Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Phát triển kinh tế tuần hoàn nhìn từ cuộc “Cách mạng tái chế” rác thải ở Thụy Điển và một số đề xuất cho Việt Nam

06/03/2024

    Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là mô hình kinh tế phát triển tất yếu trong tiến trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững (PTBV) trên thế giới hiện nay, trong đó có Việt Nam, nhằm đạt 3 mục tiêu: (i) Giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên; (ii) Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; (iii) Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế gắn với BVMT. Ngoài ra, nền KTTH còn mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia, giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu sự biến động giá và rủi ro đến từ nhà cung cấp, gia tăng tính đổi mới sáng tạo bằng việc thay thế các sản phẩm. Theo dự báo của Cơ quan phát triển Liên hợp quốc, đến năm 2030, lợi ích của nền KTTH có thể đem lại 4,5 nghìn tỷ USD và hỗ trợ 10/17 chỉ tiêu về PTBV. Từ những lý do trên, nhiều quốc gia trên thế giới đã quyết tâm thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình KTTH. Bài viết khái quát quá trình phát triển KTTH nhìn từ cuộc “Cách mạng tái chế” rác thải ở Thụy Điển, từ đó rút ra kinh nghiệm trong thực hiện mô hình này tại Việt Nam.

Thụy Điển là một trong những quốc gia áp dụng mô hình KTTH từ rất sớm ở châu Âu 

1. Phát triển KTTH ở Thụy Điển

    Là quốc gia thuộc khu vực Bắc Âu, Thụy Điển có nền kinh tế phát triển cao, GDP bình quân đầu người đạt 60,238.99 USD/người (theo thống kê của Ngân hàng thế giới năm 2021). Từ giữa những năm 1990, Thụy Điển là một trong số ít các nước công nghiệp hóa duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với giảm thải các-bon và BVMT. Thụy Điển đã áp dụng nhiều giải pháp góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường như: Đánh thuế cao các loại rác thải; thực hiện ưu đãi xanh; sử dụng năng lượng tái tạo từ thủy điện và nhiên liệu sinh học… Thụy Điển cũng được biết đến là một trong những quốc gia áp dụng mô hình KTTH từ rất sớm ở châu Âu, với việc đưa ra tầm nhìn, định hướng lộ trình và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn; đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp (DN) song hành với xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng giữa phát triển kinh tế và BVMT bằng việc đánh thuế cao các loại chất thải (khí các-bon, chất thải nhựa…), đồng thời, có chính sách ưu đãi với sử dụng năng lượng tái tạo từ thủy điện và nhiên liệu sinh học… Nhờ đó, Thụy Điển đã tái chế 53% vật liệu nhựa tiêu dùng trong đời sống xã hội, 50% chất thải trong ngành xây dựng; tái chế 99% rác thải thành năng lượng điện, từ đó phát triển triết lý phát triển KTTH lên tầm cao mới với phương châm “Thay đổi tư duy tiêu dùng sẽ dẫn đến thay đổi tư duy sản xuất”.

1.1. Trở thành quốc gia nhập khẩu rác thải

    Thụy Điển đã và đang trải qua cuộc “Cách mạng tái chế” chưa từng có, nếu như năm 1975, chỉ có 38% rác thải từ các hộ dân được tái chế thì thời điểm hiện tại, con số này đã tăng lên 99% và chỉ còn 1% chất thải được chuyển đến các bãi rác để xử lý bằng hình thức chôn lấp. Để đạt được điều này, ngay từ những năm 1970, Thụy Điển đã áp dụng các quy định chặt chẽ về phân loại rác thải tại hộ gia đình, nhà máy, địa phương, cùng với đó, chính sách tái chế rác thải được thực thi hiệu quả. Đặc biệt, kể từ năm 1990, Chính phủ Thụy Điển thực hiện một loạt chính sách nhằm giảm phát sinh chất thải, nâng cao nhận thức của nhà sản xuất, người dân cũng như cắt giảm mạnh lượng khí thải. Sau khi thông qua chính sách yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm xử lý cũng như chi phí liên quan đến công tác thu gom, tiêu hủy sản phẩm, còn được gọi là Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), Thụy Điển đã hướng tới mục tiêu đến các hộ gia đình bằng cách áp dụng phí rác thải dựa trên trọng lượng để khuyến khích hoạt động tái chế.

