Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

70% người tiêu dùng châu Á sẽ thực hiện các thay đổi để cải thiện môi trường

31/07/2023

    Theo kết quả nghiên cứu do Tập đoàn Alibaba ủy quyền, có tới 73% người tiêu dùng muốn có lối sống bền vững hơn, đặc biệt là những người sống ở các thị trường châu Á mới nổi (chiếm tới 87%). Tuy nhiên, sự bất tiện và chi phí cao được cho là trở ngại chính ngăn cản việc áp dụng lối sống bền vững.

    Người tiêu dùng muốn có lối sống bền vững hơn

    Nghiên cứu khảo sát có tiêu đề “The Sustainability Trends Report 2023” (tạm dịch: “Báo cáo Xu hướng phát triển bền vững năm 2023”), đã thăm dò ý kiến ​​của hơn 14.000 người tiêu dùng ở 14 thị trường trên khắp châu Á, châu Âu và Trung Đông. Nghiên cứu nhận thấy rằng, sự tiện lợi (có 53% người được hỏi trả lời) và khả năng chi trả (33%) là yếu tố quan trọng để thúc đẩy thay đổi hành vi trên tính bền vững của người tiêu dùng và các doanh nghiệp có thể giúp người tiêu dùng dễ dàng đưa ra các lựa chọn có ý thức bền vững hơn.

    Song người tiêu dùng tỏ ra hoài nghi (38%) đối với động lực cơ bản của các sản phẩm “bền vững” của doanh nghiệp, chỉ có 15% nói rằng, họ hoàn toàn tin tưởng vào những tuyên bố về tính bền vững của nhà sản xuất về sản phẩm. Các doanh nghiệp cần phải làm việc chăm chỉ hơn để xây dựng niềm tin đối với những người tiêu dùng đó, đặc biệt là những người sống ở thị trường châu Âu.

    Ông Liu Wei, Trưởng nhóm Chiến lược về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) của Tập đoàn Alibaba cho biết: “Là một công ty nền tảng kỹ thuật số, Alibaba có vị trí độc nhất và cam kết giải quyết thách thức về khoảng cách “giữa nói và làm”; bằng cách giảm trở ngại về sự bất tiện, bổ sung nhiều lựa chọn bền vững hơn và tối ưu hóa chuỗi cung ứng để duy trì chi phí hợp lý cho người tiêu dùng. Tiêu dùng bền vững là rất quan trọng vì môi trường, đồng thời mang đến cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp, cũng như toàn bộ nền kinh tế kỹ thuật số, để có sự phát triển lâu dài hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người”.

    Alibaba đã xuất bản Báo cáo mới nhất về Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp (Environmental, Social and Governance - ESG) vào cuối tháng 7/2023, trong đó lần đầu tiên Công ty tiết lộ tiến trình khử carbon ở Phạm vi 3+ kể từ khi đi tiên phong trong khái niệm này vào năm 2021 để cam kết giảm lượng khí thải carbon rộng rãi hơn trong hệ sinh thái của mình.

    Theo Báo cáo ESG mới nhất của Alibaba, nền tảng sổ cái carbon của Alibaba đã chứng kiến ​​tổng số 187 triệu người tiêu dùng tham gia các hoạt động giảm phát thải carbon trong 12 tháng tính đến ngày 31/3/023, với 1,91 triệu sản phẩm từ 409 thương hiệu được cung cấp trên Tmall và Taobao thông qua chương trình sản phẩm thân thiện với carbon thấp, vào tháng 3/2023.

    Người tiêu dùng sẵn sàng học cách mua hàng trực tuyến bền vững hơn

    Người tiêu dùng trên toàn cầu đang hướng tới lối sống bền vững hơn, nhưng có sự khác biệt giữa các khu vực về mức độ tham gia và cách họ muốn sống và mua sắm bền vững hơn.

    Nghiên cứu cho thấy, khoảng 3/4 người tiêu dùng (76%) sẽ hoan nghênh thêm thông tin về cách trở nên bền vững hơn. Tỷ lệ này cao nhất ở Philippin (93%), Indonesia (91%) và các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE (90%).

