03/07/2025
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều đại dịch và khủng hoảng môi trường, khái niệm "Một sức khỏe - One Health" nổi lên như một chiến lược tích hợp và liên ngành nhằm bảo vệ sức khỏe con người, động vật và môi trường. Cách tiếp cận này nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết giữa ba yếu tố: sức khỏe con người, sức khỏe động vật và sức khỏe môi trường. Việc áp dụng "Một sức khỏe" trong công tác bảo tồn thiên nhiên (BTTN) không chỉ giúp ngăn ngừa sự bùng phát của các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ thiên nhiên, mà còn góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Khái niệm “Một sức khỏe”: Từ lý luận đến thực tiễn
“Một sức khỏe” là một phương pháp tiếp cận tích hợp, thống nhất nhằm mục đích cân bằng và tối ưu hóa sức khỏe của con người, động vật và hệ sinh thái một cách bền vững. Sức khỏe của con người, động vật nuôi và động vật hoang dã (ĐVHD), môi trường có mối liên hệ chặt chẽ, phụ thuộc lẫn nhau. Ba yếu tố này tạo thành ba trụ cột của phương pháp tiếp cận Một sức khỏe.
Chu kỳ tự nhiên của bệnh tật là một phần không thể thiếu của hệ sinh thái, hay nói cách khác các mầm bệnh tồn tại như một phần của chuỗi cân bằng sinh thái. Tuy nhiên, khi con người can thiệp quá mức – thông qua phá rừng, đô thị hóa, buôn bán ĐVHD hoặc BĐKH – chuỗi cân bằng đó bị phá vỡ, tạo điều kiện cho mầm bệnh vượt qua hàng rào loài, gây ra dịch bệnh trên quy mô lớn.
Các đại dịch như cúm Tây Ban Nha (1918), SARS (2003), cúm gia cầm (H5N1), Ebola, hay gần đây là COVID-19, đều là minh chứng rõ nét về sự lây truyền bệnh tật xuyên biên giới giữa con người, động vật và môi trường sống. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận hệ thống và liên ngành để kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Hiện các chính phủ, tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu và tổ chức phi chính phủ đang thúc đẩy Một sức khỏe như một phương pháp tiếp cận toàn diện để cải thiện công tác phòng ngừa bệnh tật và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Tầm quan trọng của sức khỏe môi trường
Trong ba trụ cột của “Một sức khỏe”, yếu tố môi trường hiện vẫn ít được tích hợp trong chính sách y tế và bảo tồn. Trên thực tế, môi trường đóng vai trò trung gian, truyền tải hoặc làm suy giảm các nguy cơ bệnh tật thông qua nhiều cơ chế:
Dịch vụ hệ sinh thái: Hệ sinh thái lành mạnh cung cấp các dịch vụ thiết yếu như không khí sạch, lọc nước và ngăn ngừa xói mòn..., đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người và động vật. Sức khỏe môi trường tốt sẽ đảm bảo cho môi trường chung và các dịch vụ mà nó cung cấp an toàn, bền vững cho tất cả mọi người.
Lây truyền mầm bệnh: Phần lớn các bệnh truyền nhiễm có thể lây lan thông qua tương tác giữa con người, động vật và môi trường. Ví dụ, các bệnh truyền nhiễm từ động vật như Ebola và COVID-19 có thể lây từ động vật sang người do các yếu tố môi trường khiến chúng tiếp xúc gần hơn. Một môi trường lành mạnh làm giảm khả năng và sự lây lan của các bệnh tật, góp phần vào phúc lợi của tất cả các sinh vật sống. Cảnh quan nguyên vẹn cung cấp cho động vật môi trường sống mà chúng cần để duy trì các quần thể riêng biệt và hạn chế khả năng lây lan của các bệnh truyền nhiễm giữa các loài. Việc mất và suy thoái môi trường sống của các quần thể động vật có thể dẫn đến sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm mới, từ đó gây tác động nghiêm trọng đến con người và xã hội
Ô nhiễm môi trường: Các chất gây ô nhiễm môi trường như thuốc trừ sâu, nhựa và chất thải công nghiệp có thể gây ra rủi ro đáng kể cho sức khỏe của con người và động vật. Nước hoặc thực phẩm bị ô nhiễm có thể dẫn đến bùng phát dịch bệnh. Sức khỏe môi trường bảo vệ chất lượng nguồn nước và thực phẩm mà con người và động vật phụ thuộc vào.
Những đổi mới từ thiên nhiên: Môi trường đóng vai trò quan trọng trong phát triển các loại thuốc, liệu pháp và công nghệ mới giúp tăng cường khả năng phục hồi, thích nghi và các giải pháp chuyển đổi có lợi cho hệ thống sinh thái và con người.
