Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 05/07/2024

Phát huy vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong xã hội hóa ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

10/08/2023

    Sau 10 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT đã từng bước đi vào cuộc sống, nhiều kết quả trong các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đạt được. Nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT được nâng lên. Phát huy vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức Việt Nam, hoạt động trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN), với chức năng, nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết nhằm phát huy tiềm năng trí tuệ đội ngũ trí thức KH&CN trong nước và ở nước ngoài phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) luôn tiên phong trong hoạt động xã hội hóa ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT với nhiều kết quả đáng ghi nhận.

    Tính đến tháng 12/2022, VUSTA có 93 Hội ngành toàn quốc (trong đó có 12 Hội hoạt động trong các lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT và ứng phó với BĐKH); 63 LHH tỉnh, thành phố; 3 đơn vị thuộc LHHVN (Quỹ Vifotec, Nhà xuất bản Tri thức, Báo Tri thức và Cuộc sống). Bên cạnh đó, hơn 600 tổ chức KH&CN trực thuộc Đoàn Chủ tịch VUSTA (trong đó có 115 tổ chức tham gia hoạt động trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, BVMT), hơn 20 tạp chí thuộc các tổ chức KH&CN trực thuộc. VUSTA tập hợp được 3,7 triệu hội viên trong đó có hơn 2,2 triệu trí thức KH&CN tham gia hoạt động trong hệ thống tổ chức của Liên hiệp hội từ Trung ương tới địa phương, gồm phần lớn các trí thức KH&CN đầu ngành của đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên tiềm năng và thế mạnh cho phép Liên hiệp hội tham gia xã hội hóa ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, BVMT.

    Nhằm thúc đẩy các hoạt động BVMT, ngày 3/12/2004, VUSTA đã ký với Bộ TN&MT Nghị quyết Liên tịch số 01/2004/NQLT-LHH-BTNMT về việc phối hợp hành động BVMT, phục vụ phát triển bền vững. Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, ngày 9/1/2020, 2 bên tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực TN&MT giai đoạn 2020 - 2025. Đây là những văn bản quan trọng để VUSTA tập hợp và phát huy tối đa tiềm lực trí tuệ của đội ngũ cán bộ KH&CN thuộc mọi thành phần kinh tế, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tham gia tích cực vào hoạt động BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), phát triển bền vững, ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các hội ngành Trung ương và Liên hiệp hội địa phương cũng đã bổ sung cho nhau những thế mạnh trong việc giải quyết các vấn đề về BVMT, ĐDSH, phát triển bền vững, ứng phó với BĐKH ở địa phương một cách hiệu quả.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Tọa đàm tư vấn, phản biện lấy ý kiến của các chuyên gia đối với “Dự án đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tổng hợp Dung Quất”, ngày 21/6/2023

Đa dạng các hoạt động xã hội hóa ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, BVMT

Về tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức

    Nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên về BVMT, bảo tồn ĐDSH, phát triển bền vững, ứng phó với BĐKH, hàng năm, VUSTA và các hội thành viên, các đơn vị KH&CN đều tổ chức truyền thông về vai trò và ý nghĩa của Ngày ĐDSH (22/5), Ngày Môi trường Thế giới (5/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn... thông qua nhiều hình thức khác nhau như xuất bản sách, tài liệu, tổ chức các hội thảo, hội nghị, triển lãm, treo áp phích, tranh cổ động, in tờ rơi, phát áo, mũ có hình ảnh, logo tuyên truyền…

    Cùng với đó, các mạng lưới liên kết các tổ chức cùng hoạt động liên quan đến lĩnh vực BVMT, quản lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với BĐKH được hình thành là sáng kiến của các tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc VUSTA như: Mạng lưới các tổ chức Phi chính phủ Việt Nam và BĐKH (VNGO&CC), Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) Mạng An ninh lương thực và giảm nghèo (CIFPEN), Mạng lưới Đất rừng (FORLAND)…

