Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Áp dụng triệt để nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”

05/05/2018

Ông Jung Gun Young - Trưởng đại diện

Viện Công nghệ và Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) tại Việt Nam

     Đây là chính sách của Chính phủ Hàn Quốc trong thập niên 2000 khi tập trung vào cải cách hệ thống thuế, phí và lệ phí môi trường, nhằm thúc đẩy đầu tư cho công tác BVMT. Đó là chia sẻ kinh nghiệm của ông Jung Gun Young - Trưởng đại diện Viện Công nghệ và Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) tại Việt Nam với Tạp chí Môi trường nhân dịp Diễn đàn hợp tác môi trường Việt Nam - Hàn Quốc 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội, do Bộ TN&MT Việt Nam phối hợp với Bộ Môi trường Hàn Quốc tổ chức.

     PV: Xin ông cho biết đôi nét về mục đích Diễn đàn hợp tác môi trường Việt Nam - Hàn Quốc 2018?

     Ông Jung Gun Young:  Ngày 16/4/2018, tại Hà Nội, Bộ TN&MT Việt Nam và Bộ Môi trường Hàn Quốc đã tiếp tục ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác chính thức về đẩy mạnh hợp tác song phương trong lĩnh vực môi trường giữa hai Chính phủ cho giai đoạn mới, tiếp nối các hoạt động đã cam kết trong các bản thỏa thuận đã ký kết trước đó (lần đầu tiên năm 2008). Theo đó, từ năm 2008, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Việt - Hàn đã chính thức được tổ chức thường niên nhằm đánh giá các kết quả hợp tác, cùng thảo luận và đưa ra phương hướng hợp tác trong tương lai giữa hai Chính phủ. Diễn đàn Hợp tác Môi trường Việt - Hàn, được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam từ 2012, là hoạt động bên lề của Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Việt - Hàn thường niên, nhằm mục tiêu xây dựng mạng lưới cộng tác và kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc. Bên cạnh mục tiêu đó, trong các diễn đàn này, hai bộ cũng đồng thời giới thiệu các chính sách môi trường và cơ hội đầu tư nhằm xúc tiến các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng môi trường, công nghệ và công nghiệp môi trường ở Việt Nam. Diễn đàn lần này được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 16/4/2018, là diễn đàn lần thứ ba, sau diễn đàn lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội năm 2012 và diễn đàn lần thứ hai được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2014.

     PV: Xin ông cho biết, chính sách thúc đẩy đầu tư cho môi trường ở Hàn Quốc thời gian qua? Việt Nam có thể học hỏi gì ở những chính sách này?

