Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 03/07/2025

​Một số quan điểm về bảo tồn đa dạng sinh học trên thế giới

02/07/2025

    Quan điểm về bảo tồn đa dạng sinh học đóng một vai trò đặc biệt quan trọng vì đó là cơ sở khoa học, nền tảng cho xây dựng các chính sách liên quan. Các quan điểm bảo tồn thường dựa trên cách nhìn nhận mối quan hệ giữa con người và tự nhiên như nhìn nhận tự nhiên như một thực thể độc lập và có quyền như con người, hay có thể nhìn tự nhiên như một đối tượng cung cấp dịch vụ cho con người để con người khai thác hưởng lợi một chiều, hoặc có thể là quan hệ đa chiều, mang tính hữu cơ có đi có lại. Có rất nhiều các nghiên cứu về quan điểm bảo tồn đa dạng sinh học trên thế giới. Mace [9] đã xuất bản kết quả nghiên cứu tổng hợp bốn quan điểm bảo tồn đa dạng sinh học xuyên suốt từ những năm 1960 đến nay, bao gồm “bảo tồn vị bảo tồn” (bảo tồn vì bảo tồn), “bảo tồn vị nhân sinh” (bảo tồn vì con người), “bảo tồn đồng vị nhân sinh” (bảo tồn và con người) và “bảo tồn bất vị nhân sinh” (bảo tồn không vì con người). Các quan điểm này lần lượt đề cao giá trị nội tại, giá trị công cụ (kinh tế) của tự nhiên đối với con người và giá trị từ mối gắn kết (thiên về tinh thần, đạo đức) với tự nhiên của con người, như cùng quan tâm, bảo vệ tự nhiên vì thế hệ tương lai, nơi sinh sống có ý nghĩa với con người, tạo ra giá trị văn hóa mang tính vùng miền.

    Quan điểm bảo tồn vị bảo tồn

    Quan điểm bảo tồn vị bảo tồn được hình thành từ những năm 1960. Theo quan điểm này, môi trường tự nhiên sẽ được bảo vệ tách biệt (nhưng không nhất thiết là tuyệt đối) với con người. Từ quan điểm, các khu bảo vệ được hình thành và phát triển nhanh chóng. Đây là một khu vực được thiết lập để bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái, loài thực vật, động vật và môi trường sống tự nhiên. Mục đích chính của khu bảo vệ này là duy trì và phát triển đa dạng sinh học, bao gồm cả các loài nguy cấp, quý, hiếm. Sách đỏ IUCN hay gọi tắt là Sách đỏ được bắt đầu từ năm 1964, là danh sách toàn diện nhất về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động, thực vật trên thế giới. Nó sử dụng một bộ tiêu chí để đánh giá nguy cơ tuyệt chủng của hàng nghìn loài và phân loài. Danh sách này được giám sát bởi Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Sự ra đời danh mục các loài nguy cấp quý hiếm từ 1964 của IUCN được cập nhật hàng năm trở thành một tài liệu quan trọng cho đến ngày nay để quan sát quản lý và nhìn nhận về nỗ lực bảo tồn như thế nào đối với loài này. Dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá tình trạng các loài của IUCN, năm 1992, Việt Nam đã công bố Sách đỏ Việt Nam để hướng dẫn, thúc đẩy công tác bảo vệ tài nguyên sinh vật thiên nhiên. Đây là tài liệu khoa học mang tính quốc gia, trong đó công bố các loài động, thực vật bị đe dọa giảm sút số lượng hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng. Ngoài để tra cứu và nâng cao nhận thức của người dân về đa dạng sinh học, Sách đỏ còn tạo cơ sở khoa học cho các nhà làm chính sách, các nhà bảo tồn xây dựng các biện pháp, chủ trương bảo vệ, phục hồi đối với từng loài trong danh mục, đồng thời cũng là căn cứ đề xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến tài nguyên sinh vật, việc xử lý các hành vi phá hoại thiên nhiên, gây hại cho sự tồn tại, phát triển của các loài sinh vật cần được bảo vệ.

