Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 09/01/2025

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành tài nguyên và môi trường

21/12/2024

    Ngày 21/12/2024, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành TN&MT. Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Cùng tham dự có ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Quốc Đoàn; ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phan Như Nguyện; đại diện Lãnh đạo các cơ quan Trung ương (Văn phòng Trung Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban kinh tế Trung ương, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ); đại diện lãnh đạo UNBD các tỉnh, thành phố: An Giang, Bắc Cạn, Bình Thuận, Cà Mau, Cao Bằng, Hải Phòng, Hà Nam, Hà Giang, Khánh Hòa, Lai Châu, Long An, Ninh Bình, Hưng Yên, Quảng Nam, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Tuyên Quang. Về phía ngành TN&MT có đồng chí Đỗ Đức Duy, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT; các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành, Lê Minh Ngân; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ; lãnh đạo Sở TN&MT 63 tỉnh, thành phố.

    Thể chế, chính sách, pháp luật về TN&MT ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý và nhu cầu thực tiễn của đất nước

    Theo Báo cáo tổng kết năm 2024 của Bộ TN&MT, năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá, tạo tiền đề, động lực cho năm 2025 để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra. Trong năm qua, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố bất định; cạnh tranh chiến lược, xung đột vũ trang, bất ổn chính trị gia tăng; tăng trưởng toàn cầu phục hồi chậm; thách thức an ninh phi truyền thống tác động trực tiếp, đa chiều đến sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia, khu vực. Tại Việt Nam, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội cơ bản ổn định, tăng trưởng ở mức cao, lạm phát được kiểm soát, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước các tác động bên ngoài, cũng như những hạn chế, bất cập nội tại, đồng thời phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

    Trước bối cảnh đó, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận định, dự báo chính xác tình hình, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều quyết sách; quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, linh hoạt trong tổ chức thực hiện, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển trước mắt và lâu dài của đất nước. Về phía Bộ TN&MT, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ mọi nhiệm vụ được giao, đặc biệt là khơi thông điểm nghẽn về chính sách, bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, gắn kết chặt chẽ với BVMT, ứng phó với BĐKH, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương. Nhiều kết quả quan trọng của ngành TN&MT đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, nhân dân đánh giá cao, nổi bật là thể chế, chính sách, pháp luật về TN&MT tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn phát triển của đất nước. Việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật được toàn ngành triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; hệ thống các quy hoạch ngành quốc gia được xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phân bổ, bố trí, sử dụng hợp lý không gian, nguồn lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng kinh tế - xã hội, địa phương và cả nước.

    Cùng với đó, công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên đáp ứng nhu cầu phát triển, làm nền tảng thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Công tác BVMT, ứng phó với BĐKH được các cấp, ngành quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực; các chỉ tiêu về môi trường đã trở thành tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả, tính bền vững kinh tế - xã hội của quốc gia và từng địa phương; giải pháp về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế toàn hoàn, kinh tế các - bon thấp đạt được kết quả bước đầu… Ngoài ra, công tác dự báo khí tượng, thủy văn, dự báo, cảnh báo thiên tai luôn chủ động “đi sớm, đi trước, qua đó góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; vấn đề chuyển đổi số cũng đạt nhiều kết quả tích cực; hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, thông tin, truyền thông ngày càng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về TN&MT.

    Tăng cường khối đoàn kết, bứt phá, bước vào kỷ nguyên mới, trở thành một mô hình phát triển, mô hình đáng tự hào

   Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ và toàn ngành TN&MT, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, năm 2024, toàn ngành đã bám sát chủ đề điều hành của Chính phủ “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” để xác định ý nghĩa then chốt trong các hoạt động trọng tâm năm 2024. Đặc biệt, nhằm hực hiện hiệu quả Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 9/11/2023 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ngay từ đầu năm, Bộ TN&MT đã nỗ lực tập trung triển khai thực hiện tốt nội dung các Nghị quyết cũng như chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là tập trung xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình hành động của Ngành TN&MT trong thực hiện các Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy phát biểu

    Với sự nỗ lực không ngừng, năm 2024, Bộ TN&MT đã có những kết quả nổi bật trong 11 lĩnh vực bao gồm: (i) Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; (ii) Đẩy mạnh cải cách hành chính; đơn giản hóa, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; (iii) Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra; (iv) Tích cực, chủ động, thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại; (v) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; (vi) Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; (vii) Chủ động phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây nguy cơ ô nhiễm; (viii) Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác các hiện tượng thời tiết cực đoan; (ix) Triển khai các chủ trương, giải pháp chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chủ động ứng phó với BĐKH; (x) Thực hiện nhiệm vụ quản lý biên giới, địa giới; tập trung hiện đại hóa công tác quản lý dữ liệu thông tin địa lý quốc gia; (xi) Ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ quản lý, giám sát TN&MT.

    Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, bước sang 2025, ngành TN&MT phấn đấu hoàn thành mọi mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025 với tinh thần “Mục tiêu, nhiệm vụ nào chưa hoàn thành thì phải hoàn thành; mục tiêu, nhiệm vụ nào đã hoàn thành rồi thì phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả”. Theo đó, toàn ngành sẽ tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật bao quát, toàn diện hết mọi lĩnh vực quản lý; sắp xếp, tổ chức, kiện toàn bộ máy nhân sự theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về TN&MT, phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước của Bộ và các địa phương; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên; kiểm soát tốt nguồn gây ô nhiễm, góp phần cải thiện chất lượng môi trường; chủ động, linh hoạt trong huy động mọi nguồn lực ứng phó với BĐKH; dự báo, cảnh báo chính xác, kịp thời tình hình khí tượng và các hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động phòng, chống, ứng phó.

    Ngành cũng đặt ra mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể trong năm 2025: Trên 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý bảo đảm quy chuẩn; 30 - 40% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý kết hợp thu hồi năng lượng. Đồng thời, hoàn thành 80% diện tích lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền; hoàn thành điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản tại các cấu trúc có triển vọng ở các khu vực Tây Bắc, Trung Trung bộ; hoàn thành từ 90 - 100% các hồ chứa lớn, quan trọng; thực hiện cắm mốc hàng lang bảo vệ nguồn nước; xây dựng kịch bản nguồn nước trên 8 lưu vực sông đã có quy hoạch tổng hợp để công bố kịch bản nguồn nước vào đầu năm 2025.

Quang cảnh Hội nghị

    Bên cạnh đó, tự động hóa 65% số trạm quan trắc khí tượng thủy văn để từng bước hình thành Mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn hiện đại và tự động hoàn toàn, kết nối, chia sẻ số liệu với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới; 100% thiên tai, bão, lũ, được giám sát, dự báo, cảnh báo kịp thời, đủ độ tin cậy; hình thành Mạng lưới quan trắc khí tượng thuỷ văn kết nối trong lưu vực sông Mê Công; tăng cường năng lực giám sát môi trường, khí tượng thủy văn; 39% diện tích vùng biển được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000; 75% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000; bảo đảm 100% các trạm định vị vệ tinh quốc gia hoạt động liên tục…

    Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ TN&MT sẽ tập trung vào 5 giải pháp mang tính đột phá sau: (1) sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; (2) tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật để phát huy nguồn lực về TN&MT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; (3) Hoàn thiện, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả mọi lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; (4) Tạo sự chuyển biến căn bản về tư duy, hành động đối với công tác BVMT;  cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở lưu vực sông và ô nhiễm không khí tại đô thị; (5) Tăng cường công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với BĐKH; thực hiện chuyển đổi xanh nhằm hướng tới kinh tế tuần hoàn và kinh tế các-bon thấp để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

    Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành TN&MT đã đạt được trong năm 2024 và thời gian qua. Lần đầu tiên mọi lĩnh vực quản lý, ngành đều có luật điều chỉnh, nhất là những luật quan trọng như Đất đai, Địa chất và Khoáng sản, Tài nguyên nước… Song công tác xây dựng Luật, văn bản dưới Luật đã phát huy sự tham gia dân chủ, khách quan, khoa học của các bên, điển hình là Luật Đất đai và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, qua đó góp phần thay đổi tư duy xây dựng pháp luật, mở ra hướng giải quyết nhiều vướng mắc, tồn đọng.

    Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, xây dựng bộ máy quản lý nhà nước “tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” là mục tiêu lớn mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã xác định trước khi bước vào kỷ nguyên mới của đất nước, một kỷ nguyên ở tầm cao phát triển mới. Bộ TN&MT tổng kết vào thời điểm có tính lịch sử khi ngành TN&MT và ngành N&PTNT chuẩn bị chuyển sang giai đoạn phát triển mới, đánh dấu mốc cho phát triển mới của hai Bộ, cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. Ở thời kỳ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT có cơ hội cũng như mối quan hệ gắn bó mật thiết hữu cơ, từ góc độ này cho thấy, khi hai bộ hợp nhất sẽ trở thành “mô hình phát triển, mô hình đáng tự hào". Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị trong năm 2025, Bộ TN&MT phối hợp với Bộ NN&PTNT khẩn trương thực hiện hợp nhất, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực hiệu quả theo nguyên tắc “một việc không giao cho 2 người”, “chức năng, nhiệm vụ quyết định tổ chức, bộ máy”.

    Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, quan điểm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về BVMT trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là “Phát triển kinh tế, xã hội, BVMT là trung tâm”, trong đó xác định môi trường là một trong 3 trụ cột của phát triển bền vững Kinh tế - Văn hóa - Xã hội - Môi trường; là yếu tố quyết định đến sự tồn vong và phát triển của đất nước. Sau khi hợp nhất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải thay đổi tư duy quản lý, phải giải quyết được bài toán kinh tế, xã hội, môi trường hài hòa, đảm bảo môi trường là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Để làm được điều đó, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần phải đặt môi trường vào vị trí trung tâm của sự phát triển, là triết lý của ngành, đưa ra nguyên tắc, nguyên lý và có cái nhìn sâu hơn trong mọi vấn đề. Đồng thời, phải thay đổi về nhận thức và luật pháp trong cách quản lý; đẩy mạnh về kinh tế xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Gia Linh

Ý kiến của bạn