhân thu gom và xử lý tập trung CTRSH. Hiện nay, mới chỉ có huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) và tỉnh Ninh Thuận là thực hiện mô hình giao toàn bộ công tác thu gom và xử lý CTRSH nông thôn cho một công ty tư nhân đảm nhiệm. Thứ hai, doanh nghiệp, đơn vị tư nhân thu gom và đưa về khu xử lý tập trung của địa phương (do địa phương quản lý và vận hành hoạt động xử lý), hầu hết là mô hình các tổ, đội vệ sinh/hợp tác xã dịch vụ môi trường nhỏ. Các công ty, doanh nghiệp lớn thường thu gom rác dọc các tuyến đường trung tâm còn các tổ, đội vệ sinh thường chịu trách nhiệm thu gom tại các khu vực ngõ xóm, đường nhỏ, xe vận chuyển không tiếp cận được. Thứ ba, Công ty môi trường đô thị, Ban quản lý công trình công cộng các huyện thu gom và đưa về xử lý tại nhà máy xử lý do đơn vị tư nhân đầu tư xây dựng như: Nhà máy xử lý rác Đá Mài và khu xử lý rác tại TX. Sông Công (Thái Nguyên); Công ty Đa Lộc (Bình Thuận).

 

Lò đốt CTRSH quy mô nhỏ tại xã Đại Đồng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)

 

     Có thể nói, nhiều công ty, đơn vị tư nhân đã tích cực tham gia thực hiện hoạt động thu gom CTRSH khu vực nông thôn theo hình thức hợp đồng cung cấp dịch vụ công ích. Các doanh nghiệp này tự đầu tư mua sắm, sửa chữa các trang thiết bị phục vụ công tác thu gom CTRSH và được trả kinh phí cho hoạt động thu gom. Điển hình như Công ty TNHH Hải Yến thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt của các xã trên địa bàn thị xã Đông Triều (Quảng Ninh); Công ty TNHH Nhật Khánh thu gom CTRSH tại xã Cam An Nam (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa); Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Sản xuất Nam Thành (Ninh Thuận)… Sự tham gia của các công ty, đơn vị tư nhân giúp nâng cao chất lượng đồng thời giảm gánh nặng chi phí từ ngân sách Nhà nước dành cho công tác thu gom, vận chuyển CTRSH. Đây cũng là hướng cần tiếp tục phát triển, nhân rộng trong thời gian tới.

     Mô hình xử lý nhỏ lẻ tại các hộ gia đình: Chủ yếu tại các hộ dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa hoặc các xã huyện đảo (xa trung tâm). Hiện nay, đã xuất hiện các mô hình xử lý chất thải hộ gia đình thu được nhiều kết quả đáng khuyến khích. Trong đó, nổi bật là mô hình xử lý CTRSH nông thôn tại hộ gia đình ở xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh); xử lý CTRSH nông thôn tại hộ gia đình ở xã Liên Vị (TX. Quảng Yên, Quảng Ninh), xã Lạc Đạo (Văn Lâm, Hưng Yên); nuôi giun quế để làm thức ăn chăn nuôi ở xã Lương Bằng (Hưng Yên), xã Gia Minh (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng). Việc thực hiện phương án tự xử lý tại hộ gia đình không chỉ tiết kiệm chi phí thu gom rác mà còn tăng giá trị dinh dưỡng cho nông sản. Các mô hình tự xử lý này đã đi vào hoạt động có hiệu quả, bước đầu tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân.

     Ngoài ra, còn có các tổ chức đoàn thể, xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… tham gia phối hợp tuyên truyền, vận động các gia đình thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, bỏ rác đúng thời gian, địa điểm và nộp phí rác thải đúng quy định. Tại một số địa phương, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên còn là lực lượng trực tiếp tham gia vào công tác thu gom CTRSH. Nhìn chung, các mô hình thu gom CTRSH nông thôn đã cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý chất thải cho khu vực nông thôn trong giai đoạn phát triển NTM hiện nay.

