Banner trang chủ

Từ kinh nghiệm quốc tế đề xuất giải pháp chính sách khuyến khích thiết kế, chế tạo thiết bị chuyên dùng cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường

09/12/2024

    Điều tra cơ bản trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường là một nhiệm vụ thiết yếu được Chính phủ giao cho Bộ TN&MT, bao trùm các lĩnh vực quan trọng của ngành như đo đạc bản đồ, điều tra tài nguyên đất, nước, khoảng sản... Để thực hiện nhiệm vụ này, việc sử dụng thiết bị chuyên dụng là yếu tố không thể thiếu, nhằm đo đạc, khảo sát đánh giá hiện trạng, đánh giá mức độ đáp ứng các quy định, chính sách, chủ trương thực hiện của Chính phủ đối với công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Việc thiết kế và chế tạo thiết bị phục vụ cho hoạt động điều tra cơ bản không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là chiến lược dài hạn nhằm nâng cao năng lực công nghệ quốc gia. Nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đã xây dựng các cơ chế khuyến khích và chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp này, từ hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D), ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đến tín dụng và trái phiếu xanh, thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại, tạo điều kiện cho thị trường tiêu thụ phát triển. Căn cứ trên kết quả rà soát kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng chính sách, bài viết phân tích và đề xuất các giải pháp chính sách phù hợp đối với hoạt động thiết kế, chế tạo thiết bị chuyên dùng cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường phù hợp với Việt Nam

1. Một số giải pháp chính sách khuyến khích hoạt động thiết kế, chế tạo thiết bị chuyên dùng cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường trên thế giới

a. Chính sách thúc đẩy thiết kế, chế tạo, đổi mới sáng tạo về công nghệ

    Trên thế giới hiện nay, nhằm phát triển hơn nữa về kỹ thuật công nghệ một số quốc gia đã có những cơ chế, chính sách khuyến khích việc thiết kế và chế tạo trang thiết bị, công nghệ, đặc biệt là thiết bị công nghệ cao. Cùng với sự phát triển của kỹ thuật công nghệ, nhu cầu cải tiến và nâng cấp thiết bị ngày càng một gia tăng theo thời gian, các hoạt động, chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ thông qua sáng tạo ý tưởng hoặc mở rộng phạm vi thiết kế, chế tạo được áp dụng thường xuyên và hiệu quả trên thế giới. Tổ chức UNCTAD của Liên Hợp quốc (2019) [6] đã đề xuất các công cụ chính sách theo hướng tiếp cận 2 chiều (cung và cầu) nhằm thúc đẩy quá trình thiết kế, chế tạo, đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu (Bảng 1).

    Phía cung, các chính sách triển khai tập trung vào việc nâng cao năng lực của các nhà sản xuất, doanh nghiệp và nhà sáng tạo. Điều này bao gồm các chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D), cải thiện hạ tầng, cung cấp các ưu đãi cho các hoạt động bền vững, và đầu tư vào công nghệ cũng như phát triển kỹ năng để tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo.

    Phía cầu, các chính sách hướng tới khuyến khích người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ sử dụng các sản phẩm và công nghệ bền vững. Các chính sách có thể bao gồm việc ưu tiên mua sắm công, thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức và đưa ra các ưu đãi cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường, từ đó tạo ra nhu cầu thị trường cho các giải pháp bền vững.

Bảng  1. Công cụ chính sách khuyến khích khuyến khích đổi mới, thiết kế, chế tạo công nghệ của Liên hợp quốc

STT

Phạm vi chính sách

Đối tượng tác động

Chính sách cụ thể

1

Chiến lược và mạng lưới đổi mới sáng tạo khu vực

Cụm, khu công nghiệp, khu khoa học và công nghệ

Khuyến khích chuyên môn hóa thông minh trong các lĩnh vực đổi mới và công nghệ phù hợp với những thách thức xã hội ở các khu vực có tiềm năng cao hoặc nhu cầu hàng hóa và dịch vụ có lợi ích về môi trường và xã hội

Mạng lưới và nền tảng công nghệ

Thúc đẩy khai thác thông tin và chia sẻ kiến thức về đổi mới sáng tạo

Lộ trình và định hướng phát triển công nghệ

Tạo ra tầm nhìn chung, cam kết và lộ trình để thử nghiệm, đầu tư và phát triển đổi mới sinh thái, "kết nối" hệ thống đổi mới

