Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Cần tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nam Định

19/09/2017

     Trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có 4 khu công nghiệp (KCN) và 20 cụm công nghiệp (CCN), trong đó, 3 KCN và 19 CCN đã đi vào hoạt động. Ngoài ra, toàn tỉnh có 131 làng nghề, làng có nghề. Thời gian qua, cử tri địa phương đặc biệt quan tâm đến việc kiểm tra, giám sát xử lý môi trường tại các KCN, CCN và làng nghề, nhất là chất thải rắn.

     Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan, công tác thanh tra, kiểm tra giám sát BVMT đối với các KCN, CCN được thực hiện thường xuyên, kết quả cho thấy, đa số các cơ sở thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT, kế hoạch BVMT đã được phê duyệt, xác nhận; Quản lý chất thải nguy hại chưa đúng quy định; Quan trắc, giám sát môi trường không đầy đủ thông số và tần suất. Ngoài ra, các cơ sở chưa thực hiện chế độ báo cáo công tác BVMT theo quy định. Việc đầu tư hệ thống xử lý của một số cơ sở còn mang tính chất đối phó, hoặc vận hành hệ thống xử lý không ổn định và thường xuyên.

 

Hoạt động sản xuất xoong, chậu nhôm tại làng nghề Vân Chàng, tỉnh Nam Định

 

     Đối với các làng nghề, năm 2016 Sở TN&MT đã kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT của làng nghề ở 6 xã có hoạt động nghề nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Triển khai thực hiện Đề án Điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn. Qua kiểm tra, điều tra cho thấy, hầu hết làng nghề chưa có khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt riêng, chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải (XLNT) tập trung, chưa có hệ thống thoát nước mưa, nước thải hoàn chỉnh. Các chất thải rắn được thu gom, xử lý tại khu xử lý rác thải chung của xã; Nước mưa, nước thải sinh hoạt và sản xuất được thu gom chung, không qua xử lý mà thải trực tiếp ra kênh, mương, ao hoặc ruộng lúa xung quanh. Hiện, toàn tỉnh mới có làng nghề Bình Yên được đầu tư hệ thống XLNT tập trung, nhưng do năng lực quản lý, vận hành của cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, nên chưa đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, hầu hết các hộ sản xuất chưa có hệ thống xử lý khí thải phát sinh từ hoạt động sản xuất làng nghề. Một số làng nghề tái chế kim loại chỉ lắp ống khói để giảm hơi mùi nhằm hạn chế ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động.

     Nguyên nhân của tình trạng trên do trong quá trình hoạt động chủ đầu tư các KCN, CCN mới chỉ quan tâm tới việc thu hút đầu tư, khai thác hạ tầng, chưa thực sự quan tâm đầu tư xây dựng và vận hành các công trình xử lý rác thải, nước thải. Một số cơ sở sản xuất kinh doanh chưa quan tâm tới công tác BVMT; Ý thức BVMT của người dân sản xuất trong làng nghề còn nhiều hạn chế… Trong khi đó, chính quyền cơ sở cũng chưa thực sự quan tâm tới công tác BVMT làng nghề.

     Về giải pháp thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT cho các doanh nghiệp trong KCN, CCN và các hộ sản xuất trong làng nghề, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT. Đồng thời đề nghị, UBND cấp huyện, xã cần tăng cường quản lý môi trường trong CCN và làng nghề; Các chủ đầu tư hạ tầng KCN, CCN phải kiểm soát vấn đề môi trường thuộc thẩm quyền quản lý, đặc biệt là giám sát, kiểm soát các nguồn phát sinh chất thải và xử lý các nguồn chất thải từ các doanh nghiệp thứ cấp theo quy định; Có kế hoạch triển khai xây dựng công trình XLNT tại các KCN, CCN.

     Bên cạnh đó, khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hạ tầng và công trình BVMT làng nghề, nhất là hệ thống thu gom, XLNT tập trung; Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất trong làng nghề và xử lý vi phạm hành chính.

 

Vũ Nhung (Theo daibieunhandan.vn)

 

Ý kiến của bạn