Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 06/07/2024

Kinh nghiệm huy động nguồn lực xã hội để thực hiện các hoạt động trồng và phục hồi rừng

15/08/2023

1. Đặt vấn đề

    Theo Quyết định số 2860/QĐ-BNN-TCLN ngày 27/7/2022 của Bộ NN&PTNT về diễn biến rừng, tính đến ngày 31/12/2021 tổng diện tích rừng nước ta 14.745.201 ha, trong đó diện tích rừng trồng là 4.573.444 ha. Diện tích rừng chiếm gần 50% diện tích đất liền của cả nước và đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế - xã hội (KT – XH) và an ninh quốc phòng. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp hiện nay với những tác động tiêu cực đến sự phát triển KT - XH của đất nước và cuộc sống của người dân, rừng lại càng có ý nghĩa quan trọng, toàn diện và lâu dài.

    Tuy nhiên, đánh giá lại tình hình quản lý và phát triển rừng đến thời điểm năm 2017, Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng đã kết luận: “Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế, yếu kém; công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng thiếu đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển KT - XH; diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng, sạt lở đất rừng tăng cao; công tác phát triển rừng, trồng rừng thay thế chậm tiến độ; xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế; độ che phủ rừng tăng nhưng khó có thể đạt được mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra…”. Qua đó, cho thấy Đảng và Nhà nước đã tổng kết và phân tích đầy đủ các yếu tố hạn chế đến công tác quản lý và phát triển rừng, trong đó xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là một yếu tố quan trọng, song chưa được phát huy một cách hiệu quả. 

    Để cụ thể hóa nội dung xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng từ Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, ngày 1/4/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 523/-TTg, đã xác định “Nghiên cứu, xây dựng chính sách thúc đẩy xã hội hóa nghề rừng, thu hút đầu tư vào lâm nghiệp, quản lý rừng (QLR) tự nhiên, phát triển lâm nghiệp cộng đồng, dịch vụ môi trường rừng” là một trong những giải pháp chính sách quan trọng. 

2. Một số yếu tố quan tâm trong huy động trồng và phục hồi rừng

    Nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, càng ngày càng có nhiều thành phần trong xã hội quan tâm và tham gia vào lĩnh vực quản lý và phát triển rừng. Thực tế đó đã thúc đẩy nhiều cuộc đối thoại và từng bước hình thành các mối quan hệ đối tác giữa chính quyền địa phương, các chủ thể QLR (Nhà nước, cộng đồng, cá nhân) và khu vực tư nhân. Sự đa dạng của các bên liên quan đã giúp xây dựng các phương pháp tiếp cận liên ngành để QLR bền vững.

    Các chương trình quốc tế, đặc biệt là REDD+ (Giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng); CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp); chương trình FLEGT (Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị và Thương mại) của Liên minh châu Âu và các Thỏa thuận Đối tác Tự nguyện (VPA), đã giúp hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực QLR bền vững. Công ước Bonn, là một nền tảng toàn cầu, tập trung vào việc phục hồi các vùng đất bị suy thoái và mất rừng. Nhìn chung, tài chính và các ưu đãi hướng tới QLR bền vững đã giúp thực hiện mục tiêu phục hồi rừng trên phạm vi toàn cầu. Một số quốc gia cho biết đã hình thành cơ chế tài chính đổi mới để hỗ trợ QLR bền vững như thuế môi trường rừng (Nhật Bản); tăng phí nhượng quyền (Suriname); phát hành Trái phiếu xanh (Nigeria). Nhiều quốc gia cũng thành lập các quỹ chuyên dụng để hỗ trợ QLR bền vững hoặc mở rộng diện tích rừng. Tuy nhiên, việc huy động và tăng cường nguồn lực tài chính cho QLR bền vững vẫn là một thách thức lớn đối với các nước đang phát triển các nước kém phát triển nhất (LDC), các nước đang phát triển không giáp biển và các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS), cũng như các nước có nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi.

    Theo nghiên cứu của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID, 2017) cho thấy, việc huy động quỹ trồng rừng trên thế giới và trong nước thường dựa vào một số yếu tố quan trọng như: Thiết lập cơ chế huy động quỹ; Cơ quan, pháp nhân đơn vị thực hiện; Khai thác nguồn lực xã hội; Hợp tác giữa các bên; Cơ chế giám sát.