    Một ví dụ điển hình cho việc thực hành quan điểm bảo tồn vị bảo tồn là phong trào “Quyền của thiên nhiên” (Rights for nature) - một phong trào được xây dựng dựa trên ý tưởng rằng các thực thể phi nhân loại quý giá có thể được bảo vệ nếu chúng được trao tư cách pháp nhân. Nó bắt nguồn từ quan niệm rằng chúng ta là con người là một phần của thiên nhiên, không tách biệt hay cao hơn nó - một cách suy nghĩ thường là chuẩn mực trong các cộng đồng bản địa trên khắp thế giới. Trên toàn thế giới, các con sông nói riêng đang có những tiến bộ lớn khi được cấp quyền hợp pháp. Năm 2017, New Zealand đã thông qua dự luật công nhận dòng sông Whanganuil, phía Bắc nước này, là một thực thể sống. Về mặt pháp lý, sông Whanganui có quyền bầu cử và được xuất hiện trong quá trình tố tụng tại tòa án. Đây cũng là dòng sông đầu tiên trên thế giới được trao các quyền hợp pháp như con người. Tháng 3/2017, Tòa án Tối cao bang Uttarakhand ở miền Bắc Ấn Độ đã đưa ra quyết định, sông Hằng và Yamuna là “những thực thể sống” có đầy đủ tư cách pháp nhân như con người nhằm bảo vệ 2 con sông “linh thiêng” trước nạn ô nhiễm môi trường. Con sông được trao quyền như một thực thể sống và được pháp luật bảo vệ trước những hành vi gây hại của con người. Theo đó, bất kỳ ai có hành vi gây ô nhiễm sông sẽ bị xử lý với tội danh gây tổn hại cho “người khác”. Ngoài ra, Tòa án cũng đưa ra Chỉ thị thành lập một Ban giám hộ để bảo vệ nguồn nước của 2 con sông. Sông Hằng và Yamuna sẽ được xem như trẻ vị thành niên, cần được giám hộ. Những người giám hộ sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm các con sông không bị “lạm dụng”, hay sử dụng sai mục đích. Họ có thể đại diện cho 2 con sông để kiện những tổ chức, cá nhân không bảo vệ 2 con sông linh thiêng. Vào năm 2019, tất cả các con sông ở Bangladesh đều được cấp tư cách pháp nhân. Năm 2021, Sông Magpie của Canada, được người dân bản địa Innu ở Ekuanitshit gọi là Muteshekau-shipu, đã được cấp tư cách pháp nhân. Hiện tại, nó có chín quyền cụ thể, bao gồm quyền chảy, quyền được bảo vệ và bảo tồn sự tiến hóa tự nhiên của nó và quyền được an toàn khỏi ô nhiễm.

    Quan điểm bảo tồn bất vị nhân sinh

    Giai đoạn 1970-1990, trước sự khai thác, tận diệt môi trường tự nhiên từ các hoạt động khai thác phục vụ cho hoạt động phát triển kinh tế xã hội của con người, quan điểm “bảo tồn bất vị nhân sinh” được hình thành. Đây là quan điểm bảo tồn hướng tới việc chống lại hay ngăn chặn các tác động tiêu cực, mối đe doạ từ khai thác quá mức và sự tận diệt từ con người đối với tài nguyên thiên nhiên để từ đó có hành động bảo tồn tương ứng làm giảm thiểu hay đảo ngược tình thế. Trọng tâm của quan điểm này là: (1) giảm thiểu hoặc chấm dứt các áp lực đã và đang xảy ra, thực hiện ngăn chặn sớm các áp lực lên các loài và môi trường sinh thái để tránh nguy cơ sớm bị đe doạ trong tương lai gần, giảm thiểu hoặc chấm dứt các áp lực đã và đang xảy ra; (2) thực hiện ngăn chặn sớm các áp lực lên các loài và môi trường sinh thái để tránh nguy cơ sớm bị đe doạ trong tương lai gần. Những chính sách nhằm hạn chế/chấm dứt các tác động tiêu cực quá mức của con người lên tự nhiên đều được xếp vào nhóm theo quan điểm này.

