Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Hội thảo quốc tế về Quản lý chất thải bền vững - Kinh tế tuần hoàn

29/11/2024

    Ngày 29/11/2024, Tạp chí Môi trường (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường) phối hợp với trường Đại học GITAM (Ấn Độ) tổ chức phiên hội thảo trực tuyến nằm trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế về Quản lý chất thải bền vững - Kinh tế tuần hoàn tại Ấn Độ.

    Tham dự Hội thảo trực tuyến có sự tham gia của hơn 40 các đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường Đại học trên cả nước...

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, tại Việt Nam, phát triển kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những mô hình kinh tế ưu tiên để định hướng quản lý chất thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên, BVMT, phòng ngừa và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu trong giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các quy định nhằm áp dụng kinh tế tuần hoàn, được quy định trong Luật BVMT năm 2020. Trong đó, nhiều điều khoản đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy triển khai kinh tế tuần hoàn như: Phân loại chất thải rắn sinh học tại nguồn (Điều 75); Tính giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích (Điều 79); Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và nhà nhập khẩu (EPR) (Điều 54, Điều 55); Tái chế, tái sử dụng chất thải, phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, tín dụng xanh, và trái phiếu xanh...

    Nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải, Việt Nam đã và đang nỗ lực tích hợp kinh tế tuần hoàn vào định hướng chính sách và các văn bản pháp luật với sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế và sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học. Mục tiêu của Hội thảo quốc tế về Quản lý chất thải bền vững - Kinh tế tuần hoàn nhằm chia sẻ, thảo luận kết quả nghiên cứu về quản lý chất thải và kinh tế tuần hoàn, đồng thời đề ra các hàm ý về chính sách, giải pháp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

    Bàn về vấn đề quản lý chất thải rắn tại các đảo và khu vực ven biển ở Việt Nam, TS. Nguyễn Thế Chinh (nguyên Viện trưởng VCLCSTN&MT) cho biết, biển Việt Nam có mức độ đa dạng sinh học cao, với các hệ sinh thái đặc trưng như đất ngập nước, rừng ngập mặn, rạn san hô và thảm cỏ biển. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường biển từ chất thải rắn phát sinh từ các hoạt động của con người đang gây ra mối đe dọa lớn đối với các hệ sinh thái. Nếu không được quản lý hiệu quả và để chất thải rắn tự do xả thẳng ra biển, ô nhiễm có thể dẫn đến suy thoái các hệ sinh thái biển.

    Trước thách thức này, tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, Khóa XI, tập trung vào nội dung “chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Trong đó, mục tiêu năm 2020 là “tái sử dụng hoặc tái chế trên 65% chất thải rắn sinh hoạt đô thị”, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hướng tới tập trung nâng cao hiệu quả quản lý hiệu quả chất thải rắn. Mặt khác, Luật BVMT năm 2020 được Quốc hội thông qua đã trở thành một trong những công cụ pháp lý quan trọng, nâng cao việc quản lý chất thải rắn tại các đảo, khu vực ven biển. Đặc biệt, Nghị quyết 139/2024/QH15 nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các chỉ đạo và chính sách mà Đảng đã đề ra, cụ thể như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết 36-NQ/TW nêu rõ, mục tiêu về quản lý chất thải rắn đến năm 2030 cần “ngăn chặn, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là ô nhiễm chất thải nhựa biển". Hiện nay, 28 tỉnh, thành phố ven biển đã xây dựng kế hoạch phát triển tỉnh/thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có các chiến lược quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại các đảo và khu vực ven biển.

Toàn cảnh Hội thảo tại điểm cầu Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

    Theo Th.S Nguyễn Thi, giảng viên cao cấp Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường (Hà Nội), phát triển thị trường nhựa tái chế là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy việc thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Báo cáo thông kê của Bộ TN&MT cho thấy, mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người đã tăng từ 3,8 kg/người/năm vào năm 1990 lên 52 kg/người/năm vào năm 2023. Hàng năm, khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được phát sinh, trong đó 50% lượng nhựa tiêu thụ là nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, chỉ khoảng 27% rác thải nhựa được thu gom và tái chế, trong khi phần còn lại chủ yếu được chôn lấp hoặc đốt. Hiện nay, các quy định pháp lý chỉ tập trung vào việc tăng tỉ lệ thu gom và tái chế trong khi đó, các chính sách, biện pháp thúc đẩy tiêu thụ nhựa tái chế còn thiếu gây mất cân bằng và kìm hãm sự phát triển của thị trường thu gom, tái chế.

    Do đó, việc phát triển thị trường cho tín chỉ tái chế nhựa là rất cần thiết nhằm: giảm thiểu ô nhiễm nhựa, cân bằng tỉ lệ thu gom và tái chế nhựa; khuyến khích đầu tư vào tái chế; giảm phát thải khí nhà kính; hộ trợ việc thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Ngoài ra, tương tự như thị trường các-bon, thị trường nhựa tái chế được kì vọng có thể tạo ra cơ hội trao đổi tín chỉ nhựa tái chế giữa các doanh nghiệp có nhu cầu, từ đó sản sinh ra lợi nhuận để trở lại tái đầu tư vào sự phát triển của doanh nghiệp.

    Để thực hiện việc phát triển thị trường tín chỉ nhựa tái chế, Th.S Nguyễn Thi cho rằng cần thực hiện các bước như: Đẩy mạnh nghiên cứu về thực hành tái chế; Xác định tỷ lệ sử dụng nhựa tái chế bắt buộc đôi với từng ngành công nghiệp một cách kỹ lưỡng và đưa ra lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp thực hiện; Về cơ sở hạ tầng, cần xây dựng hệ thống giá sát, đo lường và chứng nhận việc sử dụng nhựa tái chế nhằm bảo đảm tính minh bạch, tiếp đó xây dựng nền tảng giao dịch tín chí nhựa tái chế và hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn dành cho tín chỉ nhựa tái chế, quy trình cấp tín chỉ và các tiêu chí cho các tổ chức chứng nhận để bảo đảm tính toàn vẹn của thị trường; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về việc sử dụng tín chỉ nhựa tái chế; Triển khai các mô hình thí điểm tại các khu vực cụ thể; Tổ chức hội thảo, chương trình tập huấn, đào tạo cho doanh nghiệp và cộng đồng về các kiến thức, kĩ năng cần thiết khi tham gia thị trường; Đánh giá định kì hiệu quả vận hành để cải thiện chính sách dựa trên số liệu thực tiễn và phản hồi từ thị trường.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe các chuyên gia trình bày các tham luận liên quan tới vấn đề quản lý chất thải bền vững hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn; một số giải pháp thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải tại Việt Nam…

Nam Việt - Phùng Quyên

Ý kiến của bạn