02/01/2025
Xây dựng và phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) đã và đang là xu hướng tất yếu gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở mọi quốc gia trên thế giới. Đây cũng là mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững của Việt Nam. Với định hướng đón đầu các xu hướng của thế giới, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã chủ động trong việc xây dựng những định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa đất nước, cải cách hành chính tiến đến xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển công nghiệp 4.0 và xây dựng các ĐTTM tại Việt Nam.
Khái niệm ĐTTM được xuất hiện từ đầu những năm 1970, khi thành phố Los Angeles tạo ra dự án dữ liệu các đô thị đầu tiên trên thế giới. Sau 20 năm, vào năm 1994, một trong những cột mốc quan trọng trong việc xây dựng ĐTTM đã diễn ra tại Amsterdam, một thành phố kỹ thuật số được tạo ra với mục đích thúc đẩy sử dụng internet giữa các cư dân địa phương. Khái niệm ĐTTM được chấp nhận và dần trở nên phổ biến. Mặc dù vậy, chưa có định nghĩa thống nhất nào về những nhân tố cấu thành trong một đô thị thông minh. Các định nghĩa có sự khác biệt do nhiều ý tưởng và sáng kiến xoay quanh thuật ngữ, sự khác biệt về bối cảnh địa lý, kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, khái niệm cũng bị ảnh hưởng bởi thời gian vì những tiến bộ công nghệ thay đổi nhanh chóng trong các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung của thuật ngữ là khả năng hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách, chính quyền thành phố trong việc thực hiện hiệu quả và nâng cao hiệu suất đối với phát triển các lĩnh vực khác nhau, cung cấp kết quả dự kiến là đời sống người dân được cải thiện, thúc đẩy các chương trình nghị sự bền vững. Sự thông minh bao gồm sự kết hợp giữa cơ sở hạ tầng cứng (dựa vào công nghệ) và cơ sở hạ tầng mềm (các quy định, nền kinh tế tri thức, tham gia của công dân, đổi mới xã hội và thể chế, quản lý dữ liệu…), đây là các yếu tố để xây dựng ĐTTM. Theo Giffinger et al., 2007, một số yếu tố chính hình thành ĐTTM được thể hiện trong Bảng 1.
Bảng 1. Một số tiêu chí đánh giá ĐTTM
Tiêu chí |
Mô tả |
Kinh tế thông minh |
Doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng, hiệu quả |
Công dân thông minh |
Giáo dục thông minh, nhận thức văn hóa, hoạt động cuộc sống |
Quản trị thông minh |
Chính sách, hỗ trợ chính phủ, sự tham gia của cộng đồng |
Di chuyển thông minh |
Phương tiện công động, mạng lưới giao thông, khả năng truy cập và kết nối |
Môi trường thông minh |
Quản lý nguồn nước, quản lý môi trường, năng lượng thông minh |
Cuộc sống thông minh |
Nhà ở thông minh, sức khỏe, cơ hội nghề nghiệp, thu nhập, an toàn |
Xây dựng, phát triển đô thị thông minh của Mỹ
Mỹ là một trong những quốc gia tiên phong trong xây dựng, phát triển ĐTTM. Theo Luật về Đô thị và Cộng đồng thông minh của Mỹ, khái niệm ĐTTM được định nghĩa: “Thành phố thông minh hoặc cộng đồng thông minh là một cộng đồng ở đó được ứng dụng các công nghệ thông tin, truyền thông đổi mới sáng tạo, tiên tiến và đáng tin cậy, các công nghệ năng lượng và các cơ chế liên quan khác để: Cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân; tăng hiệu lực và hiệu quả chi phí vận hành và cung cấp các dịch vụ dân sự; thúc đẩy phát triển kinh tế; tạo ra một cộng đồng ở đó người dân cảm thấy tốt hơn về các mặt an toàn, an ninh, bền vững, có sức chống chịu, đáng sống và đáng làm việc” [8].