     PV: Hiện nay, các địa phương chủ yếu áp dụng công nghệ gì để xử lý CTRSH khu vực nông thôn, thưa ông?

     Ông Nguyễn Văn Lâm: Kết quả nghiên cứu tại 49/63 tỉnh/TP tập trung đông dân cư nông thôn nước ta cho thấy, lượng CTRSH nông thôn được xử lý còn thấp, mới đạt 58,95% tổng lượng phát sinh trên địa bàn. CTRSH nông thôn hiện đang được xử lý bằng 5 phương pháp: Chôn lấp (bao gồm cả chôn lấp thông thường và chôn lấp hợp vệ sinh); đốt tập trung; phát điện; sản xuất phân vi sinh và các hộ gia đình tự xử lý rác thải trong nhà (đốt, chôn lấp trong vườn hoặc ủ làm phân bón cho cây trồng). Trong đó, chôn lấp là phương pháp chính để xử lý CTRSH nông thôn Việt Nam.

     Đối với xử lý CTRSH bằng hình thức đốt, cả nước có khoảng 200 lò đốt CTRSH, đa số là các lò đốt công suất nhỏ, công suất xử lý dưới 500 kg/giờ và hầu hết các lò đốt CTRSH ở khu vực nông thôn hiện nay là lò đốt không thu hồi nhiệt. Về xử lý CTRSH bằng hình thức chôn lấp, theo thống kê tính đến năm 2016 có khoảng 458 bãi chôn lấp CTRSH (quy mô trên 1ha), ngoài ra còn có bãi chôn lấp quy mô nhỏ ở các xã chưa được thống kê đầy đủ. Hiện nay vẫn còn tồn tại bãi chôn lấp CTRSH không hợp vệ sinh tại các địa phương, vùng nông thôn.

     Bên cạnh đó, các địa phương đều chưa thực hiện phân loại CTRSH nông thôn tại nguồn trên quy mô rộng. Tuy nhiên, với những chất thải như thức ăn thừa, rau, củ, quả… người dân đã tái sử dụng ngay tại gia đình như làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm. Ngoài ra, những chất thải có thể tái chế như kim loại, nhựa, thủy tinh… đã được thu gom.

     PV: Để công tác quản lý CTRSH khu vực nông thôn đạt hiệu quả cao, ông có đề xuất, kiến nghị gì với các cơ quan chức năng?

     Ông Nguyễn Văn Lâm: Để công tác quản lý CTRSH khu vực nông thôn đạt hiệu quả, nên giao toàn bộ quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH cho một đơn vị đảm nhiệm, sẽ giúp chủ động được nguồn rác thải cho quá trình xử lý, tránh tình trạng tồn ứ rác do không xử lý kịp hoặc dây chuyền xử lý phải ngừng hoạt động vì không có rác để xử lý.

     Mô hình thu gom và xử lý phân tán do các tổ/đội/HTX thu gom và xử lý bằng chôn lấp hoặc lò đốt quy mô xã, phù hợp để hoạt động tại các xã xa trung tâm, những nơi các thiết bị thu gom, vận chuyển kích thước nhỏ như xe kéo, xe cải tiến… hoạt động. Đối với mô hình này, để hoạt động hiệu quả cần hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị thu gom/xử lý và công tác thu phí thu gom.

     Mô hình phân loại và xử lý quy mô hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình hoạt động hiệu quả tại các xã khu vực miền núi, hải đảo nơi dân cư phân bố thưa, đường xá đi lại khó khăn, khoảng cách vận chuyển lớn. Đối với mô hình này, để hoạt động hiệu quả cần hỗ trợ các chế phẩm để ủ phân từ CTRSH; Triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn để thuận lợi cho công tác xử lý; Hỗ trợ thiết bị, phương tiện thu gom (xe); Hỗ trợ hoạt động thu phí thu gom rác thải; Bố trí hợp lý các điểm tập kết để tránh ô nhiễm tại các điểm tập kết.

     PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Vũ Nhung (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2019)

Ý kiến của bạn