     Ông Jung Gun Young: Hàn Quốc thực hiện các chính sách thúc đẩy đầu tư cho công tác BVMT thông qua áp dụng triệt để nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Do đó, trong thập niên 2000, Chính phủ Hàn Quốc đã tập trung vào cải cách hệ thống thuế, phí và lệ phí môi trường. Năm 2014, tổng thu ngân sách từ các loại thuế, phí và lệ phí môi trường ở Hàn Quốc đạt 2,25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao thứ 14 trong số 39 quốc gia phát triển (gồm 34 quốc gia thành viên khối hợp tác và phát triển kinh tế OECD và 5 quốc gia đối tác của khối). Hiện nay, ở Hàn Quốc, nguồn thu từ thuế, phí và lệ phí môi trường đã có thể đủ bù đắp cho chi ngân sách cho hoạt động  BVMT (bao gồm cả chi cho cấp nước và BVMT thiên nhiên), tương đương với tổng mức chi môi trường chiếm hơn 2% GDP. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng áp dụng rất nhiều chính sách khác nhằm nâng cao hiệu suất cũng như lợi nhuận của các khoản đầu tư trong lĩnh vực BVMT, ví dụ như chính sách bắt buộc phân loại rác thải nguồn và chính sách đánh phí chất thải theo khối lượng xả thải, nhằm nâng cao tỷ suất tái chế chất thải; thúc đẩy các hệ thống gián nhãn sinh thái/môi trường cho các sản phẩm/dịch vụ, mua sắm xanh và lối sống xanh… nhằm thúc đẩy và khuyến khích các nhóm cộng đồng và các tầng lớp xã hội khác nhau thực hiện sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng và BVMT. Do đó, việc cải tiến và nâng cấp công nghệ sản xuất và BVMT là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với tiến trình xanh hóa đất nước. Chính vì vậy, từ năm 2011, Hàn Quốc đã ban hành Luật hỗ trợ công nghệ và công nghiệp môi trường. Viện Công nghệ và Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) là cơ quan chính phủ, trực thuộc Bộ Môi trường Hàn Quốc và cam kết triển khai các nhiệm vụ nhằm đạt được phát triển kinh tế đồng thời với các mục tiêu bảo vệ môi trường thông qua hỗ trợ các ngành công nghiệp phát triển các công nghệ môi trường, hỗ trợ tài chính ban đầu để phát triển các cơ sở công nghiệp môi trường và thúc đẩy lối sống thân thiện môi trường ở Hàn Quốc. Có thể nói rằng, KEITI đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu phát triển các công nghệ, thúc đẩy sản xuất và sinh hoạt thân thiện với môi trường ở Hàn Quốc. Chính phủ Việt Nam hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như nợ công và thâm hụt ngân sách cao. Những khó khăn này làm cho nhiệm vụ huy động vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường trở nên khó khăn và không dễ hoàn thành. Do đó, Việt Nam nên tập trung ưu tiên cải cách đồng thời các chính sách về thuế/phí môi trường để có thể áp dụng nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” trong việc huy động các nguồn đầu tư cho môi trường cũng như các chính sách môi trường khác nhằm tối đa hoá hiệu quả cũng như lợi nhuận của các khoản đầu tư đó.

     PV: Được biết, trong khuôn khổ Diễn đàn, có đông đảo đại diện các các Hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường của hai nước, vậy ông có thể cho biết cơ hội để các doanh nghiệp hai nước hợp tác, kinh doanh trong lĩnh vực môi trường trong thời gian tới?

     Ông Jung Gun Young:  Như đã đề cập ở trên, với vai trò là một trong những cơ quan Chính phủ chủ chốt trong việc thiết lập xã hội bền vững, một trong các nhiệm vụ chính yếu của KEITI là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có mong muốn triển khai các công nghệ nổi trội về môi trường nhưng lại thiếu hụt các nguồn lực nhằm thương mại hóa các công nghệ này. KEITI hỗ trợ cho các doanh nghiệp này khởi nghiệp và tăng trưởng có thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Chính vì vậy, chúng tôi hợp tác với các bên để tổ chức các Diễn đàn hợp tác môi trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam có thể trao đổi các cơ hội hợp tác, kinh doanh. Diễn đàn Hợp tác Môi trường Việt - Hàn 2018 tổ chức tại Hà Nội vừa qua đã thu hút sự tham gia của khoảng 15 Công ty Hàn Quốc và 40 Công ty Việt Nam. Diễn đàn đã tạo cơ hội tốt cho các Công ty Hàn Quốc được trình bày và giới thiệu các công nghệ môi trường tiên tiến và phù hợp với điều kiện, thị trường Việt Nam như (công nghệ quan trắc môi trường nước tự động của Công ty BLProcess, công nghệ cấp nước và xử lý nước của các Công ty GETEC, Rothwell Water. Các Công ty Việt Nam cũng có cơ hội xúc tiến đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các Công ty Hàn Quốc. Bên cạnh các bài trình bày của khối doanh nghiệp, các cơ quan thuộc Bộ TN&MT và Bộ Môi trường Hàn Quốc đã giới thiệu về các chính sách ưu tiên của cả Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc về BVMT và xúc tiến đầu tư. Đại diện Chính phủ hai nước đã cung cấp những hướng dẫn rất thiết thực và hữu ích cho các doanh nghiệp trong triển khai các hoạt động và nỗ lực của mình ở thị trường Việt Nam. Tôi tin chắc rằng với những thông tin và thảo luận được chia sẻ tại Diễn đàn, các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam sẽ tiếp tục thảo luận sâu hơn, nhằm tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác và phối hợp hiệu quả trong tương lai.

