18/07/2025
Ngày 18/7/2025, tại Hà Nội, Viện Tư vấn phát triển (CODE) phối hợp với Tạp chí điện tử Nhà Quản Trị (TheLEADER) tổ chức Diễn đàn Net-Zero Việt Nam 2025 với chủ đề “Thị trường các-bon trong kỷ nguyên mới”. Đây là cơ hội để các bên liên quan cùng trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan đến việc phát triển thị trường các-bon, một lĩnh vực còn rất mới nhưng đầy tiềm năng tại Việt Nam. Diễn đàn thu hút sự tham dự của gần 200 khách mời là nhà quản lý, chuyên gia, các doanh nghiệp tiêu biểu về thực hiện giảm phát thải, cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông đến đưa tin về sự kiện.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng CODE phát biểu khai mạc Diễn đàn
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng CODE cho biết, Diễn đàn Net-Zero Việt Nam là sự kiện thường niên do CODE phối hợp cùng TheLEADER tổ chức, nhằm đóng góp có ý nghĩa vào tiến trình thực thi cam kết quốc tế của Chính phủ về mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngoài hoạt động chính là Hội nghị thường niên vào đầu tháng 6 hàng năm để hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5/6), Diễn đàn còn triển khai nghiên cứu, khảo sát, đánh giá các dự án, chương trình, hoạt động của cộng đồng trong thực hiện các hoạt động giảm phát thải, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, hướng đến phát triển bền vững.
TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, biến đối khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp trên phạm vi toàn cầu, là thách thức lớn nhất hiện nay, đòi hỏi toàn nhân loại phải cùng nhau hợp tác chặt chẽ để tìm giải pháp giải quyết. Trong đó, trung hòa các-bon và sớm đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero) những năm tới là nhiệm vụ trọng tâm, là mục tiêu chung của các quốc gia. Là một trong số ít quốc gia bị tác động nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 với nhiều giải pháp cụ thể nhằm cắt giảm phát thải ở một số lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, năng lượng… Cùng với đó, Việt Nam sẽ chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và các biện pháp để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng. Như vậy, cam kết Net-Zero được xem là rất cần thiết, vừa góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thúc đầy chuyển đổi sang phát triển xanh, vừa giúp Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực đầu tư cho các mục tiêu phát triển. Tuy nhuên, lộ trình đạt được Net-Zero của Việt Nam không còn dài, 25 năm tới đây sẽ là một chặng đường đầy thách thức khi phải thực hiện nhiều mục tiêu kép, vừa nỗ lực giảm phát thải, vừa nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng cao để vươn tới là quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Hành trình này rất cần có sự chung tay mạnh mẽ của cả cộng đồng.
TS. Nguyễn Tuấn Quang - Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ NN&MT)
chia sẻ về những định hướng phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam
Chia sẻ về những định hướng phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, TS. Nguyễn Tuấn Quang - Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ NN&MT) thông tin, các-bon là khí nhà kính chính gây biến đổi khí hậu, chủ yếu phát sinh từ đốt nhiên liệu hóa thạch trong công nghiệp, năng lượng và giao thông. Cơ chế định giá các-bon được thiết kế nhằm gắn chi phí phát thải vào hoạt động sản xuất và tiêu dung; thúc đẩy lựa chọn công nghệ sạch và sử dụng năng lượng hiệu quả. Hai cơ chế phổ biến gồm: Thuế các-bon (ấn định giá) và thị trường các-bon (ấn định lượng), trong đó thị trường cho phép mua bán hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon. Với khoảng 150 dự án đã được cấp khoảng 40,2 triệu tín chỉ các-bon và đưa vào giao dịch quốc tế, Việt Nam là một trong 4 quốc gia có số lượng dự án theo cơ chế CDM (cơ chế phát triển sạch) đăng ký nhiều nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ. Việc đẩy nhanh phát triển thị trường các-bon là rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước thực hiện các cam kết về phát thải ròng bằng “0” vào năm 202550.