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội

    Dưới sự chủ trì điều phối của VUSTA, hàng loạt các đề án, chương trình, nhiệm vụ cấp quốc gia và cấp vùng đã được VUSTA và các hội thành viên, các tổ chức KH&CN đã tư vấn, phản biện và giám định xã hội, góp phần hình thành các luận cứ khoa học cho các cơ quan chức năng có thêm thông tin và căn cứ để đưa ra các quyết định phù hợp, khách quan. Một số nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội đã được các cơ quan Nhà nước, dư luận xã hội đánh giá cao như: Tư vấn phản biện về cao độ của nhà máy thuỷ điện Sơn La; Tư vấn phản biện chương trình khai thác boxit ở Tây Nguyên; Phản biện Đề án khai thác than bùn vùng đồng bằng sông Hồng; Tư vấn, phản biện Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê; Đánh giá sự cố môi trường tại Công ty Formosa, Hà Tĩnh; Đánh giá sự cố môi trường Nhà máy thủy điện Sông Tranh và đánh giá quy hoạch mạng lưới thủy điện khu vực miền Trung, trên sông Mê Công tại khu vực thượng nguồn; Đánh giá vấn đề môi trường Dự án Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận…

    Bên cạnh đó, VUSTA đã tổ chức các hội thảo góp ý, tư vấn phản biện xây dựng và hoàn thiện pháp luật về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, BVMT và các lĩnh vực có liên quan như Luật BVMT (1993, 2004, 2014, 2020), Luật ĐDSH, Luật Thuế BVMT, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo… Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành đánh giá cao hoạt động tư vấn phản biện chính sách của VUSTA; phần lớn các ý kiến góp ý, phản biện của VUSTA đều được các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, sửa đổi.

 Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế

    Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW: “Chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế; coi trọng việc tham gia và thực hiện các Điều ước quốc tế. Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đối thoại chính sách với các nước về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, BVMT và trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ. Đẩy mạnh hợp tác với các nước có liên quan, các tổ chức và các diễn đàn quốc tế để bảo vệ các nguồn nước xuyên biên giới, tiếp cận công nghệ mới và huy động nguồn lực cho giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH và BVMT”, VUSTA và các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc đã chủ động hội nhập quốc tế, khai thác các nguồn lực để thực hiện nhiều chương trình dự án về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, BVMT và trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ. Đi đầu trong lĩnh vực này là các tổ chức KH&CN. Với chức năng nhiệm vụ được giao, các tổ chức KH&CN trực thuộc chủ động tìm kiếm các nguồn kinh phí viện trợ trong nước và ngoài nước khác từ nguồn ngân sách Nhà nước, từ doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các đại sứ quán và định chế quốc tế để xã hội hóa các hoạt động nghiên cứu và xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân. Trong những năm qua, hàng trăm dự án viện trợ nước ngoài đã được phê duyệt triển khai, trong đó phần lớn là các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và các dự án về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, BVMT. Chỉ tính riêng năm 2022, kết quả hoạt động của các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA tham gia hoạt động trong lĩnh vực BVMT, bảo tồn ĐDSH như sau:

    Về hoạt động BVMT, ứng phó BĐKH, đến nay có 566 dự án về BVMT; 214 dự án ứng phó BĐKH, thiên tai; 7 dự án bảo tồn và khai thác tài nguyên nước, tài nguyên biển được thực hiện. Ước tính số lượng pano, khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền là 1.285. VUSTA và các hội thành viên, các đơn vị KH&CN đã tổ chức nghiên cứu, điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường làm cơ sở để triển khai các quy hoạch, kế hoạch, thực hiện các dự án đầu tư với các vấn đề: Xây dựng cơ sở dữ liệu về động đất và tai biến môi trường khu vực miền núi phía Bắc và Tây Tây Bắc; Xuất bản sách về tai biến động đất; Thiết lập trang web cảnh báo tai biến môi trường; Xây dựng cơ sở dữ liệu về tân kiến tạo và địa động lực khu vực đồng bằng Bắc bộ và dải ven biển; Tổ chức nghiên cứu, triển khai các dự án ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, cải tiến các công nghệ nhằm thích nghi với điều kiện ở Việt Nam để xử lý ô nhiễm và cải tạo môi trường tại cộng đồng. Hàng loạt Dự án đã triển khai thành công như: Nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ tái chế rác thải sinh hoạt thành vật liệu xây dựng (thí điểm ở tỉnh Phú thọ, Quảng Ninh, một số tỉnh phía Bắc); Nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ xử lý nước thải, nước sinh hoạt bị ô nhiễm cho các hộ gia đình ở nông thôn ở nhiều tỉnh trên cả nước (Nam Định, Hà Tĩnh…); Nghiên cứu và áp dụng thành công giải pháp cải tạo đất hoang hóa và đất trống đồi núi trọc, đất dốc bằng thảm thực vật thích hợp (Hòa Bình, Bắc Giang, Tuyên Quang).

