Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 24/07/2025

Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và kiểm soát giết mổ động vật

23/07/2025

    Trước diễn biến và nguy cơ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lan rộng, nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, ngày 23/7/2025, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức Hội nghị “Phòng, chống bệnh DTLCP và kiểm soát giết mổ động vật”.

Có thể là hình ảnh về 1 người, cái bục và văn bản cho biết 'BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG HỘI NGHỊ PHÓNG, CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI VÀ KIỂM SOÁT GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT Hà Nội, ngày 23 tháng năm 20 意 お.場'

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi và công tác kiểm soát giết mổ động vật

    Về tình hình bệnh DTLCP, từ đầu năm đến ngày 22/7/2025, cả nước đã xảy ra 636 ổ dịch tại 30/34 tỉnh, thành phố, số lợn mắc bệnh là 42.349 con, số lợn chết, buộc tiêu hủy 43.375 con. Hiện nay, còn 256 ổ dịch tại 26 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Trong tháng 6 và 7/2025, bệnh DTLCP gia tăng tại các tỉnh phía Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Nội…) và duyên hải miền Trung (Quảng Ngãi, Quảng Trị…). Bệnh DTLCP đang có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là tái phát các ổ dịch cũ, phát sinh ở loại hình chăn nuôi quy mô nhỏ (bình quân 50 - 60 con/ổ dịch) tại các hộ gia đình nơi có điều kiện chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân chủ yếu là do chăn nuôi nhỏ lẻ còn khá phổ biến, không bảo đảm an toàn sinh học. Mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh DTLCP cho lợn thịt nhưng nhiều người nuôi vẫn chủ quan không tiêm phòng cho đàn vật nuôi, còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ vắc xin của nhà nước. Cùng với đó, hiện tượng người chăn nuôi giấu dịch, khi đàn vật nuôi có dấu hiệu nghi mắc bệnh thường không thông báo cho chuyên môn thú y, chính quyền địa phương để được hỗ trợ điều trị, xử lý mà bán chạy lợn, vứt xác ra môi trường làm dịch bệnh lây lan rộng. Ngoài ra, hiện nay, thời tiết biến đổi thất thường, đặc biệt bước vào mùa mưa, bão tại các tỉnh miền Bắc, kết hợp với hiện tượng người nuôi, vận chuyển thiếu ý thức vứt xác lợn bệnh xuống sông, kênh mương... làm phát tán virus DTLCP theo dòng nước, gây ô nhiễm môi trường. Một số cơ sở giết mổ vi pham pháp luật thú y, vẫn thu gom, giết mổ gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Hơn nữa, lực lượng thú y địa phương, đặc biệt là thú y cấp xã rất mỏng, địa bàn rộng nên công tác giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch tại một số địa phương chưa được kịp thời (nhiều tỉnh không bố trí nhân viên thú y cấp xã, có tỉnh không thực hiện công tác kiểm soát giết mổ động vật). Bên cạnh đó, còn lúng túng trong việc công bố dịch cấp xã do mới được phân cấp về cấp xã; chưa tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục về các quy định hỗ trợ khắc phục dịch bệnh động vật…

    Đối với công tác kiểm soát giết mổ (KSGM) động vật, cả nước hiện có 440 cơ sở giết mổ (CSGM) động vật tập trung (bao gồm: 23 CSGM trâu/bò; 207 CSGM lợn; 76 CSGM gia cầm; 1 CSGM dê, cừu và 133 CSGM hỗn hợp trên 2 loại động vật. Trong đó có 8 cơ sở giết mổ xuất khẩu do Cục Chăn nuôi và Thú y quản lý và thực hiện KSGM, còn lại là cơ sở giết mổ tiêu thụ nội địa do địa phương quản lý và thực hiện KSGM. 100% các CSGM động vật tập trung có nhân viên thú y thực hiện KSGM theo quy định. Ngoài ra, cả nước có 24.858 CSGM động vật nhỏ lẻ. Trong đó có 9.466 CSGM động vật nhỏ lẻ ký cam kết theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 về quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; 6.756 CSGM nhỏ lẻ (chiếm 27%) có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tuy nhiên, chỉ có 4.328 cơ sở có nhân viên thú y thực hiện KSGM theo quy định, số còn lại 18.102 cơ sở (chiếm 73%) không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động. Năm 2024, Cục Thú y thực hiện lấy mẫu giám sát tại 7 CSGM và 7 cơ sở kinh doanh thịt lợn, thịt gà tại 2 tỉnh/thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Đã thực hiện lấy 309 mẫu bao gồm: 50 mẫu lau thân thịt lợn, 20 mẫu da cổ gà, 14 mẫu nước, 155 mẫu thịt lợn, gà. Tổng số: 573 lượt mẫu phân tích các chỉ tiêu ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư kháng sinh, hóa chất, kim loại nặng (Pb). Kết quả cho thấy, 48/250 (19,2%) mẫu thịt lợn tại cơ sở giết mổ và cơ sở kinh doanh không đạt yêu cầu đối với các chỉ tiêu vi sinh vật; 2/60 (3,33 %) mẫu thịt gà tại cơ sở giết mổ và cơ sở kinh doanh không đạt yêu cầu đối với các chỉ tiêu vi sinh vật. Đối với chỉ tiêu tồn dư kháng sinh và chất cấm, phát hiện 1 mẫu thịt gà tồn dư Tylosin nhưng dưới mức giới hạn cho phép.

