Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Cần có biện pháp xử lý lượng tro xỉ, thạch cao trong các dự án nhiệt điện than

29/09/2017

     Theo Bộ TN&MT, hiện nay cả nước có 26 nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than đang vận hành, với tổng công suất khoảng 13.810 MW, tiêu thụ khoảng 47,8 triệu tấn than/năm, trung bình mỗi năm thải ra khoảng hơn 16,4 triệu tấn tro xỉ, thạch cao, trong khi đó, phần lớn các nhà máy đều chưa có biện pháp xử lý, tái sử dụng tro, xỉ một cách triệt để.

     Dự kiến đến năm 2020, sẽ có thêm 15 dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động (hiện đang trong quá trình xây dựng), nâng tổng công suất lắp đặt NMĐT lên 24.370 MW, tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than/năm. Dự kiến tổng số NMĐT hoạt động năm 2020 là 31 nhà máy, năm 2025 là 47 nhà máy và năm 2030 là 64 nhà máy.

     Tại Việt Nam, một số lượng không đáng kể tro, xỉ đáp ứng được tiêu chuẩn đầu vào để sử dụng làm phụ gia xi măng, bê tông, sản xuất vật liệu xây dựng không nung… 

     Đại diện Bộ TN&MT cho biết, phần lớn các nhà máy chưa có biện pháp tái sử dụng, xử lý tro, xỉ một cách triệt để, ví dụ như: NMNĐ Cao Ngạn (Thái Nguyên), Na Dương (Lạng Sơn), Phả Lại I, II (Hải Dương), Uông Bí, Cẩm Phả (Quảng Ninh), Hải Phòng (Hải Phòng)… Hầu hết lượng tro, xỉ không đáp ứng các tiêu chuẩn dùng làm vật liệu xây dựng hoặc các tiêu chuẩn/quy chuẩn cho một ngành sản xuất khác nên chủ yếu được đổ ra bãi thải và nước từ bãi thải xỉ bị rò rỉ ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm môi trường (đất, nước). Không những thế, lượng tro, xỉ phát sinh ngày càng nhiều trong khi khả năng lưu, giữ bị giới hạn.

 

Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2

 

     Bên cạnh đó, tro, xỉ có nhiều bụi, trong đó có nhiều thành phần bụi với kích thước nhỏ, dễ phát tán như PM 2,5 và PM phát sinh trong quá trình lưu giữ, vận chuyển từ NMĐT đến bãi thải xỉ bằng xe tải hoặc tại khu vực bãi thải xỉ nếu không có biện pháp kiểm soát. Trong khi đó, nhiều nhà máy chưa hoàn thiện hệ thống vận chuyển, bãi chứa lưu giữ tro, xỉ, thạch cao và chưa đáp ứng các yêu cầu BVMT, gây ô nhiễm môi trường xung quanh nhà máy, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và cuộc sống của người dân khu vực lân cận.

     Thực tế hiện nay, việc tồn động tro, xỉ, thạch cao là do thiếu các hướng dẫn kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao để làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng... Nhiều doanh nghiệp, địa phương có nhu cầu sử dụng lượng lớn tro, xỉ, thạch cao để làm vật liệu xây dựng nhưng chưa có các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nên không thực hiện được.

     Đại diện Bộ TN&MT cho biết, Bộ đã đề nghị các Bộ: Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, NN&PTNT, Khoa học và Công nghệ khẩn trương triển khai Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017.

     Đối với các NMĐT đã đi vào vận hành, phải thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các NMNĐ, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

     Đồng thời, đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các NMNĐ, nhà máy hóa chất, phân bón, làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Các nhà máy nhiệt điện phải chủ động tìm kiếm giải pháp xử lý tro, xỉ và tiêu thụ vật liệu xây dựng có sử dụng tro, xỉ, thạch cao.

     Đối với những dự án NMĐT đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, cơ quan phê duyệt dự án phải yêu cầu các chủ dự án có phương án tiêu thụ, xử lý tro, xỉ than (coi tro, xỉ than là một dạng tài nguyên) đồng thời với việc xây dựng NMĐT để giảm diện tích của bãi thải xỉ và giảm thiểu tác động do tro, xỉ than từ bãi thải tro, xỉ.

     Áp dụng các biện pháp giảm thiểu phù hợp, nhằm hạn chế tác động tới môi trường nước, không khí như phun bụi thường xuyên, đầm chặt tro, xỉ và xử lý chống thấm theo đúng quy định.

     Bộ TN &MT kiến nghị Bộ Công Thương khẩn trương rà soát Quy hoạch tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh đã được phê duyệt để có kế hoạch, lộ trình đóng cửa NMĐT hoạt động kém hiệu quả, công nghệ sản xuất lạc hậu, phát sinh chất thải lớn ra môi trường và rủi ro cao, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến môi trường khu vực triển khai Dự án; Không đưa NMĐT mới vào quy hoạch và nghiên cứu, triển khai ứng dụng, lắp đặt, sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.

 

Phương Linh (Theo TTXVN)

Ý kiến của bạn