Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 29/07/2025

Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025

26/07/2025

    Ngày 25/7/2025, tại Hà Nội, Bộ NN&MT tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025. Đây là hội nghị quy mô lớn đầu tiên sau loạt cải cách mạnh mẽ, trong đó có việc hợp nhất giữa Bộ TN&MT với Bộ NN&PTNT và mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng chủ trì Hội nghị; cùng tham dự có các đồng chí Thứ trưởng, lãnh đạo Văn phòng Trung ương, các ban Đảng, cùng đại diện các Sở NN&MT trên toàn quốc.

    Nhiều kết quả đáng ghi nhận

    Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngay từ những ngày đầu năm, Bộ NN&MT đã nhanh chóng triển khai các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Chương trình hành động của Bộ tập trung đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên mọi lĩnh vực, từ ổn định tổ chức bộ máy sau sắp xếp đến chủ động phản ứng chính sách trước những biến động trong nước và thế giới. Nội dung chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội được thực hiện kỹ lưỡng; công tác mở rộng thị trường xuất khẩu, duy trì thế mạnh nông lâm thủy sản tại các thị trường truyền thống tiếp tục là trọng tâm chỉ đạo điều hành.

Quyền Bộ trưởng Bộ NN&MT Trần Đức Thắng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

    Trong cải cách thể chế, chính sách, Bộ đã phân cấp 489/630 thủ tục hành chính (TTHC) cho địa phương, tương đương 77,62%. Tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh đề xuất cắt giảm là 277/846 (32,74%); thời gian giải quyết TTHC đề xuất cắt giảm 5.735/16.667 ngày (34,41%); chi phí tuân thủ đề xuất cắt giảm 5.086/9.702 tỷ đồng (52,42%). Bộ cũng chủ động hội nhập, tham gia hiệu quả vào các cơ chế hợp tác quốc tế, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

    Các lĩnh vực sản xuất nông - lâm - thủy sản phát triển ổn định, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng tiêu dùng và xuất khẩu. Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu được triển khai đồng bộ. Nhiều giải pháp về bảo vệ môi trường nước, không khí, xử lý chất thải sinh hoạt, kiểm soát nguy cơ ô nhiễm đã được triển khai quyết liệt. Năng lực dự báo, cảnh báo thời tiết cực đoan tiếp tục được nâng cao, bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, phòng chống thiên tai hiệu quả.

    Lấy phương châm hành động “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá”, toàn ngành NN&MT đã bước vào năm 2025 với khí thế mới, quyết tâm cao. 6 tháng đầu năm, ngành ghi nhận những con số tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào kinh tế đất nước và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tốc độ tăng giá trị gia tăng nông - lâm - thủy sản đạt 3,84% so với cùng kỳ năm 2024 (nông nghiệp tăng 3,51%; lâm nghiệp tăng 7,42%; thủy sản tăng 4,21%). Đây là mức tăng trưởng cao thứ hai trong giai đoạn 2021 - 2025, cơ bản đạt mục tiêu tăng trưởng 6 tháng đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực này đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ; xuất siêu đạt 9,83 tỷ USD, tăng 16,3% và cao hơn mức xuất siêu chung của nền kinh tế (7,63 tỷ USD).

Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025

    Hội nghị cũng ghi nhận tín hiệu tích cực từ việc vận hành mô hình chính quyền hai cấp, chính thức triển khai từ ngày 1/7/2025. Đợt bão số 3 vừa qua là “phép thử” quan trọng, cho thấy bộ máy mới hoạt động hiệu quả, không phát sinh vướng mắc lớn. Đặc biệt, việc hợp nhất giữa Sở NN&PTNT với Sở TN&MT giúp tăng cường phối hợp liên ngành, giảm trung gian cấp huyện, nâng cao năng lực chỉ đạo - điều hành từ tỉnh đến xã.

    Hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, minh bạch, tích hợp đa giá trị

    Phát huy kết quả đạt được, trong 6 tháng cuối năm, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nghị quyết, luật, chiến lược, quy hoạch, chương trình hành động với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, minh bạch, tích hợp đa giá trị. Một trong những trọng tâm lớn là tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ NN&MT lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Cùng với đó là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết mới; xây dựng dự thảo Nghị quyết Chính phủ tháo gỡ khó khăn trong triển khai Luật Địa chất và Khoáng sản; xây dựng dự án Luật sửa đổi một số luật trong lĩnh vực NN&MT, nhằm thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Về tổ chức bộ máy, phấn đấu hoàn thành sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ; xử lý chế độ, chính sách cho cán bộ có nguyện vọng nghỉ chế độ theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP của Chính phủ.