BĐKH: Sức khỏe môi trường có thể giải quyết một số tác động của BĐKH đối với sức khỏe như các bệnh liên quan đến nhiệt, sự gia tăng các bệnh do véc tơ truyền và tình trạng mất an ninh lương thực. Những tác động này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và cũng có thể ảnh hưởng đến động vật và hệ sinh thái.
Cách tiếp cận Một sức khỏe trong bảo tồn thiên nhiên
Mối quan hệ giữa sức khỏe môi trường, động vật và con người rất phức tạp. Việc phát triển một cách tiếp cận hiệu quả, tích hợp để giải quyết những thách thức cơ bản đòi hỏi nhiều chiến lược và biện pháp can thiệp. Để đạt được hệ sinh thái, con người và động vật khỏe mạnh, sáu lĩnh vực then chốt lồng ghép cách tiếp cận Một sức khỏe vào BTTN:
Miễn dịch cảnh quan
Khái niệm “miễn dịch cảnh quan” phản ánh tầm quan trọng của việc duy trì các hệ sinh thái bền vững và lành mạnh nhằm giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh. Khi mục đích sử dụng đất thay đổi - thông qua phá rừng, chuyển đổi hoặc phân mảnh môi trường sống tự nhiên - ĐVHD có thể bị buộc phải tiếp cận gần hơn với con người và gia súc. Điều này làm tăng tần suất tiếp xúc giữa các loài, từ đó kéo theo nguy cơ truyền mầm bệnh.
Tiêm phòng cho ĐVHD nhằm ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tật ra môi trường
Động vật hoang dã chịu tác động từ mất môi trường sống thường rơi vào trạng thái căng thẳng sinh lý, khiến chúng dễ bị nhiễm trùng và có khả năng cao trở thành nguồn mang mầm bệnh - không chỉ sang con người và vật nuôi mà còn theo chiều ngược lại. Trong bối cảnh đó, các loài ăn thịt và ăn xác thối - vốn có vai trò kiểm soát quần thể và xử lý mầm bệnh trong tự nhiên - lại là những loài dễ bị ảnh hưởng và suy giảm số lượng trong các cảnh quan bị suy thoái. Khi chúng biến mất, hệ sinh thái thường bị lấp đầy bởi những loài thích nghi tốt hơn nhưng có nguy cơ cao mang mầm bệnh, như loài gặm nhấm.
Các hình thức biến đổi sử dụng đất có liên hệ mật thiết đến động lực bệnh truyền nhiễm, không chỉ giới hạn trong phá rừng hay chuyển đổi đất, mà còn bao gồm phát triển hạ tầng (đường bộ, đường sắt, đập thủy điện, khai khoáng), cải tạo đất ngập nước, suy thoái vùng ven biển và quá trình đô thị hóa. Những thay đổi này phá vỡ cấu trúc sinh thái tự nhiên, làm suy giảm khả năng điều tiết dịch bệnh của môi trường, từ đó gia tăng nguy cơ xuất hiện các bệnh truyền từ động vật sang người.
Buôn bán ĐVHD
Hoạt động buôn bán ĐVHD làm tăng cường tiếp xúc giữa người và động vật thông qua nhiều hoạt động khác nhau dọc theo các tuyến đường buôn bán, chẳng hạn như trong quá trình chăn nuôi, săn bắn, giết mổ, lưu trữ và vận chuyển, cũng như tại chợ và nhà hàng. Những tương tác trực tiếp này làm tăng nguy cơ lan truyền các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người . Hoạt động buôn bán ĐVHD liên quan đến khoảng 1/4 tất cả các loài động vật có vú, bao gồm tỷ lệ cao các loài dơi, động vật gặm nhấm và động vật linh trưởng, được biết đến là những loài có nguy cơ cao có thể mang theo nhiều loại mầm bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Hoạt động buôn bán ĐVHD bất hợp pháp cũng lách luật kiểm soát, kiểm tra thú y và các cơ sở chăm sóc... làm tăng khả năng lây truyền bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.
Y học phòng ngừa
Y học phòng ngừa là hoạt động thúc đẩy các hoạt động thú y và y tế hỗ trợ sức khỏe và phúc lợi của một cá nhân hoặc tập thể để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tật, khuyết tật và tử vong. Điều này bao gồm tiêm chủng, phòng ngừa và kiểm soát ký sinh trùng, và sàng lọc sức khỏe, cũng như các chiến lược quản lý phù hợp các bệnh hiện có và các biến chứng liên quan. Y học phòng ngừa rất quan trọng đối với con người và vật nuôi. Mặc dù ít được sử dụng cho ĐVHD, nhưng nó đóng vai trò quan trọng trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như tiêm vắc-xin cho loài chồn chân đen đang có nguy cơ tuyệt chủng chống lại bệnh dịch hạch.