    Chính sách “không rác thải” đã khiến Thụy Điển cạn kiệt nguồn rác thải tái chế và phải nhập khẩu rác từ các nước khác, kể từ năm 2005 - 2014, mức nhập khẩu mặt hàng đặc biệt này đã tăng gấp 4 lần. Theo Hiệp hội Quản lý rác thải Thụy Điển, trong năm 2014, quốc gia này đã nhập khẩu khoảng 800.000 tấn rác, chủ yếu từ Anh, Na Uy, đến năm 2015, gần 2,3 triệu tấn rác thải được nhập khẩu từ Anh, Na Uy, Ireland và một số quốc gia khác. Đáng chú ý, toàn bộ rác thải nhập khẩu được sử dụng cho việc đốt để chuyển hóa thành năng lượng, phục vụ hoạt động của 32 nhà máy và cung cấp khí sưởi ấm cho hơn 900.000 ngôi nhà trên khắp đất nước. Phần tro sau khi đốt thường có trọng lượng bằng khoảng 15% so với khối lượng rác thải ban đầu, từ lượng tro này, kim loại được tách ra để tái chế, phần còn lại (đồ sứ hoặc ngói, những thứ khó cháy hơn) sẽ được sàng lọc để dùng cho mục đích khác. Hoàn thành tất cả các quá trình nêu trên, 1% rác còn lại được chuyển đến bãi rác; 99,9% lượng khói phát ra từ các lò đốt là carbon dioxide không độc hại và nước, vẫn được xử lý thông qua các bộ lọc khô và nước trước khi thải ra môi trường; phần nước chứa cặn được đổ vào các mỏ bỏ hoang sau khai thác. Năm 2020, Thụy Điển tái chế được 87% chai nhựa PET, 87% lon nhôm, 61% vật liệu đóng gói; rác thải thực phẩm cũng được chuyển đổi thành khí sinh học thân thiện với môi trường, dùng để chạy xe buýt công cộng và sưởi ấm cho các tòa nhà chung cư. Hiện Thụy Điển đã trở thành nhà nhập khẩu chất thải với trên 2,3 triệu tấn chất thải được nhập khẩu mỗi năm.

1.2. Kinh nghiệm triển khai KTTH của Thụy Điển

    Việc xây dựng nền KTTH phát thải các-bon thấp của Thụy Điển được bắt đầu từ thay đổi trong tư duy sản xuất tiêu dùng và trong các kế hoạch áp dụng khoa học - công nghệ vào những ngành sản xuất/xử lý rác thải với sự tham gia của Nhà nước, DN và người dân, cụ thể:

    Thứ nhất, thống nhất về tư duy phát triển và xây dựng nền KTTH trên phạm vi cả nước, từ người dân, DN đến Chính phủ. Theo đó, Thụy Điển thành lập một nhóm chuyên gia về KTTH, giúp Chính phủ điều phối/hỗ trợ DN, người dân, đồng thời, đầu tư nghiên cứu đổi mới trong lĩnh vực tài nguyên và chất thải. Mục đích của việc này là thống nhất tư duy phát triển KTTH trên cả nước, tạo cơ sở vững chắc cho việc triển khai sau này.

    Thứ hai, xây dựng nền kinh tế dựa trên ngành công nghệ cao. Nền KTTH ở Thụy Điển được khởi xướng từ những thập kỷ trước, bắt đầu bằng việc đổi mới, sáng tạo ở một số DN; thúc đẩy ứng dụng công nghệ sạch trong các DN; tạo ra các phương pháp tiếp cận theo hướng đổi mới, sáng tạo.

    Thứ ba, xây dựng KTTH theo từng ngành.

    * Đối với ngành thực phẩm: Thụy Điển đã thiết lập một chiến lược quốc gia để thay đổi chuỗi cung ứng với nỗ lực tăng cường hợp tác toàn ngành. Trong ngành thực phẩm, thùng giấy được chứng nhận của Hội đồng quản lý rừng để làm gói carton, bên cạnh đó, các DN kinh doanh đồ uống sử dụng ống hút giấy cho các sản phẩm đồ uống.

    * Đối với ngành nhựa: Thụy Điển nỗ lực thắt chặt các chính sách quốc gia về sản xuất và sử dụng đồ nhựa với 53% vật liệu nhựa được tái chế. Tuy nhiên, phần lớn là tiêu hủy, chỉ có 15% giá trị ban đầu của nó được giữ lại.

    * Ngành chế tạo: Tạo ra khoảng 20% GDP, đóng góp khoảng 77% tổng kim ngạch xuất khẩu cho quốc gia. Các DN chế tạo tại Thụy Điển đã áp dụng khoa học - công nghệ trong quy trình sản xuất, để từng bước xây dựng nền KTTH và hạn chế tối đa lượng rác thải ra môi trường.

