Banner trang chủ

Đồng bằng sông Cửu Long: Chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với nguy cơ khô hạn, xâm nhập mặn

14/02/2025

    Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là phần hạ lưu giáp biển của sông Mê Kông, có địa hình thấp và khá bằng phẳng với 2 vùng trũng lớn là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Cùng với dòng chính - sông Tiền và sông Hậu, ĐBSCL có hệ thống kênh rạch chằng chịt với mật độ trung bình 4 km trong 1 km2, tạo điều kiện thuận lợi cho xâm nhập mặn do thủy triều đưa nước mặn vào sâu trong sông và nội đồng, đặc biệt trong mùa cạn, khi mà lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông giảm thấp. Những năm gần đây, ĐBSCL phải đối mặt với nhiều thách thúc, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sự gia tăng sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê Kông đã gây khó khăn cho việc điều hòa, phân phối nguồn nước, ảnh hưởng đến việc vận hành các hệ thống công trình thủy lợi.

    Diễn biến mặn trong khu vực khá phức tạp, độ mặn lớn nhất thường xuất hiện chủ yếu vào tháng 4 hoặc tháng 5 do ảnh hưởng của thủy triều ở biển Đông, biển Tây hoặc cả hai. Ngoài ra, do lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ít cũng là nhân tố chính ảnh hưởng đến tình hình xâm nhập mặn ở vùng cửa sông ven biển của ĐBSCL, trong đó thủy triều là nhân tố động lực, mang nước biển kèm theo độ mặn đi sâu vào nội đồng, trong khi lượng nước từ thượng lưu đổ về còn hạn chế. Bên cạnh đó, lượng mưa giảm, lượng nước bị bốc hơi cao cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình xâm nhập mặn. Ngoài những yếu tố tự nhiên thì yếu tố con người cũng góp phần không nhỏ gây ra xâm nhập mặn như khai thác và sử dụng nước ngầm quá mức để đáp ứng nhu cầu phát triển, sản xuất và đời sống ở địa phương, thay đổi mục đích sử dụng đất cũng có ảnh hưởng nhất định đến tình hình xâm nhập mặn.

    Xâm nhập mặn gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cả vùng ĐBSCL. Trên sông Tiền và sông Hậu, độ mặn là trên 45%, xâm nhập sâu tới 70 km tính từ cửa sông, thậm chí có nơi lên đến 85 km (trong khi theo Trung tâm phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai thì độ mặn bằng 4% đã được coi là bị xâm nhập mặn). Theo nhận định đến nay cả 13 địa phương thuộc ĐBSCL đều đã bị nhiễm mặn, trong đó đã có 11/13 tỉnh/thành công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn là: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Ninh Thuận. Mặc dù đã có một số giải pháp được áp dụng để kiểm soát xâm nhập mặn ở địa phương như: Xây dựng hệ thống kênh rạch dẫn nước ở ĐBSCL (khoảng 5000 km kênh được đào khắp các tỉnh, 45 công trình thủy lợi với mục đích giảm thiểu lũ lụt và ngăn mặn); Các công trình ngăn mặn lớn tại ĐBSCL gồm hệ thống thủy nông Quản Lộ - Phụng Hiệp, hệ thống thủy lợi ngọt hóa và ngăn mặn ở tỉnh Bến Tre, cống đập Ba Lai và hệ thống đê biển cho toàn bộ hệ thống ven biển ĐBSCL.

    Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định, năm 2025, nguồn nước về ĐBSCL thuộc nhóm năm dưới trung bình nước, tần suất dòng chảy các tháng kiệt ở mức 60 - 75%, phụ thuộc vào sự vận hành thủy điện trên lưu vực. Dự báo xâm nhập mặn mùa kiệt 2024 - 2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Các tỉnh cơ bản đã hoàn thành việc xuống giống vụ đông xuân 2024 - 2025. Nhu cầu nước ở ĐBSCL vào thời kỳ sử dụng nước cao điểm trùng với thời kỳ khan hiếm nước trên đồng bằng, khi tháng 2 đến tháng 4 là thời kỳ mặn cao…

