Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Hội nghị Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam

14/11/2024

    Ngày 14/11/2024, tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp với Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc Hội và UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam”. Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy và Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông chủ trì Hội nghị.

    Tham dự Hội nghị còn có Đại diện Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc Hội, các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Xây dựng, Y tế, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn; các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ; đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam; Hiệp hội các nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực BVMT cùng các bên liên quan.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

    Thời gian qua, các thành phố, đô thị lớn trực thuộc Trung ương, đặc biệt là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang phải chịu áp lực rất lớn từ quá trình đô thị hóa, sự gia tăng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhanh và các hoạt động xây dựng làm tăng áp lực lớn đến chất lượng môi trường không khí. Qua theo dõi chu kỳ diễn biến chất lượng môi trường không khí hằng năm cho thấy trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau, tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí tại một số địa phương thường xuất hiện những diễn biến xấu, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

    Ô nhiễm môi trường không khí đã và đang là vấn đề thách thức không chỉ riêng của Việt Nam mà còn là vấn đề nổi cộm của các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo Báo cáo diễn biến chất lượng môi trường không khí của Việt Nam trong thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại hai thành phố trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (ngưỡng giá trị AQI) đã lên đến mức xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động nêu trên chưa đáp ứng yêu cầu về BVMT cùng với ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi; chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt,… trong không khí rất lớn, ảnh hưởng khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5. Ngoài ra, tình trạng đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp ngoài cánh đồng (đốt mở và phân tán) vẫn diễn ra nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu để ngăn chặn, làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm không khí, khói mù.

Toàn cảnh Hội nghị

    Xác định giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn là vấn đề trọng tâm, cấp bách, Chính phủ và Bộ TN&MT đã tham mưu, ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, cụ thể: Luật BVMT năm 2020, trong đó yêu cầu các địa phương phải xây dựng, triển khai kế hoạch quản lý chất lượng không khí cấp tỉnh, thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố môi trường không khí khi ô nhiễm không khí nghiệm trọng xảy ra (AQI >300); Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 về Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025. Để triển khai các yêu cầu về BVMT không khí theo Luật BVMT năm 2020 và Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng không khí, Bộ TN&MT cùng các Bộ, ngành Trung ương và địa phương chủ động xây dựng, ban hành nhiều văn bản, quy định nhằm siết chặt hơn mức phát thải khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; nghiên cứu lộ trình và các mức phát thải nhằm thực hiện kiểm định khí thải phương tiện xe máy đang lưu hành theo Điều 42 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh theo quy định của Luật BVMT năm 2020,… Đồng thời, triển khai nhiều dự án, đề án về kiểm soát ô nhiễm không khí; áp dụng nhiều giải pháp, biện pháp, công cụ về chính sách, kỹ thuật, kinh tế và các giải pháp quản lý khác nhằm ngăn chặn cũng như giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường không khí làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

    Mặc dù, công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí đã đạt được một số kết quả tích cực như: Các khu vực ngoài đô thị, công nghiệp, chất lượng môi trường không khí khá sạch; chỉ một số khu vực không khí có dấu hiệu bị ô nhiễm mang tính cục bộ; các thông số khác trong không khí ngoài bụi mịn như NO2, O3, CO, SO2 đa phần giá trị thấp, ít biến động và đạt giới hạn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT – QCVN về chất lượng không khí...). Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn vẫn còn hiện hữu, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

    Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã cùng với các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là TP. Hà Nội triển khai nhiều hoạt động về BVMT nói chung và BVMT không khí nói riêng. Dư luận xã hội và người dân rất quan tâm đến ô nhiễm không khí, đồng thời báo chí và các đơn vị truyền thông cũng đã tích cực đưa tin bài, phản ánh về nội dung này. Tuy nhiên, hiện nay, công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự đoàn kết vì mục tiêu chung và trách nhiệm của toàn xã hội. Bộ TN&MT mong muốn được trao đổi thông tin, giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị của Việt Nam. Từ các đề xuất tại Hội nghị sẽ được chuyển hóa thành hành động cụ thể và thiết thực, hướng đến một “BẦU TRỜI XANH, KHÔNG KHÍ SẠCH” cho các đô thị lớn trên cả nước. Đặc biệt, Bộ trưởng tin tưởng rằng, các cơ quan truyền thông sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ TN&MT trong việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác tới người dân và cộng đồng trong thời gian tới.

    Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe những chia sẻ về nội dung liên quan đến quản lý chất lượng không khí; đồng thời, trao đổi, nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn vào các vấn đề cụ thể: Hiện trạng, nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam hiện nay; kết quả triển khai thực hiện công tác quản lý chất lượng không khí tại các Bộ, ngành và địa phương (đã được Thủ tướng Chính phủ phân công trách nhiệm); chia sẻ một số bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về quản lý, cải thiện, phục hồi ô nhiễm không khí, đặc biệt là Bắc Kinh (Trung Quốc); những khó khăn, vướng mắc thực tế và thách thức khi thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng không khí và đề xuất các giải pháp mang tính đột phá, khả thi để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, từng bước cải thiện chất lượng không khí tại một số đô thị lớn của Việt Nam.

Hồng Nhung

Ý kiến của bạn