    * Ngành xây dựng: Là ngành thải ra nhiều khí thải và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường nhất, đặc biệt là gây ra hiện tượng bụi mịn trong không khí, song đến nay chỉ có 50% được tái chế. Thụy Điển đang nỗ lực nâng cao tỷ lệ tái chế đối với ngành xây dựng lên đến 70%.

    Thứ tư, tái chế rác thải thành điện năng để phục vụ các ngành công nghiệp khác: Tại Thụy Điển, 99% chất thải sinh hoạt và hàng triệu tấn rác thải nhập khẩu mỗi năm được tái chế thành điện năng, hướng tới một xã hội không rác thải. Để làm được điều này, Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp như: Quy định các địa điểm tái chế rác thải; Phân loại rác theo màu túi; Đánh thuế cao khi sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang sử dụng năng lượng sinh học, năng lượng có thể tái tạo… Từ những thành tựu đã đạt được, Thụy Điển đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2040 không sử dụng nhiên liệu hóa thạch và nền KTTH là một trong những chìa khóa quan trọng để đạt được mục tiêu này.

2. Chính sách pháp luật về phát triển KTTH ở Việt Nam và một số đề xuất

2.1. Chính sách pháp luật về phát triển KTTH ở Việt Nam

    Những năm gần đây, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KTTH hướng đến PTBV đang tiếp tục được hoàn thiện, nhằm đẩy mạnh việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền KTTH, với nhiều mô hình kinh doanh mới, dựa trên ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới, sáng tạo, góp phần phát triển một nền kinh tế nhanh, ổn định, bền vững. Cụ thể, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó khẳng định ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác BVMT phát triển KTTH. Luật BVMT năm 2020 cũng chính thức luật hóa quy định về KTTH, xem đây là “mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường”; “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình KTTH”; “khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”…

    Bên cạnh đó, nhiều chính sách của Nhà nước đã được ban hành nhằm hướng đến phát triển nền kinh tế bền vững: Năm 2016, Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP). Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 192/QĐ-TTg ngày 13/2/2017 về Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025”, nhằm hình thành ngành công nghiệp môi trường, có thể đáp ứng các nội dung của nền KTTH. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 889/2021/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030”, nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội thực hiện giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để đạt được mục tiêu đến năm 2025, mức tiết kiệm năng lượng từ 5,0 - 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 - 2025; giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5%; giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015 - 2018. Tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ đã quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020, hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, biện pháp, trách nhiệm và lộ trình, các cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH. Tiếp đó, Đề án “Phát triển KTTH ở Việt Nam” được ban hành theo Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 đã đề ra mục tiêu cụ thể là giảm cường độ phát thải khí nhà kính ít nhất 15% vào năm 2030, hướng tới giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050; nâng cao nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình KTTH, thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế. Ngoài ra, tại một số luật và chính sách liên quan, như Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Chiến lược PTBV Việt Nam 2011 - 2020, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030… cũng đề cập đến vấn đề này.

    Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, Bộ TN&MT đã xây dựng Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH, nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển dịch mô hình kinh tế theo hướng bền vững, đưa chất thải thành tài nguyên, trung hòa các-bon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, KTTH được phổ biến, áp dụng rộng rãi và là nguyên tắc, cách tiếp cận ưu tiên trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, quản lý chất thải ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế. Dự thảo Kế hoạch đề ra 17 nhóm nhiệm vụ, hoạt động với 56 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể theo 5 chủ đề, bao gồm: Nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện KTTH; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu lực quản lý nhà nước về KTTH; hỗ trợ thúc đẩy áp dụng KTTH trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; quản lý chất thải để thực hiện KTTH; tăng cường liên kết, hợp tác, giám sát, đánh giá thực hiện KTTH. Dự kiến đến năm 2030, các Bộ, ngành sẽ hoàn thành việc xây dựng, ban hành hướng dẫn áp dụng thực hiện KTTH cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Dự thảo Kế hoạch cũng đề xuất 35 nhóm vật liệu, sản phẩm, chất thải và dịch vụ thuộc 9 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện KTTH phân theo lộ trình đến năm 2030. Cụ thể, nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến gỗ và thủy sản; nhóm ngành năng lượng; nhóm ngành khai thác khoáng sản và chế biến khoáng sản; nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; nhóm ngành xây dựng và giao thông vận tải; nhóm ngành quản lý chất thải; nhóm lĩnh vực trung gian, cộng sinh (như khu công nghiệp, khu đô thị, du lịch…); lĩnh vực hỗ trợ cho thực hiện KTTH (thiết kế sinh thái, tư vấn, cung cấp công nghệ, thiết bị và sản phẩm).