Về kinh tế thông minh: Các ĐTTM ở Mỹ phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và cảm biến. Hệ thống cơ sở hạ tầng được thiết kế để hỗ trợ kết nối và tích hợp các dịch vụ thông minh như Wi-Fi, cảm biến và các ứng dụng công nghệ. Các thành phố này cũng lập kế hoạch xây dựng lưới điện thông minh, xe điện, cơ sở hạ tầng an toàn và giao thông, đồng hồ nước thông minh và ánh sáng [7].
Công dân thông minh: Các thành phố của Mỹ chú trọng đào tạo và phát triển kỹ năng kỹ thuật số cho lực lượng lao động. Nhiều thành phố đã tổ chức các sự kiện cộng đồng, hội thảo và chương trình giáo dục để giáo dục công dân về lợi ích của các sáng kiến ĐTTM và khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động và dự án địa phương. Dự án LinkNYC của TP. New York giúp người dân tiếp cận Wi-fi mọi lúc mọi nơi. Các sáng kiến như City Bike ở New York và hệ thống cảm biến ở Columbus hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày bằng cách làm cho các dịch vụ đô thị trở nên dễ tiếp cận và hiệu quả hơn. Các sáng kiến như Smart City Challenge chia sẻ kinh nghiệm cải thiện chất lượng dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng [7].
Quản trị thông minh: Việc quản trị không mang tính áp đặt từ trên xuống mà có sự tham gia của nhiều bên liên quan, bao gồm cả công dân và các tổ chức phi Chính phủ. Chính phủ đóng vai trò hỗ trợ mạnh mẽ thông qua các văn phòng đổi mới và Sở Giao thông, đảm bảo sự phối hợp giữa các bộ phận khác nhau để thực hiện các sáng kiến ĐTTM. Sự tham gia của công dân được đánh giá cao trong các dự án ĐTTM ở các thành phố của Mỹ. Các thành phố như Austin và New York khuyến khích công dân tham gia như là những người đồng sáng tạo, đóng góp ý kiến và phản hồi trong quá trình phát triển đô thị thông minh. Điều này tạo ra một môi trường quản trị minh bạch và mang tính xây dựng. Ngoài ra, tại New York, thông qua sự hợp tác với Microsoft, thành phố đã phát triển một trong những giải pháp giám sát an ninh thương mại tiên tiến nhất thế giới với tên gọi “Domain Awareness System” (Hệ thống nhận thức hiện trường) có khả năng thu thập và phân tích các nguồn dữ liệu an ninh trong thời gian thực giúp phát hiện các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn và tăng cường tốc độ phản ứng cho các trường hợp khẩn cấp. Đặc biệt, dữ liệu mở là một phần quan trọng trong các sáng kiến ĐTTM của các thành phố Mỹ vì nó thúc đẩy sự tham gia của công dân trong quá trình ra quyết định và cải thiện việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ. Các thành phố như Austin và Columbus không chỉ cung cấp dữ liệu mở cho công chúng mà còn đảm bảo dữ liệu được trình bày trong định dạng dễ sử dụng và tích hợp tốt với các bên thứ ba [7].
Di chuyển thông minh: Các thành phố của Mỹ tích hợp công nghệ để cải thiện mạng lưới giao thông đô thị và tối ưu hóa việc quản lý giao thông. San Francisco, New York đã phát triển hệ thống quản lý giao thông thông minh, liên tục đo lường lưu lượng giao thông, xác định các điểm tắc nghẽn và điều tiết giao thông thông qua đèn giao thông thông minh giúp tối ưu hóa việc phân phối thời gian xanh đỏ. Các sáng kiến ĐTTM cũng tập trung vào việc làm cho hệ thống giao thông và dịch vụ công cộng trở nên dễ tiếp cận hơn cho cư dân. Các sáng kiến như hệ thống chia sẻ xe đạp và cảm biến giao thông giúp tăng cường khả năng truy cập và sự tiện lợi cho người dân. Bên cạnh đó, bình đẳng trong tiếp cận cũng được các thành phố quan tâm, ví dụ, thành phố San Jose nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo tiếp cận cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như cộng đồng thu nhập thấp, thanh thiếu niên và học sinh sinh viên [7].
