Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 09/01/2025

Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng: Hành trình 15 năm hình thành, phát triển và đóng góp

19/12/2024

    Ngày 19/12/2024, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 15 năm ngày thành lập với chủ đề “15 năm hình thành, phát triển và đóng góp”. Đây không chỉ là dịp để CECR nhìn lại hành trình 15 năm qua mà còn là cơ hội để cùng hướng tới một tương lai tươi sáng hơn, tiếp tục sứ mệnh vì môi trường và cộng đồng bền vững.

    Hành trình đánh dấu sự hình thành và phát triển của CECR

    Hơn một thập kỷ qua, CECR luôn bền bỉ chung tay BVMT Việt Nam, từ những bước đi đầu tiên, CECR không ngừng nỗ lực thể hiện sứ mệnh vì một môi trường trong lành, bền vững cho hiện tại và tương lai. Giai đoạn khởi đầu đánh dấu sự hình thành của CECR với những bước đi tiên phong trong bảo vệ hồ Hà Nội. Hành trình của CECR bắt đầu từ Dự án Bảo tồn di sản, bảo vệ tương lai, tiến tới bảo vệ bền vững hệ thống hồ Hà Nội với sự tham gia của cộng đồng. Báo cáo thông tin về hồ Hà Nội ra mắt vào năm 2010 là cơ sở số liệu hoàn chỉnh đầu tiên của hệ thống hồ Hà Nội 6 quận nội thành. Báo cáo được lọp vào Top 10 Giải thường Bùi Xuân Phái về tình yêu Hà Nội năm 2012. Bên cạnh đó, CECR đã khởi xướng và thực hiện Chương trình Trường học tiên phong trong biến đổi khí hậu, BVMT năm 2012, dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Hoa Kỳ. Thông qua Chương trình này, các em học sinh đã được truyền cảm hứng, trang bị kiến thức và kỹ năng để trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai. Năm 2013, CECR triển khai Chương trình Liên minh vận động chính sách kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm nước với mục tiêu tập hợp các tổ chức phi chính phủ, cơ quan quản lý, cơ quan khoa học, tổ chức truyền thông, cộng đồng, doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhà luật gia và môi trường cùng nhau làm việc, nhằm giám sát và xây dựng, thực hiện chính sách về kiểm soát ô nhiễm nước tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Ngọc Lý - Người sáng lập CECR phát biểu tại Lễ kỷ niệm

    Giai đoạn phát triển mạnh mẽ, CECR mở rộng thêm lĩnh vực hoạt động như vận động chính sách; thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong BVMT. Đây là thời kỳ phát triển mạnh các hoạt động cốt lõi của Trung tâm. Năm 2015, CECR tiếp tục hành trình bảo tồn hồ Hà Nội với việc ra mắt Báo cáo hồ Hà Nội 2015, phối hợp cùng Quỹ BVMT Việt Nam. Bộ số liệu đã phản ánh sự thay đổi của hệ thống hồ Hà Nội trong 5 năm, là Báo cáo giám sát mang tính hệ thống, hướng tới tạo nguồn cảm hứng, đóng góp và thúc đẩy công tác bảo vệ hồ Hà Nội hiệu quả.

    Tiếp nối những chương trình đào tạo và giáo dục hành động vì môi trường, từ năm 2015 - 2018, trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên trong thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Hồng do USAID tài trợ, CECR đã triển khai chương trình đào đạo thanh niên xung phong và thúc đẩy thanh niên biến ý tưởng thành hành động, lan tỏa các giá trị bảo vệ biển khỏi rác thải nhựa. Năm 2017, CECR khởi sướng Dự án Đại dương không nhựa; Chương trình thu gom, phân loại, tái chế rác thải nhựa vì một cộng đồng khỏa mạnh và thành phố xanh tại Đà Nẵng. Đây là bước khởi đầu quan trọng không chỉ giải quyết vấn đề rác thải mà còn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về thực hành tái chế rác thải sinh hoạt của mỗi cá nhân trong việc BVMT và ngăn ngừa ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.

