Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Cần có cơ chế điều phối vùng nhằm hỗ trợ, ứng phó với biến đổi khí hậu

05/09/2018

     Chương trình Quản lý tổng hợp vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ICMP) do Chính phủ Đức và Úc tài trợ, ủy quyền cho Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) thực hiện. Sau 8 năm triển khai, Chương trình đã hỗ trợ cho 5 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang ứng phó với sự thay đổi của môi trường và tạo nền móng cho tăng trưởng bền vững. Nhân dịp Hội nghị tổng kết Chương trình ICMP cấp tỉnh với chủ đề "Đổi mới để chuyển mình, hành động vì ĐBSCL thịnh vượng, bền vững về khí hậu”, phóng viên Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Trưởng Ban quản lý các Dự án Lâm nghiệp, Giám đốc Quốc gia Chương trình ICMP.

 

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Trưởng Ban quản lý các Dự án Lâm nghiệp, Giám đốc Quốc gia Chương trình ICMP

 

     PV: Xin ông cho biết đôi nét về kết quả sau 8 năm Chương trình ICMP triển khai tại 5 tỉnh ĐBSCL?

     Ông Nguyễn Văn Sơn: Qua 8 năm thực hiện, Chương trình ICMP đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, cán bộ các cấp trong thực hiện, quản lý hoạt động liên quan tới biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là việc áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp; Bước đầu thí điểm các cơ chế phối hợp trong quản lý, lập kế hoạch và chia sẻ thông tin trong công tác quản lý điều hành liên tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ cơ quan quản lý xây dựng chính sách, hướng dẫn kỹ thuật và quy trình kỹ thuật, nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh BĐKH. Cùng với đó, tổ chức đối thoại giữa cấp quản lý với doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, giữa doanh nghiệp với người dân trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; Xây dựng các mô hình thí điểm hợp tác công tư (PPP) và cấp chứng chỉ cho một số mô hình (lúa, tôm), hướng tới nền nông nghiệp bền vững, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp...

     Mặt khác, Chương trình ICMP định hướng theo tác động tổng hợp ngành, trong đó, tập trung nghiên cứu mô hình thí điểm, hỗ trợ phát triển công nghệ trên các lĩnh vực: Xây dựng các quy trình thực hành canh tác nông nghiệp thích thích ứng với BĐKH; Nuôi trồng thủy sản bền vững và có tính cạnh tranh cao tại ĐBSCL; Quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; Lồng ghép các giải pháp bảo vệ vùng ven biển ở quy mô địa phương vào hệ thống chính sách đồng bộ của quốc gia; Nâng cao chất lượng công tác quản lý và vận hành cơ sở hạ tầng thủy lợi; Lập kế hoạch và ngân sách hỗ trợ ra quyết định thích ứng với BĐKH… Từ đó, Chương trình ICMP đã tạo ra nhiều tác động giúp tăng khả năng chống chịu của vùng ven biển trước những thay đổi về môi trường.

     Ngoài ra, Chương trình ICMP đã giúp hơn 7 triệu người vùng ĐBSCL được bảo vệ tốt hơn trước tác động của BĐKH; Xây dựng quy chế thí điểm về điều phối vùng ĐBSCL được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định 593) được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu suất và hiệu quả của chính sách và các khoản đầu tư cho BĐKH tại 13 tỉnh ĐBSCL, mang lại lợi ích cho hơn 17 triệu người đang sinh sống ở đây… Qua đó, góp phần gắn kết các chủ thể với nhau trên hành trình chuyển mình - một hành trình gian nan nhưng cần thiết để đối mặt với những thách thức của BĐKH ở ĐBSCL. Bên cạnh đó, Chương trình ICMP còn góp phần đáng kể vào công tác truyền thông, quảng bá và gợi mở những vấn đề cấp thiết của ĐBSCL trước BĐKH đến cộng đồng quốc tế, nhà tài trợ nhằm thu hút sự quan tâm và các nguồn vốn đầu tư vì một ĐBSCL thịnh vượng, bền vững.

     PV: Bên cạnh những thành tích nêu trên, Chương trình ICMP có gặp những khó khăn thách thức gì không, thưa ông?

     Ông Nguyễn Văn Sơn: Các mô hình thí điểm có quy mô và phạm vi còn khiêm tốn, vì vậy, bài học kinh nghiệm, đánh giá còn hạn chế, chưa thể đánh giá được đầy đủ tác động để có thể tiến tới nhân rộng; Việc vận hành cơ chế phối hợp liên tỉnh thực sự rất khó khăn và chưa tạo ra được đột biến. Bên cạnh đó, tác động của thời tiết cực đoan, BĐKH đối với ĐBSCL trong thời gian qua luôn diễn biến phức tạp, do đó, trong vấn đề lập kế hoạch, triển khai phối hợp thực hiện Chương trình phải luôn linh hoạt, thường xuyên thay đổi để thích ứng và phù hợp với điều kiện ngoại cảnh.

