Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Áp dụng cơ chế ngân hàng đa dạng sinh học của một số nước trên thế giới

02/01/2018

   Cơ chế ngân hàng đa dạng sinh học (ĐDSH) là phương thức bồi hoàn ĐDSH dựa vào thị trường nhằm giảm tổn thất ĐDSH tích lũy từ việc phát triển các đô thị, dự án. Đồng thời, cơ chế này khuyến khích các cá nhân, tổ chức tư nhân, nhà nước tham gia quản lý và bảo vệ, cũng như tạo ra tài chính bền vững cho công tác bảo tồn ĐDSH. Hiện nay, cơ chế ngân hàng ĐDSH đang được thực hiện phổ biến tại một số nước như Ôxtrâylia, Mỹ, Đức, Canađa, Braxin, Uganda, thông qua các chương trình, dự án.

Vườn quốc gia Yosemite là một trong những khu vực được Chính phủ Mỹ bảo tồn nghiêm ngặt

   Một số chương trình, dự án áp dụng cơ chế ngân hàng ĐDSH trên thế giới

   Ngân hàng bảo tồn loài ở Mỹ

   Theo Đạo luật các loài nguy cấp, nếu sự phát triển tác động đến một loài thì nhà đầu tư cần có các hành động giảm nhẹ đối với loài bị ảnh hưởng. Quân đoàn kỹ sư Mỹ (USACE) chịu trách nhiệm phê duyệt, buộc các nhà đầu tư phải thực hiện hành động giảm nhẹ và cung cấp hướng dẫn môi trường (điều kiện phải tuân thủ về tỷ lệ tín dụng, số lượng các khoản tín dụng bù đắp) để giảm thiểu thiệt hại gây ra. Nếu nhà đầu tư không chấp nhận các khoản tín dụng bù đắp theo quy định, sẽ không được cấp phép hoạt động.

   Đối với người có quyền sử dụng đất muốn thành lập ngân hàng tín dụng, trước hết cần tiếp cận Dịch vụ động vật hoang dã và cá Mỹ (FWS), tham gia vào Hiệp định ngân hàng bảo tồn, sau đó được cấp quyền thực hiện bảo tồn cho bên mua. FWS sẽ niêm yết và công bố về số lượng các khoản tín dụng có sẵn tại Hiệp định ngân hàng bảo tồn cung cấp cho bên mua. Sau khi kế hoạch quản lý và đảm bảo tài chính thì đất mới được chuyển quyền bảo tồn cho bên thứ ba, khi bên thứ ba mua các khoản tín dụng thì phải trình lên cơ quan “công bố tín dụng”. California là bang dẫn đầu trong việc đẩy mạnh hoạt động của các ngân hàng bảo tồn loài. Hiện Mỹ có hơn 100 ngân hàng bảo tồn loài, trong đó có 94 ngân hàng nằm ở California.

   Đề án ngân hàng ĐDSH khu vực Tây Ôxtrâylia

   Theo Đạo luật bảo tồn loài bị đe dọa năm 1995, Đạo luật Quy hoạch và đánh giá môi trường năm 1979 (EPAA), Đề án ngân hàng ĐDSH tại phía Tây Ôxtrâylia được thành lập, áp dụng cho các khu vực đô thị. Đối với các khu vực nông thôn và ven đô thị, thì áp dụng theo Đạo luật thực vật bản địa năm 2003. Trong đó, Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu (DECC) Ôxtrâylia, Hội đồng địa phương chịu trách nhiệm về quản lý các tín dụng ĐDSH.

   Theo Đề án, sau khi chủ đầu tư mua tín dụng ĐDSH và trình lên cơ quan “công bố tín dụng”, cơ quan này sẽ đánh giá, xem xét giá trị tín dụng. Nếu chủ đầu tư đáp ứng được các yêu cầu bù đắp về ĐDSH thì các hoạt động phát triển sẽ được phê duyệt. Đồng thời, khi tuyên bố tín dụng ĐDSH đã được chấp nhận, các chủ đầu tư phát triển chỉ thực hiện theo các nội dung trong tuyên bố. Ngoài ra, nếu khu vực diễn ra các hoạt động phát triển tại địa phương có quy hoạch môi trường thì chủ đầu tư và cơ quan thẩm định phải xem xét và thực hiện một số cam kết bổ sung.

   Tuyên bố tín dụng ĐDSH quy định cụ thể các điều khoản cần thiết và được thực hiện trước khi dự án đi vào hoạt động. Có hai loại tín dụng: Tín dụng loài và tín dụng hệ sinh thái. Ngoài ra, còn có một danh sách các khoản tín dụng có thể cung cấp cho các giao dịch trong tương lai. Theo đánh giá của các chuyên gia Ôxtrâylia, còn thiếu 22.000 tín dụng hệ sinh thái và 5.000 loài đang bị đe dọa cần được cung cấp ra thị trường.

   Bên cạnh đó, Ôxtrâylia còn có Chương trình BushBroker về bù đắp thực vật tự nhiên nhằm tạo thuận lợi cho sự dịch chuyển thực vật tự nhiên ở Bang Victoria. Một đại diện của Chương trình BushBroker đánh giá khu vực, xác định số lượng và loại tín dụng. Tín dụng được tạo ra thông qua lợi ích bảo tồn từ các hoạt động quản lý, bảo vệ, duy trì chất lượng các thảm thực vật tự nhiên.