    Hơn một nửa (58%) người tiêu dùng nói rằng, họ đã tham gia vào các hoạt động bền vững và họ cảm thấy cá nhân họ đã làm được rất nhiều. Nhìn chung, mọi người cũng sẵn sàng tìm hiểu về các hoạt động trực tuyến bền vững, với trung bình 73% nói rằng, họ hoan nghênh có thêm thông tin về cách mua hàng trực tuyến bền vững hơn.

    Những người được hỏi từ các thị trường châu Á mới nổi (88%) thể hiện sự sẵn sàng cao hơn để tìm hiểu cách họ có thể mua hàng trực tuyến bền vững, cao hơn so với các thị trường châu Á phát triển (66%) và châu Âu (66%). Hành vi mua sắm trực tuyến bền vững cũng khác nhau giữa các khu vực, với các thị trường châu Á mới nổi (47%) có xu hướng chọn bao bì bền vững hơn, trong khi các thị trường ở châu Âu (47%) có xu hướng tái chế nhiều hơn.

    Doanh nghiệp cần xây dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với các tuyên bố về tính bền vững

    Việc thiếu thông tin về sản phẩm bền vững (48%) và giá của sản phẩm bền vững quá cao (45%) được cho là những rào cản chính khiến người tiêu dùng khó mua hàng bền vững hơn.

    Hơn một nửa số người tiêu dùng được khảo sát (53%) cho biết, họ sẽ chỉ đưa ra những lựa chọn bền vững nếu chúng thuận tiện, đặc biệt là ở thị trường châu Á (61%) so với thị trường châu Âu (36%). Có khoảng 1/3 (33%) nói rằng, cuộc sống bền vững không dễ có với giá cả phải chăng, trong đó Thái Lan (84%) dẫn đầu nhóm, tiếp theo là UAE (41%) và Tây Ban Nha (37%).

    Theo báo cáo, trong bối cảnh tâm lý của người tiêu dùng đang thay đổi, các doanh nghiệp có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp người tiêu dùng dễ dàng đưa ra các lựa chọn có ý thức bền vững hơn. Làm cho các sản phẩm bền vững có giá cả phải chăng hơn (61%), tạo ra ít sản phẩm sử dụng nhựa và bao bì sử dụng một lần hơn (55%) và nhiều lựa chọn sản phẩm và dịch vụ bền vững hơn (47%) là ba cách hàng đầu mà người tiêu dùng cho rằng, các doanh nghiệp có thể làm để nâng cao ý thức về bền vững của người tiêu dùng.

    Tuy nhiên, theo nghiên cứu, các doanh nghiệp cần phải làm việc chăm chỉ hơn để xây dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với các tuyên bố về tính bền vững của họ, đặc biệt là đối với những người sống ở các thị trường châu Âu. Có khoảng 23% người tiêu dùng cho biết, họ “không mấy tin tưởng” vào những tuyên bố về tính bền vững của sản phẩm từ các doanh nghiệp, với tỷ lệ cao nhất ở Pháp (31%), Tây Ban Nha (31%), Đức (30%) và Anh (30%).

    Gần 2/5 người tiêu dùng (38%) hoài nghi về động lực cơ bản của các sản phẩm bền vững của doanh nghiệp, trong đó Thái Lan (56%), Pháp (48%) và Singapore (47%) là ba thị trường hàng đầu mà người tiêu dùng cho rằng, các sản phẩm bền vững chỉ là một cách để các công ty bán sản phẩm của họ với giá cao hơn.

    Ông Liu Wei cho biết thêm: “Chúng tôi tin rằng, các công ty có thể giành được lòng tin từ người tiêu dùng tốt hơn bằng cách giải quyết khoảng cách “nói là làm” của chính họ, chẳng hạn như minh bạch hơn và cam kết hơn với các tuyên bố về tính bền vững của họ, đồng thời hỗ trợ các hoạt động bền vững của họ bằng dữ liệu. Điều này cũng sẽ dẫn đến sự đồng cảm lớn hơn đối với người tiêu dùng trên hành trình bền vững chung của chúng ta”.

Hồng Cẩm

Ý kiến của bạn