Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Hoàn thiện Dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật về tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường trong khu công nghiệp hướng tới chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam

15/11/2024

    Ngày 15/11/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức họp Tham vấn Hướng dẫn kỹ thuật tái sử dụng chất thải rắn (CTR) công nghiệp thông thường trong các khu công nghiệp (KCN) hướng tới chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam. TS. Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì cuộc họp.

TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì cuộc họp

    Phát biểu khai mạc cuộc họp, TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, tính đến tháng 2/2024, cả nước đã có 418 KCN được thành lập. CTR công nghiệp phát sinh chủ yếu từ các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm trong KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các cơ sở sản xuất nằm ngoài KCN. Với số lượng lớn KCN tại Việt Nam, việc áp dụng cách tiếp cận KCNST, tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp, tái sử dụng chất thải giữa các doanh nghiệp không chỉ mang lại lợi ích kinh tế và xã hội tại các doanh nghiệp trong các KCN mà còn mang lại lợi ích cho cả người lao động, cộng đồng bên ngoài hàng rào KCN thông qua việc giảm thiểu chất thải phát sinh, giảm tác động đến môi trường.

TS. Hoàng Hồng Hạnh - Trưởng Ban Môi trường và Phát triển bền vững, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường

trình bày Báo cáo Tổng quan thực trạng cộng sinh công nghiệp, tái sử dụng CTR trong KCN tại Việt Nam

    Tại Việt Nam, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng chất thải trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn. Bên cạnh đó, “cộng sinh công nghiệp” cũng là nội dung được Chính phủ quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Theo đó, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tái sử dụng CTR công nghiệp thông thường, chuyển đổi mô hình KCN truyền thống sang KCNST, khuyến khích hoạt động cộng sinh công nghiệp…

    Nhằm hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp trong KCN tối ưu hóa việc sử dụng hoặc tái sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra, góp phần tiết kiệm chi phí, giảm phát sinh chất thải và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường được giao nhiệm vụ xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật tái sử dụng CTR công nghiệp thông thường trong các KCN hướng tới chuyển đổi sang mô hình KCNST tại Việt Nam.

Đại biểu góp ý cho Dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật tái sử dụng CTR công nghiệp thông thường trong các KCN

hướng tới chuyển đổi sang mô hình KCNST tại Việt Nam

    Tại cuộc họp tham vấn, các đại biểu đã được nghe hai báo cáo: Tổng quan thực trạng cộng sinh công nghiệp, tái sử dụng CTR trong khu công nghiệp tại Việt Nam; Hướng dẫn tái sử dụng CTR công nghiệp thông thường trong khu công nghiệp hướng tới chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam. Sau đó, các đại biểu đã góp ý cho Dự thảo Hướng dẫn để Dự thảo mang tính khả thi, hiệu quả về môi trường, kinh tế và xã hội cho các doanh nghiệp trong KCN. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã trao đổi và thảo luận về thực trạng cũng như việc triển khai thí điểm các mô hình cộng sinh công nghiệp trong các KCN tại Việt Nam. Theo đó, các đại biểu đều cho rằng, mặc dù hoạt động tái sử dụng chất thải mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như giảm chi phí sản xuất, giảm chi phí xử lý chất thải, nâng cao năng lực cạnh tranh,… song vẫn chưa thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp bởi còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, về nguồn vốn, kỹ thuật…

    Kết thúc cuộc họp, TS. Nguyễn Trung Thắng đã đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia và đại biểu để hoàn thiện Dự thảo Hướng dẫn trình Bộ TN&MT ban hành trong thời gian tới.

Nguyễn Hằng

Ý kiến của bạn