    Về hoạt động bảo tồn ĐDSH, đã có 110 loài động vật được VUSTA tham gia bảo tồn; 59 mô hình bảo tồn ĐDSH, 12 chiến dịch truyền thông nhằm bảo tồn ĐDSH được đơn vị trực tiếp triển khai. Ước tính số lượng pano, khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền là 290.

    Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - thành viên của VUSTA đã phát động phong trào Bảo tồn Cây di sản Việt Nam. Từ vùng địa đầu Tổ quốc (Hà Giang, Cao Bằng), vùng cao Phan Xi Păng (Lào Cai) đến vùng cực Nam Côn Đảo; từ Tây Nguyên (Đắc Lắc) ra tới quần đảo Trường Sa đều đã có Cây Di sản Việt Nam được công nhận với những quần thể cây như: Pơmu ở huyện Tây Giang (Quảng Nam), quần thể pơmu ở Quế Phong (Nghệ An); quần thể chè Shan tuyết Suối Giàng (Yên Bái), quần thể cây hồng tùng ở Vườn Quốc gia Yên Tử (Quảng Ninh), quần thể cây lim ở đền Cao (Chí Linh - Hải Dương), quần thể cây bàng ở Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)…

    BVMT, bảo tồn ĐDSH và ứng phó với BĐKH là các lĩnh vực mà Liên hiệp hội và các tổ chức trực thuộc đặc biệt quan tâm và triển khai có hiệu quả. Tuy nhiên, những hoạt động này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Nguyên nhân là do môi trường pháp lý chưa rõ ràng thuận lợi cho hoạt động hoạt động xã hội hóa ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT của VUSTA; Thủ tục phê duyệt, xác nhận viện trợ, quyết toán khó khăn phức tạp làm nản lòng các nhà khoa học trong việc thực hiện các đề tài dự án kể cả nguồn từ ngân sách Nhà nước và nguồn viện trợ. Các tổ chức ngoài công lập ít có điều kiện được tham gia đấu thầu các đề tài dự án về hoạt động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT từ nguồn ngân sách Nhà nước... Để triển khai thực hiện rộng rãi, có nền nếp và thường xuyên về xã hội hóa ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW, trong thời gian tới, Liên hiệp hội và các Hội thành viên sẽ đẩy mạnh tham mưu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 80/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam; Đề xuất với các ban, Bộ, ngành liên quan, cải tiến, đổi mới, đơn giản hóa quy trình phê duyệt, tiếp nhận, quyết toán viện trợ; miễn giảm thuế cho các hoạt động xã hội hóa ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT. Đồng thời, tăng cường biên soạn và phổ biến các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; tổ chức hội thảo, tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho các chuyên gia chủ chốt và đội ngũ cán bộ của tổ chức KH&CN. Cùng với đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về các chuyên gia về hoạt động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT của VUSTA; Củng cố và tạo điều kiện cho các mạng lưới lưới về môi trường, BĐKH hoạt động ngày càng tốt hơn...

TS. Lê Công Lương

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2023)

Tài liệu tham khảo

1. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH.

2. Bộ TN&MT (2016), Báo cáo tổng hợp kết quả hoạt động của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia thực hiện các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, ứng phó với BĐKH, BVMT và phát triển bền vững.

3. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Báo cáo tổng kết 30 hoạt động của các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (1992 - 2022).

4. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Báo cáo tổng kết 20 chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ KH&CN với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. 

5. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Báo cáo tổng kết 15 chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ TN&MT với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. 

6. Phạm Văn Tân (2018). Năng lực triển khai, nhân rộng các sáng kiến BVMT, bảo tồn ĐDSH, phát triển bền vững, ứng phó với BĐKH.

 

 

Ý kiến của bạn