2

Nâng cao năng lực và cung cấp thông tin

Dịch vụ tư vấn kinh doanh

Thúc đẩy các kỹ năng và kiến thức phù hợp với sự đổi mới công nghệ

Khởi nghiệp và ươm tạo doanh nghiệp

Thúc đẩy tinh thần kinh doanh công nghệ và đổi mới  sáng tạo

Chuyển giao và kết hợp công nghệ

Thúc đẩy nhận diện và chuyển giao các công nghệ tiên tiến phù hợp để giải quyết các thách thức tồn tại

Nâng cao năng lực cho các chính phủ

Thúc đẩy xây dựng năng lực của Chính phủ để thiết kế, thực hiện, điều phối và đánh giá chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ phát triển bền vững

3

Công cụ kinh tế

Cung cấp vốn R&D

Cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho R&D làm nền tảng cho sự đổi mới bền vững

Tài trợ đổi mới đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp

Cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm mục đích trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững

Thuế nhập khẩu và các chương trình trợ cấp

Cung cấp các khuyến khích tài chính để áp dụng và phổ biến các công nghệ đổi mới trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên (ví dụ: năng lượng tái tạo)

Đánh thuế môi trường

Giảm thuế (TNDN) cho các công ty thực hiện R & D làm nền tảng cho sự đổi mới

Ưu đãi thuế cho người áp dụng công nghệ

Giảm thuế (TNDN) cho các công ty áp dụng các đổi mới có lợi cho môi trường và xã hội

Nguồn: [6]

b. Chính sách khuyến khích về công cụ kinh tế

    Thuế và phí là công cụ quan trọng và hiệu quả trong việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ và thiết kế, chế tạo các thiết bị chuyên dùng cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường. Trong đó, các ưu đãi thuế đóng vai trò chủ chốt trong các chính sách hỗ trợ R&D của doanh nghiệp. Năm 2021, 33/38 quốc gia thuộc OECD đã áp dụng chế độ ưu đãi thuế cho chi tiêu R&D, chiếm trung bình 55% tổng hỗ trợ của Chính phủ (gồm cả trực tiếp và thuế) cho doanh nghiệp trong khu vực này. Tại một số quốc gia, các khoản giảm thuế cho R&D bù đắp cho mức hỗ trợ trực tiếp tương đối thấp. Chẳng hạn, tại Úc, Iceland, Ireland, Nhật Bản và Litva, hỗ trợ thuế chiếm hơn 75% tổng hỗ trợ công cho R&D của doanh nghiệp [3].

    Liên minh châu Âu (EU) chủ yếu hỗ trợ khu vực tư nhân qua các khoản tài trợ trực tiếp và ưu đãi thuế, cho phép doanh nghiệp tự chủ quản lý dự án R&D, bao gồm cả thiết kế và chế tạo thiết bị công nghệ phù hợp. Trong giai đoạn 2006-2016, các ưu đãi thuế R&D đã tăng từ 0,04% GDP lên 0,1% GDP, giúp khuyến khích mạnh mẽ các dự án liên quan đến đổi mới. Hơn nữa, các chính sách này cũng chú trọng đến đầu ra của đổi mới thông qua các khuyến khích về sáng chế và sở hữu trí tuệ (IP). Những ưu đãi này đặc biệt hữu ích trong các lĩnh vực đòi hỏi thiết bị công nghệ cao, như điều tra tài nguyên và môi trường, vì giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu công nghệ và tăng cường năng lực tự chủ của quốc gia [5].

    Nhìn chung, các chính sách thuế khuyến khích R&D, cùng các biện pháp tài trợ trực tiếp, góp phần tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động thiết kế và sản xuất thiết bị điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường. Điều này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững mà còn bảo vệ và quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên quốc gia

