Banner trang chủ

Về với thiên nhiên ở làng tre Phú An

08/07/2019

    “Tre xanh xanh tự bao giờ ?…” nếu những bạn nhỏ thành phố chỉ biết đến tre qua những vần thơ, trang sách thì trại hè Lớp học xanh đã đưa các em về với thiên nhiên, chạm tay vào thân cây tre và khám phá những cung bậc cảm xúc khác nhau trong không gian thuần tự nhiên của khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An.

 

 

Trân quý thiên nhiên

    Các bạn nhỏ được chia thành từng nhóm theo độ tuổi và đặt tên ngộ nghĩnh theo tên một loại tre: Tre Nam bộ, Mai ống, Sọc vàng, Lộc ngộc, Mạy Muồi… Nhỏ nhất là nhóm Tre Nam bộ (3 - 5 tuổi) tự lập, dung dăng đi giữa rừng tre. Các em háo hức sờ vào thân tre, chăm chú nghe người dẫn dắt: Tiến sĩ môi trường Diệp Thị Mỹ Hạnh kể về đặc điểm của các loại tre, lợi ích của tre rồi vẽ tranh minh họa sự khác biệt giữa các giống tre,

   “Những ngôi nhà này sẽ không cần dùng máy lạnh vì suốt ngày được tre che bóng mát. Ngôi nhà cũng không sợ gió bão vì có tre che chắn”, Quang Huy (7 tuổi) thuyết trình về bức tranh Những ngôi nhà dưới bóng tre của nhóm Lộc ngộc.

   Đâu đó trong vườn rộn rã tiếng reo vui thích thú khi các em được Gurgand - vị giáo sư người Pháp chỉ cho xem xác của con ve sầu hay một con cuốn chiếu đang cuộn người.

    Ở khoảng sân rộng mát rợp bóng tre, những nông dân tí hon được học về quy trình trồng cây, cách làm cho đất tơi xốp, giữ nước cho cây và tự tay gieo những hạt đậu xanh đã ươm mầm. Sau buổi thử sức ngoài vườn, trẻ đã hiểu để có thực phẩm cho mình sử dụng mỗi ngày, người trồng đã vất vả như thế nào. “Phải cuốc đất, gieo hạt, phủ lớp đất mặt, tưới nước, gieo hạt rồi chờ đợi thật lâu thì cây đậu xanh này mới lớn, cho hạt đậu để nấu chè. Có nghĩa là muốn có một chén chè đậu xanh thì người nông dân phải lao động thật vất vả, do đó, các bạn cần phải biết quý trọng thức ăn, không lãng phí nha!”, Bé Hồng Anh (10 tuổi) dặn dò các bạn trong bữa xế với món chè đậu xanh do các cô ở làng tre chuẩn bị.

Những bài học hữu ích

   “Ai trong các con đã từng bị đứt tay”, “từng bị bỏng”, “từng bị chảy máu cam?” Từng câu hỏi của người hướng dẫn là hàng loạt cánh tay nhỏ xíu lại đưa lên “khoe” tai nạn đầu đời. Điều đó cho thấy các em nhỏ ở tuổi mẫu giáo và tiểu học là hai nhóm tuổi có tỉ lệ tai nạn thương tật cao. Tuổi mẫu giáo là tuổi các em bắt đầu đi đến trường, xa rời vòng tay của cha mẹ. Còn tuổi tiểu học lại là độ tuổi tò mò, ham khám phá, dễ bị lôi kéo. Nhưng cha mẹ không thể nào đi theo bảo vệ con suốt ngày, hoặc triệt tiêu mọi nguy cơ quanh con. Vì thế, lớp học xanh SASCO đưa ra những kiến thức gần gũi giúp trẻ ý thức an toàn, chủ động phòng ngừa và tự bảo vệ bản thân đồng thời chỉ dẫn sơ cấp cứu cơ bản trong trường hợp cần thiết như: đứt tay, bỏng, chảy máu cam.

   Sau giờ học, các bé đã có những kết luận làm ba mẹ cảm thấy rất yên tâm: Chúng ta có thể đùa nghịch dưới các vũng nước nông, nhưng ao lớn, hồ hay sông thì phải tránh xa vì chúng nguy hiểm; lửa thì nguy hiểm nhưng cực kỳ quan trọng để nướng một củ khoai, nấu một nồi cơm; Nếu bỏng thì nên nhúng tay vào nước lạnh nhưng phải sạch…

    Rộn ràng nhất là hai trò chơi chuyền nước và phân loại rác. Nếu trò chuyền nước cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên để không bị hao hụt nước sạch thì trò chơi phân loại rác cần sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để lựa các loại rác thải đúng quy định. Chị Thu Thủy, người quản trò cho biết trò chơi nhằm hướng dẫn trẻ biết thu nhặt và phân loại rác, sống thân thiện, chan hòa hơn với môi trường…

    Không đặt quá nhiều tiêu chí cho trại hè thiếu nhi, mỗi mùa hè, SASCO cố gắng đưa các em đến gần hơn với thiên nhiên. Dưới những tán cây, phiến lá trong lành, các em tự do khám phá những cảm nhận tinh tế, sự rung cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên và thêm yêu quê hương, đất nước. Tình yêu thiên nhiên được xây dựng ngay từ khi trẻ còn nhỏ sẽ làm đẹp hơn ký ức tuổi thơ và xây dựng cho trẻ ý thức hơn trong việc bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.

 

Lê Kha

Ý kiến của bạn