Banner trang chủ

Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ không gian, truyền thông không gian trong phát triển bền vững tại Việt Nam

16/07/2025

    Từ ngày 16 - 18/7/2025, tại Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì, phối hợp với Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc tế “Truy cập không gian thông minh và ứng dụng” (IAAA 2025). Hội thảo quy tụ đại biểu đến từ gần 50 trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu trong và ngoài nước, cùng các chuyên gia, nhà khoa học uy tín quốc tế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, truyền thông, cảm biến và dữ liệu lớn. Đặc biệt, Hội thảo có sự góp mặt của các diễn giả uy tín trên thế giới, có nhiều công trình công bố được xếp thứ hạng cao trong lĩnh vực liên quan, đến từ Mỹ, Đức, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản… trình bày những nghiên cứu đột phá, chia sẻ xu hướng mới nhất về công nghệ không gian, cảm biến, trí tuệ nhân tạo (AI) và ứng dụng của chúng trong phát triển bền vững, hiện đại hóa nền nông nghiệp cũng như một số ngành công nghiệp khác.

TS. Nguyễn Công Tiệp, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Công Tiệp, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Hội thảo quốc tế “Truy cập Không gian thông minh và ứng dụng” (IAAA 2025) được tổ chức nhằm thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ không gian, truyền thông không gian trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, đô thị cũng như các ngành liên quan, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tạo diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và sinh viên cùng trao đổi, chia sẻ nghiên cứu mới nhất, thúc đẩy hợp tác liên ngành và ứng dụng công nghệ không gian trong phát triển bền vững, hiện đại hóa nền nông nghiệp công nghiệp, đô thị và các ngành liên quan ở Việt Nam. Mặt khác, sự kiện còn góp phần thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.

    Theo TS. Nguyễn Công Tiệp, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận các chủ đề về truy cập không gian thông minh, mạng lưới không gian, cảm biến từ xa, AI và ứng dụng thực tiễn trong cuộc sống, sản xuất. Đặc biệt, Hội thảo năm nay có sự tham gia của nhiều giáo sư nổi tiếng đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới, sẽ trình bày các bài keynote quan trọng, mở ra các xu hướng nghiên cứu và hợp tác mới. Hơn nữa, với 39 bài trình bày báo cáo khoa học tại Hội thảo, được chọn lọc từ gần 100 bài đăng ký (được xuất bản trong bộ Lecture Notes in Networks and Systems (LNNS) của nhà xuất bản Springer, thuộc danh mục Scopus, góp phần lan tỏa giá trị khoa học của hội thảo đến cộng đồng học thuật toàn cầu), thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng khoa học quốc tế đối với chủ đề này.

    “Với vai trò là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn cam kết đồng hành cùng các nhà khoa học, các đối tác trong và ngoài nước để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ phục vụ nền nông nghiệp thông minh, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và mở rộng thị trường xuất khẩu” - TS. Nguyễn Công Tiệp nhấn mạnh.

    Ông Phạm Quang Dũng, quyền Trưởng khoa Công nghệ thông tin (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, IAAA 2025 sẽ cho thấy bức tranh phát triển của các phần mềm, phần cứng, thuật toán trong truy cập không gian thông minh, ứng dụng trong các lĩnh vực đời sống xã hội, phát triển đô thị, nông nghiệp nông minh. Việc thu hút các nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước sẽ mở ra cơ hội hợp tác cho học viện, tạo thêm cơ hội tiếp cận những công nghệ, ứng dụng mới cho các em sinh viên.

Quang cảnh Hội thảo

    Tham dự Hội thảo, các đại biểu được lắng nghe tham luận về các chủ đề: Phần cứng và đo lường không gian; truy cập, ứng dụng không gian thông minh; truyền thông, mạng lưới không gian; quản lý chất lượng dịch vụ; đảm bảo an ninh và quyền riêng tư; cảm biến từ xa thông minh… Đáng chú ý, Hội thảo vinh dự có sự tham gia của 6 diễn giả danh tiếng đến từ Canađa, Đức, Mỹ, Pháp, Nhật Bản với những thông tin khoa học cập nhật mới nhất liên quan. Cụ thể, GS. Trung Q. Dương, Đại học Memorial University, Canađa trình bày tham luận “Học máy lượng tử và tối ưu hóa cho mạng 6G”, đề cập đến những tiến bộ vượt bậc trong học máy và tối ưu hóa lượng tử, đồng thời cung cấp tổng quan toàn diện về tiềm năng của nó thông qua cách tiếp cận phương pháp học máy; GS. My T. Thai, Đại học Florida, Mỹ trình bày tham luận với chủ đề “Federated Learning”- hứa hẹn phát triển hay còn là ảo ảnh; diễn giả Gottfried Vossen, Đại học Münster, Đức trình bày tham luận với chủ đề “Khi AI bay lên không gian. AI tạo sinh (GenAI) đã cho thấy tiềm năng biến đổi trong một loạt các ứng dụng - từ tạo văn bản, lập trình đến tạo hình ảnh và video”; GS. Sylvain Guilley, Secure-IC S.A.S., Pháp trình bày tham luận “Bảo mật trong trung tâm dữ liệu cho ứng dụng AI”, khẳng định an ninh mạng là chìa khóa và đòi hỏi sự tận dụng của nhiều công nghệ, phải được tích hợp liền mạch vào các nhà máy dữ liệu hoạt động trong điều kiện luồng dữ liệu chặt chẽ; GS. Koichiro Ishibashi, The University of Electro -Communications, Nhật Bản trình bày chủ đề “Cảm biến Beat và mã hóa dữ liệu nhẹ cho các cảm biến IoT cho công suất lớn và tầm xa”.

    Tại phần thảo luận xoay quanh các nội dung về phần cứng và đo lường không gian; truy cập dữ liệu thông minh; cảm biến từ xa; bảo mật dữ liệu; mạng lưới truyền thông không gian và đảm bảo chất lượng dịch vụ… các chuyên gia, đại biểu đã tập trung phân tích, bàn luận về những thách thức/cơ hội mới trong việc áp dụng AI vào sản xuất, quản lý, chuỗi cung ứng trong xã hội hiện đại, đặc biệt bối cảnh cả nước thực hiện theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trần Tân - Bùi Hằng

Ý kiến của bạn