c. Đầu tư của Chính phủ cho các hoạt động R&D, phát triển công nghệ xanh

    Ngay từ năm 2008, Hàn Quốc đã dành 80% gói kích thích kinh tế giai đoạn 2008 - 2010 (khoảng 38,1 tỷ USD, tương đương 4% GDP) để chuyển dịch từ nền “kinh tế nâu” sang nền “kinh tế xanh”. Chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh, carbon thấp” của Hàn Quốc đặt ra mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo và đầu tư mạnh vào công nghệ xanh, bao gồm cả việc khuyến khích thiết kế và chế tạo thiết bị chuyên dụng quan trắc, đo đạc và phân tích mức độ tác động môi trường. Trong giai đoạn 2009 - 2013, Hàn Quốc đã tiếp tục đầu tư 141,1 tỷ USD cho công nghệ xanh, góp phần tạo nền tảng bền vững cho hoạt động quản lý tài nguyên quốc gia. Tương tự, Nhật Bản áp dụng nhiều hình thức hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và hộ gia đình nhằm hạn chế tiêu thụ năng lượng hóa thạch, đồng thời tăng cường các sản phẩm thân thiện với môi trường. Chi tiêu công của Nhật Bản cho R&D trong lĩnh vực công nghệ xanh tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ hydro và pin nhiên liệu, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và thu giữ carbon. Điều này cũng mở ra cơ hội lớn cho phát triển các thiết bị chuyên dùng trong điều tra tài nguyên thiên nhiên, phục vụ quản lý và bảo vệ môi trường [2].

    Vào ngày 13/3/2024, Chính phủ Mỹ công bố ngân sách 202 tỷ USD dành cho khoa học và công nghệ, nhằm thúc đẩy các đột phá sáng tạo trong công nghệ và giải quyết các thách thức thời đại như khủng hoảng khí hậu. Trong đó, hơn 10,7 tỷ USD được phân bổ cho các hoạt động đổi mới năng lượng sạch, bao gồm cả việc thiết kế, chế tạo thiết bị chuyên dụng để theo dõi và giảm thiểu khí thải nhà kính [5].

d. Tín dụng xanh, trái phiếu xanh

    Thị trường tín dụng xanh (TDX) và trái phiếu xanh (TPX) đang nổi lên như một xu hướng toàn cầu, thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia phát triển và các định chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Hai kênh huy động vốn này không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu tài chính cho các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là về môi trường và khí hậu, mà còn mở ra cơ hội khuyến khích thiết kế và chế tạo các thiết bị chuyên dùng cho hoạt động điều tra tài nguyên và môi trường tại Việt Nam. Những thiết bị này đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập dữ liệu chính xác về tài nguyên thiên nhiên, góp phần vào việc quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia, hướng tới phát triển kinh tế bền vững.

    Theo thống kê của Tổ chức sáng kiến trái phiếu khí hậu (CBI) tính đến hết năm 2021, tổng tích lũy TPX được phát hành trên toàn cầu đến nay là 1.541 nghìn tỷ USD, riêng năm 2021 đạt là 452,2 tỷ USD. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy vai trò to lớn của việc sử dụng TPX như một đòn bẩy nguồn lực quan trọng cho công tác quản lý, BVMT của nhà nước và của cộng đồng doanh nghiệp. Kinh nghiệm của Trung Quốc có thể coi là một ví dụ điển hình. Riêng năm 2018, TPX được phát hành bởi cả nhà nước và doanh nghiệp Trung Quốc đạt mức 30 tỷ USD, tuy nhiên, chỉ trong nửa đầu năm 2019 đã đạt 21,8 tỷ USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước. Ở khu vực ASEAN năm 2020 được đánh giá là năm kỷ lục trong phát hành các khoản vay xanh, xã hội và bền vững với tổng phát hành đạt 12,1 tỷ USD năm 2020, tăng 5,2% so với cùng kỳ so với mức 11,5 tỷ USD năm 2019; tổng tích lũy phát hành ở ASEAN kể từ năm 2016 đến nay ở mức 29,1 tỷ USD; Singapore là nước dẫn đầu với 53% tổng lượng phát hành của khu vực; Thái Lan và Inđônêxia cũng có mức tăng trưởng đáng kể [1].

    Tại COP26, Liên minh Tài chính Glasgow vì Trung hòa các-bon (Glasgow Financial Alliance for Net Zero - GFANZ), gồm 450 tổ chức và định chế tài chính với tổng tài sản trị giá 130.000 tỷ USD (chiếm khoảng 40% tài sản tài chính toàn cầu), đã cam kết chuyển đổi danh mục cho vay và đầu tư nhằm đạt Trung hòa các-bon vào năm 2050 hoặc sớm hơn. Trong vòng 18 tháng từ khi tham gia liên minh, các tổ chức này sẽ đặt mục tiêu cụ thể cho năm 2030, hứa hẹn gia tăng quy mô đầu tư chưa từng có vào TDX và TPX. Hầu hết các tập đoàn và ngân hàng đa quốc gia có mặt tại Việt Nam đều là thành viên của GFANZ, và cam kết này sẽ thúc đẩy chuyển đổi danh mục đầu tư, cho vay sang các dự án xanh. Điều này mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thu hút vốn từ các kênh tài chính bền vững này, đồng thời đặt ra những thách thức trong việc đáp ứng yêu cầu và mục tiêu của nguồn vốn xanh quốc tế.

