Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Chính sách quản lý ô nhiễm nước tại Nhật Bản

24/06/2014

     Trong những năm qua, bên cạnh các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, Nhật Bản đã đạt được nhiều kết quả trong lĩnh vực BVMT và luôn là một quốc gia có trách nhiệm trong hợp tác quốc tế, nhằm giải quyết những vấn đề môi trường toàn cầu và khu vực. Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Hiroko Suzuki, chuyên gia môi trường, MCC-Mitsui Tôkyô về các chính sách của Nhật Bản trong công tác BVMT, trong đó có kiểm soát ô nhiễm nước (KSONN).

     Xin ông cho biết đôi nét về tình trạng ô nhiễm nước tại Nhật Bản trước đây và hiện nay?

     Ông Hiroko Suzuki: Từ những năm 1950 - 1960, Nhật Bản phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, hậu quả do công nghiệp hóa phát triển nhanh chóng. Ví dụ, cư dân ở vùng hạ lưu sông Waterase phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm do một mỏ đồng từ thượng nguồn hay căn bệnh Minamata lần đầu được ghi nhận tại vịnh Minamata vào năm 1956, kết quả do tiêu thụ lượng cá có chứa hợp chất mêthyl thủy ngân thải ra từ các nhà máy hóa chất... Từ đó, một loạt các chính sách về môi trường được Chính phủ Nhật Bản bổ sung, ban hành như: Năm 1967 “Luật Kiểm soát ô nhiễm”; Năm 1970 “Luật KSONN (Luật số 138); Năm 1971cơ quan Môi trường được thành lập; Năm 1973 “Luật Dự thảo về Bảo tồn môi trường biển nội địa Seto”; Năm 2001 thành lập Bộ Môi trường với quyền hạn và nhiệm vụ lớn hơn.

     Trong phạm vi Luật KSONN, Bộ Môi trường đã thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước mặt và nước ngầm, trong đó, có tiêu chuẩn về môi trường chất lượng nước. Những tiêu chuẩn này được áp dụng cho thủy vực công cộng, bao gồm nước biển, sông và hồ quốc gia. Tuy nhiên, chính quyền địa phương tại một số vùng đã đề ra được những tiêu chuẩn chặt chẽ hơn cả tiêu chuẩn quốc gia dành cho thủy vực địa phương, ví dụ như vùng vịnh Tôkyô, Ise hay biển nội địa Seto…

     Thưa ông, Nhật Bản có chính sách gì để giải quyết vấn đề này?

     Ông Hiroko Suzuki: Về chính sách môi trường nước: Luật Môi trường cơ bản (ban hành tháng 11/1993), quy định kiểm soát lượng nước thải từ nhà máy. Thông báo thiết lập nhà máy, điều chỉnh các mệnh lệnh, giám sát liên tục, giải pháp cho nước thải hộ gia đình trong duy trì và xây dựng hệ thống thoát nước, trang thiết bị xử lý nước thải khu vực nông thôn, bể tự hoại. Tháng 12/1994, Nội các Chính phủ lập ra Kế hoạch môi trường căn bản dựa trên Luật Môi trường. Kế hoạch được áp dụng cho những chính sách về ô nhiễm môi trường, bao gồm những khái niệm cơ bản, mục tiêu dài hạn và các chỉ số cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Luật KSONN (ban hành tháng 1/1970) được ban hành dành cho kiểm soát nước thải.

 

Nhật Bản duy trì và tái tạo hệ sinh thái khỏe mạnh và đảm bảo sự chung sống hài hòa

giữa con người với thiên nhiên

 

Về ngăn ngừa ô nhiễm từ hóa chất nông nghiệp: Luật quy định về hóa chất nông nghiệp (ban hành tháng 7/1948), trong đó thiết lập những tiêu chuẩn nhằm giữ lại giấy phép nông nghiệp từ quan điểm về môi trường. Luật Ngăn ngừa ô nhiễm đất nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản và Bộ Môi trường đồng chuẩn bị và ban hành tháng 12/1970), chỉ định khu vực ô nhiễm, tiến hành cải tạo đất.

 Về Ngăn ngừa cạn kiệt nguồn nước ngầm: Luật Nước công nghiệp (ban hành tháng 6/1956 do Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp soạn thảo). Luật bao gồm các luật định về bơm nước ngầm sinh hoạt cho các tòa nhà (ban hành tháng 5/1962), quy định về bơm nước ngầm. Khái quát về các giải pháp ngăn ngừa cạn kiệt nguồn nước ngầm. Thúc đẩy hoạt động tình nguyện ở 3 vùng.