Về cơ sở pháp lý, ngày 24/1/2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường các-bon. Theo đó, từ nay đến năm 2028, Việt Nam sẽ triển khai vận hành thử nghiệm và đến năm 2029 sẽ vận hành chính thức, đồng thời kết nối với thị trường các-bon thế giới. Trước đó, Nghị định số 06/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 7/1/2022 đã có những quy định cụ thể về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone và gần đây nhất là 119/2025/NĐ-CP ngày 9/6/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Nghị định về Sàn giao dịch các-bon, tập trung quản lý và giao dịch các tín chỉ các-bon trong nước theo tiêu chuẩn trong nước, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như quy định tại Điều 6.2 và 6.4 của Thỏa thuận Paris, cùng các cơ chế độc lập như Vera, Gold Standard. Tất cả các tín chỉ này sẽ phải được đăng ký trên hệ thống thống nhất, bảo đảm quản lý tập trung và minh bạch. Ngoài ra, Bộ NN&MT hiện đang xây dựng Nghị định về trao đổi quốc tế kết quả giảm phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon. Các bộ, ngành liên quan cũng đang khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý và hạ tầng kỹ thuật cần thiết, phấn đấu vận hành thử nghiệm thị trường các-bon vào cuối năm 2025 - TS. Nguyễn Tuấn Quang cho biết.
Tham dự Diễn đàn, các đại biểu đã lắng nghe diễn giả đến từ Viện Chiến lược, Chính sách NN&MT (Bộ NN&MT); Ủy ban tăng trưởng xanh của Eurocham; Công ty CP Khoa học và môi trường (Giant Barb Việt Nam); Tập đoàn nông nghiệp công nghệ cao TH; UBND xã Cao Quảng, đại điện cộng đồng chủ rừng Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Trị)… trình bày tham luận về: Phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam - Tiềm năng, hiện trạng, thách thức và khung khổ pháp lý để thị trường phát triển bền vững; thị trường các-bon thế giới - Kinh nghiệm và những khuyến nghị cho Việt Nam; Tiềm năng phát triển các dự án các-bon tại Việt Nam và vai trò của tài chính quốc tế theo Điều 6 Thỏa thuận Paris; Trung hòa các-bon - Kinh nghiệm từ Tập đoàn nông nghiệp công nghệ cao TH; Mô hình Lúa - Tôm phát thải thấp, hiệu quả kinh tế cao tại bán đảo Cà Mau; Bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên và cơ hội tham gia thị trường các-bon của cộng đồng chủ rừng Cao Quảng (Tuyên Hóa - Quảng Trị )…
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách NN&MT, Bộ NN&MT trình bày tham luận tại Diễn đàn
Phân tích khung khổ pháp lý và thực trạng triển khai thị trường các-bon tại Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách NN&MT (Bộ NN&MT) cho biết, Việt Nam đã tiến hành các bước đi ban đầu trong hình thành thị trường các-bon như một công cụ kinh tế gắn với mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng khung khổ pháp lý cho thị trường diễn ra trong bối cảnh quốc tế có những thay đổi mạnh mẽ về cơ chế hợp tác giảm phát thải, đặc biệt là sau khi Thỏa thuận Paris được ban hành. Trong nước, các cam kết về phát thải ròng bằng “0” và lộ trình NDC mới buộc hệ thống chính sách phải thay đổi, bổ sung các công cụ điều tiết dựa trên thị trường. Hai văn bản pháp lý trung tâm hiện nay là Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 của Thủ tưởng Chính phủ pê duyệt Đề án thành lập, phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam và Nghị định số 119/2025/NĐ-CP ngày 9/6/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn đã tạo nền móng pháp lý cũng như kỹ thuật để Việt Nam triển khai thị trường các-bon giai đoạn thí điểm, đồng thời thiết lập cơ chế vận hành cho thị trường tuân thủ quốc gia trong giai đoạn chính thức sau năm 2029.
Quyết định số 232/QĐ-TTg đưa ra định hướng chiến lược tổng thể, xác định rõ các giai đoạn phát triển, mục tiêu cụ thể và nhóm nhiệm vụ then chốt để vận hành thị trường các-bon. Trong giai đoạn từ năm 2025 - 2028, Việt Nam sẽ thử nghiệm sàn giao dịch các-bon, áp dụng quy chế phân bổ hạn ngạch phát thải miễn phí cho các cơ sở thuộc các lĩnh vực phát thải lớn. Các tín chỉ giao dịch được tạo ra từ cơ chế quốc tế và nội địa sẽ được xác nhận để đưa lên sàn. Cấu trúc thị trường bao gồm những chủ thể có nghĩa vụ tuân thủ, cùng với các tổ chức đủ điều kiện giao dịch. Bước sang giai đoạn chính thức từ năm 2029, các chính sách về dấu giá hạn ngạch, mở rộng lĩnh vực, chủ thể tham gia, và kết nối quốc tế sẽ được triển khai. Đây là bước đi quan trọng hướng đến xây dựng một thị trường các-bon hiệu quả, minh bạch, tương thích với các cơ chế theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.