    Sau thời gian hình thành, phát triển, đến năm 2021, Liên minh nước sạch đã có 30 thành viên chủ chốt tại Sơn La, Đà Nẵng, Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Nam, Bình Dương, Thái Bình, Cần Thơ, hình thành một mạng lưới cộng đồng tham gia bảo vệ, giám sát tài nguyên nước. Tại các nguồn nước đã, đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, Báo cáo Nghiên cứu ô nhiễm nước và sự cần thiết phải xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước tại Việt Nam đã nhận được sự đón nhận rộng rãi của các nhà luật pháp cũng như cơ quan nghiên cứu. Ngoài ra, CECR còn tiên phong trong lồng ghép yếu tố về giới vào môi trường và phát triển. Năm 2015, CECR phối hợp với Viện Môi trường Stockholm hoàn thành Nghiên cứu Đánh giá sự tham gia của phụ nữ trong đánh giá tác động môi trường thuộc 2 dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Năm 2017, CECR tiếp tục xây dựng tham gia của phụ nữ trong đánh giá tác động môi trường. Năm 2019, dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Canađa, CECR hoàn thành Báo cáo Nghiên cứu nâng cao vị thế của phụ nữ trong chuỗi giá trị rác thải nhựa tại Việt Nam. Tại COP22 năm 2016, đại diện CECR đã tham gia và đóng góp tiếng nói về khía cạnh bất bình đẳng giới trong rủi ro thiên tai.

Quang cảnh buổi Lễ kỷ niệm

    Bước vào giai đoạn đột phá, CECR khẳng định vị trí tiên phong trong bảo vệ nguồn nước. Những nền móng đầu tiên về các hoạt động bảo tồn hồ Hà Nội và Liên minh nước sạch đã là nguồn cảm hứng và thành tựu to lớn để năm 2020, CECR chính thức triển khai Dự án Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước Việt Nam, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực bảo tồn nguồn nước. Thông qua Dự án này, Mạng lưới bảo tồn nguồn nước Việt Nam (VIWACON) được thành lập, hỗ trợ nâng cao năng lực để cùng nhau thực hiện và thúc đẩy các hoạt động, sáng kiến bảo vệ nguồn nước, kiểm soát ô nhiễm nước và sử dụng nước thông minh dựa vào cộng đồng. Đồng thời, hỗ trợ hoàn thiện và thực thi chính sách về bảo tồn nguồn nước, kiểm soát ô nhiễm nước hiệu quả tại Việt Nam. Từ năm 2020 - 2022, thông qua sự hỗ trợ của DOW Việt Nam, CECR triển khai Mô hình kinh tế tuần hoàn tài nguyên rác thải nhựa giá trị thấp tại Hoàn Kiếm trong khuôn khổ Dự án Hợp tác quốc gia thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại Việt Nam. Hoạt động này không chỉ góp phần giảm thiểu rác thải nhựa mà còn thúc đẩy cộng đồng áp dụng các giải pháp bền vững trong phân loại, tái chế rác thải nhựa hiệu quả. Mô hình ghi nhận được sự tham gia của 5.000 hộ dân, thu được gần 10 tấn rác thải nhựa giá trị thấp và vận chuyển về cơ sở tái chế để tái chế thành các sản phẩm phục vụ đời sống. Ngoài ra, các mô hình về kinh tế tuần hoàn cũng được CECR triển khai mạnh mẽ tại quận Nam Từ Liên với Dự án Tăng cường vai trò của phụ nữ trong các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa thông qua phân loại, tái chế bền vững do Tổ chức Bảo tồn đại dương tài trợ. Các mô hình thu gom rác thải nhựa giá trị thấp tại Nam Từ Liêm với sự tham gia trực tiếp của 150 chị em thu gom phi chính thức và nâng cao nhận thức cho 9.000 hộ gia đình tham gia phân loại rác tại nguồn. Tại Đà Nẵng, thông qua sự hỗ trợ của USAID, CECR triển khai thành công nhiều mô hình quản lý rác thải theo chuỗi giá trị. Mô hình quản lý rác thải tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang với sự tham gia của ngư dân, tiểu thương đã góp phần giảm lượng rác thải đổ ra biển và chôn lấp. Đặc biệt, Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường Đà Nẵng đã xây dựng được ứng dụng, giúp tạo ra kênh tương tác trực tiếp giữa ngư dân, tiểu thương và cơ quan quản lý để trao đổi, thu thập tài liệu...

