Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Xây dựng thủ đô Hà Nội trở thành thành phố Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại

12/09/2014

 

 

     Trong những năm gần đây, nền kinh tế Thủ đô đã tăng trưởng nhanh chóng, đồng thời cũng tạo nên những áp lực và hệ lụy đối với đa dạng sinh học (ĐDSH). Ngoài những tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, các hoạt động kinh tế - xã hội của Hà Nội cũng gây ảnh hưởng tới ĐDSH của Thủ đô. Các hệ sinh thái (HST) tự nhiên bị thu hẹp dần, nhiều loài đặc hữu, quý hiếm trong tự nhiên có nguy cơ tuyệt chủng. Các nguồn gen cũng đang trên đà thoái hóa và mất dần.

     Thực hiện Luật Đa dạng sinh học 2008, Chiến lược quốc gia về ĐDSH và những cam kết quốc tế về ĐDSH mà Việt Nam tham gia, UBND TP Hà Nội đã lập Quy hoạch bảo tồn ĐDSH TP. Hà Nội đến năm 2030 và được phê duyệt tại Nghị quyết số 06/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014. Quy hoạch bảo tồn ĐDSH TP. Hà Nội góp phần thực hiện mục tiêu quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

 

Công viên Bách Thảo - Lá phổi xanh của TP. Hà Nội

 

     Mục tiêu chung của Quy hoạch là đảm bảo các HST tự nhiên quan trọng, đặc thù của Hà Nội, các loài và nguồn gen quý hiếm, tài nguyên rừng… được bảo tồn, phát triển, sử dụng hợp lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP. Hà Nội theo hướng bền vững. Theo đó, các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 là: Phối hợp bảo tồn và phát triển 3 khu bảo tồn (KBT) ĐDSH hiện có do Trung ương quản lý trên địa bàn Hà Nội; thành lập mới 7 KBT và chuyển đổi rừng đặc dụng Hương Sơn thành khu bảo vệ cảnh quan cấp TP; trồng rừng và cây phân tán để đưa tỷ lệ che phủ rừng lên 7,7%; Bảo vệ và phát triển HST tự nhiên bao gồm HST trảng cỏ, cây bụi và HST đất ngập nước; giữ nguyên số lượng và tập trung cải tạo cảnh quan, chất lượng nước một số hồ tự nhiên và nhân tạo trong TP; Ưu tiên bảo vệ và phát triển các nguồn gen quý hiếm, các loài cây trồng vật nuôi đặc sản của TP. Hà Nội; Phấn đấu 100% các loài ngoại lai trên địa bàn TP được đưa vào danh mục kiểm soát và được cập nhật định kỳ theo ba nhóm danh mục: danh mục trắng (được phép nuôi, trồng), xám (được phép nuôi trồng có điều kiện), đen (cấm nuôi, trồng) và có các biện pháp quản lý phù hợp…

     1. Quy hoạch hệ thống các KBT, cơ sở bảo tồn và các nguồn gen

     Giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020

     Phối hợp bảo tồn, phát triển 3 KBT ĐDSH trên địa bàn TP do Trung ương quản lý gồm có VQG Ba Vì (Diện tích thuộc Hà Nội khoảng 7.377 ha do Bộ NN&PTNT quản lý); Khu rừng bảo vệ cảnh quan đặc biệt Di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, Ba Vì (diện tích tự nhiên khoảng 234 ha do Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quản lý); Khu vực ngã ba sông Đà, sông Lô, sông Thao (diện tích tự nhiên thuộc địa bàn Hà Nội khoảng 1.540 ha, là KBT vùng nước nội địa nằm trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội do Bộ TN&MT quản lý).

     Chuyển đổi và thành lập mới 4 KBT ĐDSH thuộc TP: Chuyển đổi rừng đặc dụng Hương Sơn thành khu bảo vệ cảnh quan Hương Sơn nhằm bảo vệ và phát triển các HST rừng tự nhiên, đặc biệt là rừng trên núi đá vôi, bảo vệ di tích lịch sử, phát triển du lịch sinh thái, tâm linh, bảo tồn nguồn gen quý hiếm như mơ Hương Tích, rau sắng và các loài động thực vật quý hiếm. Bên cạnh đó thành lập KBT loài- sinh cảnh hồ Hoàn Kiếm nhằm bảo vệ loài rùa hồ Gươm và nhiều loài thủy sinh vật khác, bảo vệ di sản văn hóa, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường phục vụ du lịch, giáo dục, nghiên cứu; thành lập khu bảo vệ cảnh quan Vật Lại (nằm trên địa bàn thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì) nhằm bảo vệ và phát triển HST rừng tự nhiên và bảo vệ di tích lịch sử cấp quốc gia - nơi lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đồi Đồng Vàng; thành lập khu bảo vệ cảnh quan Hồ Tây nhằm bảo vệ sinh thái hồ tự nhiên, bảo vệ các loài hoang dã (sâm cầm, cò), bảo vệ di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, phục vụ du lịch, giáo dục, nghiên cứu.

