Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn năm 2024: Từ lập kế hoạch đến hành động

10/12/2024

    Ngày 10/12/2024, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn (KTTH) năm 2024 với chủ đề “Từ lập kế hoạch đến hành động”. Diễn đàn thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia quốc tế cũng như trong nước về các lĩnh vực chuyên môn liên quan đến KTTH. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.

    Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn để hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về “0”

    Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết, hiện nay, biến đổi khí hậu (BĐKH), ô nhiễm môi trường, suy giảm hệ sinh thái tự nhiên đang tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng và kéo dài trên toàn cầu, đe dọa không chỉ sự phát triển bền vững của xã hội mà còn tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh kế, an ninh của con người. Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những tác động nặng nề của khủng hoảng khí hậu, ô nhiễm môi trường, tại Hội nghị COP29 với chủ đề “Đoàn kết vì một thế giới xanh”, các nguyên thủ quốc gia, học giả, tổ chức quốc tế đã cùng thảo luận và đạt được những cam kết quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm mạnh phát thải khí nhà kính, đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu khai mạc Diễn đàn

    Với vai trò và trách nhiệm trong cuộc chiến chống BĐKH, để thực hiện cam kết này, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc Sản xuất và tiêu dùng bền vững  pđẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh và đạt những kết quả đáng khích lệ Trong bối cảnh KTTH đang trở thành xu thế tất yếu, được nhiều quốc gia trên thế giới coi là cuộc Cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21, Việt Nam đã sớm nhận được sự quan tâm, định hướng và chỉ đạo thống nhất của Đảng, Nhà nước về phát triển KTTH; xác định đây là một trong những định hướng ưu tiên để thực hiện mục tiêu chung nhằm quản lý chất thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên, BVMT, phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH trong giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước. Luật BVMT năm 2020 với những quy định pháp lý hóa việc thúc đẩy thực hiện KTTH cũng nhận được sự ủng hộ, quan tâm của các Bộ, ngành, hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân liên quan. Bên cạnh đó, Việt Nam xác định, KTTH là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng mới, hiệu quả cao, đảm bảo tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định xây dựng KTTH là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năms 2045. Triển khai Nghị quyết của Đảng, thời gian qua, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức xây dựng Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH trình Thủ tướng Chính phủ ban hành với sự tham gia, đóng góp ý kiến của các Bộ/ngành,địa phương; chuyên gia trong và ngoài nước cũng như sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế. Ngoài ra, KTTH đã được lồng ghép vào các chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương. 

    Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh, hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH sẽ góp phần tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động; phát triển các thực hành tốt, tạo dựng văn hóa, lối sống xanh. Đồng thời, thúc đẩy tạo việc làm xanh, phát triển chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực KTTH. Vì vậy, tiếp nối thành công của Diễn đàn KTTH Việt Nam năm 2022 và năm 2023, Diễn đàn KTTH lần thứ 3 (năm 2024) do Bộ TN&MT chủ trì, Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức với chủ đề "Từ Kế hoạch đến hành động”. Diễn đàn gồm 1 Phiên toàn thể; 3 hội thảo chuyên đề (Hội thảo chuyên đề 1: Thiết kế theo hướng tuần hoàn (Vật liệu thay thế); Hội thảo chuyên đề 2: Sản xuất và tiêu dùng bền vững (Tái sử dụng, tái nạp, dịch vụ, công cụ số, thị trường…); Hội thảo chuyên đề 3: Biến chất thải thành tài nguyên (Phân loại và tái chế). Nội dung phản ánh bức tranh tổng thể về định hướng, cơ chế, chính sách cũng như hiện trạng/giải pháp sáng tạo nhằm thúc đẩy phát triển KTTH ở Việt Nam; vai trò của khu vực tư nhân trong thực hiện nền KTTH… Những ý kiến đóng góp tại Diễn đàn sẽ góp phần giúp các Bộ/ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy KTTH vì Việt Nam xanh, bền vững trong kỷ nguyên mới. Đặc biệt, Diễn đàn sẽ là cơ hội giúp Bộ TN&MT trao đổi, chia sẻ với các bên liên quan nhằm kết nối, thúc đẩy triển khai KTTH tại Việt Nam… Trên cơ sở đó, Thứ trưởng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia tích cực, đóng góp trách nhiệm để hiện thực hóa các sáng kiến KTTH, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phát biểu

    Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền KTTH, Việt Nam cần ưu tiên 4 việc chính: (i) Lồng ghép thiết kế sinh thái, thiết kế tuần hoàn vào các chính sách và đưa những mục tiêu có thể đo lường được vào lộ trình KTTH của Việt Nam, thúc đẩy đổi mới, khả năng cạnh tranh; (ii) Ưu tiên một số ngành chính như nông nghiệp, điện tử, nhựa, dệt may, vật liệu xây dựng để giúp Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời taọ cơ hội cho tăng trưởng bền vững; (iii) Đảm bảo các thể chế hiệu quả và cấu trúc quản trị hợp lý sẽ giảm bớt rào cản, từ đó thúc đẩy đổi mới; (iv) Quá trình chuyển đổi sang nền KTTH phải là nỗ lực của toàn xã hội, đặt con người, công bằng xã hội vào trung tâm trong khi thúc đẩy các quan hệ đối tác như Đối tác hành động về nhựa quốc gia và Mạng lưới KTTH Việt Nam để biến tầm nhìn thành hành động.”

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện truưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT phát biểu tại Diễn đàn

    Trong Phiên họp toàn thể đã diễn ra 2 phiên thảo luận chuyên đề: (1) Chuyển đổi nền KTTH tại Việt Nam: Chúng ta đang ở đâu? Chúng ta sẽ đi về đâu?; (2) Thúc đẩy nền KTTH tại Việt Nam - Từ lập kế hoạch đến hành động. Trong đó, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã trình bày tham luận về: Khung chính sách KTTH cho giai đoạn 2020 - 2024; chuyển dịch KTTH trong thực tiễn: Làm thế nào để KTTH trở thành động lực tăng trưởng kinh tế?; đổi mới và công nghệ để thực hiện KTTH… Dưới sự điều phối của Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, Bộ TN&MT, các đại biểu tham dự đã tập trung chia sẻ, thảo luận về con đường chuyển đổi, cơ hội, thách thức, nguồn lực cần thiết cũng như cách thức thúc đẩy nền KTTH tại Việt Nam. Qua đó, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực ASEAN thiết lập một khung thể chế, pháp luật toàn diện cho KTTH.

    Chia sẻ về thách thức của các doanh nghiệp khi tiếp cận nền KTTH, ông Michael Siegner, Trưởng Đại diện, Tổ chức Hanns Seidel (HSF) tại Việt Nam cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp còn thiếu cơ hội được công nhận sản phẩm dán Nhãn sinh thái; các tiêu chí, tiêu chuẩn có sự khác nhau giữa các quốc gia; cách thức, cơ hội tiếp cận nguồn lực, diễn đàn kết nối từ các doanh nghiệp cùng hoạt động trong một lĩnh vực còn nhiều hạn chế… Do đó, cần có sự kết hợp về mặt chính sách từ các quốc gia nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình thúc đẩy thực hiện các giải pháp tiến đến nền KTTH.

    Bà Fleur Gribnau, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam nhận định, doanh nghiệp tư nhân đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy nền KTTH. Ở Hà Lan, Chính phủ đã đưa ra một số chính sách nhằm thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào nền kinh tế như: Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; Quỹ tuần hoàn hỗ trợ các sáng kiến về KTTH. Ngoài ra, Hà Lan còn đẩy mạnh phối hợp với các dự án quốc tế nhằm thúc đẩy nền KTTH. Vì vậy, bằng cách kiến tạo một môi trường thuận lợi và chứng minh tính khả thi của mô hình tuần hoàn trên thực tế, chúng ta có thể thúc đẩy chuyển đổi và trao quyền cho doanh nghiệp áp dụng các thực hành bền vững, cùng chung tay xây dựng một tương lai thịnh vượng và bền vững cho Việt Nam.

