Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu Net Zero, bảo vệ môi trường nông thôn

24/11/2024

    Ngày 24/11/2024, tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ TN&MT lắng nghe nông dân nói”.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc Diễn đàn

    Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, khơi thông nguồn lực đất đai, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, Bộ TN&MT luôn xác định Hội Nông dân các cấp là hệ thống nối dài, lực lượng quan trọng trong triển khai các chiến lược, cơ chế, chính sách, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ngành, trong đó: quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên nước; bảo vệ môi trường; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là các nhiệm vụ được ưu tiên. Do đó, Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” với chủ đề “Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu Net Zero, bảo vệ môi trường nông thôn” được tổ chức là dịp để Bộ TN&MT truyền tải những thông điệp, phổ biến những cơ chế chính sách mới và quan trọng đến từng cấp hội nông dân, để từ đó lan tỏa đến từng bà con nông dân trên cả nước. Diễn đàn cũng là tiền đề để lắng nghe, tổng hợp ý kiến của bà con nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024.

    Trên tinh thần đó, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề: Cơ chế, chính sách và pháp luật về đất đai và những ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; các đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả thi hành chính sách mới của Luật Đất đai năm 2024; giới thiệu những sáng kiến hay, kinh nghiệm tốt, mô hình hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; trong triển khai và vận dụng các điểm mới của chính sách để phát huy nguồn lực từ đất đai phục vụ việc cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững; trao đổi, chia sẻ của đại diện các Bộ, ban, ngành với các cấp Hội Nông dân và bà con nông dân để có thể tiếp cận nguồn lực đất đai, tài chính, nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, sinh kế bền vững và chuyển đổi công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Việt Nam.

    Tại Diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh, những năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành hiệu quả, linh hoạt của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống của nông dân và cư dân nông thôn được nâng cao về mọi mặt, diện mạo nông thôn có sự thay đổi sâu sắc theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, với đặc thù của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; cả về mặt khách quan và chủ quan như: tính phức tạp trong quản lý, sử dụng đất đai; về tích tụ, tập trung đất đai; quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; việc chuyển đổi tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ sản xuất xanh của người nông dân còn nhiều khó khăn, thách thức; về bảo vệ môi trường nông thôn nhất là trong sản suất nông nghiệp, về rác thải sinh hoạt, làng nghề khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn ảnh hưởng của biến đổi khí hậu xuất hiện các hình thái thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ...

    Với chủ đề: "Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông thôn", Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn mong muốn được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân cả nước nói chung, các địa phương khu vực phía Bắc nói riêng liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước. Đặc biệt, mong được bà con chia sẻ những sáng kiến hay, cách làm hiệu quả; đồng thời, kiến nghị, đề xuất những giải pháp khả thi để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo động lực để phát triển mạnh mẽ khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Quang cảnh Diễn đàn

    Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đặt câu hỏi và được Bộ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam giải đáp những vấn đề về sản xuất nông nghiệp như: Cơ chế, chính sách và pháp luật về đất đai; những ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả thi hành chính sách mới của Luật Đất đai năm 2024. Bên cạnh đó, các đại biểu giới thiệu nhiều sáng kiến, mô hình hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024; cách làm hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn nông dân bảo vệ môi trường nông thôn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; kiến nghị với Hội và cơ quan nhà nước để làm tốt hơn lĩnh vực này. Đặc biệt, các đại biểu chia sẻ mô hình quản lý, thu gom, xử lý chất thải, phụ phẩm nông nghiệp; biện pháp quản lý hóa chất bảo vệ thực vật…theo hướng tái chế, tái sử dụng, hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp trong nông nghiệp.

    Theo Ban Tổ chức, thông qua các kênh khác nhau như các cấp Hội Nông dân cả nước gửi về, ý kiến bạn đọc qua chuyên mục Lắng nghe nông dân trên Báo điện tử Dân Việt, đã có trên 1.000 câu hỏi, ý kiến, đề xuất, nguyện vọng được gửi đến hai đồng chí lãnh đạo, nhằm giải đáp các thắc mắc về một số vấn đề lớn về: Cơ chế, chính sách về thi hành Luật Đất đai, cơ chế, chính sách về khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp; Cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát huy, khơi thông nguồn lực từ đất đai phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội; các vấn đề về cơ chế chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, mục tiêu giảm phát thải ròng, hấp thụ các-bon; các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn…

Hương Đỗ

Ý kiến của bạn