     Phát triển và nâng cấp 3 cơ sở bảo tồn do TP quản lý đó là Vườn Bách Thảo Hà Nội với mục đích bảo tồn và phát triển nhiều loài cây quý hiếm phục vụ cho công tác nghiên cứu; Vườn thú Hà Nội với mục đích bảo tồn và phát triển nhiều loài đặc hữu quý hiếm nằm trong sách Đỏ Việt Nam; Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn với mục đích cứu hộ, chăm sóc, điều trị, phục hồi nhằm bảo tồn, nhân nuôi sinh sản các loài động vật hoang dã trong điều kiện nuôi nhốt bán tự nhiên. Đồng thời phối hợp bảo tồn và phát triển 2 hệ thống bảo tồn gen do các cơ quan Trung ương quản lý gồm có nguồn gen vật nuôi tại ngân hàng gen Viện chăn nuôi quốc gia tại xã Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm với mục đích bảo tồn vật liệu di truyền của các giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao; hệ thống bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật quốc gia tại Trung tâm tài nguyên thực vật nông nghiệp ở Km 9, Đại lộ Thăng Long huyện Hoài Đức với mục đích duy trì và phát triển ngân hàng gen thực vật.

     Bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ các nguồn gen quý hiếm, gen đặc sản: Phát triển và bảo tồn tại chỗ các nguồn gen cây ăn quả như cam Canh, bưởi Diễn, bưởi Đường Quế Dương, nhãn muộn Hà Tây, hồng xiêm Xuân Đỉnh, bưởi đỏ Tháng 10, phật thủ Đắc Sở, khế Bắc Biên, mít na Ba Vì, ổi Đông Dư, mơ Hương Tích và các giống hoa cây cảnh như sen Hồ Tây, đào Nhật Tân, địa Lan Kiếm. Bên cạnh đó phát triển và bảo tồn chuyển chỗ một số nguồn gen quý hiếm, gen đặc sản cây ăn quả ở huyện Chương Mỹ, huyện Hoài Đức; nguồn gen rau quý hiếm vào vùng sản xuất rau an toàn, rau cao cấp như rau muống Linh Chiểu, húng Láng, khoai tây Thường Tín, cải Đông Dư, cải mơ Hà Nội, cải mào gà ở Tiền Yên, Vân Côn, Song Phương, Yên Sở; hoa cây cảnh ở huyện Mê Linh, Sóc Sơn.

     Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025

     Thành lập mới 2 KBT ĐDSH cấp TP, đó là Khu bảo vệ cảnh quan Chùa Thầy với mục đích là bảo vệ và phát triển HST rừng trên núi đá vôi và di tích lịch sử cấp quốc gia Chùa Thầy, phát triển du lịch tâm linh; và Khu bảo vệ cảnh quan Quan Sơn với mục đích bảo vệ các HST rừng tự nhiên, đặc biệt HST rừng trên núi đá vôi, các nguồn gen động thực vật rừng quý hiếm, các đặc sản rừng, bảo vệ HST vùng đất ngập nước.

     Phát triển và nâng cấp 2 cơ sở bảo tồn gen do TP quản lý, phối hợp bảo tồn phát triển 1 cơ sở bảo tồn nguồn gen và 1 vườn cây thuốc do Trung ương quản lý. Theo đó bảo tồn và phát triển vườn thực vật Bắc Từ Liêm với mục đích bảo tồn gen bưởi Diễn, cam Canh; Bảo tồn quần thể cây lim cổ thụ tại Đền Và với mục đích bảo tồn nguồn gen cây lim cổ thụ; Phối hợp bảo tồn và phát triển hệ thống ngân hàng lưu trữ nguồn gen dược liệu tại Viện Dược liệu với mục đích bảo tồn giống một số loài thuốc quý; Phối hợp bảo tồn và phát triển vườn cây thuốc tại Hà Nội với mục đích bảo tồn và gây trồng 65 loài cây thuốc quý hiếm.

     Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030

     Thành lập mới 2 KBT ĐDSH cấp TP, gồm: Khu bảo vệ cảnh quan Đồng Mô - Ngải Sơn với diện tích tự nhiên khoảng 900 ha với mục đích bảo vệ và phát triển HST rừng nhiệt đới thường xanh cây lá rộng ở độ cao 600m; bảo vệ và duy trì giá trị ĐDSH, bảo tồn các loài hoang dã; bảo vệ di sản văn hóa, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và BVMT. Khu bảo vệ cảnh quan hồ suối Hai với diện tích tự nhiên khoảng 1.200 ha với mục đích bảo tồn và phát triển HST rừng nhiệt đới lá rộng thường xanh ở độ cao dưới 600m, duy trì giá trị ĐDSH, thủy sinh của các HST đất ngập nước hồ suối Hai; bảo vệ di sản văn hóa, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và BVMT cùng các hoạt động giáo dục, nghiên cứu phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch.

