Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Cải thiện chất lượng nước sông Cầu Bây: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

10/09/2018

     Tình trạng ô nhiễm sông Cầu Bây (Hà Nội) đã tồn tại từ nhiều năm nay. Mặc dù, TP. Hà Nội đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm nước sông, nhưng đây vẫn là một bài toán khó, chưa thể giải quyết trong “một sớm, một chiều”.

     Sông Cầu Bây có tổng chiều dài khoảng 12 - 13 km, là sông đào, thượng lưu là hồ Kim Quan, phường Việt Hưng, Long Biên và hạ lưu đổ ra hệ thống sông Bắc Hưng Hải tại cửa xả Xuân Thụy ở xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm. Hiện nay, sông Cầu Bây đang là nguồn cung cấp cho canh tác nông nghiệp, tuy nhiên đang bị ô nhiễm do phần lớn nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý.

     Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển thủy lợi Hà Nội, tổng số điểm xả nước thải vào sông Cầu Bây là 38 điểm, trong đó trên địa bàn quận Long Biên là 12 điểm và huyện Gia Lâm là 26 điểm. Trong 38 điểm xả nước thải thì có 28 điểm xả dân sinh, 10 điểm xả công nghiệp, xưởng và nhà máy sản xuất. Nguyên nhân chính gây trên địa bàn quận Long Biên, huyện Gia Lâm. Kết quả quan trắc chất lượng sông Cầu Bây của Trung tâm quan trắc TN&MT (Sở TN&MT Hà Nội) từ năm 2014 - 2016 cho thấy, hầu hết các thông số quan trắc đều vượt quy chuẩn cho phép, nhóm chất hữu cơ (COD, BOD), chất dinh dưỡng (amôni, nitrít, phốtphát) và những thông số khác (tổng dầu mỡ, phenol, coliform, chất hoạt động bề mặt), trong đó, tổng dầu mỡ và thông số về dinh dưỡng vượt quy chuẩn cao. Tình trạng ô nhiễm của sông Cầu Bây đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, cũng như sản xuất của các hộ dân không chỉ trong khu vực quận Long Biên, huyện Gia Lâm, mà còn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương do được nối ra hệ thống sông Bắc Hưng Hải, đây là nguồn nước tưới tiêu quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh trên.

     Trước tình hình đó, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND quận Long Biên, huyện Gia Lâm tăng cường công tác quản lý nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường sông Cầu Bây. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, Sở TN&MT, UBND quận Long Biên, UBND huyện Gia Lâm đã tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về BVMT và quản lý tài nguyên nước theo thẩm quyền tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Sở đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý tài nguyên nước và BVMT đối với 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động xả thải vào lưu vực sông (LVS) Cầu Bây; UBND quận Long Biên đã kiểm tra 667 cơ sở; UBND huyện Gia Lâm kiểm tra 53 cơ sở. Theo các kết quả kiểm tra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh xả thải vào LVS đã đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý nước thải (XLNT). Tuy nhiên, tại một số cơ sở, việc vận hành, bảo dưỡng hệ thống XLNT còn mang tính chất đối phó. Các cơ sở chưa quan tâm đến chất lượng nước thải sau khi xử lý, nên còn hiện tượng xả nước thải vượt quá quy chuẩn cho phép ra môi trường. Đoàn kiểm tra đã xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định.

