Banner trang chủ

Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP

15/07/2025

    Từ ngày 15 - 16/7/2025, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP. Đây là diễn đàn quy mô cấp Bộ trưởng, thu hút sự tham gia của các Bộ trưởng Nông nghiệp và quan chức cấp cao từ Bhutan, Cameroon, Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Ghana, Ethiopia, Lesotho, Malawi, Mozambique, Nepal, Sierra Leone, Nam Sudan, Tunisia, Việt Nam, Zambia và Zimbabwe.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

    Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho biết, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp với trên 60% dân số sống ở khu vực nông thôn. Từ sau công cuộc đổi mới năm 1986, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, thúc đẩy xuất khẩu, cải thiện sinh kế và phát triển nông thôn toàn diện. Ngành nông nghiệp đóng góp 12% GDP, duy trì đà tăng trưởng ở mức 3,3%; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 62,5 tỷ USD năm 2024. Riêng 6 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng nông nghiệp đạt 3,84%; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 33,84 tỷ USD (tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước). Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, có tính đến yếu tố mới nảy sinh như: Tự do hóa thương mại; biến đổi khí hậu; nông nghiệp thông minh và kiểm soát thất thoát lãng phí lương thực, thực phẩm. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã và đang thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững như cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực thực phẩm của Liên hợp quốc năm 2021. Nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng hội nhập mạnh mẽ, đặt mục tiêu tăng trưởng trên 4%/năm, đóng góp tích cực vào kỷ nguyên mới của dân tộc với mục tiêu tăng trưởng liên tục trên 10%/năm của cả quốc gia.

    Nhằm phát triển cộng đồng, phát triển kinh tế khu vực nông thôn thông qua việc phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tinh thần tự chủ, tự cường, khả năng sáng tạo của mỗi người dân, mỗi cộng đồng để gia tăng giá trị, hình thành sản phẩm đặc trưng, mang bản sắc của mỗi vùng, miền, trong đó, chú trọng đến những sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề và nét văn hóa dân gian truyền thống của mỗi cộng đồng nông thôn. Chương trình Mỗi nhà một sản phẩm (OCOP) là một phần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã được Việt Nam triển khai từ năm 2010, đến năm 2018, Chương trình chính thức được Chính phủ triển khai theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến nay, Việt Nam có hơn 16.800 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên với khoảng 9.000 chủ thể tham gia sản xuất, trong đó có hơn 3.000 hợp tác xã; hơn 60% chủ thể ghi nhận doanh thu tăng trung bình 18%/năm… Kết quả này cho thấy OCOP là công cụ hiệu quả giúp trao quyền cho cộng đồng, nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của từng cộng đồng nông thôn trong khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị văn hóa để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

    Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam chia sẻ, Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP là kết quả cụ thể về Sáng kiến của Ngài Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc, được khởi xướng trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 2/2025, trong đó đã kết nối các nỗ lực toàn cầu và khu vực nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Chương trình OCOP của Việt Nam, cũng như Sáng kiến Mỗi quốc gia một sản phẩm ưu tiên (One Country - One Priority Product) của FAO, hướng đến mục tiêu chung - Bốn tốt hơn: Sản xuất tốt hơn; Dinh dưỡng tốt hơn; Môi trường tốt hơn và Cuộc sống tốt hơn (Better Production, Better Nutrition, Better Environment, and Better Life). Qua đó, góp phần định vị Việt Nam như một “điểm đến tri thức” về phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với giá trị bản địa, chuỗi giá trị cộng đồng và hội nhập thương mại quốc tế.

