Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

APEC: Các giải pháp phát triển nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

24/11/2017

     Để giảm bớt những thiệt hại do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra, tại các cuộc họp cấp Ủy ban, nhóm, các nền kinh tế thành viên châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã trao đổi những giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH như: hướng đến nông nghiệp xanh, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao vào sản xuất.

      Hướng đến nông nghiệp xanh
     Trước bối cảnh thế giới đang có những diễn biến phức tạp, gắn liền với tác động khó lường từ biến đổi khí hậu, vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH luôn là câu hỏi lớn đối với ngành nông nghiệp thế giới nói chung, nông nghiệp Việt Nam nói riêng.

     Phát biểu tại buổi đối thoại với đại diện thanh niên tiêu biểu của các nền kinh tế thành viên APEC, trong khuôn khổ Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng từ 6-11/11,  Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị tổn thương lớn nhất do tác động của BĐKH. Trong năm 2016, thiên tai diễn ra khắp 3 miền Bắc-Trung-Nam gây thiệt hại về kinh tế khoảng 1% GDP. Điều đó cho thấy, Việt Nam đang là một trong những tâm điểm chịu tác động nặng nề của BĐKH. Do đó, nếu không có những giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài, Việt Nam cũng như các nền kinh tế thành viên trong khu vực không thể hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH.

     Giám đốc điều hành Trung tâm khí hậu APEC Hong-Sang Jung cho rằng, để vượt qua các rào cản đó, các nền kinh tế thành viên cần phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng tập trung vào nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH, quản lý thất thoát lương thực, thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
      Bên cạnh đó, những kinh nghiệm, hiểu biết về vai trò của thông tin thời tiết, khí hậu đến hệ thống lương thực toàn cầu; tác động của thời tiết, khí hậu đến hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; sử dụng hiệu quả thông tin thời tiết, khí hậu trong việc xây dựng hệ thống sản phẩm nông nghiệp... là rất cần thiết trong quá trình phát triển nông nghiệp bền vững.
      Ứng dụng hiệu quả công nghệ cao vào sản xuất
     Hiện, Việt Nam đang triển khai chương trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, trong đó các giải pháp trọng tâm là thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất chủ yếu theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, đồng thời nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm nhẹ, thích ứng với BĐKH.
     Tại một số TP lớn đã xuất hiện một số mô hình thử nghiệm khu nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, các TP và các tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Dương, Sơn La, Bạc Liêu, Hưng Yên, Thái Bình, Đồng Nai, Tây Ninh đều đã có dự án xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao.Tại TP.Hồ Chí Minh, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã được phê duyệt, xây dựng với quy mô 100ha, với khu sản xuất rau bằng phương pháp thuỷ canh, trồng trên giá thể không đất, nuôi trồng các loại hoa lan, sản xuất nấm... 

An Bình (Theo MONRE)

Ý kiến của bạn