2.2. Một số đề xuất

    Trong bối cảnh PTBV, phát triển xanh, KTTH là một trong những mục tiêu cần hướng đến và việc xây dựng chính sách phù hợp, hành lang pháp lý rõ ràng để thực hiện KTTH là rất cần thiết. Đồng thời, phải xác định trong mục tiêu này, DN là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức, từng người dân là đối tượng tham gia thực hiện. Dựa vào điều kiện thực tế và trên cơ sở kinh nghiệm của Thụy Điển, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nền KTTH trong thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện hiệu quả một số giải pháp sau:

    Về phía Nhà nước:

    Với vai trò kiến tạo, Nhà nước cần đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để ban hành các quy định, tiêu chuẩn phát triển KTTH phù hợp với xu thế mới của khu vực cũng như trên thế giới. Đồng thời, sử dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, công cụ thuế... nhằm hạn chế việc sử dụng quá mức tài nguyên; giảm thiểu lượng rác thải trong quá trình sản xuất; đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào hiệu suất sử dụng yếu tố đầu vào (vốn và lao động); tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả.

    Mặt khác, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ thiết thực, nhằm thống nhất tư duy sản xuất và phát triển của DN, người dân, tạo tiền đề vững chắc trong phát triển các mô hình phát triển KTTH. Khuyến khích DN tham gia hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh một cách bền vững, ứng dụng các mô hình KTTH, sản xuất, kinh doanh gắn liền với BVMT, trong đó chú trọng vào hiệu quả đầu tư, phát triển, trách nhiệm xã hội của DN (Quy định chặt chẽ về trách nhiệm của DN với chất thải do DN tạo ra, đồng thời, xác định rõ lộ trình để tiến tới xây dựng luật cho phát triển các mô hình KTTH). Nhà nước cũng cần có chính sách tăng cường sử dụng năng lượng sinh học và năng lượng tái tạo; hạn chế sử dụng đồ nhựa; xây dựng các khu công nghiệp sinh thái... hướng tới PTBV và giảm lượng rác thải ra môi trường.

    Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, lấy chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là động lực, là yếu tố cốt lõi cho sự thành công khi phát triển KTTH. Mặt khác, Nhà nước nên có sự lựa chọn các ngành, lĩnh vực phù hợp để ưu tiên phát triển khi áp dụng mô hình KTTH, từ đó tạo động lực cho các ngành, các lĩnh vực khác cùng phát triển, tạo đà chung trong phát triển KTTH tại Việt Nam.

    Về phía DN:

    Các nhà sản xuất cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng; tập trung ưu tiên nguồn lực tài chính để chuyển đổi phương thức sản xuất và xác định mục tiêu phát triển KTTH phải gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, việc nghiên cứu đổi mới công nghệ, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn để thực hiện phát triển KTTH, mang lại hiệu quả tăng trưởng cao hơn. Để mở rộng nền KTTH, các nhà sản xuất cần phải xác định rõ đâu là ưu tiên hàng đầu của DN, thay vì sản xuất sản phẩm càng nhanh, càng rẻ càng tốt, phải xác định được độ bền của sản phẩm và quy trình sản xuất bền vững mới là yếu tố then chốt.

    Song song với đó, DN phải xây dựng mô hình kinh tế có chiều sâu với mục tiêu PTBV, tức là tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với BVMT. Từ bài học của Thụy Điển, các DN Việt Nam cần thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 3T (tiết giảm - tái chế - tái sử dụng) nhằm giảm lượng rác thải ra mồi trường, tăng lượng rác thải được tái chế và để đạt được điều này, nguồn nhân lực ở mỗi DN phải được đào tạo bài bản để nâng cao khả năng chuyên môn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, DN cần nỗ lực phát triển các chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường và xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, để giải quyết tốt mọi vấn đề, từ khâu đầu đến khâu cuối của cả quá trình sản xuất, từ đó thuyết phục người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng bền vững.

Lê Thị Phương, Nguyễn Thị Thu Hương

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2024)

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Chính trị (2020). Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/20220 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Thủ tướng Chính phủ (2017). Quyết định số 192/QĐ-TTg ngày 13/2/2017 về Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025”.

3. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 889/2021/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030.

4.ThS. Huỳnh Văn Khải (Trường Đại học Công nghệ Đông Á - 2023) Kinh nghiệm phát triển KTTH ở một số quốc gia trên thế giới và liên hệ với Việt Nam (https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/kinh-nghiem-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-o-mot-so-quoc-gia-tren-the-gioi-va-lien-he-voi-viet-nam102059.htm)

Ý kiến của bạn