Thực hiện phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng tinh thần Công điện số 119/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

    Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng, bệnh DTLCP đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi hơn 30.000 tỷ đồng năm 2020-2021. Đáng báo động hiện nay là tình trạng vứt lợn ra kênh, mương, rạch, ao, hồ ở các địa phương làm dịch bệnh có nguy cơ lây lan rộng. Nếu không phòng, chống dịch bệnh này tốt sẽ gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành nông nghiệp, cho nền kinh tế, nguồn cung thực phẩm trong nước và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

    Đến nay, Việt Nam đã có 3 loại vaccine DTLCP được cấp Giấy chứng nhận lưu hành gồm: Vắc xin NAVET-ASFVAC do Công ty CP thuốc thú y TƯ NAVETCO sản xuất; Vắc xin AVAC ASF LIVE do Công ty CP AVAC Việt Nam sản xuất; Vắc xin Dacovac-ASF2 do Công ty TNHH Dược và Thú y Dacovet sản xuất. Các doanh nghiệp đã sản xuất và cung ứng ra thị trường 7,8 triệu liều vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Vaccine DTLCP được ví như lá chắn thép cho ngành chăn nuôi trước nguy cơ dịch bệnh. Theo Thứ trưởng, vắc-xin phòng DTLCP là niềm tự hào của Việt Nam khi cả thế giới chưa làm được thì ta đã làm được. Kết quả sử dụng vắc xin DTLCP của các địa phương thời gian qua cho thấy vắc xin có hiệu lực và hiệu quả trong phòng bệnh DTLCP, nhờ đó đã cơ bản kiểm soát được bệnh DTLCP trên đàn lợn và tăng tái đàn, cung ứng sản phẩm thịt lợn cho người tiêu dùng. Thế nhưng, trong khi giá thịt lợn hơi ở mức hơn 40.000 đồng/kg, bán ra tới 62.000 - 63.000 đồng/kg, thì việc người chăn nuôi vẫn không chủ động tiêm phòng là điều cần được phân tích, lý giải và xử lý căn cơ.

    Để tháo gỡ khó khăn này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tập trung triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 4/4/2025 về việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và Công điện số 109/CĐ-TTg ngày 16/7/2025 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP, các văn bản chỉ đạo của Bộ để đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện. Đồng thời, bố trí quỹ đất và ban hành chính sách đặc thù nhằm kêu gọi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng mới hoặc chuyển đổi sang dây chuyền giết mổ động vật công nghiệp hoặc bán công nghiệp bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Bộ cũng sẽ ban hành chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện chuyển đổi ngành nghề cho lực lượng lao động sau khi ngưng hoạt động CSGM nhỏ lẻ. Trường hợp khó khăn trong việc kêu gọi xây dựng CSGM công nghiệp hoặc bán công nghiệp, Bộ đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức xây dựng các CSGM. Sau khi hình thành và đi vào hoạt động, chỉ đạo các cơ quan liên quan với UBND cấp xã chịu trách nhiệm xây dựng lộ trình, chỉ đạo các cơ quan liên quan vận động và có giải pháp triệt để đưa các CSGM nhỏ lẻ, tự phát và kiên quyết xử lý các cơ sở không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

    Đặc biệt, Bộ sẽ xây dựng quy chế phối hợp giữa chính quyền với lực lượng Chăn nuôi và Thú y, Y tế, Công an, Quản lý thị trường trong công tác quản lý hoạt động giết mổ đối với các CSGM, vận chuyển động vật...