3. Tình hình chung về huy động phục hồi rừng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT trong vòng 20 năm qua, kể từ năm 2002 đến nay, rừng trồng đã tăng lên đáng kể 2.653.876 ha. Những năm gần đây, diện tích rừng trồng do các hộ gia đình thực hiện tăng nhiều nhất so với các chủ rừng khác kể cả chủ rừng là đơn vị nhà nước. Hưởng ứng Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch, đề án hoặc văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện trồng rừng, cây xanh trên địa bàn. Các Bộ/ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng dân cư về công tác phát triển rừng và trồng cây xanh, huy động nguồn lực từ xã hội hóa, kết hợp lồng ghép với các chương trình, dự án tài trợ, dự án đầu tư công theo quy định của pháp luật để thực hiện Đề án.

    Một số tổ chức, doanh nghiệp có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, cam kết đồng hành “Vì một Việt Nam xanh” như Giáo viên và học sinh Trường Marie Curie (Hà Nội). Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên GAIA (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh) đã kêu gọi và tiếp nhận nguồn tiền đóng góp từ các doanh nghiệp, cá nhân trong nước để trồng, chăm sóc rừng tại các Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên nhằm nâng cao nhận thức và khích lệ sự tham gia của mọi người. Trong năm 2022, GAIA đã tổ chức trồng được trên 125 ha rừng tương đương 228 ngàn cây xanh. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tổ chức chương trình trồng cây xanh với chủ đề “Agribank vì tương lai xanh - Thêm cây thêm sự sống” ở một số địa phương; Chương trình “Một triệu cây xanh cho Việt Nam” của Công ty CP sữa Việt Nam; “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic” của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam,… và nhiều tổ chức, cá nhân khác có các hoạt động tích cực, ý nghĩa nhằm bảo vệ, phát triển rừng và trồng cây xanh trên khắp mọi miền của tổ quốc.

    Năm 2021, tổng nguồn vốn đầu tư cho trồng rừng mới và cây xanh, đạt trên 3.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động được từ xã hội hóa hơn 1.583 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 52% tổng vốn trồng rừng mới, cây xanh. Năm 2022 đạt khoảng 3.520 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động được từ xã hội hóa đạt 1.688 tỷ đồng, chiếm 48% tổng kinh phí, đây là kết quả rất đáng khích lệ, cần được tiếp tục phát huy và nhân rộng trong những năm tiếp theo.

    Đồng thời, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng, chế biến lâm sản theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Trên cơ sở đó, đã có nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đóng góp vào việc trồng, phục hồi rừng như Công ty TNHH xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam (VARS) là một trong những tổ chức tham gia hoạt động trồng và phục hồi rừng tại các tỉnh Quảng Bình (lưu vực sông Gianh) và Quảng Trị (lưu vực sông Thạch Hãn). Trong hai năm qua, hoạt động huy động nguồn lực trồng rừng của Công ty đã đạt được những kết quả khả quan.

4. Bài học về huy động nguồn lực cho phục hồi rừng sông Gianh và sông Thạch Hãn

    Lưu vực sông Gianh và sông Thạch Hãn có diện tích trên 450.000 ha nằm trên sườn Đông của dãy núi Trường Sơn. Địa hình khu vực này có độ dốc tương đối lớn với hệ thống sông suối dày đặc và là khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao. Mặc dù vậy, trong nhiều năm qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau, diện tích rừng tự nhiên ở trong khu vực đã bị giảm dần cả chất lượng và diện tích. Dự án trồng và phục hồi rừng sông Gianh, sông Thạch Hãn được thiết lập với mục tiêu góp phần giảm thiểu các tác động xấu do mất rừng ở khu vực.