Cảnh báo sớm và giám sát tác nhân gây bệnh
Các tác nhân gây bệnh từ động vật có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, đe dọa sức khỏe, phúc lợi và nền kinh tế của mọi xã hội. Trong khuôn khổ Một sức khỏe cho phép thu thập, chia sẻ dữ liệu, thông tin dịch tễ học trên nhiều lĩnh vực hỗ trợ phát hiện sớm các tác nhân gây bệnh và cho phép cảnh báo sớm các mối đe dọa mới nổi. Điều này có thể cho phép can thiệp sớm để ứng phó với các đợt bùng phát, cuối cùng là giảm tác động của bệnh tật.
Giám sát có thể nâng cao nhận thức của con người về động lực vật chủ và mầm bệnh hiện có, các tác nhân gây bệnh và sự lây truyền bệnh ở động vật và con người trong môi trường chung của chúng. Giám sát nguồn gốc, sự lây lan và các mô hình của các mầm bệnh mới ở các khu vực địa lý nhằm dự đoán và ngăn ngừa đại dịch.
Quản lý chăn nuôi bền vững
Chăn nuôi đóng vai trò chính trong hệ thống lương thực toàn cầu và góp phần xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp. Chăn nuôi cũng là hình thức sử dụng đất chủ yếu trong các đồng cỏ và thảo nguyên tự nhiên. Các hệ thống này thường là nơi bộ ba Một sức khỏe gồm con người, môi trường và động vật đan xen chặt chẽ nhất, với người chăn nuôi, gia súc và ĐVHD cùng chung sống và chia sẻ tài nguyên từ cùng một hệ sinh thái. Quản lý chăn nuôi không bền vững có thể tác động tiêu cực đến ĐVHD đồng thời làm tăng khả năng lây truyền bệnh tật giữa người, ĐVHD và vật nuôi. Các chiến lược Một sức khỏe hiệu quả cho việc quản lý chăn nuôi bền vững, bao gồm quản lý sức khỏe đàn vật nuôi, quản lý đồng cỏ bền vững và quản lý giao diện giữa vật nuôi và ĐVHD có khả năng cải thiện sức khỏe con người, tăng năng suất chăn nuôi và mang lại lợi ích công bằng cho mọi người, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Thay đổi hành vi
Để đạt được những thay đổi cần thiết nhằm đảm bảo con người, động vật và hệ sinh thái khỏe mạnh, thay đổi hành vi và giáo dục sẽ là những công cụ thiết yếu cho phương pháp tiếp cận Một sức khỏe phối hợp và liên ngành. Những nỗ lực thay đổi hành vi có thể đóng vai trò quan trọng đối với các sáng kiến Một sức khỏe bao gồm nhiều chiến thuật khác nhau, từ việc giảm nhu cầu đối với các sản phẩm ĐVHD có nguy cơ mắc bệnh cao đến các hành vi xung quanh vệ sinh, an toàn thực phẩm và các hoạt động quản lý chất thải.
Tình hình triển khai “Một sức khỏe” tại Việt Nam
Tại Việt Nam, khái niệm "Một sức khỏe" không chỉ được đề cập trong các tài liệu chiến lược mà còn từng bước được thể chế hóa trong chính sách quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ ĐVHD và BĐKH. Nhận thức được tầm quan trọng của cách tiếp cận liên ngành này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành "Kế hoạch hành động quốc gia về Một sức khỏe giai đoạn 2021–2025", đánh dấu bước chuyển từ tư duy phòng chống dịch bệnh truyền thống sang mô hình tích hợp giữa y tế, thú y, bảo tồn và môi trường.
Một trong những điểm nổi bật là việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về Một sức khỏe, tạo ra cơ chế điều phối liên ngành giữa Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, và các tổ chức quốc tế như FAO, WHO, USAID. Mô hình này đã giúp triển khai hệ thống cảnh báo sớm dịch bệnh liên ngành tại các điểm nóng như các chợ buôn bán ĐVHD, vùng rừng núi và khu BTTN. Thông qua giám sát dịch tễ học và chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, Việt Nam đã nâng cao năng lực phát hiện và phản ứng nhanh với các dịch bệnh mới nổi như cúm gia cầm, bệnh do virus corona ở dơi, hoặc lở mồm long móng.