Môi trường thông minh: Công nghệ cảm biến và dữ liệu mở được sử dụng để theo dõi chất lượng nước và quản lý tài nguyên nước hiệu quả hơn. Dự án CityNoise tại New York tập trung vào việc đo lường và quản lý ô nhiễm tiếng ồn trong thành phố, góp phần cải thiện chất lượng sống và quản lý môi trường. Các thành phố của Mỹ cũng đang thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả năng lượng áp dụng lưới điện thông minh và các sáng kiến năng lượng nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, ứng phó với các thách thức về biến đổi khí hậu, thể hiện sự tiên phong trong việc triển khai sáng kiến năng lượng tái tạo. New York là thành phố nhiều năm liên tiếp giữ vững thứ hạng đầu bảng trong danh sách các ĐTTM nhất thế giới. Các giải pháp thông minh được ứng dụng tại đây tập trung giải quyết vấn đề liên quan đến việc bảo tồn nước, quản lý chất thải và an toàn công cộng. Với dân số hơn 8,5 triệu người, mỗi ngày thành phố tiêu tốn đến 3,8 tỷ lít nước [6]. Do đó, Cục Bảo vệ môi trường của thành phố đã triển khai hệ thống đọc đồng hồ tự động quy mô lớn để thu thập thông tin nhanh chóng về lượng tiêu thụ.
Cuộc sống thông minh: Chính sách thành phố thông minh của New York bao gồm lĩnh vực nhà ở, nhằm đảm bảo rằng mọi người dân đều có quyền tiếp cận nhà ở phù hợp và an toàn, kết hợp với các yếu tố như giáo dục và cơ sở hạ. Các nền tảng công nghệ và dịch vụ công cộng giúp cải thiện tiện ích và chất lượng sống của cư dân. Các dự án như City 24/7 tại New York cung cấp nền tảng tương tác tích hợp thông tin, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ nhà ở tiện ích cùng với các cơ hội giáo dục và văn hóa. Chính sách thành phố thông minh hỗ trợ việc tiếp cận cơ hội nghề nghiệp thông qua các nền tảng công nghệ, giúp người dân dễ dàng tìm kiếm và tiếp cận việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chiến lược ĐTTM của TP. New York bao gồm cả lĩnh vực sức khỏe, nhằm cải thiện các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe, đảm bảo chất lượng sống tốt hơn cho cư dân. Công nghệ cảm biến và quản lý dữ liệu giúp cải thiện an ninh công cộng bằng cách phát hiện và phản ứng nhanh chóng với các mối nguy cơ. Các hệ thống giám sát và phản ứng nhanh giúp nâng cao mức độ an toàn cho cư dân trong ĐTTM. TP. Chicago đã đưa ra các sáng kiến bảo mật dữ liệu và an ninh mạng để bảo vệ thông tin cá nhân và cơ sở hạ tầng đô thị. TP. Seattle đã triển khai các biện pháp bảo mật mạnh mẽ để bảo vệ hệ thống thông tin của thành phố và dữ liệu cá nhân của cư dân. Điều này bao gồm việc sử dụng mã hóa dữ liệu, hệ thống phòng chống xâm nhập, và đào tạo nhân viên về các phương pháp bảo mật thông tin.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Trong thời gian qua, Việt Nam đã chú trọng phát triển ĐTTM theo hướng đáp ứng những yêu cầu, xu thế thời đại về nâng cao chất lượng cuộc sống, thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Điều này được thể hiện trong các chính sách về phát triển đô thị như Quyết định số 950/2018/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 829/QĐ-BTTTT ngày 31/5/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM (phiên bản 1.0); Văn bản số 3098/BTTTT-KHCN ngày 13/9/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố bộ chỉ số ĐTTM Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (phiên bản 1.0); Văn bản số 693/BXD-PTĐT ngày 21/2/2020 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã đề ra mục tiêu hình thành một số chuỗi ĐTTM tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới ĐTTM và khu vực và thế giới. Tại Nghị quyết số 06-NQ/TW và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định quyết tâm phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến việc tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị; đẩy nhanh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển ĐTTM. Ngoài những văn bản do Trung ương ban hành, mỗi địa phương khi áp dụng các đề án về ĐTTM cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn phù hợp với từng địa phương.