     Phối hợp bảo tồn phát triển 2 cơ sở bảo tồn nguồn gen do Trung ương quản lý gồm Công ty giống cây trồng thuộc Công ty giống cây trồng lâm nghiệp Trung ương và Vườn thực vật Núi Luốt.

     2. Quy hoạch HST tự nhiên

     Bảo tồn HST rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới cây lá rộng trên núi đất (độ cao dưới 600m) với diện tích khoảng 6.770,53ha phân bố rải rác ở các khu vực hồ Đồng Mô, hồ Suối Hai, Đầm Long; các xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân huyện Thạch Thất; các xã Đồng Xuân, Hòa Thạch huyện Quốc Oai; xã Nam Phương Tiến huyện Chương Mỹ với mục đích là bảo vệ và phát triển nguồn gen tự nhiên quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa, duy trì và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng cho TP; trồng và phát triển mới các loài phù hợp với đặc điểm và điều kiện sinh trưởng.

 

Ba đỉnh núi cao nhất trong dãy núi Ba Vì: núi Vua (1,296 m),

núi Tản Viên (1,226 m) và Ngọc Hoa (1,120 m)

 

     Bảo vệ HST rừng trên núi đá vôi với diện tích là 3.596,32 ha và phát triển thêm 675,86 ha diện tích này đã được quy hoạch trong 3 KBT sinh thái của TP là Khu rừng đặc dụng Hương Sơn, Khu bảo vệ cảnh quan Chùa Thầy, Khu bảo vệ cảnh quan Quan Sơn.

     Bảo vệ và phát triển HST rừng hỗn giao tre nứa- gỗ với diện tích khoảng 15,11 ha, phân bố ở khu vực Ao Vua (phía Bắc xã Ba Vì, huyện Ba Vì) với mục đích bảo tồn trồng và phát triển, tạo môi trường xanh cho TP, dần thiết lập các vành đai xanh, xóa thế cô lập cho các KBT.

     Bảo vệ và phát triển HST trảng cỏ cây bụi nằm trong các KBT đã có hoặc thành lập mới (410,7ha) để phục hồi phát triển thành rừng.

     Bảo tồn 100% diện tích HST đất ngập nước trong các KBT nhằm bảo vệ và phát triển các giống loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế và khoa học cao, bảo đảm cân bằng sinh thái. Ngoài ra, còn phục vụ mục đích du lịch, nghiên cứu, giáo dục, BVMT sinh thái, điều hòa khí hậu, nâng cao chất lượng sống của dân cư đô thị.

     3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

     Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích và trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn ĐDSH, đặc biệt là cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các KBT.

     Phân định rõ hệ thống cơ quan và chức năng quản lý nhà nước về ĐDSH. Thực hiện phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương. Tăng cường công tác thực thi pháp luật, chế tài xử lý các hành vi vi phạm Luật ĐDSH.

     Xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý của đội ngũ làm công tác bảo tồn ĐDSH các cấp, các ngành của TP.

     Nghiên cứu, điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý bảo tồn ĐDSH. Triển khai thí điểm các mô hình hỗ trợ người dân sống hợp pháp trong KBT và vùng đệm nhằm thực hiện hiệu quả quy hoạch ĐDSH. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng địa phương tham gia thực hiện quy hoạch bảo tồn ĐDSH.

     Điều tra, xác định các vùng có HST tự nhiên quan trọng, nhạy cảm, dễ bị tổn thương, bị suy thoái để có kế hoạch bảo vệ và phục hồi. Thực hiện việc quy hoạch chi tiết và thành lập các KBT mới theo quy định của Luật ĐDSH.

     Xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án điều tra, nghiên cứu khoa học làm cơ sở xác định, đề xuất các biện pháp bảo vệ cụ thể đối với từng hạng, loại KBT, cơ sở bảo tồn ĐDSH. Tăng cường nghiên cứu sử dụng các phương pháp, công cụ và áp dụng các mô hình mới, đặc biệt là phương pháp tiếp cận dựa vào HST thích ứng với biến đổi khí hậu trong công tác quản lý các KBT, cơ sở bảo tồn ĐDSH.

     Xây dựng nội dung, kế hoạch lồng ghép quy hoạch bảo tồn ĐDSH của TP cùng với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển lâm nghiệp, quy hoạch phát triển các ngành có liên quan, kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH.

     Huy động các nguồn lực tài chính để triển khai các chương trình dự án bảo tồn ĐDSH TP Hà Nội, bao gồm ngân sách Nhà nước, nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Kinh phí ngân sách để thực hiện các dự án ưu tiên đến năm 2030 khoảng 73,5 tỷ đồng.

     Tăng cường hợp tác với các tỉnh, TP trong cả nước, hợp tác quốc tế nhằm thu hút các nguồn tài trợ về tài chính và kỹ thuật.

 

Đặng Huy Huỳnh

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Nguồn: tạp chí Môi trường, số 8/2014

 

Ý kiến của bạn