Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp

21/11/2024

    Ngày 21/11/2024, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) phối hợp với Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh (DEFRA); Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm (GAHP) tổ chức Hội thảo đánh giá cuối kỳ Dự án “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học ở Việt Nam” bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp.

    Hội thảo có sự tham dự của Chủ tịch VACNE TS. Nguyễn Ngọc Sinh và các Phó Chủ tịch: PGS.TS Phùng Chí Sỹ- Giám đốc Dự án; GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh; GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng; GS.TS. Trần Hiếu Nhuệ; GS.TS. Đặng Kim Chi; Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Thiên Phương; Giám đốc Trung tâm Quốc tế về Hóa chất, Thuốc trừ sâu và Chất thải nguy hại, Trưởng đoàn của DEFRA Adetokunbo Adekunbi Folasade Akinseye; Giám đốc điều hành GAHP Maria Paola Lia cùng đại diện của các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu về môi trường, nông nghiệp, các trường đại học thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

    Trong thời gian từ năm 2022 - 2025, VACNE đã và đang phối hợp với GAHP thực hiện Dự án hợp tác nghiên cứu khoa học “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học ở Việt Nam”. Hội thảo là cơ hội để đánh giá những kết quả đạt được, trao đổi sâu về các giải pháp và thảo luận hướng đi tiếp theo để mở rộng quy mô, đưa các thành quả của Dự án lan tỏa đến nhiều khu vực hơn.

GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch VACNE phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch VACNE đã khẳng định mối liên hệ chặt chẽ giữa vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ sức khỏe con người đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống của con người hiện tại mà còn định hình tương lai bền vững của toàn cầu. GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng bày tỏ lòng cảm kích sâu sắc đối với sự đồng hành của các tổ chức DEFRA cũng như GAHP trong việc đưa những vấn đề quan trọng này vào thực tiễn tại Việt Nam.

    Tiếp theo Chương trình, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Thiên Phương đã nhấn mạnh ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp bách trên toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Việt Nam, với cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đã khẳng định quyết tâm bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Đây là quyết tâm rất lớn và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Dự án “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học ở Việt Nam” do GAHP và VACNE phối hợp thực hiện có ý nghĩa quan trọng và thiết thực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm với những tác động xấu tới biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học ở Việt Nam và các quốc gia khác.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Thiên Phương phát biểu tại Hội thảo

    Tại Hội thảo, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Giám đốc Dự án đã trình bày tổng kết, đánh giá kết quả đạt được và tác động của các thành phần Dự án do VACNE thực hiện. Theo đó, trong gần 3 năm qua, Dự án đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Dự án đã phát triển 2 phương pháp phân tích dữ liệu viễn thám và thông tin địa lý (GIS) để lập các bản đồ phát hiện các khu vực đốt mở trong hoạt động nông nghiệp. Với các mô hình này, VACNE và các đối tác đã phân tích dữ liệu và thành lập hàng chục bản đồ GIS, thể hiện các lớp thông tin đa dạng. Qua đó đã xác định được 7 nhóm cây trồng có liên quan đến đốt mở ở Việt Nam là phụ phẩm cây lúa; phụ phẩm cây mía; phụ phẩm cây ngô; phụ phẩm cây khoai; phụ phẩm cây sắn; phụ phẩm cây nông nghiệp khác; điểm/vùng cháy do cháy rừng, đốt nương rẫy, đồng cỏ.

    Dự án đã thực hiện 4 nghiên cứu và xây dựng các kịch bản về tác động của ô nhiễm không khí do đốt mở đối với sức khỏe cộng đồng, bao gồm tính toán tác động của ô nhiễm không khí do đốt sinh khối đến sức khỏe cộng đồng tại tỉnh Long An; tính toán tác động sức khỏe và kinh tế do ô nhiễm không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh; đánh giá tác động sức khỏe do ô nhiễm không khí từ nguồn đốt mở trong nông nghiệp tại một số tỉnh, thành phố phía Bắc Việt Nam; nghiên cứu sự liên hệ giữa đốt mở trong nông nghiệp và bệnh về đường hô hấp ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

    Dự án thực hiện khảo sát và đánh giá nhận thức tại 17 tỉnh thành, đại diện 6 vùng kinh tế của cả nước. Hơn 4.000 mẫu/lượt người được khảo sát, định hướng vào các nhóm nông dân, cán bộ quản lý, đoàn thể cấp địa phương và cộng đồng, trong đó bao gồm cả sinh viên và các nhà nghiên cứu môi trường trẻ. Trên cơ sở các kết quả khảo sát về nhận thức, nhiều hoạt động truyền thông đã được thiết kế và triển khai trong khuôn khổ Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức do VACNE thực hiện.

    Dự án đã xây dựng các cơ chế hợp tác giữa các nhà khoa trong nước và quốc tế để phối hợp trong tổng quan tài liệu, xây dựng kiến thức, rà soát, đánh giá và lựa chọn công nghệ phù hợp. Dự án đã rà soát nhiều loại hình công nghệ, trong đó lựa chọn 6 loại hình công nghệ thay thế là trồng nấm sử dụng rơm rạ sau thu hoạch; phát triển quy trình thu gom và ủ rơm làm phân hữu cơ tại hộ gia đình sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma; xử lý rơm với ure làm thức ăn gia súc, nuôi trùn quế trên rơm rạ đã qua trồng nấm; ủ rơm rạ làm phân bón ngay tại ruộng sử dụng, sử dụng chế phẩm sinh học đa chủng, đa chức năng; quy trình làm phân bón hữu cơ thích ứng với canh tác lúa ngay tại ruộng, sử dụng chế phẩm sinh học.

    Dự án đã thực hiện áp dụng thí điểm các mô hình để giảm đốt mở, thực hành nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn tại các địa phương như Ninh Bình, Thanh Hóa, An Giang, Đồng Nai, Trà Vinh. Các mô hình này đã góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân tại các địa phương. Qua đó, góp phần tạo ra các giá trị về ổn định xã hội, nhất là khi các vụ mùa gặp khó khăn đã được các địa phương ghi nhận và đánh giá cao.

TS. Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch VACNE đánh giá cao kết quả nghiên cứu và góp ý một số nội dung nhằm hoàn thiện Dự án

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi và thảo luận về các giải pháp thay thế cho việc đốt lộ thiên, hướng đến những phương pháp bền vững và thân thiện với môi trường; đề xuất giải pháp thúc đẩy chính sách nhằm giảm thiểu tác động của các hoạt động đốt lộ thiên; đồng thời phân tích khả năng nhân rộng các mô hình trong phạm vi quốc gia và cho các quốc gia khác có điều kiện tương tự.

    Dự án đã kết nối được các kết quả từ khoa học đến thực hành, từ tập huấn cho từng nhóm cộng đồng chọn lọc đến truyền thông thay đổi nhận thức trên diện rộng. Đồng thời, Dự án có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện các chính sách và quy định cụ thể về quản lý chất lượng môi trường không khí, thực hiện các tiêu chí môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình quốc gia Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Nam Việt

Ý kiến của bạn