Theo báo cáo tình hình triển khai ĐTTM bền vững của Bộ Xây dựng gửi tới Thủ tướng Chính phủ, sau 5 năm triển khai Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, cả nước có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển ĐTTM, gồm đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh hoặc đề án, kế hoạch ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh. Cụ thể: 14/18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt đề án phát triển ĐTTM trước thời điểm ban hành Đề án 950; 20/48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt đề án sau thời điểm ban hành Đề án 950; 16/48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang triển khai lập đề án. Về triển khai phát triển tiện ích ĐTTM, dịch vụ thông minh, có khoảng 57 địa phương (tăng 17 địa phương so với năm 2020) và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo; 19 tỉnh triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM.
Bên cạnh đó, hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp đang đồng hành với các tỉnh, thành phố trong định hướng, quy hoạch và xây dựng Smart city. Các doanh nghiệp như Viettel, VNPT đã hợp tác với 45 tỉnh, xây dựng 36 Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh và 45 IOC cấp huyện. Viettel đã khai trương IOC cho hơn 30 địa phương. FPT cũng đang nỗ lực tư vấn cho các thành phố đưa tính thông minh và hạt nhân trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong quy hoạch, phát triển đô thị. Mặc dù vậy, trong thời gian qua, việc phát triển các đô thị mới theo mô hình đô thị bền vững, đô thị xanh, ĐTTM phát triển còn chậm, chưa được nghiên cứu và triển khai phù hợp với từng vùng, miền và loại, cấp đô thị. Hầu hết các địa phương khi triển khai ĐTTM mới chỉ tập trung chủ yếu vào việc phát triển và cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh, chủ yếu gắn với các dịch vụ của chính quyền điện tử, chính quyền số, chưa chú trọng đến công tác quy hoạch, quản lý ĐTTM để giải quyết các vấn đề căn cơ các bài toán của đô thị như giao thông, năng lượng, môi trường…
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng ĐTTM là xu hướng được các thành phố trên thế giới quan tâm và hướng tới. Mỹ là một trong những quốc gia xây dựng thành công mô hình ĐTTM. Do đó, việc nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của Mỹ giúp Việt Nam rút ra được những kinh nghiệm để xây dựng ĐTTM theo hướng bền vững.
Thứ nhất, bài học kinh nghiệm về phát triển kinh tế thông minh
Đầu tư vào lĩnh vực công nghệ: Đầu tư vào công nghệ cao là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng kinh tế. Các ĐTTM ở Mỹ, như Silicon Valley, đã chứng minh rằng việc đầu tư mạnh vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ thông tin, AI và cảm biến, có thể tạo ra nhiều việc làm và là động lực chính cho sự phát triển kinh tế dài hạn. Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển các ngành công nghệ cao là rất lớn với lực lượng lao động trẻ, năng động và sự quan tâm ngày càng tăng từ các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, để thành công, cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào hạ tầng công nghệ và hỗ trợ các startup công nghệ.
Xây dựng cơ sở hạ tầng: Đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là nền tảng cho các dịch vụ thông minh và tăng cường kết nối trong các thành phố. Các thành phố như Austin và Chicago ở Mỹ đã đầu tư vào các hệ thống như lưới điện thông minh, mạng Wi-Fi và cảm biến để hỗ trợ kết nối và tích hợp các dịch vụ thông minh. Tại Việt Nam, với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là rất cần thiết. Phát triển các dự án lưới điện thông minh và mạng băng rộng tốc độ cao sẽ hỗ trợ các dịch vụ thông minh, cải thiện chất lượng cuộc sống và tăng cường hiệu quả kinh tế.
Hợp tác công - tư (PPP) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và thu hút doanh nghiệp. Tại Mỹ, sự hợp tác giữa chính quyền địa phương và các doanh nghiệp lớn như IBM và AT&T, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng ĐTTM và thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao. Việt Nam có thể học hỏi từ mô hình này bằng cách áp dụng hợp tác công - tư để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Việc này không chỉ giúp giảm tải tài chính cho nhà nước mà còn tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn đầu tư vào Việt Nam.
Xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ: Các ĐTTM tại Mỹ thường chú trọng việc nâng cao trình độ lao động bằng cách đầu tư vào giáo dục và đào tạo. Chẳng hạn, New York triển khai các dự án công nghệ để nâng cao kỹ năng cho công nhân, đảm bảo rằng họ có thể sử dụng hiệu quả các công nghệ mới trong công việc của mình. Mô hình này có thể được áp dụng tại Việt Nam bằng cách xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và dịch vụ kỹ thuật số. Việc phát triển các trung tâm đào tạo và hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn sẽ giúp cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế số.
Giáo dục ý thức về công nghệ: Nhiều thành phố tại Mỹ đã tổ chức các sự kiện và chương trình giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân về công nghệ mới và các sáng kiến đô thị thông minh. Tại Việt Nam, việc tổ chức các hội thảo, triển lãm công nghệ và sự kiện cộng đồng có thể tạo ra cơ hội để người dân hiểu rõ hơn về các sáng kiến công nghệ, từ đó thúc đẩy việc chấp nhận và áp dụng công nghệ trong cuộc sống hàng ngày.
Về sự hỗ trợ của Chính phủ, nhiều quốc gia đã thiết lập các cơ quan hoặc văn phòng chuyên trách, cùng với các quỹ tài trợ xây dựng, phát triển đô thị thông minh. Ví dụ, New York City đã thành lập quỹ "NYC Tech Talent Pipeline" để đào tạo và thu hút nhân tài công nghệ, đồng thời hợp tác với các nhà đầu tư và doanh nghiệp để tài trợ cho các dự án công nghệ thông minh. Việt Nam nên thiết lập các cơ quan hoặc văn phòng chuyên trách tương tự để hỗ trợ và phối hợp các dự án ĐTTM, cùng với việc tạo ra các quỹ hỗ trợ và đào tạo nhân tài công nghệ, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các tổ chức doanh nghiệp và học thuật trong quá trình phát triển cũng như triển khai các sáng kiến công nghệ.
Hệ thống quản lý giao thông thông minh: Các cảm biến giao thông, hệ thống đèn tín hiệu thông minh, bãi đậu xe thông minh và các ứng dụng di động giúp cư dân theo dõi lưu lượng giao thông theo thời gian thực và tìm đường đi ngắn nhất. Việt Nam có thể áp dụng các hệ thống quản lý giao thông thông minh để cải thiện quản lý giao thông đô thị, như phát triển các hệ thống giám sát và điều khiển giao thông thời gian thực, tích hợp các phương tiện giao thông công cộng qua một thẻ thống nhất và sử dụng công nghệ để tối ưu hóa việc đỗ xe, điều hành giao thông. Việt Nam cũng cần phát triển các hệ thống thanh toán điện tử, triển khai các ứng dụng di động để cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ điều hướng.
Thứ năm, bài học kinh nghiệm về môi trường thông minh
Ô nhiễm môi trường: Việt Nam có thể áp dụng các mô hình và sáng kiến từ New York để quản lý ô nhiễm môi trường hiệu quả hơn. Các biện pháp bao gồm triển khai hệ thống đo lường ô nhiễm và sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu không gian có thể giúp nâng cao chất lượng môi trường đô thị và đảm bảo sự phát triển bền vững. Việt Nam cũng có thể học hỏi từ mô hình CityNoise bằng cách triển khai các hệ thống đo lường và quản lý tiếng ồn trong các thành phố lớn. Việc thực hiện các dự án tương tự có thể giúp giảm mức ô nhiễm tiếng ồn, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân đô thị.
Quản lý tài nguyên nước: Việc triển khai công nghệ cảm biến, IoT và các hệ thống quản lý nước thông minh có thể giúp giảm thiểu lãng phí, phòng chống lũ lụt, và bảo vệ nguồn nước một cách bền vững. TP. New York đã áp dụng công nghệ cảm biến và phân tích dữ liệu thời gian thực để quản lý nguồn nước và tiết kiệm chi phí. Việt Nam có thể học hỏi từ mô hình này bằng cách triển khai công nghệ cảm biến và đồng hồ tự động để quản lý tài nguyên nước, giảm thiểu lãng phí và bảo vệ nguồn nước hiệu quả hơn.
Nhà ở thông minh: Tại Mỹ, việc nâng cao tiện ích nhà ở thông qua ứng dụng công nghệ và dịch vụ công cộng là yếu tố quan trọng để cải thiện chất lượng sống của cư dân. Dự án City 24/7 tại New York cho thấy nền tảng tương tác tích hợp thông tin có thể đóng vai trò trung tâm trong việc kết nối cư dân với các dịch vụ và cơ hội trong cộng đồng. Việt Nam có thể học hỏi từ những kinh nghiệm quốc tế này bằng cách phát triển các nền tảng công nghệ tương tác, tạo ra các nền tảng kết nối cư dân với các dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng, đồng thời khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong quá trình hoạch định và phát triển đô thị.
Y tế thông minh: Việc quản lý ô nhiễm và chất lượng môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng. Chính sách ĐTTM của New York bao gồm cả lĩnh vực sức khỏe, nhằm cải thiện dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Việt Nam có thể học hỏi từ các chiến lược này bằng cách cải thiện quản lý ô nhiễm và chất lượng môi trường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Những bài học này có thể giúp Việt Nam tiến bước trên con đường phát triển các ĐTTM, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường bền vững cho người dân.
Châu Thị Tâm
Trường Đại học Kinh tế Nghệ An
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2024)
Tài liệu tham khảo
1. Công văn số 4387/TTr-BXD ngày 1/8/2024 của Bộ Xây dựng về báo cáo hình triển khai ĐTTM bền vững năm 2023.
2. ICTnews. (2018). Phác thảo mô hình thành phố thông minh của Việt Nam trong tương lai, http://smartcity.vinasa.org.vn/vi/phac-thaomo-hinh-thanh-pho-thong-minh-cua-viet-nam-trong-tuong-lai/.
3. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2018), “Vai trò của ĐTTM trong cạnh tranh đô thị”, Hội thảo quốc gia tại Hà Nội: Phát triển đô thị xanh - thông minh và hợp tác công tư.
4. Nguyễn Huy Khanh (2021). Chuyển đổi số để xây dựng thành phố thông minh hơn. Tạp chí Cơ sở dữ liệu chuyển đổi số ngành xây dựng, số 2, tr. 18-21.
5. Tiến Long (2021). Phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Tạp chí Con số và sự kiện, số 3, tr.31-33.
6. https://eco-smart.biz/vi/do-thi-thong-minh-la-gi, truy cập ngày 1/10/2024.
7. Giffinger, R., Fertner, C., Kramar, H., Kalasek, R., Pichler-Milanović, N., & Meijers, E. (2007). Smart cities Ranking of European medium-sized cities. Vienna University of Technology.
8. US City Decision Maker Survey - A Collaborative project run by IHS Markit and the US Conference of Mayors”, 6/2018.