Tập thể CECR chụp ảnh lưu niệm tại Lễ kỷ niệm

    Tiếp nối thành công của các nghiên cứu và những hoạt động mạnh mẽ nhằm tăng cường tiếng nói của phụ nữ, giảm bất bình đẳng giới, năm 2019, Dự án Tăng cường sự tham gia và nâng cao năng lực quản lý của các tổ chức phụ nữ trong xây dựng chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai được CECR khởi xướng và hình thành Mạng lưới phụ nữ tiên phong ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông qua các hoạt động nâng cao năng lực, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, Mạng lưới phụ nữ đã hoạt động tích cực ở các tỉnh/thành như Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bến Tre, Yên Bái và có đóng góp ý nghĩa cho tiến trình thực hiện Kế hoạch quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu và Đóng góp quốc gia tự quyết định tại Việt Nam. Từ năm 2017 đến nay, CECR đã đồng hành cùng quận Hoàn Kiếm thực hiện Chương trình Giáo dục môi trường về giảm thiểu rác thải nhựa, bảo tồn nguồn nước và xây dựng trường học xanh cho hàng nghìn em học sinh tại 39 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở của địa phương. Với đội ngũ chuyên gia cao cấp trong, ngoài nước về quản lý môi trường, phát triển bền vững, quản trị và phát triển tổ chức, CECR đã và đang thực hiện các hoạt động tư vấn, đào tạo và nâng cao năng lực quản lý môi trường cho các cơ quan nhà nước, địa phương và doanh nghiệp. CECR còn đồng hành cùng Sở TN&MT Đà Nẵng trong nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách về môi trường. Năm 2023 - 2024, CECR đã thực hiện chuỗi các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Vườn Quốc gia Hoàng Liên trong việc xác định, viết đề xuất và quản lý dự án từ nguồn tài trợ. Thông qua đó, giúp Vườn Quốc gia bồi dưỡng 30 cán bộ có năng lực, xây dựng đề xuất và quản lý dự án hiệu quả. Ngoài ra, các sự kiện truyền thông của CECR thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp chung tay BVMT như DOW Việt Nam, Coca Cola Việt Nam, Lock and Lock Việt Nam...

    Tiếp tục nỗ lực và cống hiến vì Việt Nam xanh

    Phát biểu tại buổi Lễ, ông Nguyễn Khắc Hùng, Giám đốc CECR cho biết, ngay từ những ngày đầu thành lập, Trung tâm đã xác định rõ sứ mệnh của mình là trở thành một đơn vị nghiên cứu uy tín, cung cấp thông tin khoa học chính xác, đầy đủ, kịp thời cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và cộng đồng về những thách thức cũng như cơ hội liên quan đến môi trường. Trong 5 năm gần đây, CECR không chỉ bùng nổ về số lượng dự án mà còn định hình vai trò tiên phong trong các mô hình kinh tế tuần hoàn và bảo tồn nguồn nước. Để đạt được thành công như hôm nay, CECR đã không ngừng học hỏi, tìm kiếm giải pháp và nỗ lực vươn lên, đó là công sức, là tâm huyết, là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tất cả mọi thành viên trong ngôi nhà CECR.

    Ông Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Mạng lưới Bảo tồn nguồn nước Việt Nam bày tỏ, thành công của CECR sau 15 năm hình thành và phát triển là đã thức tỉnh, lôi cuốn, lan toả thông điệp để cả cộng đồng tham gia vào BVMT. Điều này chứng tỏ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam quyết định thành lập CECR là rất đúng, rất trúng. Những đóng góp của CECR cho xã hội, cho đất nước là vô cùng to lớn, là viên kim cương quý hiếm và vô giá. Trên cơ sở đó, ông hy vọng, trong tương lai, các thành viên trong CECR sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, vượt qua mọi thách thức; vận dụng tối đa kinh nghiệm và kiến thức học tập ở nước ngoài để áp dụng phù hợp tại Việt Nam. Đặc biệt, ngày càng chú trọng hơn nữa đến công tác giáo dục môi trường, đạo đức môi trường để bảo vệ mẹ Trái đất, duy trì sự sống cho con người, cho muôn loài.

    Đại diện cho các cán bộ đã từng công tác tại CECR từ những ngày đầu mới thành lập, bà Đào Thị Thanh Thủy, cựu cán bộ CECR xúc động, không chỉ là nơi làm việc, CECR còn là nơi để mỗi thành viên được cháy hết mình với đam mê, sáng tạo, để ngày càng trường thành và có thể đóng góp cho xã hội, cho đất nước Việt Nam. CECR chính là những mảnh ghép ý nghĩa để tất cả mọi thành viên phát triển và ngày càng hoàn thiện bản thân.

    Với cương vị, vai trò là người truyền lửa, là linh hồn của CECR trong vòng 15 năm qua, người đã đặt nền móng, dẫn dắt Trung tâm qua những bước phát triển đáng tự hào, bà Nguyễn Ngọc Lý - Sáng lập CECR hy vọng, thế hệ trẻ của CECR ngày hôm nay sẽ “mãi mãi khởi nghiệp”, “mãi mãi học tập”; luôn sống và làm việc với tinh thần nhiệt huyết của một chiến binh và tâm thế của những người mới khởi nghiệp, bởi vì khi khởi nghiệp, con người sẽ có thật nhiều động cơ, động lực để nỗ lực thực hiện mọi ước mơ.

Thu Hằng

Ý kiến của bạn