2. Rà soát, phân tích chính sách hiện hành tại Việt Nam

    Văn bản quy phạm pháp luật về khuyến khích thiết kế, chế tạo thiết bị ngành tài nguyên và môi trường đã được các cơ quan có thẩm quyền (Quốc Hội, Chính phủ) ban hành trong hệ thống văn bản pháp luật chung của các ngành. Các văn bản này là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả, năng lực phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong công tác thiết kế, chế tạo thiết bị phục vụ trực tiếp cho điều tra cơ bản lĩnh vực của ngành tài nguyên và môi trường. Các văn bản được ban hành từ các Luật cơ bản (Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020,…), các Luật chuyên ngành (Luật Đất đai năm 2024, Luật Tài nguyên nước 2023, Luật Khoáng sản 2020, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015, Luật Đa dạng sinh học sửa đổi năm 2018) và các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện.

    Về ưu đãi đầu tư cho các hoạt động liên quan đến nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo phục vụ cho các hoạt động khoa học và công nghệ và thực hiện hoạt động điều tra cơ bản trong các lĩnh vực quản lý của Bộ TN&MT. Về nội dung và đối tượng ưu đãi đã được quy định tại Điều 141, nguồn tài tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tài chính đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam quy định tai Điều 151 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

     Về cách thức và mức ưu đãi cụ thể đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật:

    Ưu đãi về đất đai: (i) Bố trí quỹ đất, mặt bằng; (ii) Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (Điều 40 Nghị định số 103/2024/NĐ-CP quy định về miễn, giảm tiền thuê đất: Giảm tiền thuê đất là cho phép người sử dụng đất không phải nộp một số tiền cụ thể tính bằng tỷ lệ (%) tiền thuê đất phải nộp; Giảm 50% tiên thuê đất hàng năm cho các dự án sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư); (iii) Giảm tiền thuê đất hàng năm: Quy định tại Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 và Quyết định 25/2023/QĐ-TTg giảm tiền thuê đất của năm 2023, cụ thể: Mức giảm tiền thuê đất: (1) Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 đối với người thuê đất quy định tại Điều 2 Quyết định này; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2023 và tiền chậm nộp (nếu có); (2) Mức giảm tiền thuê đất quy định tại khoản 1 Điều này được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 theo quy định của pháp luật. Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ theo quy định của pháp luật (trừ số tiền thuê đất được giảm theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ); (3) Cho phép gia hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023. Thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2023 đến ngày 30/11/2023.

    Ưu đãi về vốn: Từ các nguồn Quỹ BVMT Việt Nam và Quỹ môi trường địa phương. Căn cứ theo Thông tư 03/2017/TT-BTNMT hướng dẫn nghiệp việc cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất đầu tư từ Quỹ BVMT, mức vốn vay từ Quỹ BVMT đối với chủ dự án đầu tư bảo vệ môi trường không vượt quá 5% vốn điều lệ thực có của Quỹ BVMT tại thời điểm cho vay, lãi suất vay do Quỹ BVMT Việt Nam quy định nhưng không vượt quá 50% mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước

    Ưu đãi về thuế: Quy định chi tiết tại Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023 (Điều 13), cụ thể: (1) Mức ưu đãi thuế suất nhập khẩu: là 10%, không phân biệt doanh thu; (2) Thời gian ưu đãi 15 năm; (3) Thời gian được miễn thuế: 4 năm, được giảm 50 % số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo.

    Tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Tại Việt Nam, Chính phủ và các Bộ ngành đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nhằm phát triển thị trường TDX và TPX, được thể hiện trong các định hướng, mục tiêu tại Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Đặc biệt, Luật BVMT năm 2020 lần đầu tiên quy định về TDX (Điều 149) và TPX (Điều 150), cùng với Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, đã đưa ra các cơ chế và lộ trình cụ thể để thúc đẩy cấp TDX và phát hành TPX. Các quy định pháp lý này, bao gồm các Nghị định liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ và địa phương, tạo nên hành lang pháp lý hỗ trợ cho TDX và TPX, huy động nguồn lực từ thị trường cho các mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn, ít chất thải, và các mục tiêu môi trường quốc gia. Đây được đánh giá lá một trong những chính sách hiệu quả trong khuyến khích thiết kế, chế tạo thiết bị chuyên dùng cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường.