    Điển hình cho cách thực hành bảo tồn dựa trên quan điểm này là hướng tới khai thác bền vững tài nguyên, động thực vật hoang dã, quản lý rừng bền vững. Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, hay còn được biết tới với cái tên công ước Washingtonlà điểm nhấn quan trọng nhất giúp phát triển và thực hành quan điểm này. Đây là một hiệp ước đa phương được thông qua năm 1963 trong cuộc họp của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Công ước CITES được ký kết năm 1973 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/1975. Công ước gồm 25 Điều, quy định về các nguyên tắc cơ bản, quy chế buôn bán mẫu vật, giấy phép và chứng chỉ, những biện pháp quốc gia và quốc tế để thực thi Công ước, ký kết, gia nhập Công ước, hội nghị của các nước thành viên… Mục tiêu của Công ước CITES là nhằm đảm bảo rằng việc buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã không đe dọa đến sự sống còn của các loài này trong tự nhiên. Nhận thức được tầm quan trọng của Công ước CITES trong việc bảo vệ các loài động thực vật hoang dã nguy cấp và phát triển thương mại hàng hóa quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã tham gia Công ước từ rất sớm (năm 1994). Đến nay, các quy định của Công ước đã cơ bản được nội luật hóa trong các văn bản pháp luật về lâm nghiệp, thủy sản, đa dạng sinh học, xử lý vi phạm hành chính và hình sự...

    Quan điểm bảo tồn vị nhân sinh

    Cuối những năm 1990, đầu những năm 2000, quan điểm “bảo tồn vị nhân sinh” được hình thành và phát triển, nhấn mạnh vào giá trị sử dụng (instrumental values), giá trị kinh tế (economic values) của hệ sinh thái đối với con người thay vì đề cao giá trị nguyên bản, nội tại của sinh vật như quan điểm “bảo tồn vị bảo tồn”. Nếu quan điểm bảo tồn vị bảo tồn lấy sinh vật làm trung tâm thì quan điểm bảo tồn vị nhân sinh lấy con người làm trung tâm và mang tính chất tuyến tính một chiều.

    Đánh giá hệ sinh thái thiên niên kỷ (MA) giúp phát triển và thực hành quan điểm này một cách sâu rộng. Đây là một đánh giá quan trọng về tác động của con người lên môi trường, được Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi vào năm 2000, khởi động vào năm 2001 và công bố vào năm 2005 với hơn 14 triệu đô la tiền tài trợ. MA giúp phổ biến thuật ngữ dịch vụ hệ sinh thái (HST), những lợi ích mà con người thu được từ HST. Theo MA, các dịch vụ HST là những lợi ích con người có được từ các HST, bao gồm các dịch vụ cung cấp như cung cấp thức ăn và nước; các dịch vụ điều tiết như điều tiết lũ lụt, hạn hán; các dịch vụ hỗ trợ như hình thành đất và chu trình dinh dưỡng; các dịch vụ văn hóa như giải trí, tinh thần, tín ngưỡng và các lợi ích phi vật chất khác. MA chia dịch vụ HST thành 4 loại: Dịch vụ cung cấp, dịch vụ điều tiết, dịch vụ văn hóa và dịch vụ hỗ trợ [8]. Quan điểm “bảo tồn vị nhân sinh” được thể hiện rất rõ trong chính sách Chi trả dịch vụ hệ sinh thái và Chi trả DVMTR. Chi trả dịch vụ hệ sinh thái (Payments for ecosystem services) là công cụ kinh tế điều tiết mối quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ và ngươ i hưởng lợi từ các dịch vụ của hệ sinh thái mang lại. Người sử dụng dịch vụ chi trả cho những người tham gia duy trì, bảo vệ, và phát triển các chức năng của hệ sinh thái. Từ đây có thể tạo ra các nguồn quỹ cho các mô hình sản xuất bền vững, thúc đẩy và gia tăng khả năng bảo vệ nguồn tài nguyên tự nhiên như rừng, nguồn nước mặt, nước ngầm. Còn chi trả DVMTR là cơ chế tài chính trong đó các bên được hưởng lợi dịch vụ rừng có trách nhiệm chi trả cho các bên cung cấp DVMTR. Mục tiêu của chính sách này là giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, đồng thời tạo ra nguồn tài chính ổn định nhằm bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả hơn. Ngoài những lợi ích nội tại, chính sách chi trả DVMTR còn góp phần thúc đẩy thiện cảm cộng đồng và sự công nhận của quốc tế đối với những nỗ lực bảo vệ môi trường. Khi cộng đồng tham gia tích cực vào việc bảo vệ rừng, họ không chỉ đóng góp vào nỗ lực quốc gia mà còn tạo ra hình ảnh một đất nước cam kết với sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường toàn cầu. Sự thành công trong việc thực hiện chính sách này là giúp thu hút các nguồn lực quốc tế và các dự án hỗ trợ quốc tế, từ đó thúc đẩy hơn nữa công tác bảo vệ rừng.

