Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Ảnh hưởng của rác thải nhựa đến hệ sinh thái biển

23/10/2018

     Hàng năm có một lượng lớn các mảnh vụn nhựa được thải ra đại dương. Tại đây các mảnh nhựa bị phân rã thành các mảnh nhỏ. Các nhà khoa học đang lo lắng về những tác động tới môi trường của các mảnh vi nhựa với kích cỡ mircro, nano, pico. Các mảnh nhựa đang là mối đe dọa tiềm tàng đến các hệ sinh thái (HST) biển và sức khỏe con người. Tăng cường quản lý chất thải là chìa khóa để ngăn chặn nhựa cũng như các loại rác thải khác xâm nhập đại dương.

1. Ảnh hưởng về vật lý của rác thải nhựa đến HST biển

    Ảnh hưởng vật lý của rác thải nhựa đến môi trường bao gồm các tác động: gây phá hủy hoặc suy giảm đa dạng sinh học; làm chết các sinh vật bởi vướng vào lưới ma (ghost nets - lưới đánh cá bị mất hoặc bị bỏ lại trên đại dương); gây chết sinh vật qua con đường ăn uống; thay đổi cấu trúc, thành phần loài của các HST bao gồm việc chuyên chở các sinh vật ngoại lai từ nơi khác đến. Các tác động về mặt hóa học sẽ tăng lên khi các rác thải nhựa giảm kích cỡ. Hơn 260 loài sinh vật biển đã được ghi nhận là bị vướng hoặc ăn phải các mảnh nhựa trên biển (Laist 1997, Derraik 2002, Macfadyen 2009). Trong một nghiên cứu về cá ở Bắc Thái Bình Dương cho thấy, trung bình có 2,1 mảnh nhựa trong mỗi con cá. Việc nhầm lẫn nhựa với thức ăn cũng được ghi nhận ở các động vật bậc cao hơn như rùa, chim, động vật có vú, đã có nhiều trường hợp gây ra tử vong liên quan đến việc ăn nhựa. Chim hải âu nhầm lẫn mảnh nhựa có mầu đỏ với mực, rùa biển nhầm lẫn túi nilông với sứa… Các hạt nhựa bị nuốt vào có thể gây tắc nghẽn hoặc hư hại thành ruột, làm giảm khả năng hấp thụ thức ăn của sinh vật. Các mảnh nhựa trôi nổi cũng cung cấp “phương tiện di chuyển” cho các sinh vật làm gia tăng nguy cơ ảnh hưởng của sinh vật ngoại lai đến HST.

2. Ảnh hưởng về mặt hóa học của nhựa

     Tác động hóa học đầu tiên của các mảnh nhựa đó là nguy cơ ảnh hưởng của các chất phụ gia trong nhựa. Những chất phụ gia này là chất độc, chất xúc tác sinh học tác động đến môi trường. Một số chất trong sản xuất nhựa như nonylphenol, phthalates, bisphenol A (BPA) và monome styrene có thể tác động tiêu cực lên sinh vật. Các tác động của những chất này liên quan đến hệ thống nội tiết và điều hòa hormone trong cơ thể sinh vật. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các chất này đã có ảnh hưởng nhất định trong đất hoặc HST nước ngọt. Do vậy, các nhà khoa học lo ngại những những hợp chất này có tác động không tốt đến HST biển.

    Tác động tiếp về mặt hóa học của rác thải nhựa đó là các hạt vi nhựa có lẫn trong nước biển có khả năng hấp phụ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy có sẵn trong nước biển và trầm tích biển. Các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (PBTs) bao gồm các chất như: Polychlorinated biphenols (PCBs), hydrocacbon đa hình (PAHs), hexachlorocyclohexan (HCH) và thuốc trừ sâu DDT được đề cập trong Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy. Các chất này có tác dụng làm gián đoạn nội tiết tố sinh sản, tăng tần suất đột biến trong phân bào dẫn đến nguy cơ ung thư. Các nhà khoa học lo ngại rằng, các sinh vật biển ăn phải các hạt vi nhựa sẽ làm tăng nguy cơ các sinh vật bậc cao (bao gồm cả con người) có thể bị ảnh hưởng bởi các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, dẫn đến nhiều bệnh lý như vô sinh, ung thư…

3. Tác động lên kinh tế - xã hội (KT-XH)

     Rác thải nhựa tác động trực tiếp lên những hoạt động kinh tế trên biển. Tác động rõ nhất là những hỏng hóc, tổn thất do rác thải nhựa lên các thiết bị như lưới đánh cá bị cuốn vào chân vịt, rác chặn các cửa hút nước hoặc rác vướng vào lưới đánh cá… Tổn thất do rác thải nhựa trên biển đến ngành công nghiệp đánh cá Scotland trung bình khoảng từ 15-17 triệu USD/năm tương đương 5% tổng doanh thu. Đồng thời, rác thải nhựa trên biển cũng là nguyên nhân của các vụ hỏng hóc trên biển của các chân vịt tàu thủy, năm 2008, tại Vương quốc Anh và Na Uy đã có 286 sự cố liên quan đến nguyên nhân này, với mức tổn thất lên đến 2,8 triệu USD.