3. Các bất cập và tồn tại các quy định về chính sách khuyến khích thiết kế, chế tạo thiết bị chuyên dùng phục vụ điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường

    Trong quá trình tổ chức thực hiện và từ thực tế triển khai các chính sách về khuyến khích thiết kế, chế tạo thiết bị chuyên dùng phục vụ điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường còn tồn tại các vấn đề sau:

    Thứ nhất, các quy định liên quan đến điều tra cơ bản ngành tài nguyên và môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ yếu ban hành trong các văn bản quy định chung của các lĩnh vực do Quốc Hội và Chính phủ ban hành, còn các quy định cụ thể do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành trực tiếp đang chỉ mới tập trung vào quản lý, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác điều tra cơ bản trong các lĩnh vực, cụ thể: Công tác quản lý các dự án, đề tài, nhiệm vụ về khoa học và công nghệ, nhiệm vụ chuyên môn, trong đó có các nội dung phục vụ công tác quản lý nhà nước và điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện công tác điều tra; ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trong việc thực hiện các dịch vụ điều tra cụ thể cho tững lĩnh vực. Thiếu các quy định hướng dẫn ưu đãi đặc thù đối với các lĩnh vực ngành tài nguyên và môi trường để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận ưu đãi đầu tư.

    Thứ hai, có sự không thống nhất về quy mô, pham vi và đổi tượng được ưu đãi về đất đai trong Luật BVMT năm 2020 và Luật Đất đai năm 2024. Cụ thể, Theo Luật BVMT năm 2020 đối tượng được ưu đãi bao gồm (1) Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải, (2) doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về BVMT và (3) hoạt động bảo vệ môi trường không phải là hoạt động đầu tư kinh doanh. Trong khi đó khi Luật Đất đai 2024 (Điều 157) có hiệu lực chỉ có các dự án sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư môi trường theo phương thức đối tác công tư mới được hưởng ưu đãi giảm tiền thuê đất, hình thức các dự án theo phương thức đối tác công tư này còn hạn chế về số lượng trong các lĩnh vực của ngành tài nguyên và môi trường.

    Thứ ba, ngành tài nguyên và môi trường đã có nguồn Quỹ dành riêng cho ưu đãi về vốn cho các doanh nghiệp tham gia vào các nội dung hoạt động liên quan về BVMT, mặc dù quy định cụ thể và dể tiếp cận, song quy mô điều lệ vốn của Quỹ chưa đủ lớn. Nếu các doanh nghiệp tiếp cận và vay theo đúng chế độ quy định thì số tiến được vay ưu đãi thấp so với vốn mà doanh nghiệp cần rất nhiều, điều này cũng dẫn đến hạn phát huy vai trò của Quỹ.

    Thứ tư, theo quy định của Luật BVMT năm 2020, các tổ chức doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn từ TDX. Tuy nhiên hiện nay chưa có hướng dẫn về danh mục xanh thuộc phạm vi hỗ trợ của tín dụng và lộ trình thực hiện và cơ chế khuyến khích cấp TDX, nguồn vốn để cho vay của tin dụng lấy từ đâu và quy mô, cách thức vay ưu đãi đầu tư như thế nào để doanh nghiệp có thể tiếp cận.

    Thứ năm, cần sửa đổi, bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 để cập nhật các xu thế cải cách, đổi mới trong phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ. Các quy định về phát triển thị trường công nghệ chưa bao trùm được đầy đủ các vấn đề, cụ thể là tổ chức trung gian, nguồn cung công nghệ, nguồn cầu công nghệ để thúc đẩy phát triển nang lực và thu hút nguồn lực tư nhân đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ. Dân đến chưa tạo động lực về thúc đẩy tăng cường năng lực thiết kế, chế tạo thiết bị chuyên dụng phục vụ cho các ngành, trong đó ngành tài nguyên và môi trường.

4. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định về chính sách khuyến khích thiết kế, chế tạo thiết bị chuyên dùng phục vụ điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường

    Thứ nhất, nghiên cứu xây dựng và bàn hành hướng dẫn về danh mục các thiết bị chuyên dụng, công nghệ mới, tiên tiến khuyến khích sử dụng trong công tác điều tra cơ bản cho từng lĩnh vực của ngành tài nguyên và môi trường. Việc này vừa hướng các tổ chức thực hiện các dịch vụ liên quan đến điều tra cơ bản về mới trường có định hướng mua sắm thiết bị phù hợp và có sự đồng nhất trong thiết bị giữa các tổ chức, khi có tình huống gấp cần huy động thì không bị động về số lượng.