 

Khu vực sông Cầu Bây tại xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội)

 

     Để tháo gỡ khó khăn về nguồn lực đầu tư xử lý ô nhiễm sông Cầu Bây, ngày 28/7/2017, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5015/QĐ-UBND phê duyệt đề xuất Dự án hệ thống thu gom và XLNT lưu vực Long Biên của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền (Công ty Phú Điền). Theo đó, Công ty sẽ xây dựng hệ thống thu gom toàn bộ nước thải trên các lưu vực Long Biên 2, Long Biên 3 thuộc địa bàn các phường Giang Biên, Việt Hưng, Phúc Đồng, Phúc Lợi, Sài Đồng, Đức Giang, Ngọc Lâm, Bồ Đề, Gia Thụy, Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối (quận Long Biên). Đồng thời, Công ty sẽ triển khai xây dựng Nhà máy XLNT Phúc Đồng (quận Long Biên), với diện tích là 1,68 ha, công suất là 31.500 m³/ngày, đêm; Nhà máy XLNT An Lạc (Thạch Bàn, huyện Gia Lâm), diện tích 3,9 ha, công suất 29.600 m³/ngày, đêm. Dự kiến đến năm 2020, 2 nhà máy trên sẽ hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động, giúp giải quyết tình trạng ô nhiễm trên địa bàn quận Long Biên, cũng như cải thiện chất lượng môi trường nước sông Cầu Bây. 

     Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu các Sở, ngành liên quan giám sát chặt chẽ việc vận hành hệ thống XLNT của khu công nghiệp (KCN) Sài Đồng B, KCN Hà Nội - Đài Tư, Cụm công nghiệp (CCN) Thực phẩm Hapro và tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, giám sát việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các CCN trên LVS Cầu Bây, đảm bảo xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật nước thải công nghiệp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Mặt khác, TP cũng sẽ lắp đặt trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động trên sông Cầu Bây tại Trạm bơm Am, thuộc thôn Ngọc Động (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm).

     Nhằm ngăn chặn tình trạng xả thải vào sông Cầu Bây, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân, thời gian tới, UBND TP. Hà Nội, Sở TN&MT, UBND quận Long Biên, huyện Gia Lâm sẽ tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT và quản lý tài nguyên nước tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả nước thải vào LVS, đặc biệt là các cơ sở có lưu lượng xả thải lớn có nguy cơ gây ô nhiễm cao nằm ngoài khu, CCN tập trung. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc thẩm định, cấp phép xả nước thải vào nguồn nước sông Cầu Bây, xem xét việc phê duyệt các dự án mới xả thải ra sông Cầu Bây phù hợp với khả năng tiếp nhận nước thải và áp dụng các biện pháp để ngăn chặn các hành vi xả thải gây ô nhiễm đối với LVS Cầu Bây. Bên cạnh đó, UBND TP đã chấp thuận cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp sông Cầu Bây bằng nguồn vốn ngân sách của TP; Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu bổ sung Dự án vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2018 - 2020 của TP. Trong phạm vi quản lý của mình, UBND huyện Gia Lâm cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác thu gom nước thải sinh hoạt khu dân cư xả trực tiếp vào sông Cầu Bây đoạn qua địa bàn huyện Gia Lâm. Huyện đã bố trí các điểm thu gom và có kế hoạch xử lý nước thải bằng biện pháp sinh học hiếu khí; bố trí khu vực lưu giữ để chia khoảng xử lý riêng, cung cấp ôxy tăng khả năng hoạt động của vi sinh vật, bổ sung chế phẩm tạo lắng trước khi thải ra sông Cầu Bây, định kỳ hút bùn.

     Tuy nhiên, việc giải quyết tình trạng ô nhiễm sông Cầu Bây là việc làm khó, liên quan đến nhiều lĩnh vực, cấp, ngành và cần sự đầu tư lớn. Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Tuấn Định chia sẻ, việc cải thiện nước sông Cầu Bây phải giải quyết từng bước, với các giải pháp đồng bộ và có sự chung sức của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương trong LVS. Với những giải pháp tích cực, đồng bộ, hy vọng trong thời gian tới, sông Cầu Bây sẽ được “giải cứu”, để thực hiện tốt chức năng thoát lũ, tưới tiêu cho nông nghiệp, góp phần tạo cảnh quan thiên nhiên cho Thủ đô đang trên đà phát triển, hội nhập.

 

Thu Hà

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2018)

 

 

 

Ý kiến của bạn