    Việt Nam có HST rừng đa dạng và phong phú, đóng vai trò quan trọng trong BVMT, trong đó DVMTR nằm trong hệ thống dịch vụ HST rừng, tập trung vào những lợi ích liên quan đến việc cung cấp các giá trị sử dụng của môi trường rừng, như bảo vệ đất, điều hòa khí hậu, cung cấp nước... Để DVMTR đi vào thực tế của cuộc sống, ngày 10/4/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 380/QĐ-TTg thực hiện thí điểm chi trả DVMTR tại tỉnh Sơn La và tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn 2008-2010 nhằm mục đích tạo cơ sở cho việc xây dựng khung pháp lý về chính sách chi trả DVMTR rừng áp dụng trên phạm vi cả nước theo hướng xác định rõ lợi ích, quyền hạn và nghĩa vụ của các đối tượng được chi trả và phải chi trả tiền DVMTR, thực hiện xã hội hóa nghề rừng, từng bước tạo lập cơ sở kinh tế bền vững cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, BVMT và các hệ sinh thái, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ. Đến nay, sau gần 2 thập kỷ thực hiện chính sách chi trả DVMTR, DVMTR đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng, trở thành kênh huy động kinh phí cho bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống người dân sống phụ thuộc vào rừng.

    Quan điểm bảo tồn đồng vị nhân sinh

    Việc đề cao quá mức vai trò “dịch vụ” của từ nhiên, mà dịch vụ đó chủ yếu được nhìn nhận thông qua “định giá bằng tiền” gây nhiều quan ngại. Xuất phát từ những lo ngại và sự thiếu hụt những mối quan tâm khác của tự nhiên đối với con người, quan điểm bảo tồn đồng vị nhân sinh ra đời mang ý nghĩa xã hội học nhiều hơn là sinh thái học, quan điểm này tập trung bảo tồn tự nhiên xuất phát từ nhìn nhận lại đúng mực hơn về vai trò của mối quan hệ giữa con người và tự nhiên mà ở đó thay vì quá tập trung vào giá trị vật chất thì giá trị tinh thần, sự gắn kết về mặt văn hoá, lịch sử, đạo đức… cũng cần phải được đề cao. Nếu quan điểm bảo tồn vị nhân sinh là đề cao giá trị sử dụng tự nhiên đối với con người, với sự thống trị của giá trị mang tính vật chất thì bảo tồn đồng vị nhân sinh nhấn mạnh vào các giá trị nhân bản mang tính xã hội học, sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên về mặt tinh thần nhiều hơn. Quan điểm này ra đời như là một cách để nhìn nhận đa chiều, đa giá trị của tự nhiên đối với con người. Chính vì quan điểm này thể hiện qua mối quan hệ nhiều tầng lớp và đa chiều hơn bảo tồn vị nhân sinh hay bảo tồn vị bảo tồn nên cho đến nay rất khó để khái niệm hóa, đo lường. Các khung lý thuyết để thực thi các quan điểm này còn khá mới và vẫn đang được các nhà khoa học phát triển, hoàn thiện.

    Từ quan điểm này, một số mô hình đã được xác định và thể chế hóa như Nhóm sử dụng rừng (Forest User Group) ở Nepal. Theo hình thức này, nhóm sử dụng rừng là khái niệm chỉ một tập hợp các thành viên trong một nhóm với kích thước có thể từ vài hộ đến tất cả các hộ của một thôn bản hoặc thậm chí liên thôn cùng quản lý và sử dụng rừng ở một khu vực.