    Thứ hai, nghiên cứu ban hành quy định hướng dẫn cụ thể nội dung về hoạt động điều tra cơ bản được hưởng ưu đãi, cách thức ưu đãi, mức độ ưu đãi (đất đai, thuế, vay vốn,..) cho các nội dung hoạt động điều tra cơ bản đặc thù trong từng lĩnh vực (đất đai; địa chất và khoáng sản; biến đổi khí hậu; biển và hải đảo; đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý; tài nguyên nước; khí tượng thủ văn, viễn thám) của ngành tài nguyên và môi trường để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư tham gia lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng và nguồn lực cho hoạt đông điều tra cơ bản ngành TN&MT.

    Thứ ba, bổ sung các quy định về nội dung, cách thức và hình thức đào tạo, cũng như chính sách khuyến khích, ưu đãi đào tạo tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực ngành tài nguyên và môi trường. Đặc biệt là việc tiếp cận các ứng dụng công nghệ mới, tiến tiến, sử dụng và vận hành các thiết bị chuyên dụng kỹ thuật cao, mới cho ngành tài nguyên và môi trường. Một số kỹ thuật tiến tiến trong việc sử dụng rô bốt, ứng dụng AI trong lĩnh vực biển và hải đảo phục vụ công tác quan trắc, giám sát gió, sóng, thủy triệu, thăm do các đất, khoáng sản hiếm dưới biển, đại dương.

    Thứ tư, bổ sung các quy định về khuyến khích, tuyên dương, vinh danh các tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng năm, định kỳ tạo ra các thiết bị, kỹ thuật phục vụ hiệu quả trong tình hình mới và góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác điều tra cơ bản các lĩnh vực của ngành TN&MT.

    Thứ năm, bổ sung các hoạt động BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu được ưu tiên hỗ trợ đầu tư trong Quỹ BVMT Việt Nam trong Danh mục cá đối tượng ngành nghề ưu đãi tại Phụ lục XXX của Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Cần có giải pháp tăng vốn điều lệ Quỹ bảo vệ môi trường hàng năm, nhằm phát huy hiệu quả khi các dự án có quy mô đầu tư lớn tiếp cận vay.

    Thứ sáu, nghiên cứu, lồng ghép các dự án thiết kế, chế tạo thiết bị chuyên dùng cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường Việt Nam vào danh mục phân loại xanh (thuộc đối tượng ưu đãi TDX,TPX), hướng dẫn kích hoạt cơ chế hoạt động và hướng dẫn cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và triển khai trong thực tế,mặc dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có hiệu lực sang năm thứ 4.

Mai Đăng Khoa, Mai Thanh Dung, Nguyễn Thế Thông, Đặng Thị Phương Hà, Nguyễn Ngọc Phát

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2024)

Tài liệu tham khảo

1. CBI (2023), Climate Bonds Taxonomy, link online: https://www.climatebonds.net/standard/taxonomy

2. European Commission (2021), Tax policies in the European Union, 2020 survey

3. González Cabral, A., S. Appelt and T. Hanappi (2021), Corporate effective tax rates for R&D: The case of expenditure-based R&D tax incentives, OECD Taxation Working Papers, No. 54, OECD Publishing, Paris, https://doi.org/10.1787/ff9a104f-en.

4. Lee, Sang-Ho & Park, Sanghoon & Kim, Taehyoung, (2015). Review on investment direction of green technology R&D in Korea, Renewable and Sustainable Energy Reviews. 50. 10.1016/j.rser.2015.04.158.

5. The White House (2024), President Biden’s 2025 Budget Invests in Science and Technology to Power American Innovation, Expand Frontiers of What’s Possible, link online: https://www.whitehouse.gov/ostp/news-updates/2024/03/13/fact-sheet-president-bidens-2025-budget-invests-in-science-and-technology-to-power-american-innovation-expand-frontiers-of-whats-possible/

6. UNCTAD (2019), A framework for Science, Technology and Innovation Policy Reviews, Harnessing innovation  for sustainable development, e-ISBN: 978-92-1-003969-7

Ý kiến của bạn