    "Thiệt hại do dịch bệnh rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới phát triển kinh tế - xã hội, tôi đề nghị phải sát sao, chặt chẽ và nghiêm túc đối với việc phòng chống bệnh DTLCP theo đúng tinh thần Công điện số 119/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã ký", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

    Tại Hội nghị, các doanh nghiệp, chuyên gia, địa phương, cơ quan quản lý cùng nhau thảo luận các nội dung liên quan đến việc tăng cường phòng, chống DTLCP; đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin DTLCP; cơ chế phối hợp giữa cơ quan thú y phối hợp với chính quyền địa phương trong giám sát để phát hiện, xử lý kịp thời tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh để thu hồi vốn...

    Theo ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), đến nay, đã cơ bản có đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật, Kế hoạch quốc gia, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường rất chi tiết, cụ thể cho từng bệnh, từng thời kỳ. Do đó, việc quan trọng nhất hiện nay là tổ chức thực hiện của các địa phương (nhất là cấp xã), các doanh nghiệp và người chăn nuôi.

    Để kiểm soát phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, Cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc công bố dịch và tổ chức chống dịch theo đúng quy định, bảo đảm xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; kịp thời tham mưu, chỉ đạo, triển khai chống dịch theo quy định, cụ thể: (i) Xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh chết do bệnh DTLCP; (ii) Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh; (iii) Tăng cường quản lý vận chuyển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, bán tháo, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; (iv) Tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc từng cơ sở chăn nuôi có dịch bệnh trên địa bàn cấp thôn, cấp xã nơi đang có dịch và nơi tiếp giáp có nguy cơ cao; (v) Chủ động công tác phòng bệnh cho đàn lợn, đặc biệt công tác tiêm phòng vắc xin DTLCP.

    Về kiểm soát giết mổ, bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, Cục Chăn nuôi và Thú y kiến nghị rà soát, xây dựng mạng lưới CSGM động vật tập trung theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chị thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2023 về tăng cường công tác quản lý hoạt động giết mổ, KSGM bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung phù hợp với từng địa phương. Riêng đối với các tỉnh miền núi, vùng cao, do điều kiện địa lý, trước mắt triển khai thực hiện tại các thành phố, thị xã (là nơi tập trung dân cư) nhằm đảm bảo vệ sinh thú ý, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.

Quang cảnh Hội nghị

     Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Hà Nội chia sẻ, Hà Nội là trung tâm tiêu thụ và trung chuyển hàng hóa lớn của khu vực phía Bắc và cả nước, với hệ thống hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ. Nhiều tuyến đường giao thông chính được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến bất cập trong kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật và sản phẩm động vật. Các phương tiện có thể dễ dàng lựa chọn tuyến đường vòng để né tránh các chốt kiểm dịch. Đặc biệt đối với các lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc không rõ nguồn gốc. Thêm vào đó, Luật Thú y hiện hành đã bãi bỏ quy định về kiểm dịch nội tỉnh, nên việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trong phạm vi thành phố không còn phải thực hiện kiểm dịch bắt buộc. Đây chính là kẽ hở khiến công tác truy xuất, kiểm soát nguồn gốc động vật và sản phẩm động vật gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh. Do đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Hà Nội đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét hoàn thiện cơ chế tổ chức bộ máy ngành thú y theo hướng thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp hiện nay. Sở cũng đề xuất có chính sách hỗ trợ, đào tạo và duy trì đội ngũ nhân viên thú y cơ sở bảo đảm ổn định, chuyên môn hóa, gắn bó lâu dài với công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương; bổ sung quy định của Luật Thú y theo hướng trao quyền cho các địa phương được chủ động tổ chức kiểm soát lưu thông nội tỉnh đối với động vật và sản phẩm động vật nhằm tăng cường giám sát dịch bệnh.

    Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Nai cũng thừa nhận tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, mất vệ sinh tại các chợ và cơ sở không phép vẫn phổ biến. Trong khi các CSGM tập trung được đầu tư bài bản lại hoạt động dưới công suất, làm giảm hiệu quả trong việc KSGM động vật. Sở đề nghị Bộ ban hành cơ chế phối hợp liên ngành để kiểm tra, giám sát hiệu quả hoạt động giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật (kết nối giữa ngành nông nghiệp, y tế, công thương và công an)…

Trung Hiếu

Ý kiến của bạn