    Tại Việt Nam, quan điểm bảo tồn “con người đồng vị nhân sinh” mà ở đó đề cao vai trò của giá trị văn hóa, lịch sử, cội nguồn hay sáng tạo đã được đề cập từ rất sớm trong các chính sách bảo tồn tại Việt Nam. Chính sách giao rừng cho cộng đồng là một minh chứng cho việc cụ thể hóa quan điểm bảo tồn đồng vị nhân sinh. Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong thực hiện các chính sách lâm nghiệp, góp phần xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc miền núi xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống và tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. “Cộng đồng dân cư” đã dần được thừa nhận là một trong những người sử dụng đất, sở hữu rừng qua các quy định trong Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, Luật Lâm nghiệp năm 2017 và nhiều thông tư, nghị định, quy định về giao đất, giao rừng cho cộng đồng. Điểm nổi bật của Luật Lâm nghiệp năm 2017 là Nhà nước công nhận quyền sở hữu của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đối với rừng sản xuất là rừng trồng do họ tự đầu tư hoặc nhận chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật (khoản 2, Điều 7). Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng tín ngưỡng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất được quy định tại Điều 86 Luật Lâm nghiệp năm 2017 về tổ chức sản xuất như được hướng dẫn sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp, canh tác dưới tán rừng; được hỗ trợ phát triển kinh tế rừng, được chia sẻ lợi ích từ rừng theo chính sách của Nhà nước, không được phân chia rừng cho các thành viên trong cộng đồng dân cư; không được chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng rừng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng [1].

    Các quan điểm bảo tồn đa dạng sinh học thường được phát triển dựa trên cách nhìn nhận mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Tại Việt Nam, các quan điểm bảo tồn ra đời, phát triển và cùng tồn tại cho tới ngày nay. Trong đó, quan điểm bảo tồn đồng vị nhân sinh là quan điểm rất gần gũi tại nước ta, một đất nước giàu giá trị văn hóa gắn bó với rừng. Từ các cơ chế như dịch vụ HST, chi trả DVMTR… đều hướng tới có thêm nguồn kinh phí để giữ rừng và nâng cao đời sống người dân sống phụ thuộc vào rừng. Tuy nhiên, cần phát triển các quan điểm và có cách tiếp cận khôn khéo để đem lại cuộc sống ấm no, bền vững cho mọi người, nhất là những người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa vốn chủ yếu sống dựa vào việc khai thác thiên nhiên.

Phạm Văn Cường

Trường Đại học Lâm nghiệp

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2025)

    Tài liệu tham khảo

    1. Quốc hội Việt Nam (2017). Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15/11/2017.

    2. Quốc hội Việt Nam (2020). Luật BVMT số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020.

    3. Hoàng Xuân Thủy và Đặng Xuân Trường (2018). Bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ văn hoá truyền thống thông qua xây dựng hệ thống khu bảo tồn do cộng đồng quản lý. PanNature. https://nature.org.vn/vn/wpcontent/uploads/2018/12/171218_Policybrief_Traditional forest_Vietnam.pdf.

    4. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 523/QĐ-TTg, ngày 1/4/2021, phê duyệt chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

    5. Bộ NN&PTNT (2024). Quyết định số 816/QĐ-BNNKL, ngày 20/3/2024 về công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023.

    6. Phạm TT, Bennett K, Vũ TP, Brunner J, Lê ND và Nguyễn ĐT(2013). Chi trả DVMTR tại Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn. Báo cáo chuyên đề 98. Bogor, Indonesia: CIFOR. https://www.cifor.org/publications/pdf_files/OccPapers/OP-98.pdf.

    7. Vũ TP (2009). Nghiên cứu về giá trị của rừng tại Việt Nam. NXB Khoa học và kỹ thuật Hà Nội.

    8. Nguyễn Bá Ngãi và Nguyễn Quốc Trị (2020). Lâm nghiệp Việt Nam: 75 năm hình thành và phát triển (1945-2020). NXB Nông nghiệp.

    9. Georgina M. Mace (2014). Whose conservation? Science. 345 (6201): 1558-1560. https://doi.org/10.1126/science.1254704.

Ý kiến của bạn