    Bộ cũng tập trung hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia; trình Quốc hội chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026 - 2030 tại kỳ họp tháng 10/2025; tiếp tục duy trì tổ chức thường xuyên các đoàn công tác để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc tại địa phương trong quá trình triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp; thực hiện rà soát tài nguyên, cơ cấu ngành hàng, phù hợp với không gian phát triển mớ. Đồng thời, nỗ lực hoàn thành kế hoạch tăng trưởng và kim ngạch xuất nhập khẩu nông - lâm -thủy sản năm 2025, trong đó, tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển lúa gạo chất lượng cao, đặc sản, đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hướng đến mở rộng thị trường Halal, Trung Đông, châu Mỹ… Cùng với đó là hỗ trợ các địa phương kết nối tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch qua các kênh phân phối hiện đại, sàn thương mại điện tử; theo dõi sát diễn biến việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam, xây dựng kịch bản, giải pháp ứng phó linh hoạt.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

    Dựa trên kết quả 6 tháng đầu năm, Bộ đang cập nhật kịch bản tăng trưởng cho quý III, quý IV và cả 6 tháng cuối năm, trong đó đề xuất các giải pháp đột phá, khả thi, hiệu quả. Đồng thời, chuẩn bị kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2026 - 2030. Xác định giải ngân đầu tư công là chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, Bộ sẽ nghiên cứu giao chỉ tiêu giải ngân hàng tháng, hàng quý đến từng chủ đầu tư, bảo đảm thủ tục pháp lý, hiệu quả, chất lượng. Đặc biệt, Bộ sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các Nghị quyết “bộ tứ trụ cột” của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 57, 59, 66, 68), tập trung tháo gỡ rào cản về thể chế, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý NN&MT; hướng tới xây dựng Chính phủ số, nông nghiệp số, số hóa dữ liệu tài nguyên môi trường, hình thành nền tảng dữ liệu lớn như bản đồ địa lý, đất đai, viễn thám, tạo nền móng cho kinh tế số ngành NN&MT… nhằm tiếp tục giữ vững vai trò là một trong những trụ cột của nền kinh tế và là lực lượng nòng cốt trong phát triển bền vững.

    Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, quyền Bộ trưởng Bộ NN&MT Trần Đức Thắng nhấn mạnh, từ “hai nhà” trở thành “một nhà”, là một lợi thế lớn, toàn ngành cần phát huy tối đa tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, tăng cường tính sát dân, gần dân; rút ngắn cấp trung gian, loại bỏ cấp huyện giúp mệnh lệnh điều hành từ tỉnh đến xã thông suốt, tránh tình trạng chậm trễ; nâng cao năng lực cán bộ xã giàu chuyên môn, biết ứng dụng công nghệ thông tin; khơi dậy tinh thần đổi mới, lãnh đạo xã chủ động tiếp cận cấp trên, mạnh dạn đề xuất quy hoạch, sản xuất, ứng phó thiên tai.

    Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng nhấn mạnh, giai đoạn 5 năm tới, ngành NN&MT được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng quan trọng, góp phần giúp nền kinh tế đạt mức tăng trưởng hai con số. Do vậy, tăng trưởng không thể dựa mãi vào mở rộng sản lượng mà cần chuyển sang chiều sâu (chế biến sâu, công nghệ cao, quản lý rủi ro, thích ứng khí hậu). Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng cũng nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới: (i) Tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Bộ NN&MT lần thứ I (giữa tháng 8/2025); (ii) Hoàn thiện chính sách, thể chế đất đai, khoáng sản, trình các dự luật đúng tiến độ tháng 10; (iii) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đặc biệt trong xác định giá đất, giao - cho thuê đất; (iv) Sắp xếp lại 76 đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo quyền lợi cán bộ; (v) Thực hiện “Chiến dịch dữ liệu 60 ngày/đêm” từ tháng 8, phối hợp Bộ Công an hoàn thiện 12 cơ sở dữ liệu ngành (đất đai, trồng trọt, khí tượng, môi trường…); (vi) Xây dựng thương hiệu quốc gia nông sản, kiểm soát chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; (vii) Nâng cao chất lượng dự báo thời tiết, thiên tai, hoàn thiện bản đồ sạt lở - lũ quét, cải cách hành chính cấp xã… Quyền Bộ trưởng tin tưởng, với sự đoàn kết, trí tuệ và quyết tâm cao từ Ban lãnh đạo đến từng công chức, viên chức, người lao động, ngành NN&MT sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2025, và góp phần quan trọng cho mục tiêu phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 2026 - 2030”.

Vũ Hồng

Ý kiến của bạn