Cơ chế huy động vốn

    Dự án “Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh” của Công ty VARS hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, vận động các nguồn lực xã hội và cộng đồng trồng, khôi phục rừng tự nhiên với thông điệp “Góp 1 cây để có rừng”. VARS kêu gọi đóng góp mỗi cây rừng trị giá 50.000 đồng. Theo Báo cáo của VARS, đến ngày 15/6/2023 đã có 1.924 lượt đóng góp với số tiền trên 14 tỷ đồng. Thông qua khoản kinh phí/vốn huy động này, VARS hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, phân bón và một phần chi phí tiền công chăm sóc trong 3 năm đầu sau khi trồng trên diện tích hỗ trợ. Kinh phí hỗ trợ được báo cáo theo từng năm theo quy định pháp luật, nhu cầu của từng bên và kết quả thực hiện trồng, phục hồi rừng tại địa phương. Sau 2 năm hoạt động, VARS đã trồng được 382.994 cây bản địa như lim, dổi, huỷnh, vàng tim, re, lát, xoan tại hai lưu vực sông Gianh và sông Thạch Hãn. Trong những năm tới đây, VARS tiếp tục huy động nguồn lực để thực hiện các hoạt động trồng và phục hồi rừng theo kế hoạch đề ra.

Pháp nhân của đơn vị thực hiện

    Công ty TNHH Xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam có sứ mệnh hỗ trợ trồng và phục hồi các hệ sinh thái rừng tự nhiên tại các khu vực phòng hộ đầu nguồn của cả nước nhằm hạn chế các tác động của thiên tai gây ra đối với người dân địa phương, đồng thời góp phần phát triển bền vững nền KT - XH ở Việt Nam. Công ty được UBND TP. Hà Nội cấp giấy phép hoạt động số 0109457179 ngày 16/12/2020. VARS hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận, vận động các nguồn lực xã hội, trong đó sẽ tập trung vận động các cá nhân trẻ tuổi 18-34, hiện là sinh viên, nhân viên văn phòng.

Khai thác nguồn lực xã hội cho trồng và phục hồi rừng

    Mục tiêu chính của Dự án “Trồng và phục hội rừng đầu nguồn sông Gianh” là vận động cộng đồng cùng  đóng góp để trồng các loài cây bản địa, bảo vệ và khôi phục rừng tự nhiên. Ngoài việc trực tiếp trồng rừng, Dự án còn có tham vọng nâng cao ý thức BVMT trong xã hội, vận động mọi người không chỉ đóng góp cho Dự án mà còn tự trồng và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng trồng cũng như rừng tự nhiên.

Sự phối hợp các bên liên quan

    Dự án đã phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, cán bộ kiểm lâm, nông nghiệp, nông thôn, đơn vị tư vấn, chính quyền địa phương và người dân để chọn loại cây trồng phù hợp với từng điều kiện lập địa. VARS phối hợp chặt chẽ với chính quyền và người dân địa phương, có sự cam kết đối ứng của các chủ rừng về việc tự bỏ công sức để xử lý thực bì, đào hố trồng cây, chăm sóc, bảo vệ cây trồng để đảm bảo thành rừng.

    Từ kết quả thực tế năm thứ nhất, VARS đã xem xét và lựa chọn các đối tác là các tổ chức tư vấn, hỗ trợ các hoạt động giám sát hiện trường. Hai tổ chức là Công ty TNHH MTV Tư vấn quản lý TN&MT Quảng Trị và Công ty TNHH Dịch vụ nông lâm nghiệp Nam Thịnh (gọi tắt là Công ty Nam Thịnh) được lựa chọn, ký kết hợp tác sớm đã đảm bảo cho các hoạt động của Dự án trồng, phục hồi rừng đầu nguồn sông Thạch Hãn được triển khai thuận lợi và chặt chẽ về các thủ tục tiếp cận địa bàn, hỗ trợ các chủ rừng.

Cơ chế giám sát

    Đối với hoạt động của tổ chức, VARS có hệ thống kiểm soát nội bộ, thực hiện các chế độ báo cáo, quyết toán với các đối tác theo đúng quy định pháp luật.

    Đối với giám sát rừng trồng, các đối tác của VARS đã thiết lập nhóm Zalo với chủ rừng trên các xã có hoạt động hỗ trợ trồng rừng. Từ thông tin trên nhóm, các bộ phận hỗ trợ của Ban QLR, đơn vị tư vấn cũng như cán bộ VARS, chính quyền địa phương nắm được thông tin để có phương án can thiệp hoặc giải trình chia sẻ. Các chủ rừng cũng đã ký cam kết về trồng, chăm sóc rừng với sự chứng thực của lãnh đạo UBND xã, kiểm lâm địa phương và VARS để đảm bảo rừng được phát triển bền vững.

