Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Huy động sự tham gia có ý nghĩa trong thực hiện kinh tế tuần hoàn và khôi phục các dòng sông chết

20/03/2024

    Ngày 20/3/2024, tại Hà Nội, Mạng lưới bảo tồn nguồn nước Việt Nam (VIWACON) - Cơ quan điền phối là Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Huy động sự tham gia có ý nghĩa trong thực hiện kinh tế tuần hoàn (KTTH) và khôi phục các dòng sông chết”. Tham dự Tọa đàm có ông Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch VIWACON; Ông Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng ISPONRE; Ông Nguyễn Khắc Hùng - Giám đốc CECR; Bà Nguyễn Ngọc Lý - Sáng lập CECR/Nguyên Trưởng phòng Phát triển bền vững UNDP tại Việt Nam; Ông Đào Trọng Tứ - Chủ tịch Mạng lưới sông ngòi Việt Nam/Giám đốc CEWAREC; Bà Hoàng Thị Thu Hương - Trưởng khoa, trường Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội; Bà Bùi Thị Thanh Thủy - Giám đốc C&E; Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Giám đốc WARECOD, cùng sự tham gia, chia sẻ, thảo luận của 30 khách mời, đại biểu. 

Toàn cảnh Tọa đàm

    Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch VIWACON chia sẻ, từ năm 2021 đến nay, VIWACON đã phối hợp với các địa phương xây dựng, triển khai thành công một số mô hình áp dụng cách tiếp cận KTTH tài nguyên vào quản lý rác thải sinh hoạt; phân loại, thu gom rác thải tài nguyên; thử nghiệm các mô hình tái sử dung nước và sử dụng nước tuần hoàn... Đồng thời, VIWACON không ngừng phối hợp với các bên liên quan triển khai hoạt động nghiên cứu, thực nghiệm đóng góp cho quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế tuyến tính sang nền KTTH ở Việt Nam. Vì vậy, Tọa đàm hôm nay sẽ là diễn đàn giúp các chuyên gia, nhà khoa học của VIWACON hiểu biết hơn về kế hoạch hành động, trên cơ sở đó cùng nhau thảo luận, xác định các lĩnh vực ưu tiên trong nghiên cứu và thử nghiệm, xác định vai trò của các tổ chức khoa học kỹ thuật, NGOs nhằm hỗ trợ thực thi Kế hoạch hành động quốc gia (KHHĐQG) về KTTH.” 

    Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng ISPONRE thông tin, ngay từ khi được giao là cơ quan đầu mối đề xuất quy định về KTTH trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và khi xây dựng KHHĐQG thực hiện KTTH, ISPONRE luôn xác định nước là khía cạnh quan trọng, là “trái tim” của KTTH. Để thúc đẩy thực hiện KTTH ở Việt Nam nói chung, trong lĩnh vực nước nói riêng, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, trong bối cảnh hạn chế về nhận thức, các nguồn lực, thể chế, pháp luật chưa đồng bộ; khoa học và công nghệ, hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế… đòi hỏi cần phải tiếp tục thảo luận, phân tích để tìm ra các hành động cụ thể, trọng tâm và hiệu quả để khuyến khích toàn xã hội áp dụng KTTH trong lĩnh vực tài nguyên nước nói riêng, trong sản xuất, kinh doanh nói chung. Do đó, Tọa đàm “Huy động sự tham gia có ý nghĩa trong thực hiện KTTH và khôi phục các dòng sông chết” là một sự kiện quan trọng, là cơ hội để chúng ta cùng nhau thảo luận, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thúc đẩy việc xử lý, tái sử dụng nước thải; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, các bên liên quan chuẩn bị tốt cho việc tham gia thực hiện KTTH trong các ngành, lĩnh vực nói chung và lĩnh vực tài nguyên nước nói riêng. Kết quả của buổi Tọa đàm sẽ đóng góp cho quá trình triển khai hiệu quả KHHĐQG thực hiện KTTH; các chính sách, quy định về bảo vệ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường nước ở Việt Nam trong thời gian tới, nhằm phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm

    Tham gia Tọa đàm, các đại biểu đã lắng nghe tham luận “Giới thiệu Dự thảo KHHĐQG về KTTH tại Việt Nam. Sự tham gia của tất cả các bên thực hiện KHHĐQG về KTTH” do ông Lại Văn Mạnh - Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, ISPONRE trình bày. Theo đó, kể từ năm 2020, khái niệm KTTH đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật BVMT năm 2020 (Điều 142) và trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020. Thực hiện Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, thời gian qua, ISPONRE được giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng Dự thảo KHHĐQG thực hiện KTTH đến năm 2035. Hiện Dự thảo đang trong quá trình hoàn thiện và gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, dự kiến ban hành vào cuối tháng 3/2024.  Kế hoạch này là nền tảng quan trọng cho lộ trình thực hiện hiệu quả KTTH, khuyến khích  sự tham gia và chung tay của toàn xã hội. Dự thảo Kế hoạch đã đề xuất 5 nhóm quan điểm, mục tiêu chung và 3 nhóm mục tiêu cụ thể gắn với các chỉ tiêu để giám sát, đánh giá quá trình thực hiện KTTH đến năm 2035. Dự thảo cũng xác định 5 nhóm chủ đề chính lần lượt tập trung vào: Nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện KTTH; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện KTTH; hỗ trợ thúc đẩy áp dụng KTTH trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; quản lý chất thải để thực hiện KTTH; tăng cường liên kết, hợp tác, giám sát, đánh giá thực hiện KTTH. Ngoài ra, Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 cũng đã cụ thể hóa việc áp dụng KTTH trong lĩnh vực quan trọng này với các quy định liên quan đến khuyến khích các hành vi khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước.

    Trong phần thảo luận bàn tròn, diễn giả và chuyên gia của VIWACON cùng khách mời đã tập trung chia sẻ, thảo luận về: Khoảng trống, thách thức trong huy động sự tham gia của tất cả các bên và xã hội vào thực hiện KTTH; xác định các lĩnh vực ưu tiên trong nghiên cứu, thử nghiệm để chuyển dịch kinh tế tuyến tính sang KTTH… Trong đó khẳng định, KTTH chỉ có thể triển khai nếu cả cộng đồng cùng chung tay, thay đổi từ nhận thức đến hành vi. Đây là quá trình hỏi cả hệ thống cải cách đồng bộ từ chính sách hỗ trợ, công nghệ, tài chính và năng lực để vận hành nền kinh tế một cách mới hoàn toàn. 

Thu Hằng

Ý kiến của bạn