Trong khi đó, Nghị định số 119/2025/NĐ-CP đóng vai trò là văn bản pháp lý cụ thể hóa, quy định rõ ràng yêu cầu kỹ thuật và tổ chức liên quan đến kiểm kê, giám sát, báo cáo, thẩm định phát thải khí nhà kính. Đây là trục vận hành cốt lõi để đảm bảo tính chính xác cũng như tin cậy của hệ thống MRV - điều kiện tiên quyết để phân bổ hạn ngạch, phát hành tín chỉ và tổ chức giao dịch. Nghị định xác lập danh mục các cơ sở bắt buộc phải kiểm kê phát thải, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ, chịu trách nhiệm thực hiện MRV theo phương pháp chuẩn. Đồng thời, quy trình phân bổ hạn ngạch được hướng dẫn chi tiết, từ giai đoạn miễn phí đến đầu giá theo lộ trình. Cơ chế giao dịch bao gồm các quy định về đăng ký, chuyển nhượng, bù trừ hạn ngạch và tín chỉ; quy tắc kỹ thuật và quy trình thanh toán. Nghị định thiết lập hành lang pháp lý để tạo sự tin cậy cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý trong tham gia thị trường các-bon.
Quang cảnh Diễn đàn
Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, tiềm năng phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam được đánh giá là rất đáng kể. Với lợi thế về diện tích rừng, khả năng triển khai REDD+, sự tăng trưởng của năng lượng tái tạo và khả năng giảm phát thải trong ngành nông nghiệp, xử lý chất thải, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra một lượng lớn tín chỉ các-bon chất lượng. Nhiều dự án điện mặt trời, điện gió đang tạo nền tảng kỹ thuật cho xây dựng danh mục tín chỉ tiêu chuẩn, phục vụ giao dịch nội địa và quốc tế. Trong lĩnh vực nông nghiệp, một số sáng kiến như canh tác lúa phát thải thấp có thể tạo tín chỉ với chi phí thấp, phù hợp khả năng đầu tư của nông hộ. Các nhà máy xử lý rác thải đô thị, nếu áp dụng công nghệ thu hồi methane hoặc phát điện từ chất thải, sẽ tạo ra dòng tín chỉ các-bon ổn định. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thép, xi măng, nhiệt điện - vốn có cường độ phát thải cao - sẽ có nhu cầu lớn về hạn ngạch, tạo ra động lực giao dịch trên thị trường. Tính khả thi trong kết nối thị trường các-bon Việt Nam với quốc tế phụ thuộc vào chất lượng tín chỉ và độ tin cậy của hệ thống MRV. Nếu Việt Nam duy trì được tính minh bạch, đồng bộ và hiệu quả trong vận hành thị trường tuân thủ, cơ hội hợp tác theo Điều 6 sẽ được mở rộng. Khả năng tham gia vào các cơ chế như ITMO, JCM giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án xanh, tận dụng tín chỉ để giao dịch và tạo nguồn thu tài chính bổ sung, hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải và đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh và tiếp cận tài chính khíhậu toàn cầu. Các hợp tác song phương với Nhật Bản, Singapore đã mở đầu cho tiến trình kết nối thị trường. Mục tiêu lâu dài là xây dựng một thị trường các-bon có khả năng giao dịch xuyên biên giới, nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị các-bon toàn cầu.
Thị trường các-bon tại Việt Nam đang trong giai đoạn định hình nền móng, với hành lang pháp lý bước đầu khá rõ ràng, các chủ thể liên quan đã bắt đầu tiếp cận và tham gia. Tuy vậy, nhiều khoảng trống pháp lý vẫn cần được lấp đầy thông qua hệ thống hướng dẫn kỹ thuật chi tiết. Năng lực quản lý, giám sát, triển khai ở cấp địa phương và doanh nghiệp cần được tăng cường thông qua các chương trình đào tạo bài bản cùng cơ chế hỗ trợ chuyên môn; mô hình sàn giao dịch các-bon cần được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả giao dịch; qá trình phát triển thị trường cần gắn với số hóa hệ thống giám sát, đảm bảo dữ liệu chính xác, kịp thời, có thể kiểm chứng. Mặt khác, khi thị trường đi vào vận hành đầy đủ, vai trò điều tiết của Nhà nước, sự tham gia chủ động của khu vực tư nhân và hợp tác quốc tế hiệu quả sẽ là những trụ cột để đảm bảo tính bền vững cũng như phát triển lâu dài của thị trường các-bon tại Việt Nam - PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ chia sẻ.