Bà Beth Bechdol, Phó Tổng Giám đốc FAO chia sẻ về ý nghĩa sáng kiến OCOP tại Diễn đàn

    Chia sẻ về ý nghĩa sáng kiến OCOP, bà Beth Bechdol, Phó Tổng Giám đốc FAO cho biết, trong bối cảnh hệ thống nông nghiệp thực phẩm đang phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng, đặc biệt là khi 75% lương thực thế giới chỉ đến từ 12 loài thực vật và 5 loài động vật - OCOP mang đến cơ hội đa dạng hóa sản xuất, tăng cường an ninh lương thực và xây dựng khả năng phục hồi trước những cú sốc. Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP là diễn đàn để châu Á và châu Phi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm triển khai sáng kiến OCOP: Những gì đang hiệu quả, những gì chưa hiệu quả và làm thế nào để cùng nhau tiến lên phía trước.

Quang cảnh Diễn đàn

    Đánh giá cao sáng kiến OCOP được triển khai tại Việt Nam từ năm 2018 với mục tiêu thúc đẩy sản phẩm nông sản địa phương chưa được khai thác hết tiềm năng để đưa vào chuỗi giá trị nông nghiệp hiện đại, bà Beth Bechdol cho rằng, OCOP không chỉ là động lực phát triển kinh tế địa phương mà còn là nền tảng cho chiến lược tăng trưởng nông nghiệp bền vững. Việc đa dạng hóa sản phẩm, tăng khả năng chống chịu và thúc đẩy chia sẻ tri thức giữa các quốc gia là chìa khóa để châu Á và châu Phi cùng hành động, cùng tiến về phía trước. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các văn phòng FAO đang tích cực hỗ trợ quảng bá sản phẩm OCOP, nâng cao năng lực địa phương và đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng ra thị trường toàn cầu. Điều này cho thấy OCOP đang dần trở thành trụ cột chiến lược trong phát triển kinh tế nông thôn khu vực.

    Thông qua Sáng kiến Mỗi quốc gia một sản phẩm ưu tiên (phiên bản OCOP quốc tế), tổ chức FAO đang hỗ trợ phát triển 56 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, góp phần nâng cao sinh kế cho người dân và phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị văn hóa từng địa phương. FAO cam kết tiếp tục hỗ trợ các quốc gia châu Phi trong cuộc chiến chống đói nghèo và suy dinh dưỡng. Thông qua hợp tác ba bên, chúng ta có thể cùng nhau biến những thách thức tại châu Phi thành cơ hội phát triển, cùng nhau xây dựng mạng lưới lương thực thực phẩm xanh, minh bạch và bền vững - Ông Khuất Đông Ngọc, Tổng Giám đốc FAO nhấn mạnh trong video thông điệp.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm

    Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP tập trung vào 3 chủ đề chính: Giới thiệu kinh nghiệm của Việt Nam trong triển khai chương trình OCOP; thảo luận cấp Bộ trưởng về đóng góp của OCOP cho chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực - thực phẩm theo hướng bền vững và có tính chống chịu; đối thoại về tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và các sáng kiến cho chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực - thực phẩm. Các ý kiến chia sẻ kinh nghiệm và bài học trong phát triển chương trình OCOP tại Diễn đàn sẽ giúp tăng cường tiếp cận thị trường, thương mại và đầu tư, cũng như nâng cao dinh dưỡng của sản phẩm đặc sản. Không chỉ dừng ở việc chia sẻ một chiều, đây còn là cơ hội để Việt Nam lắng nghe, học hỏi từ những kinh nghiệm bản địa của châu Phi - châu lục sở hữu nhiều loại nông sản đặc hữu như ca cao, cà phê, điều, bông… Việc kết nối này có thể mở ra hướng xây dựng chuỗi giá trị liên khu vực, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và thậm chí hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giữa các nước phương Nam. Bên cạnh đó, các phiên đối thoại mở là tiền đề để hình thành mạng lưới kết nối đa chiều, giữa các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp OCOP Việt Nam với đối tác châu Phi và tổ chức quốc tế như FAO. Chính những mạng lưới này sẽ duy trì xung lực hành động, biến cam kết hợp tác thành những dự án, hợp đồng, chuỗi giá trị chung.

Thu Hằng

Ý kiến của bạn