Trạm bơm Bình Phan bơm đưa nước về phục vụ trà lúa Đông Xuân các huyện Chợ Gạo,

Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang

    Hiện các địa phương vùng ĐBSCL đang khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó, phòng, chống hạn mặn, đảm bảo an toàn, đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất. Cụ thể, tại TP. Cần Thơ, công tác thủy lợi mùa khô, thủy lợi nội đồng ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn được ngành chức năng TP. Cần Thơ và các địa phương triển khai từ sớm. Trong đó, thành phố đang tập trung khai thác có hiệu quả Dự án nâng cao khả năng chống chịu của TP. Cần Thơ để ứng phó xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu gây ra, với các trạm quan trắc môi trường, chất lượng nước tại các sông chính trên địa bàn. Kết quả quan trắc, cảnh báo mặn xâm nhập từ các trạm quan trắc này sẽ được kịp thời cung cấp cho đơn vị chức năng, người dân trên địa bàn ứng phó…

    Cũng như các địa phương khác, tỉnh Tiền Giang đã chủ động phương án phòng, chống hạn, mặn. Khu vực phía Đông của tỉnh là vùng chịu tác động trực tiếp của xâm nhập mặn, do đó, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp công trình và phi công trình để đảm bảo ngăn mặn, đảm bảo nước ngọt tưới cho khoảng 38.400ha tại vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công. Tại khu vực phía Tây, Dự án Bảo Định đã mở rộng sang vùng kiểm soát lũ, tập trung đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt đủ nước tưới cho khoảng hơn 124.000ha sản xuất nông nghiệp trong khu vực của tỉnh Tiền Giang và Long An. Tỉnh cũng đề nghị tỉnh Long An kiến nghị Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 đẩy nhanh tiến độ thi công các cống còn lại trên quốc lộ 62 để cùng với các cống đã được đầu tư đảm bảo ngăn mặn cho hai tỉnh Tiền Giang và Long An. Đồng thời, đóng ngăn mặn cống âu Nguyễn Tấn Thành và các cống trên đường tỉnh 864 khi độ mặn trên sông Tiền tại vàm kênh Nguyễn Tấn Thành vượt ngưỡng 0,5g/l; trữ nước vào các ao chứa; triển khai các giải pháp đảm bảo nước sinh hoạt, vận hành các giếng khoan và mở các vòi nước công cộng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

    Nhằm chủ động phòng, chống hạn, mặn, tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, XNM mùa khô năm 2024 - 2025; xây dựng 2 kịch bản (chi tiết giả định) rủi ro thiên tai xảy ra và giải pháp phòng, chống, ứng phó theo từng kịch bản khi các cửa sông Cổ Chiên và sông Hậu bị nhiễm mặn với ranh giới độ mặn 4‰, xâm nhập vào sâu từ 25 - 50km hoặc khi vào sâu hơn 50km tính từ cửa sông.

    Tại Cà Mau, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đang phối hợp các địa phương triển khai đầu tư xây dựng 6 công trình cấp nước tập trung nông thôn, dự kiến phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho 14.000 hộ dân tại các vùng nông thôn khan hiếm nước, nguồn nước bị ô nhiễm, xâm nhập mặn trong mùa khô 2025.

    Tại Sóc Trăng, UBND tỉnh đã làm việc với Công ty CP Đầu tư ngành nước DNP (DNP Water) về đề xuất đầu tư Dự án Trạm bơm nước thô vùng Tây Nam sông Hậu và hệ thống ống truyền tải cung cấp nguồn nước thô cho 3 tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng. Công trình được triển khai phía thượng nguồn sông Hậu, cùng việc hình thành hệ thống tuyến ống truyền tải kín liên vùng tỉnh, dẫn nước thô đến các nhà máy xử lý nước sạch hiện hữu và tương lai trên địa bàn Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau. Mục tiêu của dự án là đảm bảo cung cấp nguồn nước mặt đầy đủ cho mục đích sinh hoạt, sản xuất, khắc phục tình trạng nước nhiễm mặn, thay thế nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức gây tình trạng sụt lún tại khu vực.

    Ngoài ra, tại nhiều địa phương, công tác phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn đang được khẩn trương triển khai theo, trong đó chú trọng phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư hậu cần tại chỗ nhằm kịp thời đáp ứng và nâng cao hiệu quả phòng chống.

Hồng Cẩm

Ý kiến của bạn