Ông Lê Quang Linh, chuyên gia Dự án giảm phát thải, tài chính xanh, Công ty Giant Barb phát biểu
Nhận định mô hình kinh tế tuần hoàn trong xử lý chất thải là hướng đi mới, vừa giúp xử lý ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra tiềm năng kinh tế nhờ đưa chất thải quay lại làm đầu vào cho sản xuất. Ngoài ra, giải pháp tuần hoàn chất thải còn là giải pháp hữu hiệu cắt giảm khí thải, tạo ra tín chỉ các-bon và hướng đến mục tiêu Net-Zero… ông Lê Quang Linh, chuyên gia Dự án giảm phát thải, tài chính xanh, Công ty Giant Barb đề xuất 4 lĩnh vực tiềm năng để giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách theo hướng cắt giảm phát thải: (i) Làm than sinh học (biochar) từ phế phẩm nông nghiệp như rơm, trấu, bã mía, vỏ cà phê, vỏ dừa… Biochar được biết đến là vật liệu xốp, giàu các-bon, giúp cải thiện cấu trúc đất, tăng khả năng giữ nước, qua đó tăng năng suất cây trồng mà không phải phụ thuộc vào phân bón. Ngoài ra, biochar cũng có khả năng hấp thụ kim loại nặng, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, bên cạnh việc giảm 10 - 12% lượng khí thải các-bon do chuyển đổi thành năng lượng hoặc lưu trữ lâu dài trong đất; (ii) Thu hồi khí sinh học (biogas) từ chất thải chăn nuôi. Đây là ngành tạo ra lượng chất thải khổng lồ, với 61 triệu tấn phân 304 triệu m3 nước thải và 15 triệu tấn khí thải các-bon mỗi năm. Đặc biệt, chất thải từ chăn nuôi lợn không xử lý đúng cách là khí metan, gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 25 lần CO2. Tuy nhiên, nếu thu hồi khí metan thông qua hệ thống biogas, ngoài việc giảm đáng kể khí nhà kính, còn tạo ra nguồn năng lượng sạch với giá cả phải chăng. Thực tế, chương trình Biogas cho ngành chăn nuôi Việt Nam đã được triển khai, phát hành khoảng 928.000 tín chỉ các-bon/năm, với doanh thu chiếm khoảng 50% ngân sách chương trình. Ngoài ra, các trang trại cá nhân cũng tiết kiệm chi phí đáng kể nhờ tự chủ nguồn điện từ biogas; (iii) Thu hồi khí từ bãi rác để phát điện. Tương tự như chất thải chăn nuôi, chất thải rắn sinh hoạt cũng thải ra rất nhiều khí metan, do đó hoàn toàn có thể sử dụng giải pháp thu hồi metan làm nhiên liệu tương tự như biogas; (iv) Đốt rác phát điện - Đây là công nghệ phổ biến ở các nước phát triển, có khả năng giảm thể tích và khối lượng rác thải từ 90 - 95%, qua đó giảm khí metan phát sinh.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban Tổ chức đã ra mắt Cuốn sách: “Nghiên cứu thực chứng thí điểm trữ lượng các-bon trong sinh khối trên bề mặt đất, rừng mưa nhiệt đới vùng Bắc Trung bộ” của Viện Nghiên cứu sinh thái chính sách xã hội - Speri. Cùng với đó, Ban Tổ chức đã trao tặng biểu trưng “Hành trình Net-Zero tiêu biểu năm 2025” cho những dự án, sáng kiến, cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức đã thực thi nhiều giải pháp hoặc có đóng góp quan trọng nhằm góp phần giảm phát thải, trung hòa các-bon cho cộng đồng. Đây cũng là hoạt động song song cùng Diễn đàn Net-Zero diễn ra hàng năm với các tiêu chí đánh giá khoa học và có giá trị thực tiễn cao.
Thu Hằng