Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Toạ đàm “Sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam”

23/05/2024

    Ngày 22/5/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Toạ đàm về sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại Việt Nam nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong quản lý CTRSH.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện CLCSTN&MT phát biểu tại Toạ đàm

    Phát biểu chào mừng Toạ đàm, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện CLCSTN&MT cho biết, đô thị hóa cùng với gia tăng dân số và phát triển kinh tế mạnh mẽ đang khiến khối lượng CTRSH ở Việt Nam gia tăng lên nhanh chóng, ước tính đã tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm qua. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2011, tổng lượng CTRSH phát sinh trên cả nước khoảng 44.400 tấn/ngày. Đến năm 2023, con số này đã tăng lên 67.877,34 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị phát sinh 38.143,05 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 56,19%; khu vực nông thôn phát sinh 29.734,30 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 43,81%.

    Hiện tại, hệ thống quản lý chất thải rắn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do các nguyên nhân gồm: thiếu các bãi chôn lấp CTR hợp vệ sinh; thiếu phương pháp xử lý chất thải rắn tiên tiến và phù hợp và nguồn lực phân bổ cho công tác quản lý CTR vẫn còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Thế giới đã phối hợp cùng với Bộ TN&MT triển khai thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong CTRSH, từ đó nghiên cứu và đưa ra các khuyến nghị phù hợp, hỗ trợ việc xây dựng các chính sách về quản lý chất thải rắn tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Chuyên gia cao cấp về môi trường, Ngân hàng Thế giới tại Toạ đàm

    Phát biểu tại Toạ đàm, bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Chuyên gia cao cấp về môi trường, Ngân hàng Thế giới chia sẻ, quan điểm về quản lý CTRSH chú trọng giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải, đồng thời, khuyến khích tái chế, xử lý chất thải kết hợp với thu hồi năng lượng. Trong chuỗi giá trị quản lý CTRSH hiện nay, chôn lấp và đốt là hai phương pháp phổ biến nhất. Tuy nhiên, cả hai phương pháp này đều tiềm ẩn những nguy cơ sản sinh ra các chất gây ô nhiễm đất và không khí. Do vậy, cần có một quy trình xử lý CTRSH hiệu quả, từ đó phục hồi tài nguyên trong quá trình quản lý CTRSH.

    Ở Việt Nam, Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra quan điểm quản lý tổng hợp chất thải rắn như sau: Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia, quản lý chất thải rắn liên vùng, liên ngành đảm bảo tối ưu về kinh tế - xã hội, đầu tư hệ thống quản lý chất thải rắn đồng bộ; khuyến khích tái chế, xử lý chất thải kết hợp với thu hồi năng lượng, quản lý toàn bộ vòng đời chất thải rắn từ khi phát sinh đến khâu xử lý. Trong đó, Chiến lược đặt mục tiêu: 100% các đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I và 85% các đô thị khác có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình; 90% tỷ lệ CTRSH phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về BVMT, 100% trung tâm thượng mại, siêu thị sử dụng túi ni-lông thân thiện với môi trường…

Quang cảnh buổi Toạ đàm

    Mỗi năm, Việt Nam chi khoảng 0,23% GDP tương đương với hơn 14.300 tỷ VNĐ cho quản lý CTRSH tập trung chủ yếu vào khu vực công, thiết lập các bãi chôn lấp và thuê đơn vị vận hành. Trong khi đó, nguồn vốn tư nhân phần lớn tập trung vào việc đầu tư và vận hành trang thiết bị, phương tiện vận tải hoặc vận hành cơ sở xử lý CTRSH giúp tối ưu chi phí, huy động vốn phát triển cơ sở hạ tầng, giải quyết một số hạn chế về ngân sách.

    Theo ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ tư vấn, EY Việt Nam, khi chính sách phân loại tại nguồn đi vào hoạt động, bên cạnh những cơ hội tiềm năng, khu vực tư nhân cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: thiếu cơ chế thu gom, vận chuyển và tái chế rác tái chế của khu vực công; thiếu hướng dẫn liên quan đến định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; công thức tính giá dịch vụ xử lý chất thải rắn chưa phản ánh đầy đủ các chi phí dự án; hạn chế về năng lực chuẩn bị dự án PPP hoặc dự án lựa chọn nhà đầu tư; thiếu Thông tư hướng dẫn chi tiết về các dự án PPP trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn…

    Để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực quản lý CTRSH, ông Hoàng cho rằng, cần áp dụng các nhóm giải pháp về chính sách, cụ thể: tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý CTRSH; xây dựng hướng dẫn cho các dự án PPP trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn; thúc đẩy các công cụ tài chính mới, sáng tạo và nâng cao năng lực doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, năng lực của các ngân hàng trong việc thẩm định dự án phù hợp trong lĩnh vực quản lý CTRSH; nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương về các hoạt động quản lý CTRSH; nâng cao vai trò của các hiệp hội tái chế, xử lý chất thải rắn, các NGO và các liên minh, tổ chức trong nước và quốc tế; phổ biến quy định, kiến thức và nâng cao hiểu biết của người dân về phân loại chất thải rắn tại nguồn…

    Tại Toạ đàm, các đại biểu được nghe giới thiệu về mẫu hợp đồng PPP, mẫu hợp đồng cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực quản lý CTRSH, đồng thời, trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm tế về sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân trong quản lý CTRSH, kinh nghiệm phục hồi tài nguyên trong quản lý CTRSH của Hàn Quốc, Ấn Độ…

Phùng Quyên - Bảo Bình

Ý kiến của bạn