 

Họp Ban Chỉ đạo Chương trình ICMP tháng 12/2017 tại Hà Nội

 

     Bối cảnh khó khăn của cả nước cũng tác động nhiều tới việc thu hút nguồn vốn đầu tư đối với vùng ĐBSCL nhằm thích ứng với BĐKH. Ngoài ra, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công có hiệu lực bước đầu gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ODA tại các địa phương… Những yếu tố đó cũng ảnh hưởng đến một trong các mục tiêu của Chương trình ICMP trong việc hỗ trợ địa phương về định hướng, lập ngân sách và thu hút đầu tư.

     PV: Sau 8 năm triển khai, Chương trình đã rút ra những bài học gì cho giai đoạn tiếp theo?

     Ông Nguyễn Văn Sơn: Trước hết, cần tăng cường cơ chế phối hợp trong lập kế hoạch, chia sẻ thông tin giữa các tỉnh; Tập trung thực hiện một lĩnh vực cụ thể trong phối hợp liên tỉnh (cơ chế chia sẻ nguồn nước giữa các tỉnh…) làm cơ sở đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm cho các hoạt động về sau. Việc định hướng hoạt động từ vùng địa lý nay chuyển thành định hướng theo tác động, điều này có nghĩa là, các hoạt động nên được xây dựng theo lĩnh vực và được áp dụng ở nơi phù hợp. Luôn sáng tạo, đổi mới, phối hợp chặt chẽ trong triển khai các hoạt động vì vấn đề ứng phó BĐKH luôn mang yếu tố tổng hợp; cũng như tăng cường công tác điều phối liên tỉnh, liên ngành và toàn vùng. Đồng thời, Chương trình cần đi tiên phong làm cầu nối nhằm gắn kết (đối thoại) giữa nhà tài trợ, nguồn vốn và địa phương nhằm huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực vì ĐBSCL bền vững về khí hậu.

     PV: Trong bối cảnh hiện nay, BĐKH ở khu vực ĐBSCL có nhiều điểm khác biệt và thách thức hơn giai đoạn trước. Vậy Dự án có cách tiếp cận như thế nào, nhằm mang lại kỳ vọng mà Chương trình đặt ra?

     Ông Nguyễn Văn Sơn: Cần tập trung thực hiện một lĩnh vực cụ thể trong phối hợp liên tỉnh để từ đó rút kinh nghiệm cho các lĩnh vực khác có hiệu quả hơn. Tiếp tục thu hút và xây dựng những Chương trình, dự án đầu tư, hoặc dự án tương tự nhằm tiếp nối kết quả của Chương trình ICMP. Hiện nay, cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng được nhiều sự quan tâm của các nhà tài trợ quốc tế và có nhiều Chương trình về ứng phó BĐKH như: Chương trình Quốc gia về BĐKH; Chiến lược Tăng trưởng xanh… cùng nhiều hoạt động ở các địa phương. Tuy nhiên, thường kém hiệu quả do thiếu sự hợp tác và điều phối liên tỉnh. Do đó, cần hướng đến cách tiếp cận mang tính hệ thống, nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác, điều phối giữa các tỉnh và vùng.

     PV: Là đơn vị chủ quan của Chương trình, ông có những đề xuất, kiến nghị gì với các cơ quan chức năng để thúc đẩy sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL trước thách thức của BĐKH?

     Ông Nguyễn Văn Sơn: Quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, trong đó, chú trọng tới quản lý nguồn nước và sử dụng hợp lý sẽ giảm nguy cơ sụt lún và khai thác quá mức nguồn nước ngầm. Đồng thời, tăng cường chất lượng sản phẩm nông nghiệp thông qua hợp tác chặt trẽ với doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu cũng như đảm bảo các sản phẩm này đáp ứng được chứng chỉ an toàn; Thống nhất quy hoạch chung và định hướng phát triển cho toàn vùng thông qua các cơ chế phù hợp; Thu hút và kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cộng đồng quốc tế, nhà tài trợ.

     Sau các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, cần có những dự án đầu tư, nhằm kế thừa và phát huy tối đa các kết quả của những nghiên cứu đã thực hiện. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các Chương trình, dự án để tránh chồng chéo mục tiêu, hoạt động và phát huy tối đa nguồn lực trong việc hỗ trợ ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Bên cạnh đó, có cơ chế điều phối vùng và phân bổ ngân sách nhằm hỗ trợ trong việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với ứng phó BĐKH.

     PV: Xin cảm ơn ông!

 

Phạm Đình (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2018)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn