03/01/2025
Ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm trong môi trường biển đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và cộng đồng. Để ứng phó với tình hình trên, cộng đồng quốc tế, thông qua Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC) đang xây dựng một văn bản ràng buộc về mặt pháp lý để giải quyết ô nhiễm nhựa. Kỳ họp thứ năm của INC (INC-5) tại Busan, Hàn Quốc vừa được tổ chức từ ngày 25/11 đến 1/12/2024 với sự tham dự của hơn 3.300 đại biểu bao gồm các thành viên đại diện cho hơn 170 quốc gia và quan sát viên từ hơn 440 tổ chức với mục tiêu hoàn thiện và phê duyệt một Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Tuy nhiên, khi kỳ họp khép lại đã không có một bản thỏa thuận nào được ký kết, ngoại trừ việc gia hạn các cuộc đàm phán.
Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa chưa được thông qua tại INC5
Vào tháng 3/2022, tại kỳ họp thứ năm của Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-5.2), một nghị quyết lịch sử đã được thông qua nhằm xây dựng một văn bản ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả trong môi trường biển. Nghị quyết (5/14) yêu cầu Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) triệu tập một INC để xây dựng văn bản dựa trên phương pháp tiếp cận toàn diện giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa, bao gồm sản xuất, thiết kế và xử lý nhựa.
INC bắt đầu hoạt động vào nửa cuối năm 2022, với tham vọng hoàn tất đàm phán vào cuối năm 2024. Phiên họp đầu tiên của INC (INC-1) diễn ra tại Punta del Este, Uruguay, từ ngày 28/11 - 2/12/2022. Tiếp theo là phiên họp thứ hai (INC-2) từ ngày 29/5 đến ngày 2/6/2023 tại Paris, Pháp. Phiên họp thứ ba (INC-3) đánh dấu điểm giữa của quá trình từ ngày 13 -19/11/2023 tại Nairobi, Kenya. Phiên họp thứ tư (INC-4) từ ngày 23 - 29/4/2024 tại Ottawa, Canada. Và mới đây là kỳ họp thứ năm (INC-5) đã diễn ra từ ngày 25/11 - 1/12/2024 tại Busan, Hàn Quốc. Đây là thời điểm quyết định cho các nhà lãnh đạo đưa ra các hành động mạnh mẽ mang tính toàn cầu và có tính ràng buộc đối với toàn bộ vòng đời nhựa để bảo vệ sức khỏe con người và thiên nhiên. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đã không đạt được kỳ vọng như mong muốn tại kỳ đàm phán cuối cùng INC-5 này; đó là thực hiện cam kết đã tuyên bố tại Kỳ họp lần thứ 5 tiếp nối của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-5.2) nhằm chấm dứt khủng hoảng nhựa và khôi phục môi trường; mà chỉ đạt được những thỏa thuận về cấu trúc và các yếu tố của văn bản hiệp ước, cũng như hiểu rõ hơn về lập trường của các quốc gia và những thách thức chung.
Theo đó, các quốc gia sản xuất dầu mỏ như Nga và Saudi Arabia đã phản đối việc hạn chế sản xuất nhựa. Iran cho biết có một khoảng cách lớn giữa các bên, trong khi Nga cảnh báo rằng nỗ lực đạt được một hiệp ước hạn chế rác thải nhựa đang gặp rào cản từ tham vọng quá lớn của một số bên. Hai nhà sản xuất nhựa hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Mỹ vẫn im lặng về lập trường của họ trước công chúng. Nhìn chung, sự chia rẽ giữa các quốc gia lớn đến mức họ vẫn chưa thống nhất về cách thức thông qua bất kỳ quyết định nào - thông qua nguyên tắc đồng thuận hay bỏ phiếu theo đa số.
Trong khi các quốc gia đang trong quá trình đàm phán về xây dựng một Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa, thì ô nhiễm nhựa đã và đang tiếp tục tàn phá hành tinh và hủy hoại các hệ sinh thái, làm suy giảm quần thể động vật hoang dã, góp phần gia tăng biến đổi khí hậu. Mỗi ngày, chúng xâm nhập vào cơ thể con người qua các con đường môi trường không khí, thức ăn và nguồn nước uống. Cùng với khối lượng khổng lồ chất thải nhựa đã tích tụ trong tự nhiên từ những năm 1950 khi nhựa bắt đầu được sản xuất, chỉ trong 2 năm sau khi các phiên đàm phán được khởi xướng, có tới 20 triệu tấn chất thải nhựa đã xâm nhập vào đại dương [1]. Thảm họa này sẽ tiếp tục gia tăng, nếu như các quốc gia không thống nhất được một Hiệp ước toàn cầu hiệu quả và công bằng về chấm dứt ô nhiễm nhựa.
Cần đảm bảo các biện pháp cần thiết cho một Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa
Để đạt được một bản Hiệp ước toàn cầu, các quốc gia cần theo đuổi các nghĩa vụ bắt buộc trên toàn cầu, đồng thời đảm bảo phương tiện cần thiết để tất cả các bên liên quan có thể thực hiện. Quan trọng hơn, Hiệp ước này cần được thiết kế để củng cố các biện pháp và tăng cường nỗ lực quốc gia theo thời gian. Xét một cách tổng thể, bất kỳ một thỏa thuận nào đạt được đều phải quy định một lộ trình đáng tin cậy hướng tới việc giảm sản xuất và tiêu thụ nhựa, đồng thời phải đưa ra được các nghĩa vụ cụ thể để loại bỏ triệt để các thành phần vật chất có vấn đề trong chuỗi giá trị nhựa và đảm bảo các loại nhựa được tiếp tục sản xuất sẽ an toàn trong tái sử dụng và tuần hoàn. Với mục đích đó, WWF đã chỉ ra 4 thành tố để các nhà lãnh đạo trên thế giới đàm phán trong các kỳ họp tiếp theo và đưa ra được một Hiệp ước cần thiết nhằm bảo vệ con người và thiên nhiên,
Cấm và loại bỏ dần nhựa có hại và hóa chất liên quan trên phạm vi toàn cầu
Ở giai đoạn đầu, Hiệp ước cần đưa ra các lệnh cấm và loại bỏ có tính ràng buộc đối với các hóa chất và sản phẩm nhựa có hại hoặc có khả năng thay thế. Các quốc gia cần đồng ý với các tiêu chí toàn cầu dựa trên bằng chứng khoa học và danh sách ban đầu các sản phẩm nhựa và hóa chất có hại có thể bị cấm ngay lập tức và loại bỏ dần. Các sản phẩm nhựa được thiết kế sử dụng một lần (nhựa dùng một lần) chiếm khoảng 60% sản lượng nhựa toàn cầu và 70% chất thải đại dương [2]; đa số những sản phẩm này có thể gây hại cho sức khỏe con người và/hoặc khó tái chế, vì vậy cần có giải pháp khẩn cấp.
Các tiêu chí chính cần có trong các lệnh cấm và loại bỏ, đó là các sản phẩm nhựa có nguy cơ cao xâm nhập vào môi trường, không phù hợp trong nền kinh tế tuần hoàn hoặc có thể gây ra ô nhiễm nghiêm trọng; các hóa chất trong sản phẩm nhựa có nguy cơ gây hại cho sinh vật sống - chất gây ung thư, chất gây đột biến hoặc ngộ độc sinh sản (CRM), chất gây rối loạn nội tiết hoặc gây độc tính (bao gồm: khả năng tồn lưu, tích lũy sinh học và tính di động của chất, cùng các tiêu chí khác).
Hiệp ước cũng cần đưa ra các mốc thời gian và mục tiêu loại bỏ dần cụ thể, cũng như các yêu cầu về tính minh bạch và công bố thông tin, để đảm bảo việc loại bỏ hoàn toàn các hóa chất và sản phẩm nhựa có hại này trong chuỗi giá trị nhựa. Các nhóm sản phẩm và hóa chất khác nằm trong các tiêu chí cần loại bỏ sẽ tiếp tục được theo dõi và đánh giá để bổ sung vào danh sách cấm và loại bỏ dần trong tương lai nếu cần thiết.
Các yêu cầu thiết kế sản phẩm mang tính toàn cầu và ràng buộc giữa các hệ thống cho việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn
Hiệp ước phải thiết lập các yêu cầu mang tính ràng buộc và toàn cầu về thiết kế, hiệu suất sản phẩm để đảm bảo giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế an toàn đối với các loại nhựa còn lại. Việc thiết lập các tiêu chí này phải song hành với việc tập trung chuyên sâu vào việc thiết lập các hệ thống cần thiết để xúc tiến việc thu gom, tái sử dụng và tái chế. Bước đầu, các biện pháp này nên hướng tới sản phẩm được tiêu thụ với khối lượng lớn, có khả năng gây ô nhiễm và gây ra nhiều tác hại hơn do thiết kế của của các sản phẩm này, chẳng hạn như chai đựng đồ uống và hộp đựng thực phẩm. Các yêu cầu ban đầu nên tập trung vào khả năng tái sử dụng và tái chế của các sản phẩm nhựa ưu tiên, nhựa tái sinh, và việc thiết lập các hệ thống thiết yếu để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.
Việc thiết lập các tiêu chí toàn cầu hài hòa cho thiết kế sản phẩm sẽ cung cấp cho khu vực tư nhân các hướng dẫn rõ ràng và nhất quán, tạo ra một sân chơi bình đẳng và đảm bảo quy định để hài hòa với các chiến lược đổi mới và kế hoạch đầu tư của họ. Tiêu chí về khả năng tái sử dụng sản phẩm và các hệ thống tái sử dụng sẽ tối ưu hóa hiệu quả vật liệu và thay thế đáng kể các sản phẩm dùng một lần, giúp việc tránh (và loại bỏ dần) nhựa dùng một lần và giảm tỷ lệ ô nhiễm trở nên khả thi hơn. Ngay từ đầu, các nghĩa vụ về thiết kế sản phẩm phải đặt nền tảng cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn không độc hại. Để đảm bảo quá trình chuyển đổi hiệu quả, các yêu cầu và hướng dẫn kỹ thuật bổ sung cho các hệ thống cần thiết - chẳng hạn như hệ thống tái sử dụng và các chương trình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) - và các thay đổi mang tính hệ thống sẽ cần thiết sau khi Hiệp ước được thông qua, dựa trên các nghĩa vụ ban đầu. Là một phần trong những cải thiện trong tương lai, ngoài các tiêu chí chung cho tất cả các loại nhựa, các nước thành viên nên xây dựng và thông qua các tiêu chí được điều chỉnh phù hợp và cụ thể theo từng ngành cho các ngành ưu tiên góp phần gây ô nhiễm nhựa như: bao bì, nghề cá và nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, dệt may và vận tải.
Dòng tài chính phù hợp và đủ nguồn lực cho sự thay đổi hệ thống
Hiệp ước phải bao gồm một gói tài chính toàn diện tận dụng mọi nguồn lực hiện có và phù hợp với các dòng tài chính, bao gồm cả tài chính công và tư, phù hợp với các mục tiêu của và việc thực hiện các biện pháp của Hiệp ước. Gói tài chính này sẽ đảm bảo hỗ trợ tài chính đầy đủ, công bằng, có thể dự tính và dễ tiếp cận để cho phép tất cả các quốc gia thành viên thực hiện hiệu quả Hiệp ước. Nguồn tài chính cần
thiết để hỗ trợ thực hiện Hiệp ước là lớn, nhưng chi phí để khắc phục hậu quả nếu không hành động gì (tức là tiếp tục kinh doanh như thường lệ) còn lớn hơn nhiều, đặc biệt là đối với các quốc gia có thu nhập thấp [3,4,5]. Để đạt được mục tiêu của Hiệp ước về chấm dứt ô nhiễm nhựa, các hoạt động công và tư cũng như dòng tài chính phải phù hợp với các nghĩa vụ cốt lõi của Hiệp ước. Điều này không chỉ là huy động và phân phối nguồn tài chính bổ sung - đặc biệt để triển khai ở các nước có thu nhập thấp - nhằm giảm ô nhiễm nhựa, mà còn ngăn chặn các dòng tài chính có hại góp phần gây ra ô nhiễm nhựa.
Để bổ sung cho gói tài chính, Hiệp ước phải đảm bảo cung cấp các nguồn lực phi tài chính để xúc tiến thực hiện một cách hiệu quả, đặc biệt là thông qua chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực. Chia sẻ các thực hành tốt nhất, cung cấp các chương trình đào tạo và thúc đẩy hợp tác quốc tế sẽ tối đa hóa tác động của mọi hỗ trợ tài chính, đồng thời tăng cường năng lực kỹ thuật và công nghệ của tất cả các quốc gia để cùng nhau chống lại ô nhiễm nhựa.
Cơ chế ra quyết định đảm bảo có thể điều chỉnh và tăng cường các biện pháp thực hiện theo thời gian
Hiệp ước phải bao gồm các cơ chế cho phép tăng cường các biện pháp kiểm soát và các biện pháp thực hiện ngoài việc phải thích ứng thực hiện Hiệp ước. Các biện pháp ưu tiên được đề xuất hiện nay cung cấp cơ sở vững chắc cho hành động toàn cầu; nhưng để đạt được mục tiêu cuối cùng là chấm dứt ô nhiễm nhựa, các quốc gia phải dần mở rộng và tăng cường nỗ lực theo thời gian, xem xét đến những bằng chứng khoa học mới, đánh giá và giám sát hiệu quả của Thỏa thuận. Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn không độc hại, phù hợp với giới hạn của trái đất và ưu tiên các hệ thống tái sử dụng và tái chế chất lượng cao sẽ khuyến khích việc giữ lại vật liệu trong nền kinh tế và giảm nhu cầu về các sản phẩm nhựa dùng một lần có thời gian sử dụng ngắn. Để đạt được mục tiêu dài hạn này, chúng ta sẽ cần liên tục phát triển và áp dụng các biện pháp quản lý toàn bộ vòng đời của nhựa. Để chuẩn bị cho việc tăng cường theo thời gian, ưu tiên hàng đầu của Hiệp ước là phải đưa ra các yêu
cầu về thu thập dữ liệu, cơ chế báo cáo minh bạch và đánh giá thường xuyên để theo dõi tiến độ và xác định các lĩnh vực cần cải thiện. Ngoài ra, cần có cơ chế cho phép các chuyên gia đưa ra khuyến nghị kỹ thuật cho cơ quan ra quyết định dựa trên bằng chứng khoa học tin cậy và kiến thức, công nghệ mới. Điều quan trọng là, Hiệp ước phải bao gồm các điều khoản quy định rõ cách thức để các quốc gia thành viên có thể đưa ra quyết định về việc bổ sung hoặc sửa đổi cần thiết đối với Hiệp ước - để tăng cường các quy tắc hiện hành bằng cách mở rộng các phụ lục và để thông qua các quy tắc ràng buộc mới, nếu cần thiết. Hiệp ước cần đưa ra các điều khoản cho phép bỏ phiếu trong trường hợp không đạt được sự đồng thuận.
Lê Thị Hường
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2024)
Tài liệu tham khảo
1. Quỹ Pew Charitable Trusts. 2020. Báo cáo Breaking the Plastic Wave.
2. WWF, 2023, Nghiên cứu phân tích các sản phẩm nhựa rủi ro cao.
3. WWF, 2021. Nhựa: Chi phí đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế.
4. Tổ chức Hợp tác Bắc Âu. 2022. Thỏa thuận toàn cầu ngăn chặn ô nhiễm nhựa: Khám phá các nguồn lực tài chính.
5. WWF, 2023. Báo cáo “Ai trả tiền cho ô nhiễm nhựa: Tạo điều kiện cho công bằng toàn cầu trong chuỗi giá trị nhựa".