22/02/2016
Trên thế giới, bộ linh trưởng có 11 họ, 52 giống với trên 180 loài. Ở Việt Nam, bộ linh trưởng có 3 họ, 6 giống và 25 loài. Ba họ linh trưởng ở Việt Nam gồm có họ cu li, họ khỉ và họ vượn.
Sự phát triển của các loài linh trưởng
Thú linh trưởng Việt Nam nằm trong bộ linh trưởng (Primates), là những động vật bậc cao, với trí tuệ tinh anh hàng đầu so với các loài động vật khác. Tất cả các loài linh trưởng đều có tay chân gần giống người và cử động rất linh hoạt giúp chúng có thể cầm nắm dễ dàng, chi có móng thay vì vuốt như các loài thú khác. Thú linh trưởng có hai mắt nằm trước trán hướng về phía trước chứ không nằm hai bên như nhiều động vật.
Linh trưởng là một loài động vật đặc biệt, có đặc tính giống với con người nhất. Não linh trưởng được tiến hóa và phát triển rất cao, xét về tỷ trọng so với trọng lượng cơ thể thì loài linh trưởng có não lớn nhất so với các loài động vật. Cấu tạo này đem lại khả năng phát triển cao hơn của loài này so với các loài khác. Lý giải về điều này, các nhà nhân chủng học tự nhiên cho rằng, trí thông minh cao tương đối của các loài linh trưởng hình thành do chọn lọc tự nhiên trong quá trình tạo ra công cụ lao động.
Qua nghiên cứu cho thấy, rất nhiều loài linh trưởng có những biểu hiện cảm xúc rất đa dạng và giống với những cảm xúc mà con người có. Đặc biệt với các loài như dã nhân (Gorilla), tinh tinh (Chimpazee)… có những tình cảm giống với con người. Các loài linh trưởng là những loài thông minh và có khả năng thích nghi rất cao với các điều kiện môi trường khác nhau.Trong chu trình tiến hóa của các loài linh trưởng, có sự giảm theo trình tự kích thước mũi và trung khu khứu giác trên não. Phần lớn, các loài khỉ hầu và vượn người tiến hóa với mũi nhỏ, trong khi các loài vượn cáo có mõm dài giống như các loài cáo và gấu trúc Mỹ.
Tổ chức xã hội của các loài linh trưởng rất phức tạp. Các loài linh trưởng được xem là những loài có tổ chức xã hội chặt chẽ và rất đa dạng về hình thức xã hội (đời sống) như: Đơn lẻ như các loài cu li, các loài khỉ mắt trố…; Một vợ, một chồng như các loài vượn; Một đực - nhiều cái như nhiều loài khỉ ăn lá; Nhiều đực - nhiều cái, một cái - nhiều đực như một số loài khỉ sóc ở Nam Mỹ.
Voọc mũi hếch, một trong những loài linh trưởng phân bố ở Việt Nam đang có nguy cơ tuyệt chủng |
Bảo tồn và phát triển bền vững các loài linh trưởng
Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao trên thế giới với nhiều loài động - thực vật hoang dã quý hiếm, đặc biệt là các loài linh trưởng. Với điều kiện về địa lý và khí hậu, Việt Nam là nơi cư trú bản địa của 25 loài và phân loài linh trưởng trong tổng số 612 loài và phân loài được Tổ chức Bảo tồn thiên quốc tế (IUCN) công nhận. Trong đó, có 5 loài và phân loài đặc hữu của Việt Nam gồm voọc mũi hếch, voọc mông trắng, voọc Cát Bà, chà vá chân xám và khỉ đuôi dài Côn Đảo.
Cũng như nhiều loài động vật hoang dã khác, linh trưởng đang có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng do nạn săn bắn bất hợp pháp, buôn bán trái phép, sinh cảnh sống bị thu hẹp. Hiện nay, độ che phủ rừng ở Việt Nam đã giảm đáng kể, xuống còn khoảng 40% năm 2015, trong đó diện tích dành cho sinh cảnh sống của các loài linh trưởng rất hạn chế. Công tác bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân như việc chuyển đổi sử dụng diện tích đất rừng sang mục đích khác, các khu bảo tồn có diện tích nhỏ và bị cô lập ảnh hưởng đến môi trường sống và sự hoạt động của các loài thú linh trưởng. Mặt khác, công tác quản lý của các cơ quan chức năng còn hạn chế về nguồn lực, nguồn tài chính và nhân lực, đồng thời việc thực thi luật pháp không nghiêm và lực lượng kiểm lâm còn mỏng.
Trong hơn 50 năm qua, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và thiết lập 164 khu rừng đặc dụng với diện tích trên 2,2 triệu ha, trong đó có 32 Vườn quốc gia, 58 khu bảo tồn thiên nhiên và 12 khu bảo tồn loài và sinh cảnh và các khu bảo vệ cảnh quan… nhằm bảo tồn và phát triển bền vững các loài linh trưởng Việt Nam. Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm, xây dựng và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học trong đó có các loài linh trưởng.
Bên cạnh việc bảo tồn nguyên vị thì việc nỗ lực bảo tồn chuyển vị các loài linh trưởng ở Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận thông qua việc thành lập Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng tại Vườn quốc gia Cúc Phương vào năm 1993. Trung tâm này đã cứu hộ hơn 260 cá thể, cho sinh sản thành công 240 cá thể của 12 loài, thả trên 50 cá thể về sinh cảnh tự nhiên. Hiện tại, Trung tâm đang cứu hộ, chăm sóc trên 150 cá thể. Đến nay, đã có thêm nhiều Trung tâm cứu hộ linh trưởng được thành lập và đi vào hoạt động tại Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) và tại đảo Hòn Me (Kiên Giang). Bảo tồn và phát triển bền vững các loài linh trưởng đòi hỏi nỗ lực cao của mỗi quốc gia và sự hợp tác có tâm huyết của cộng đồng quốc tế.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2016)