    Sớm phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh kế tuần hoàn

    Các tham luận và ý kiến đóng góp tại Diễn đàn đã cho thấy, chuyển đổi sang nền KTTH là xu thế tất yếu của thời đại và được nhiều quốc gia trên thế giới đồng thuận. Đây là cơ hội để cộng đồng toàn cầu, trong đó có Việt Nam, chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực BVMT, ứng phó BĐKH, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và Trái đất. Diễn đàn ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện khung chính sách thúc đẩy KTTH. Điều này hoàn toàn phù hợp với các định hướng phát triển KTTH trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao về KTTH trong pháp luật BVMT. Qua đó, khẳng định việc chủ động phát triển KTTH là phù hợp với yêu cầu đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Phiên thảo luận chuyên đề “Thúc đẩy nền KTTH tại Việt Nam - Từ lập kế hoạch đến hành động”

    Diễn đàn đánh giá cao những kết quả tích cực trong thực tiễn xây dựng, triển khai các mô hình KTTH, trong đó, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, nhân rộng trong thực tế như tiến hành thực hiện cộng sinh công nghiệp; tái chế phụ phẩm của ngành dệt may; tuần hoàn chất thải hữu cơ trong nông nghiệp; thiết kế tuần hoàn cho bao bì nhựa; tái chế chất thải… Nhiều cơ chế hỗ trợ cho KTTH như tiếp cận nguồn tài chính từ ngân hàng thương mại; triển khai các sáng kiến khởi nghiệp về KTTH cũng được chia sẻ tại Diễn đàn. Ngoài ra, Diễn đàn đã tiếp thu ý kiến về việc tích cực tham gia của các ngành sản xuất, cộng đồng doanh nghiệp vào chuyển đổi cấu trúc quản lý, điều hành; đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến, phương thức sản xuất, kinh doanh để đóng góp vào tiến trình chuyển đổi sang KTTH của đất nước. Đồng thời, Diễn đàn còn tiếp thu ý kiến về việc tập trung huy động các nguồn lực (tài chính, công nghệ và nhân lực) từ các tổ chức quốc tế và tư nhân để thực hiện chuyển đổi sang phát triển KTTH; ưu tiên nguồn lực tài chính hỗ trợ cho nhưunxg doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất; xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi... Trên cơ sở đó, Diễn đàn khẳng định việc chuyển đổi sang nền KTTH cần được thực hiện trong toàn bộ vòng đời sản phẩm, từ khâu thiết kế, sản xuất, tiêu dùng đến khâu thải bỏ; trong các kế hoạch áp dụng khoa học - công nghệ vào các ngành sản xuất, xử lý rác thải với vai trò kiến tạo của Nhà nước; vai trò động lực trung tâm của doanh nghiệp; vai trò tham gia thực hiện của các tổ chức và từng người dân.

Toàn cảnh Diễn đàn

    Phát biểu kết luận Phiên họp toàn thể, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, Bộ TN&MT đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện hiệu quả nền KTTH tại Việt Nam trong thời gian tới, trong đó tập trung vào những nội dung sau:

    Thứ nhất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH. Kế hoạch được ban hành sẽ là nền tảng vững chắc cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp thực hành kinh doanh tuần hoàn một cách hiệu quả nhất. 

    Thứ hai, các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương cần tích cực lồng ghép KTTH trong quá trình xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển; phối hợp với Bộ TN&MT xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động thực hiện KTTH của địa phương sau khi bản Kế hoạch hành động quốc gia được ban hành.

    Thứ ba, về phía cộng đồng doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý, áp dụng các biện pháp để khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải, nâng cao mức độ tái chế, tái sử dụng chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế đến giai đoạn sản xuất, phân phối sản phẩm, hàng hóa.

    Ban Tổ chức trân trọng cảm ơn sự đồng hành và tài trợ của các Đơn vị: SCG, Mạng lưới doanh nghiệp Thái Lan, Nestle, Unilever, Ngân hàng VietinBank, UNDP, UNIDO, HSF, WWF...

Bùi Hằng

Ý kiến của bạn