Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Chất lượng không khí tại 2 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh

11/10/2019

​     Thời gian gần đây, đặc biệt là trong tháng 9/2019, vấn đề chất lượng không khí của các đô thị lớn như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Liên tục trong nhiều ngày, có những thời điểm chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội ở mức kém, làm gia tăng mức độ ô nhiễm, trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh cũng xuất hiện hiện tượng sương mù quang hóa, cản trở tầm nhìn… ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ cộng đồng.

     Trước thực trạng trên, ngày 7/10/2019, Bộ TN&MT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chất lượng không khí tại 2​ TP: Hà Nội và Hồ Chí Minh. ​​Cụ thể:

     Diễn biến chất lượng không khí tại TP. Hà Nội từ ngày 12 - 30/9/2019  

     Từ ngày 12 - 29/9/2019, AQI tại Hà Nội liên tục có những ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Tuy nhiên, các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn nằm trong giới hạn cho phép. 

     Theo số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn TP. Hà Nội đo được từ ngày 12 - 29/9/2019, nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng gia tăng trong thời gian từ ngày 12 - 17/9, sau đó giảm từ ngày 18 - 22/9 và tăng cao trở lại, duy trì liên tiếp trong các ngày từ 23 - 29/9. Trong các ngày từ 15 - 17/9 và 23 - 29/9 có đến trên 75% giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ của các trạm vượt tiêu chuẩn quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT. Đặc biệt, từ 25 - 29/9, toàn bộ các trạm đều có giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt tiêu chuẩn quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT (Biểu đồ 1). 

 

Biểu đồ 1. Diễn biến giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 từ 12 - 29/9/2019

 

     Kết quả tính toán AQI tại các trạm trong các ngày từ 12 - 29/9 cho thấy, chỉ có 5/18 ngày có AQI ở mức trung bình (ngày 12, 18, 19, 21 và 22/9), các ngày còn lại chỉ số AQI luôn ở mức kém (AQI>100). AQI có xu hướng gia tăng và duy trì ở mức cao trong các ngày từ 23 - 29/9, nhiều trạm AQI ngày đã tăng cao gần tới mức xấu, đặc biệt trong ngày 29/9 còn ghi nhận giá trị AQI ngày của trạm Đại sứ quán Mỹ đã vượt mức xấu (AQI>200) (Biểu đồ 2). 

 

 

Biểu đồ 2. Diễn biến AQI ngày từ 12 - 29/9/2019

 

     Các khoảng thời gian ghi nhận giá trị PM2.5 tăng và duy trì ở mức cao thường là đêm, sáng sớm (Biểu đồ 3), AQI giờ những khoảng thời gian này cũng ở mức kém (AQI>100), thậm chí có những giờ lên đến mức xấu (AQI>200). Đặc biệt, trong buổi sáng các ngày liên tiếp từ 25 -30/9/2019 ghi nhận một số trạm AQI giờ đã vượt ngưỡng 200, ở mức xấu. 

 

Biểu đồ 3. Diễn biến trung bình của giá trị TB giờ thông số PM2.5 tại các trạm

 

     Chất lượng không khí tại TP. Hà Nội qua các năm

     Qua theo dõi diễn biến từ năm 2010 đến nay cho thấy, nồng độ bụi PM10 và PM2.5 có xu hướng giảm (Biểu đồ 4). Đối chiếu với kết quả quan trắc từ trạm của Đại sứ quán Mỹ giai đoạn từ 2016 - 2018 cũng cho thấy xu hướng tương ứng đối với nồng độ PM2.5 (Biểu đồ 5).

 

Biểu đồ 4. Diễn biến nồng độ trung bình năm của PM10 và PM2,5 tại trạm Nguyễn Văn Cừ - Hà Nội giai đoạn 2010 - 2018

 

Biểu đồ 5. Diễn biến nồng độ trung bình năm của PM2.5 ở trạm Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội giai đoạn 2016 - 2018

 

     So sánh nồng độ bụi PM2.5 trung bình tháng qua các năm từ 2013 - 2019 cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 trung bình tháng năm 2019 có xu hướng giảm qua các năm; riêng tháng 9, nồng độ bụi tăng mạnh so với những tháng trước đó và so với cùng kỳ các năm từ 2015 - 2018 (Biểu đồ 6).

 

Biểu đồ 6. Diễn biến nồng độ bụi PM2.5 trung bình tháng trong các năm từ 2013 - 2019

 

     Như vậy, qua việc theo dõi, phân tích số liệu quan trắc trong nhiều năm qua có thể thấy xu hướng biến động của PM10 và PM2.5 tại các TP. phía Bắc của Việt Nam, trong đó có TP. Hà Nội, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu. Theo nhận định sơ bộ, nguyên nhân PM2.5 tăng cao do đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam, tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt, làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Đặc biệt, vào thời điểm sáng sớm là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn. Bên cạnh đó, những ngày này, hoạt động đốt rơm, rạ trong mùa thu hoạch ở khu vực ngoại thành Hà Nội cũng góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí.

