Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 19

15/09/2015

     Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH) lần thứ 19 (COP 19) được tổ chức từ ngày 11 -  22/11/2013 tại Warsaw (Ba Lan) với sự tham gia của 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hội nghị là dịp để các nước thảo luận, thống nhất các biện pháp chống BĐKH toàn cầu, thay thế cho Nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2020.     Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Môi trường Ba Lan Marcin Korolec nhấn mạnh, BĐKH đang là vấn đề chung của toàn cầu, nhằm kêu gọi toàn nhân loại tăng cường sự đoàn kết để ngăn chặn tác động của BĐKH. Siêu bão Haiyan vừa qua đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng ở Philippin, khiến hàng trăm nghìn người mất nhà cửa. Đó là một thảm kịch, nỗi đau cũng như là bằng chứng cho thấy chúng ta đang thua trong cuộc chiến không cân sức giữa con người và thiên nhiên và điều này sẽ tái diễn khủng khiếp hơn nếu chúng ta không đoàn kết chiến đấu chống lại nó.   Các đại biểu tham dự khai mạc Hội nghị COP 19 tưởng niệm các nạn nhân bão Haiyan ở Philippin        Bà Christina Figueres, Thư ký điều hành Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCC) khẳng định, thế giới đã và đang có những hành động thiết thực nhằm BVMT xung quanh vì an ninh, năng lượng, kinh tế và quản trị. Cộng đồng quốc tế đã ấn định mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu không vượt quá 2°C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Tuy nhiên, nếu không hành động, nhiệt độ sẽ có thể tăng lên tới gần 5°C trong giai đoạn từ nay đến cuối thế kỷ và các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tăng lên không ngừng.      Hội nghị lần này nhằm thúc đẩy các nước phát triển tăng cường viện trợ cho các nước đang phát triển, theo đúng cam kết trước đó là cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm giúp các nước này ứng phó với những tác động tiêu cực của BĐKH, gấp 10 lần so với giai đoạn 2010 - 2012. Đồng thời, tạo tiền đề cho khoảng thời gian 2 năm tiếp theo trước khi Pari đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về BĐKH, tại đó sẽ kết luận về một thỏa thuận toàn cầu và có ràng buộc, trong đó Pháp phải ký biên bản về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2015 và có hiệu lực từ năm 2020.      Cho tới thời điểm hiện tại, văn bản duy nhất hạn chế lượng khí thải độc hại gây hiệu ứng nhà kính là Nghị định thư Kyoto, tuy nhiên, nó chỉ ràng buộc các nước công nghiệp, ngoại trừ Mỹ chưa thông qua và chỉ bao gồm 15% tổng lượng khí thải. Thỏa thuận sắp tới sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto khi hết hiệu lực vào năm 2020 nhằm ràng buộc cả Mỹ và các nước mới, trong đó có Trung Quốc. Theo Monre
Ý kiến của bạn