Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

10 hành động cấp bách ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã

27/09/2018

     Trước thềm Hội nghị quốc tế về chống buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép sắp diễn ra vào tháng 10 tại TP. London, hãy cùng nhìn nhận lại 10 cấp bách ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã, do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) khuyến nghị.

 

 

1. Điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán ĐVHD trái phép    

     Việt Nam lần đầu tiên đã bắt giữ và phạt tù đối tượng cầm đầu một đường dây chuyên buôn bán trái phép ĐVHD xuyên lục địa. Đối tượng Nguyễn Mậu Chiến và đồng bọn đã bị bắt giữ vào tháng 4/2017 cùng với tang vật thu giữ gồm nhiều sừng tê giác, ngà voi, hổ đông lạnh và các sản phẩm ĐVHD khác. Đối tượng này đã bị phạt 13 tháng tù giam. Chiến công này đã cho thấy những bước chuyển biến lớn của Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ĐVHD. 

2. Xóa bỏ nạn tham nhũng

     Tham nhũng là một vấn đề rất nhạy cảm và là một rào cản lớn trong nỗ lực đấu tranh phòng chống các tội phạm về ĐVHD, đặc biệt là trong những trường hợp liên quan tới các loài có giá trị cao trên thị trường như sừng tê giác và ngà voi. Những kẻ phạm tội luôn tìm cách lách luật ở mọi nơi, từ “lót tay” để được “thông quan” tại cửa khẩu đến việc đi “cửa sau” nếu bị phát hiện để hòng thoát tội,  không bị truy tố hoặc được giảm án hay thậm chí là được trắng án tại tòa.

     Các cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là các cơ quan tại khu vực biên giới, cửa khẩu, tại các sân bay, cảng biển và dọc theo biên giới phải luôn giữ vững tinh thần thép và không vì những cám dỗ vật chất mà sẵn sàng tiếp tay cho các đường dây tội phạm.

3. Trừng trị thích đáng nhằm răn đe hiệu quả các đối tượng vi phạm

     Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017 - gọi tắt là BLHS 2015) chính thức có hiệu lực, là một trong những bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ ĐVHD. BLHS mới đã xóa bỏ được nhiều lỗ hổng pháp lý trước đây, tăng mức phạt áp dụng đối với những vi phạm nghiêm trọng và là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng địa phương xử lý nghiêm các tội phạm về ĐVHD.  

4. Nghiêm cấm buôn bán sừng tê giác dưới mọi hình thức

     Đối mặt với nạn thảm sát tê giác trên thế giới, Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong nỗ lực giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác và tăng cường thể chế, chính sách nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán sừng tê giác ở Việt Nam. Trong thời gian qua, mặc dù một số quốc gia đang muốn hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác và các sản phẩm từ ĐVHD có giá trị cao khác, Việt Nam vẫn tiếp tục có nhiều nỗ lực để giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ và nghiêm cấm buôn bán sừng tê giác trong nước.

5. Tiêu hủy các kho ngà voi và sừng tê giác thu giữ được

     Tháng 11/2016, Việt Nam lần đầu tiên tiêu hủy 2,1 tấn ngà voi tại Hà Nội. Đây là một bước tiến tích cực thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc xử lý các tang vật là ngà voi và sừng tê giác thu giữ được từ các vụ vận chuyển và buôn bán trái phép với khối lượng ước tính hơn 50 tấn.

     Ngay sau đó, đầu năm 2017, cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã tiêu hủy 43 chiếc ngà voi - tang vật tịch thu được từ nhiều vụ trong năm 2015. Hành động quyết liệt của Lào Cai có ý nghĩa quan trọng, vì đây là lần đầu tiên một địa phương đã chủ động tiêu hủy số ngà voi tịch thu được. 

6. Thắt chặt quản lý đối với các cơ sở nuôi hổ tư nhân và chấm dứt mọi hoạt động cho hổ sinh sản không kiểm soát 

     Trong những năm gần đây, các cơ sở nuôi hổ tư nhân đang nhanh chóng phát triển. Kể từ năm 2010, số lượng hổ bị nuôi nhốt ở Việt Nam đã tăng lên khoảng 197% với 241 cá thể hổ hiện đang bị nuôi nhốt tại 17 vườn thú và cơ sở tư nhân hiện nay. Ngăn chặn tình trạng gây nuôi hổ tràn lan tại các địa phương là biện pháp thiết yếu nhằm giảm thiểu tình trạng buôn bán hổ trái phép và để tránh lặp lại những sai lầm như đã xảy ra đối với tình trạng nuôi nhốt gấu tràn lan trong nhiều năm qua. 

7. Chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam

     Tính đến tháng 9/2018, khoảng 780 cá thể gấu hiện còn đang bị nuôi nhốt tại Việt Nam, giảm nhiều so với 4,300 cá thể vào năm 2005.

     ENV kêu gọi các địa phương còn tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhanh chóng và quyết liệt hành động theo xu hướng chung để đưa tỉnh/thành của mình trở thành "địa phương không còn gấu nuôi nhốt". Hoạt động trích hút và buôn bán mật gấu tàn nhẫn và bất hợp pháp này cần phải sớm được chấm dứt trong xã hội Việt Nam hiện đại.

8. Siết chặt tình trạng cấp phép gây nuôi thương mại ĐVHD 

     Tình trạng săn bắt trái phép ĐVHD từ tự nhiên rồi bán cho các cơ sở gây nuôi thương mại hợp pháp đang là một mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học của Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Bằng chứng cho thấy phần lớn các cơ sở đăng ký gây nuôi thương mại ĐVHD thường bổ sung nguồn giống bị săn bắt trái phép từ tự nhiên hoặc thậm chí là sử dụng cơ sở gây nuôi như một vỏ bọc hợp pháp để buôn bán ĐVHD bị khai thác trái phép ngoài tự nhiên. 

    Do đó, cần xây dựng các văn bản pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ các cơ sở gây nuôi thương mại ĐVHD và loại bỏ các lỗ hổng lớn đang tồn tại trong việc quản lý các cơ sở này để nhằm chấm dứt tình trạng tuồn ĐVHD từ tự nhiên vào trang trại. Đồng thời, cần đưa ra các biện pháp để giúp các địa phương giám sát, quản lý hiệu quả các cơ sở gây nuôi thương mại ĐVHD và xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm.

 9. Buộc chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trong việc kiểm soát và chấm dứt tình trạng tiêu thụ ĐVHD trái phép trên địa bàn

     Chính quyền địa phương, cụ thể là UBND các cấp có trách nhiệm đảm bảo các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, hiệu thuốc đông y và các cơ sở khác trên địa bàn phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ ĐVHD. Các cơ sở này không được buôn bán trái phép ĐVHD hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD. 

     Các chiến dịch khảo sát nhằm giảm thiểu tình trạng tiêu thụ ĐVHD được ENV thực hiện tại sáu thành phố lớn cho thấy vi phạm tại các cơ sở kinh doanh chỉ giảm ở những khu vực mà chính quyền địa phương đã tăng cường công tác thực thi pháp luật. Ví dụ, chỉ trong vòng 6 tháng qua, quận Đống Đa (Hà Nội) và Quận 5 (TP. Hồ Chí Minh) đã giảm thiểu thành công các vi phạm về ĐVHD trên địa bàn với tỷ lệ lần lượt là 51% và 56%. Trong khi đó số lượng vi phạm tại Quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) cũng giảm 27% trong cùng khoảng thời gian này. 

     Việc xóa bỏ hoàn toàn các vi phạm về ĐVHD là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Một địa phương có nhiều vi phạm hay không là sự phản ánh trung thực nhất về tinh thần trách nhiệm và năng lực của chính quyền tại địa phương đó trong việc quản lý và giám sát các hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật của địa phương. 

10. Tăng cường đấu tranh với loại hình tội phạm trên Internet

     Trong khi tội phạm về ĐVHD đang có xu hướng giảm tại các cơ sở kinh doanh ở nhiều TP lớn trên cả nước thì loại tội phạm này lại đang gia tăng trên Internet. Việc mua bán trực tuyến ngà voi, các sản phẩm từ hổ, các loài ĐVHD có giá trị hay vật nuôi bản địa và ngoại lai đang dần trở nên phổ biến trong những năm gần đây. 

     Cần áp dụng các quy định hiện hành của pháp luật để xử lý và ngăn chặn hành vi quảng cáo, mua bán, trao đổi ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm trên Internet. Một số biện pháp hữu hiệu bao gồm: đóng cửa các trang thông tin điện tử có chứa thông tin quảng cáo và mua bán các loài ĐVHD cần được bảo vệ; tăng cường theo dõi và xóa bỏ trang cá nhân trên mạng xã hội (ví dụ như Facebook) được một số đối tượng sử dụng để quảng cáo, buôn bán ĐVHD; tăng cường điều tra, theo dõi các đối tượng cung cấp, buôn bán các cá thể động vật sống cùng các sản phẩm có giá trị nhằm bắt giữ và xử lý nghiêm khắc những đối tượng này.

 

Phương Hạnh

Ý kiến của bạn