    Bên cạnh đó, rác thải nhựa gây phát sinh tổn thất trong việc dọn dẹp các bãi biển du lịch và luồng hàng hải. Mỗi năm ở Hà Lan và Bỉ phải chi ra 13,65 triệu USD cho công tác dọn dẹp bãi biển, trong khi đó ở Anh con số này vào khoảng 23,62 triệu USD (tăng 38% trong mười năm qua). Rác thải nhựa cũng gây hình ảnh không tốt cho công chúng về các địa điểm du lịch, sự phổ biến của mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng là các hình ảnh này lan rộng. Thu nhập du lịch của địa phương, quốc gia ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hình ảnh rác thải nhựa trên bờ biển. Báo cáo của Tổ chức Hợp tác kinh tế Cchâu Á Thái Bình Dương đã chỉ ra: Mỗi năm các nước châu Á phải chi hơn 1 tỷ USD cho các hoạt động dọn dẹp luồng hàng hải và sửa chữa tàu thuyền.

    Rác thải nhựa cũng có khả năng gây thương tích thậm chí gây tử vong đối với con người. Các mảnh nhựa bị vỡ có cạnh sắc gây nguy hiểm tương tự như kính vỡ, có nhiều trường hợp người bơi lội bị chết do cuốn phải các mảnh lưới trong nước biển.

4. Quy định pháp lý về rác thải nhựa trên biển

4.1. Quy định quốc tế

    Các vấn đề về rác thải nhựa được nêu trong Nghị quyết hàng năm của Đại hội đồng Liên hợp quốc về đại dương, Luật Biển và nghề cá bền vững. Năm 2005 vấn đề này là một chủ đề trọng tâm tại cuộc họp thứ sáu của Quy trình mở không chính thức của Liên hợp quốc về Đại dương và Luật Biển (United Nations Open-ended Informal Consultative Process on Oceans and the Law of the Sea). Về mặt pháp lý quốc tế, có hai công ước quan trọng đề cập đến rác thải biển đó là Công ước quốc tế ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu (Marpol 73/78) và Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ việc nhấn chìm chất thải trên biển (Công ước London 1972 và Nghị định thư London).

     Mục đích của Công ước Marpol 73/78 là kiểm soát ô nhiễm trong quá trình vận hành tàu biển. Công ước quy định các loại và lượng chất thải được thải ra môi trường biển. Phụ lục V của công ước quy định các “rác thải” bao gồm các loại thực phẩm, rác thải sinh hoạt, chất thải trong quá trình vận hành tàu, trừ cá tươi phải được xử lý liên tục hoặc định kỳ. Việc tiêu hủy các loại chất dẻo trên biển được cấm hoàn toàn. Phụ lục V của Công ước Marpol cũng quy định các Chính phủ phải xây dựng cơ sở vật chất tại các cảng để tiếp nhận rác thải từ các tàu.

    Công ước London về ngăn ngừa ô nhiễm từ việc nhấn chìm chất thải trên biển. Công ước cũng cấm hoàn toàn việc nhận chìm các loại chất thải nhựa và các vật liệu không phân hủy sinh học khác vào biển. Ngoài ra, Điều 192-237 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) quy định về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển. Nó đặt ra các nghĩa vụ chung của các nước thành viên phải ngăn chặn, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn trên đất liền bao gồm các sông, cửa sông, đường ống, cơ cấu thoát nước… ra biển.

     Các quy định pháp lý quốc tế tương đối chặt chẽ và đầy đủ tuy nhiên rác thải nhựa trên biển vẫn tiếp tục tăng, gây ô nhiễm nhiều vùng biển và bãi biển. Việc thực hiện và thực thi các điều luật này vẫn cần phải được tăng cường.

4.2. Các quy định trong nước

    Tại Việt Nam đã có nhiều quy định chung về việc quản lý rác thải nhựa trên biển. Luật BVMT năm 2014 quy định “Nguồn phát thải từ đất liền, hải đảo và các hoạt động trên biển phải được kiểm soát, ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật” đồng thời các chất thải từ đất liền ra biển, phát sinh trên biển và hải đảo phải được thống kê, phân loại, đánh giá và có giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

     Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cũng quy định việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ đất liền, kiểm soát ô nhiễm biển xuyên biên giới. Luật cũng quy định rõ về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động trên biển.

5. Kết luận

     Từ việc gia tăng lượng rác thải nhựa trên đại dương cho thấy ảnh hưởng của chất thải này đến HST biển, KT-XH và sức khỏe con người ngày càng lớn. Việc thu gom xử lý rác thải nhựa trên biển rất tốn kém và ít khả thi do không gian rộng lớn của biển và phần lớn lượng rác thải nhựa có kích thước bé và chìm dưới đáy biển. Do vậy cần có một chương trình toàn diện để quản lý chất thải bao gồm cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý chất thải, thực hành quản lý chất thải. Ngoài ra, các giải pháp về tuyên truyền, cải tiến công nghệ cần phải được phát huy để giảm lượng nhựa thải ra môi trường.

 

Hà Thanh Biên

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên số Chuyên đề Tiếng Việt III năm 2018)

Tài liệu tham khảo

1. UNEP YEAR BOOK, Plastic Debris in the Ocean, 2011;

2. Laist, D.W. (1997). Impacts of marine debris: entanglement of marine life in marine debris including a comprehensive list of species with entanglement and ingestion records. In: Marine debris: sources, impacts and solutions (Coe, J.M. and Rogers, B.D., eds.), 99-141. Springer, Berlin;

3. Derraik, J.G.B. (2002) The pollution of the marine environment by plastic debris: a review. Marine Pollution Bulletin, 44, 842-852;

4. Macfadyen, G., Huntington, T. and Cappell, R. (2009). Abandoned, lost or otherwise discarded fishing gear. UNEP Regional Seas Reports and Studies 185, FAO Fisheries and Aquaulture Technical Paper 523.

Ý kiến của bạn