     Theo dõi về lượng mưa trong tháng 9 cho thấy, năm 2019 có lượng mưa thấp nhất, liên tiếp trong nhiều ngày (từ 21 - 30/9/2019), toàn bộ khu vực TP. Hà Nội không có mưa. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí của Hà Nội cao đột biến trong thời gian này. 

 

Biểu đồ diễn biến lượng mưa trung bình tháng 9 các năm từ 2013 - 2019

 

     Chất lượng không khí tại TP. Hồ Chí Minh qua các năm

     Tại TP. Hồ Chí Minh, tháng 9 cũng là thời điểm giao mùa (cuối mùa mưa, đầu mùa khô), điều kiện thời tiết bất lợi dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt làm giảm khả năng hòa trộn và phát tán các chất ô nhiễm trong không khí, cũng như làm xuất hiện tượng sương mù quang hóa. Chất lượng không khí cũng có những diễn biến theo chiều hướng xấu. Theo Báo cáo của Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh, hiện tượng sương mù quang hóa xảy ra trên địa bàn TP mang tính chu kỳ vào khoảng 6 - 7 ngày trong tháng 9, tháng 10 hàng năm. Năm 2019, hiện tượng này đã xảy ra từ ngày 18 - 22/9/2019. Tổng hợp kết quả quan trắc của Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh và trạm quan trắc tự động của Lãnh sự quán Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, từ ngày 1 - 23/9/2019 có sự gia tăng mạnh nồng độ bụi PM2.5 trong không khí, tuy nhiên nồng độ bụi PM2.5 phần lớn vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN05:2013/BTNMT. 

 

Biểu đồ 7. Diễn biến giá trị TB 24 giờ thông số PM2.5 các ngày từ 1 - 23/9/2019 

 

     Nhìn chung, chất lượng không khí tại TP. Hà Nội, đặc biệt là đối với nồng độ bụi PM2.5 có nhiều thời điểm vượt ngưỡng cho phép; tại TP. Hồ Chí Minh; nồng độ bụi PM2.5 có gia tăng, tuy nhiên hiện tượng ô nhiễm không khí chỉ mang tính cục bộ tại một số khu vực, thời điểm nhất định. Bụi PM2.5 và chỉ số AQI ở mức xấu hơn trong thời gian đêm, sáng sớm. Thời gian còn lại trong ngày khi có thay đổi về điều kiện thời tiết, các thông số này sẽ giảm đi.

     So sánh với một số TP trong khu vực châu Á (số liệu của 15 trạm quan trắc tự động đặt do Đại sứ quán/Lãnh sự quán Mỹ lắp đặt tại các TP của một số nước châu Á trong giai đoạn 2016 - 2018) cho thấy, TP. Hà Nội năm 2016, 2017 đứng thứ 10/15 TP, ở mức độ ít ô nhiễm (số 1 là mức ô nhiễm cao nhất); năm 2018, đứng ở vị trí 11/15 (cải thiện 1 vị trí). Tại TP. Hồ Chí Minh, cả 3 năm từ 2016 - 2018 được xếp 15/15, tức là chất lượng không khí tốt nhất trong số 15 TP mà Hoa Kỳ đặt thiết bị quan trắc.

     Môi trường không khí tại các đô thị chịu ảnh hưởng tổng hợp từ rất nhiều nguồn thải, bao gồm các nguồn tại chỗ như từ các hoạt động dân sinh, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải... và cả những nguồn từ xa vận chuyển đến. Vì vậy, ngoài nguyên nhân sơ bộ như thời gian này là thời điểm giao mùa, thời điểm thu hoạch lúa nên hoạt động đốt rơm rạ ở khu vực ngoại thành còn có các nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí là:  Quá trình đô thị hóa và hoạt động kinh tế - xã hội đang diễn ra rất mạnh mẽ ở các đô thị nước ta, trong khi đó hệ thống hạ tầng kỹ thuật môi trường chưa được quan tâm đầu tư xây dựng tương xứng với yêu cầu của quá trình phát triển; số lượng, hoạt động các phương tiện tham gia giao thông quá lớn nhưng chưa kiểm soát được khí thải từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy cá nhân; hoạt động xây dựng tại các khu đô thị như xây dựng đường giao thông, các khu chung cư, khu đô thị mới, sửa chữa nhà, xây dựng công ích (lát vỉa hè, cải tạo sửa chữa đường ống điện nước v.v…); hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý, đốt chất thải sinh hoạt, sản phẩm phụ nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định tại các khu vực ven đô gây hiện tượng khói mù, thói quen sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt của người dân vùng ven đô; các nguồn thải vận chuyển từ xa đến (ô nhiễm xuyên biên giới) như khói bụi do cháy rừng từ các quốc gia lân cận, bụi mịn do đốt nhiên liệu hóa thạch trong các ngành công nghiệp nặng theo gió mùa đông bắc vận chuyển về.

 

Hoàng Đàn (Theo VEA)

Ý kiến của bạn