   Quỹ bù đắp ĐDSH tại Braxin

   Việc thực hiện bồi hoàn ĐDSH tại Braxin diễn ra từ năm 2000. Theo quy định tại Luật số 9985, việc “bồi hoàn môi trường” hay “đền bù môi trường” được thực hiện thông qua công tác đánh giá tác động môi trường ở cấp độ dự án và phương pháp giảm nhẹ đền bù của các nhà đầu tư đã cam kết thực hiện trong quá trình diễn ra hoạt động của dự án.

   Năm 2005, Bộ Môi trường và Ngân hàng của Chính phủ Braxin đã lập Quỹ quốc gia về đền bù môi trường. Số tiền đền bù được sử dụng để duy trì các khu bảo tồn. Ở Braxin có 45 triệu ha đất thuộc các đơn vị bảo tồn, trong đó có 25 khu bảo tồn khai thác; 25 khu bảo tồn ĐDSH; 29 khu dự trữ; 60 rừng quốc gia; 19 khu vực tham quan sinh thái; 51 công viên quốc gia và 364 di sản thiên nhiên (trên đất tư nhân)…

   Bộ Luật rừng Braxin số 4771 (năm 1965) quy định, bù đắp ít nhất 10 ha (trên diện tích 50 ha) thảm thực vật bản địa ở phía Đông, Tây và khu vực phía Nam nhằm quản lý và bảo tồn ĐDSH. Còn ở phía Bắc và Bắc miền Trung-Tây, tỷ lệ bù đắp ít nhất là 50% thảm thực vật tự nhiên. Các chủ dự án không có khả năng đáp ứng các yêu cầu bù đắp trên đất của dự án, có thể bù đắp ở khu vực khác để duy trì thảm thực vật bản địa tại khu vực thực hiện. Từ năm 2002-2004, Chính phủ Braxin đã ghi nhận 60 triệu USD cho công tác bù đắp ĐDSH, thông qua Quỹ bù đắp ĐDSH.

   Quỹ Ủy thác bảo tồn tại Uganda

   Theo Cơ quan Quản lý Môi trường Quốc gia (NEMA) Uganda, sự bù đắp ĐDSH là phương tiện để đảm bảo "không mất mát" môi trường sống của các loài trong tự nhiên. Hiện Cơ quan quản lý động vật hoang dã Uganda (UWA) đang xây dựng chính sách bù đắp ĐDSH. UWA cũng đang điều tra các khoản bù đắp tự nguyện của các công ty dầu mỏ (đặc biệt là Tullow Oil) nhằm tăng cường việc thực hiện luật pháp quốc gia cho việc bù đắp ĐĐSH.

   Trong tương lai, việc thanh toán các khoản bù đắp ĐDSH được thực hiện thông qua Quỹ ủy thác Bảo tồn Uganda (UCTF). Hoạt động của UCTF sẽ được điều hành độc lập với Chính phủ, nhằm bồi thường ĐDSH và công tác bảo tồn tại các khu bảo tồn ở Uganda.

Loài chuột sống trên cây này được tìm thấy ở các khu rừng nhiệt đới thuộc Ôxtrâylia cần được bảo vệ thông qua Tín dụng ĐDSH

   Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

   Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi chính sách và nghiên cứu triển khai thực hiện bồi hoàn ĐDSH trong thực tiễn, do đó, cần nghiên cứu và lựa chọn phương thức thực hiện bồi hoàn phù hợp và hiệu quả. Để thực hiện thành công cơ chế ngân hàng ĐDSH, trước hết, cần thiết lập cơ sở pháp lý quy định về danh mục, loại hình dự án tại các vùng, khu vực nhạy cảm với ĐDSH và thực hiện các hoạt động giảm nhẹ, bù đắp (bồi hoàn) các tác động, ảnh hưởng đến ĐDSH. Sau đó, xây dựng và ban hành, hướng dẫn thực hiện cơ chế ngân hàng ĐDSH, bao gồm các nội dung: Hướng dẫn đánh giá, phát hành tín dụng ĐDSH; tính toán các tác động, ảnh hưởng đến ĐDSH của dự án trong quá trình hoạt động.

   Bên cạnh đó, cần tiến hành đánh giá và công nhận, công bố tín dụng ĐDSH. Xác định các khoản tín dụng mà nhà đầu tư phải bồi hoàn để được cấp giấy chứng nhận; Hình thành và thiết lập, điều tiết cơ chế hoạt động của thị trường giao dịch mua bán tín dụng ĐDSH rõ ràng, minh bạch, có sự thống nhất giữa bên phát hành tín dụng và bên mua tín dụng. Mặt khác, tổ chức đào tạo và tập huấn về các kỹ năng chuyên môn (hiểu biết về ĐDSH; nhận diện và sử dụng phương pháp để xác định các ảnh hưởng và tác động đến ĐDSH; kỹ năng đánh giá và tính toán các tín chỉ…) và cấp chứng chỉ cho các giám định viên (thẩm định viên) để phụ trách việc hướng dẫn tính toán, phát hành giá trị tín dụng, đánh giá và thẩm định giá trị các tín dụng được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Nguyễn Thị Thu Hoài

Viện Khoa học Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2017

Ý kiến của bạn