     PV: Việt Nam có tiềm năng thị trường lớn cho ngành công nghiệp môi trường và phát triển công nghệ môi trường, đặc biệt trong các lĩnh vực phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường… vậy các đối tác, doanh nghiệp Hàn Quốc có những kế hoạch gì nhằm triển khai hoạt động này tại Việt Nam?

     Ông Jung Gun Young:  Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, cũng như quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng mà không tính đến các yếu tố môi trường trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa đất nước… Mặt khác, Hàn Quốc cũng đã trải qua thời kỳ suy thoái môi trường do công nghiệp hóa nhanh chóng diễn ra trong các thập niên từ 1960 đến 1980 thế kỷ trước, cũng tương tự như tình hình mà Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay. Với những kinh nghiệm và bài học đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng cảm nhận rõ tiềm năng của thị trường công nghệ và công nghiệp môi trường ở Việt Nam. Chính vì vậy, kể từ năm 2005 đến nay, ngày càng có nhiều Công ty tư vấn và công nghệ môi trường Hàn Quốc đầu tư nguồn lực và triển khai các nỗ lực nhằm tiềm kiếm các cơ hội kinh doanh, hợp tác ở Việt Nam. Đó cũng chính là lý do Bộ Môi trường Hàn Quốc thành lập Trung tâm Hợp tác Môi trường Việt Hàn (VKECC) và giao cho KEITI tổ chức vận hành Trung tâm này nhằm xúc tiên giao thương, thương mại trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp môi trường giữa hai nước. KEITI, thông qua Trung tâm Hợp tác môi trường Việt Hàn đã và sẽ hỗ trợ cho các đối tác Việt Nam cũng như Công ty Hàn Quốc thiết lập các mối quan hệ hợp tác kinh doanh, nhằm tăng cường năng lực chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp môi trường và BVMT ở Việt Nam.

     PV: Sắp tới đây, Triển lãm quốc tế công nghệ môi trường và năng lượng 2018 (ENTECH 2018) được tổ chức tại TP. HCM, vậy KEITI đã có những hoạt động gì nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sự kiện trên?

     Ông Jung Gun Young:  Triển lãm quốc tế công nghệ môi trường và năng lượng 2018 sẽ tổ chức tại TP. HCM từ 9 - 11/5/2018, KEITI phối hợp với Tổng cục Môi trường quảng bá, thúc đẩy sự tham gia của các Công ty Hàn Quốc. KEITI cũng hợp tác chặt chẽ cùng Trung tâm Tư vấn công nghệ môi trường (Tổng cục Môi trường) kết nối các Công ty Hàn Quốc và Việt Nam tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư cũng như tăng cường mối quan hệ cộng tác khác. Hiện tại, chúng tôi đang hỗ trợ xúc tiến và tổ chức khoảng 30 cuộc gặp gỡ và tiếp xúc giữa các nhà cung cấp công nghệ Hàn Quốc và các đối tác tiềm năng của Việt Nam trong khuôn khổ Triển lãm ENTECH 2018 tại TP. Hồ Chí Minh. Hy vọng rằng, các cuộc gặp này sẽ được tổ chức thành công và đem lại nhiều kết quả, nhằm xúc tiến chuyển giao công nghệ, thương mại trong lĩnh vực môi trường giữa hai nước.

     PV: Trân trọng cảm ơn ông.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Dương Tất Thắng làm việc với Lãnh đạo Văn phòng KEITI tại Việt Nam về Dự án "Lập kế hoạch tổng thể cải thiện hệ thống nước thải và chất lượng nước sông tại tỉnh Hà Tĩnh " do Bộ Môi trường Hàn Quốc tài trợ (2018-2019)

Phạm Tuyên (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2018)

 

Ý kiến của bạn