    Đồng thời, VARS phối hợp với cơ quan kiểm lâm, chính quyền địa phương, các chuyên gia độc lập để thực hiện việc giám sát định kỳ và thường xuyên chất lượng rừng trồng. Chính việc giám sát đã kịp thời khắc phục các khó khăn từ việc QLR trồng và hỗ trợ chủ rừng QLR phù hợp với điều kiện lập địa, trạng thái hoàn cảnh của từng vùng sinh thái khác nhau.

5. Đề xuất kiến nghị

    Hiện nay, VARS đang hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 với mô hình doanh nghiệp xã hội và đang phải đóng thuế trên khoản tiền đóng góp của cá nhân cho hoạt động trồng rừng như những doanh nghiệp kinh doanh khác là chưa thỏa đáng. Để khắc phục sự bất cập đó, việc thành lập Quỹ trồng và phục hồi rừng để huy động nguồn lực trồng rừng là hợp lý song đòi hỏi phải có tài sản ban đầu cao để được cấp phép là thách thức đối với tập thể quản lý vận hành quỹ trong bối cảnh công tác huy động nguồn lực mang tính thời vụ, huy động đến đâu thì trồng rừng đến đó.

    Đối với nguồn lực huy động cho trồng và phục hồi rừng từ tổ chức quốc tế để phục hồi rừng cũng rất tiềm năng. Tuy nhiên, việc phê duyệt các khoản hỗ trợ theo Nghị định số 80/2020/NĐ-CP đối với doanh nghiệp xã hội là phức tạp, mất thời gian và quy định về chế độ quản lý tài chính viện trợ rõ ràng. Do vậy, Nhà nước cần có những điều chỉnh để thu hút nguồn lực lớn từ quốc tế. 

    Bên cạnh đó, đề nghị có chính sách khuyến khích người dân trồng và phục hồi rừng bằng cây bản địa kết hợp cây có khả năng cho sản phẩm phụ để đảm bảo thu nhập cho người dân về lâu dài nhưng cũng tăng cường khả năng phòng hộ của rừng. Chuyển đổi rừng trồng ngắn ngày (keo) sang trồng cây bản địa với mục đích phục hồi rừng vào diện được hưởng tiền “dịch vụ môi trường rừng”. Hiện nay, mới chỉ có người dân trồng và giữ rừng trong lưu vực có thủy điện, khai thác nước sạch, du lịch, cơ sở sản xuất kinh doanh gây phát thải khí nhà kính... mới được hưởng chính sách này.

    Ngoài ra, cần xây dựng và duy trì phong trào trồng cây, trồng rừng trở thành một phương thức ứng xử không chỉ trong dân chúng mà ngay trong đội ngũ lãnh đạo, công chức, để “trồng một cây” vào những dịp trọng đại của đất nước, của địa phương, của gia đình, của cá nhân trở thành văn hóa của Việt Nam.

TS. Ngô Văn Hồng

Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên vùng cao (CEGORN)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2023)

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo Thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” năm 2021 và kết quả triển khai “Tết trồng cây” 2022 của Bộ NN&PTNT.

2. Báo cáo chương trình tài trợ trồng và phục hồi rừng bằng cây bản địa giai đoạn 2021-2030 của Công ty TNHH xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam.

3. Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

4. Mobilizing financial resources for tree plantations A Management Strategy based on Lessons Learned from Hoshangabad Landscape, Madhya Pradesh, 2017, USAID.

5. Ngô Văn Hồng, Đỗ Anh Tuân và Bùi Thế Đồi (2021) Cấu trúc quản lý và thể chế địa phương trong QLR cộng đồng ở khu vực Bắc Trung bộ. Tạp chí Khoa học và công nghệ Lâm nghiệp ISSN 1859 - 3828.

6. Số liệu diễn biến rừng từ năm 2002 đến năm 2022. Cục Kiểm Lâm, Bộ NN&PTNT.

7. The global forest goals report 2021, Department of Economic and Social Affairs, United Nations.

Ý kiến của bạn