     Các biện pháp bảo tồn các vùng nước tĩnh, bao gồm: Luật KSONN; Luật về các biện pháp đặc biệt nhằm bảo tồn môi trường biển lục địa Seto (ban hành tháng 10/1973); Luật về các biện pháp đặc biệt nhằm phục hồi biển Ariake và Yatushiro (ban hành tháng 11/2002).

     Về kiểm soát chất lượng hồ và bể chứa nước: Luật về các biện pháp đặc biệt bảo tồn chất lượng nước hồ (ban hành tháng 7/1984), đưa ra kế hoạch bảo tồn chất lượng nước hồ, kiểm soát lượng nước thải.

     Kiểm soát nguồn nước uống: Luật về các biện pháp đặc biệt bảo tồn chất lượng nước tại nguồn nhằm ngăn chặn những khó khăn trong sử dụng nước (ban hành tháng 3/1994) đưa ra những quy định đặc biệt về nguồn nước uống.

     Biện pháp đối với chất điôxin: Luật về các biện pháp đặc biệt với chất điôxin (ban hành tháng 7/1999), thiết lập các tiêu chuẩn về chất lượng môi trường nước và đất, quy định về nước thải nhà máy, thúc đẩy các biện pháp giải quyết ô nhiễm đất, giám sát liên tục chất lượng nước và đất.

     Bảo tồn môi trường đất đô thị: Luật các biện pháp chống nhiễm độc đất (ban hành tháng 5/2002), theo dõi tình trạng ô nhiễm đất và ngăn ngừa những tác hại lên sức khỏe con người.

     Vậy ai là người chịu trách nhiệm thực hiện Luật, thưa ông?

     Ông Hiroko Suzuki: Đó là Bộ trưởng Bộ Môi trường, tỉnh trưởng và các thị trưởng của các TP được chỉ định. Họ là những người đưa ra quyết định. Chính quyền cấp Trung ương và địa phương hợp tác chặt chẽ nhằm bảo vệ chất lượng nước, tuân theo 3 Luật (Luật KSONN, Luật các biện pháp đặc biệt bảo tồn môi trường biển nội địa Seto và Luật các biện pháp đặc biệt bảo tồn chất lượng nước hồ).

     Mỗi tỉnh xây dựng kế hoạch giám sát hàng năm và kế hoạch ngân sách cần được thông qua bởi nghị viên thuộc chính quyền tỉnh. Như vậy, nguồn tài chính phục vụ kiểm soát được lấy từ ngân sách thuế của tỉnh.

     Vai trò của cộng đồng, truyền thông trong công tác BVMT được thực hiện như thế nào, thưa ông?

     Ông Hiroko Suzuki: Chính quyền địa phương, doanh nghiệp, công dân và các tổ chức xã hội được khuyến khích tham gia các hoạt động tình nguyện và cam kết thực hiện hoạt động vì môi trường theo kế hoạch đề ra. Trong đó, các nhà máy và các cơ sở thương mại xả thải phải đo tỷ lệ ô nhiễm của lượng nước thải và lưu giữ số liệu đo lường, tuân theo chỉ dẫn ban hành của Bộ Môi trường.

     Xin ông cho biết những kinh nghiệm của Nhật Bản nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường?

     Ông Hiroko Suzuki: Dựa trên Kế hoạch môi trường cơ bản ban hành năm 1993, giai đoạn giữa thế kỷ 21, những chính sách dài hạn trong hoạt động BVMT được thực hiện bởi chính quyền địa phương, các đoàn thể, công dân và các tổ chức tư nhân. Trong đó, tập trung một số nội dung chính như:

     Quay vòng sử dụng nguyên vật liệu hiệu quả: Nhằm giảm thiểu gánh nặng về môi trường được tạo ra từ nhiều giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, cần khuyến khích quay vòng sử dụng các nguyên vật liệu có hiệu quả về môi trường, thông qua việc xem xét lại hệ thống kinh tế - xã hội hiện hành đang được điều hành (chế độ sản xuất, tiêu thụ và phân phối hàng loạt…)

     Chung sống hài hòa: Duy trì và tái tạo hệ sinh thái khỏe mạnh và đảm bảo sự chung sống hài hòa giữa thiên nhiên và con người.

     Sự tham gia: Xây dựng xã hội bình đẳng, bao gồm sự tham gia của chính quyền từ cấp Trung ương đến địa phương, các đoàn thể, công dân và các tổ chức tư nhân vào các hoạt động BVMT, cùng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm.

     Hoạt động quốc tế: Thúc đẩy hợp tác quốc tế về môi trường với các quốc gia trên thế giới.

     Xin cảm ơn ông!

 

            Thiên Lý (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề kiểm soát ô nhiễm nước

tại Việt Nam - cơ hội và thách thức

Ý kiến của bạn