Trên phương diện pháp lý, Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Chỉ thị số 29/CT-TTg năm 2020 đã siết chặt quản lý và nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ ĐVHD, đồng thời yêu cầu lồng ghép nội dung bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH) trong phát triển kinh tế - xã hội. Điều này cho thấy sự chuyển biến chính sách mạnh mẽ hướng tới giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh từ rừng, nơi vốn là kho lưu trữ tiềm tàng các mầm bệnh zoonotic.
Ngoài ra, Việt Nam còn tiên phong trong việc lồng ghép nội dung Một sức khỏe vào các chương trình đào tạo tại các trường đại học chuyên ngành y tế công cộng, thú y, và môi trường. Việc đào tạo thế hệ chuyên gia liên ngành có năng lực phối hợp và xử lý các vấn đề phức tạp ở giao diện người - động vật - môi trường sẽ là nền tảng quan trọng cho sự bền vững của mô hình Một sức khỏe trong tương lai.
Bên cạnh các chính sách cấp quốc gia, một số địa phương tại Việt Nam cũng đã triển khai mô hình Một sức khỏe với các sáng kiến cụ thể. Tại tỉnh Lào Cai – khu vực biên giới có ĐDSH cao và nguy cơ buôn bán ĐVHD xuyên biên giới – chính quyền địa phương đã hợp tác với các tổ chức phi chính phủ để giám sát dịch bệnh trên ĐVHD và vật nuôi, đồng thời tổ chức các khóa tập huấn Một sức khỏe cho cán bộ thú y, kiểm lâm và y tế dự phòng. Ttại Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), nơi Trung tâm Cứu hộ ĐVHD đã phối hợp với các nhà khoa học và cơ quan chức năng xây dựng mô hình giám sát sức khỏe ĐVHD trong điều kiện bán tự nhiên. Thông qua việc lấy mẫu máu, phân và sinh học phân tử, các nhà nghiên cứu có thể phát hiện sớm những mầm bệnh tiềm ẩn có thể truyền sang người, từ đó đưa ra khuyến nghị bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo tồn ĐDSH.
Nhìn chung, Việt Nam đang từng bước xây dựng một hệ sinh thái chính sách và hành động có sự phối hợp đa ngành nhằm ứng dụng Một sức khỏe hiệu quả nhất, có chiều sâu và mang tính bền vững. Đây là cơ hội để Việt Nam trở thành hình mẫu trong khu vực về BTTN gắn liền với y tế dự phòng, thích ứng với BĐKH và phục hồi hệ sinh thái. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh mà còn góp phần BTTN, bảo vệ ĐDSH và hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và BĐKH ngày càng sâu sắc.
Kết luận
Một hành tinh khỏe mạnh là nơi chúng ta ngăn chặn các tác nhân chính gây ra sự lan truyền bệnh tật như nạn phá rừng, buôn bán ĐVHD... và thay đổi cách chúng ta tương tác với ĐVHD và động vật nuôi. Với sự gia tăng của các đại dịch và biến đổi môi trường, việc áp dụng Một sức khỏe không còn là lựa chọn mà là yêu cầu cấp bách. Một sức khỏe không chỉ là khái niệm lý thuyết, mà là khuôn khổ hành động cần thiết để bảo vệ tương lai của hành tinh. Áp dụng Một sức khỏe trong BTTN là cách tiếp cận chủ động, bền vững và mang tính hệ thống để phòng ngừa đại dịch trong tương lai, đồng thời góp phần xây dựng một hành tinh khỏe mạnh cho mọi sinh vật sống. Đây là khuôn khổ hành động chiến lược, có thể dẫn dắt các quốc gia xây dựng hệ sinh thái khỏe mạnh, xã hội vững mạnh và nền kinh tế phục hồi linh hoạt trước các thách thức toàn cầu.
Tạ Thị Kiều Anh
Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2025)
Tài liệu tham khảo
World Wildlife Fund (WWF). (2024). Towards a Healthy Planet: Integrating One Health into Nature Conservation. Gland, Switzerland.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường. (2021). Kế hoạch hành động quốc gia về Một sức khỏe, giai đoạn 2021–2025. Hà Nội, Việt Nam.
WHO, FAO, OIE, UNEP. (2022). One Health Joint Plan of Action (2022–2026). Geneva: World Health Organization.
Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD.
Zinsstag, J., Schelling, E., Waltner-Toews, D., Whittaker, M., & Tanner, M. (2015). One Health: The Theory and Practice of Integrated Health Approaches. CABI Publishing.
USAID Vietnam. (2023). Vietnam One Health Partnership for Zoonoses: Annual Report. Hanoi.